• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Một “Đà Lạt” đang phôi thai ở Tây Bắc

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 20/01/2012
Ngày cập nhật: 22/1/2012

Anh ta bảo trên đời có "ông" Bùi Giáng giang hồ với thi ca, sống đã thành thơ, thì tôi đây cũng có thể giang hồ với cây trồng. Và ông giang hồ như thế thật suốt 35 năm nay...

Đà Lạt bây giờ người ta có thể thấy các phòng nhân nuôi tế bào thực vật khắp nơi. Trần Lệ -một người đàn ông Việt mang vóc dáng và khuôn mặt "Ấn Độ" là người khai mào cho nền cấy mô đó đấy, từ 37 năm trước. Khi nền nông nghiệp bao cấp còn mù tịt với thực vật cấy mô, và cây giống từ ống nghiệm là thứ xa xỉ thì với Đà Lạt điều đó đã "bình thường", và chính Trần Lệ đã làm nên điều bình thường đáng kể đó. Mà không chỉ khoai tây, còn hoa địa lan, phong lan, cúc, cẩm chướng... Năm năm sau khi thổi vào đời sống công nghệ sinh học và nông nghiệp ở xứ lạnh tư duy về cây trồng từ ống nghiệm đó, lập ra cả một Trung tâm cấy mô ở tỉnh lẻ duy nhất trong cả nước, nông dân và quan quyền quen thuộc với giống cấy mô, Trần Lệ chọn thế giới cây trồng và "Tình yêu" - lấy một cô gái dạy đàn Piano làm vợ. Và cuộc phiêu lãng với cây trồng bắt đầu...

SỰ THỰC DỤNG LÃNG MẠN

Gác kiếm với cơ quan Nhà nước, Trần Lệ về lập ra phòng cấy mô ở nhà, để sản xuất giống khoai tây, hoa các loại cung cấp cho nông dân toàn Đà Lạt trồng. Anh biến căn nhà của mình thành trung tâm cấy mô cá thể, mà chỉ ít năm đã lớn hơn mọi trung tâm cấy mô của "quốc doanh" trên địa bàn. Hàng chục kỹ thuật viên làm việc cho phòng cấy mô tư nhân của anh. Chủ của nhiều điểm cấy mô lớn sau này là do phòng cấy mô tư nhân anh đào tạo ra.

Khi cuộc chơi trong phòng thí nghiệm đã mòn, Trần Lệ nối liên lạc với các nhà cây trồng của Nhật. Cây Wasabi - để sản xuất ra mù tạt - từ xứ Phù Tang được đưa sang trồng xuống những cánh rừng bán nhiệt đới ở Tà Nung - ngoại vi Đà Lạt. Những trảng rừng Wasabi dưới tay chơi thực vật Trần Lệ, được các doanh nghiệp khác học lấy mà nhân ra và sản xuất qui mô hơn để xuất khẩu ngược củ sang Nhật. Những cánh rừng Wasabi đây đó đang đêm ngày phát triển ẩn dật trong các thảm rừng lá rộng ở Nam Tây Nguyên phảng phất linh hồn của Trần Lệ là vậy. Bằng cảm xúc chân thành, sự am tường về công nghệ sinh học (học và làm việc bảy năm rưỡi ở một trường đại học của Hunggari) và tài hoa của mình với cây trồng, anh ta đã tự kết giao được với nhiều nhà cây trồng nước ngoài. Nên khi nhiều nơi ở Đà Lạt đã "đá" thạo sân với cây Wasabi, Trần Lệ tìm tới những nhà thực vật Úc để đưa cây Polownia - một loại cây cho gỗ nhẹ nhưng dai để làm báng súng và thùng chứa đồ điện tử cao cấp - để đưa cây này về trồng ở Đà Lạt. Bấy giờ chưa ai để ý đến nhu cầu phủ xanh những đồi trọc ngoại ô xa của Đà Lạt thì Trần Lệ xin chính quyền sở tại cho nhận những ngọn đồi trơ trọi bỏ phí ấy để trồng thông ba lá, Polownia và để khảo cứu các loại giống cây trồng nhập nội có giá trị đặc biệt khác...

Những ngọn đồi trọc ở Tà Nung chưa đủ không gian để tung hứng, Trần Lệ tìm vào một thung lũng nằm sâu trong rừng Lạc Dương để kiếm vùng đất đủ lạnh để "vào cuộc" với các loại hoa ôn đới cao cấp. Dưới sự giúp sức của một người bạn mê say cây trồng khác, họ đã trồng thành công khi làm ra được củ giống hoa lyli để trồng thay vì phải nhập toàn bộ giống như các công ty trồng hoa xuất khẩu nước ngoài hiện diện ở Đà Lạt. Thường với cây lyli, người ta cắt xong cây hoa này đi thì đào bỏ củ. Ở đây, Trần Lệ và bạn mình để thế, chừa lại phần gốc 20cm và tìm cách tác động sinh học, kích thích cho phần gốc sinh ra nhiều củ nhỏ, kiểu như hành, tỏi vậy. Từng chiếc củ bé tẹo kia chính là từng củ giống để gầy lên, trồng nên cây. Cho đến bây giờ, ở VN, mỗi năm phải nhập khẩu trên 40 triệu củ giống hoa lyli, với ước khoảng 60 tỉ đồng đổ ra mỗi năm. Còn các ông giờ đây, đã tự chủ động nguồn giống hoa đặc biệt cao cấp này trong sản xuất là điều ngoạn mục. Vừa chinh phục cây lyli cùng bạn, anh ta vừa duy trì những hoạt động của hệ thống cấy mô gia đình ở nhà ngoài phố - sản xuất nhân giống rau, hoa trong phòng cấy mô - để kiếm nguồn tiền đảm bảo. Ít năm sau, giao luôn cái thung lũng đó lại cho bạn bè, anh ta "bay" đi, tìm "không gian cây trồng" khác lạ hơn nữa...

Một Đà Lạt đất đai tốt tươi, khí hậu mát lành, điều hòa, quá rõ là thiên đường hiếm hoi cho cây trồng, rau, hoa... ở VN. Liệu còn một thiên đường nào nữa không trên đất nước này với cây trồng cao cấp? Vai trò của vùng hoa, rau cao cấp của Đà Lạt với phía Nam đã rõ, thế còn vùng rau, hoa cao cấp cho phía Bắc, miền Trung - đang ở đâu; tại sao không? Lãnh đạo Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh từng mời Trần Lệ ra cho ý tưởng về một mô hình rau, hoa ôn đới trên núi Bà Nà. Lên tới ngọn Bà Nà, Trần Lệ khuyên: “Bà Nà nhỏ, phải tiết kiệm đất để làm du lịch sẽ hiệu quả hơn nữa, đừng xài cho sản xuất rau, hoa mà... phí". Tương tự, lãnh đạo ngành Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng từng rước Trần Lệ lên dãy Bạch Mã... để đánh giá khả năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Không tranh thủ hay tham lam, mà chân thành, Trần Lệ nhìn thấy những cánh rừng lá rộng nguyên sinh tuyệt đẹp của Bạch Mã để khuyên họ: "Rừng đẹp thế này mà san bằng từng hécta ra để làm... nông thì xót lắm, cho dù nông nghiệp cao cấp"... Có chỗ người ta biết Trần Lệ "lắm khả năng" với cây trồng, nên hay mời ông đến dòm thử, tư vấn. Còn với riêng anh ta, những năm 2000 ấy, theo bản đồ quốc gia, cứ nơi nào có núi cao là Trần Lệ tìm đến. Anh ta rằng, vì không hiểu bản chất con người của anh và "quan hệ", duyên nợ của anh với cây trồng, nên thấy mình lọ mọ với núi cao, có nơi họ còn... cảnh giác, hiểu nhầm.

Trong lúc người ta nhắm phương Nam để phát triển nền trồng rau, hoa cao cấp thì ông dần dần nhắm ngược ra đàng ngoài xa xôi hơn, tận miền núi cao phía Bắc - dù nó nổi tiếng về sự ít màu mỡ của đất đai, núi đá vôi, hiểm trở và cách trở, cùng khí hậu khắc nghiệt - nóng thì cháy rát và lạnh thì nhiều khi có cả băng tuyết. "Trồng cây được ở nơi khắc nghiệt, ai cũng chê mới là công việc của một người làm khoa học thực hành nông nghiệp, mới thú vị", ông nói. Ông có ba năm để cày nát vùng miền núi phía Bắc như thế, kể cả vùng biên giới giáp ranh với Lào và Trung Quốc. Ông khảo sát khí hậu, thổ nhưỡng, lấy từng mẫu đất đưa về Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt để phân tích, có những mẫu đặc thù hơn còn phải gửi sang Hà Lan, và nghiên cứu cả đặc điểm dân sinh miền núi cao phía Bắc. Ngay chuẩn mực và già dặn về khảo cứu thực vật như người Pháp cũng không từng chọn Tây Bắc cho ý tưởng xây dựng vùng sản xuất rau, hoa, hay phát triển vùng cây trồng giá trị cao kia mà. Trần Lệ liều thiệt, dám lấp vào khoảng trống mà người Pháp bỏ trống (hay dở dang?).

ĐI TÌM "THIÊN ĐƯỜNG" MỚI CHO RAU, HOA

Ông là kẻ "tự đày" mình, khi mà đời sống ở Đà Lạt đang thuộc hàng trung lưu, vợ đẹp, con giỏi, nguồn tiền thu từ hệ thống cấy mô nhịp nhàng. Bỗng dưng thành kẻ rày đây mai đó, phiêu du, bao lo chuyện thiên hạ. Dấu chân anh ta dẫm qua khắp các vùng người Mường, Mông, Tày, Nùng, Hà Nhì, Dao, Thái... suốt những năm rồi. Là Nhà khảo cứu và ứng dụng nông nghiệp cao đúng nghĩa, ông biết rõ "Thi sĩ thì bay, còn tôi thì phải xuống mặt đất"... Để tiết kiệm tiền, dành kinh phí đầu tư vào các nông trang, Trần Lệ không sắm xe hơi riêng, cứ xuống Hà Nội đi xe đò lên các tỉnh anh ta "cắm" các trạm khảo cứu và nông trại tài tử đó.

Quy luật cho thấy, người ta từng thường mất 100 năm cho lập bản đồ khoáng sản, nhưng bản đồ nông nghiệp thì phải vài trăm năm. Trần Lệ vẫn "chinh phục" cây trồng trong tâm thế một người từng làm khoa học (Trưởng Trung tâm cấy mô Đà Lạt - Thuộc Trung tâm Khoa học - Tự nhiên và Công nghệ quốc gia ngay sau ngày thống nhất). Theo đó, ở hành trình khát vọng đầy mơ mộng của mình, sổ tay của anh ta ghi đầy những dòng nhật ký về thổ nhưỡng, thủy văn, hệ cây trồng tự nhiên vùng núi non phương Bắc này trong suốt những tháng ngày đầu của những năm 2000 đó. Rồi điều nghiên của anh ta đã chỉ ra: "Khí hậu miền núi phía Bắc phức tạp!". Ấy là, vùng Đông Bắc luôn vấp phải gió mùa Đông Bắc, với mưa phùn nhiều, ẩm độ rất cao, kéo dài, có dịp lên cả 100%; tức dịch bệnh trên cây trồng sẽ nhiều - mà đây là thứ nguy hiểm nhất với cây trồng, khó thích nghi cho rau, hoa ôn đới cao cấp. Ngay vùng người ta hay nhắc đến là cao nguyên Mộc Châu, Ba Vì... thì theo ông là sương mù nhiều, và mùa đông quá lạnh. Trần Lệ rút ra qui luật, cứ ở đâu có độ cao trên 900m so với mực nước biển là có thể vô tư trồng hoa ôn đới, dĩ nhiên nếu như khí hậu vùng đấy ôn hòa. Trong khi đó, cũng thời điểm như thế, thì phía Tây Bắc - nơi chắn được gió mùa Đông Bắc thì lại khô không khốc. Thứ nữa, phía Tây Bắc lại dính thứ gió Lào vốn ám ảnh cây trồng. Nhờ sự lặn lội và tỉ mẩn trong điều nghiên cơ bản, anh ta thấy từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau thì vùng Tây Bắc có hơi hám "Đà Lạt" - gió mát, mưa ít, trời trong thanh, khí hậu se se lạnh. Đà Lạt nay vẫn là nơi duy nhất ở VN, và cũng là không nhiều ở châu Á khả dĩ trồng được hoa, rau quanh năm. Cuộc lặn lội bền bỉ của Trần Lệ đã chỉ ra cho anh ta một vùng ở Điện Biên có tên Mường Phăng hội đủ những yếu tố tự nhiên phù hợp cho rau, hoa ôn đới có thể sinh trưởng tốt. Trần Lệ hạ trại ở vùng này để "chiến đấu" với cây hoa cắt cành. Kế đó, vùng ít ôn hòa hơn là xã Quyết Chiến, Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình - anh ta bắt tay triển khai xây dựng vùng rau cao cấp và rau đặc sản. Không cần lấy sổ đỏ, cứ thế xây lập nông trang, đưa các loại hoa, rau củ ôn đới đến. Một nơi 5ha, còn nơi kia 32ha, anh ta tổ chức trồng từ lyli, địa lan, trúc lan, hồ điệp, các loại cúc, đồng tiền, cẩm chướng, loa kèn, cùng đó lần lượt khảo nghiệm đến 43 loại rau cao cấp... trong suốt bảy năm qua để chọn chủng loài thích nghi. Nay hàng tuần rau xanh đưa ra các đô thị lân cận, còn cứ Tết đến thì hoa địa lan, lyli, lan hồ Điệp... của anh ta xuất hiện ở Thủ đô Hà Nội. Trong khi đó, tại một vùng rừng khác heo hút ở Bắc Yên (Sơn La), Ô Quí Hồ (Sapa) anh cũng đã bí mật lặng thầm đặt cây Wasabi xuống khảo cứu, rồi ít lâu sau đó nhân giống thành công cây Wasabi, khi dựa vào sự khắc nghiệt, đủ lạnh "tàn bạo" và nóng "khốc liệt" để cây này có thể ủ mình, ngủ đủ lâu, phát dục, thì lúc trỗi dậy mới có thể trổ bông và đậu hạt... Thực nghiệm của anh đã chứng minh chỏm núi rừng ở Sơn La và Lào Cai ấy là hai nơi có thể xây dựng thành vùng sản xuất được giống Wasabi, thay vì chỉ nhập toàn bộ từ Nhật Bản như lâu nay đang trồng ở Đà Lạt... Ngoài Trần Lệ, cho đến giờ cũng chẳng có cơ quan nào ở VN quan tâm sâu và có thể làm cho Wasabi trổ hoa và kết hạt được. Vậy là chính anh chàng "cao bồi" này của xứ Đà Lạt đã khám phá ra tiềm năng ẩn của đất trời Tây Bắc với rau hoa ôn đới công nghệ cao, chứ không phải đơn vị nào ở tại chỗ.

Cuộc chơi kiểu tài tử với cây trồng, khi tự tin ở chính mình như thế này quả khó có ai đủ cảm hứng và hiểu biết về để "chơi" tới nơi như thế. Vì vậy, anh ta an nhiên tự tìm đất của bà con dân bản thuê mà "chơi"; không cần xin sỏ dự án, chẳng nhờ vả các cấp bố trí đất đai, và cũng không để ý đến khái niệm "cấp quyền sử dụng đất". Anh ta tự tin để nghĩ rằng chính quyền các tỉnh kia sẽ âm thầm ủng hộ cuộc kỳ công khảo cứu cây trồng của mình. Họ ắt cần sự "điên khùng" kiểu anh, cụ thể là mô hình như anh làm thành công để nhân ra, dẫn đạo, lấy làm giải pháp cho việc phát triển nông nghiệp cải thiện hoặc thay đổi được cuộc sống ở các vùng dân tộc thiểu số vốn luôn nghèo khổ ở địa phương mình khi bao năm cũng chỉ vẫn quẩn quanh trong nền canh nông bé mọn qua ngày với cây khoai sọ, ngô, lúa, cùng lối chăn nuôi gà, heo èo uột. " Mình làm trong sáng thế, lại bám vùng sâu vùng sa, núi rừng hiểm trở, nơi chẳng "Nhà đầu tư" nào mặn đoái hoài, nên chắc không ai ngăn cản hay ganh tị làm gì đâu", anh ta cười vang lên.

"NHÂN BẢN" ĐÀ LẠT

"Không hà cớ gì chỉ mỗi Đà Lạt mới là trung tâm rau, hoa cao cấp cả", anh ta luôn ra đề cho mình như vậy. Nơi nào ít thuận lợi, thì phải tìm cách trồng, bắt cây trồng thích nghi. "Tôi nghĩ sự thành công của nền nông nghiệp Đà Lạt, mô hình nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao của Đà Lạt, biết cách học, cách làm, vẫn có thể áp dụng cho nơi khác, theo từng mức độ", Trần Lệ lập luận. Cứ thế dần dần sẽ có thêm "Đà Lạt". Theo anh ta, Đà Lạt dù nổi tiếng, dù thuận lợi cho thảo mộc, nhưng cũng đã "chật" rồi - có lẽ nó mau "chật" cũng chính bởi nó quá nổi tiếng và quá thuận lợi cho việc trồng trọt. Nhìn cơn"mưa Resort" đang trút xuống Đà Lạt ba năm trở lại đây, Trần Lệ còn nhận ra núi rừng Đà Lạt đã "ngợp" thở rồi chứ không chỉ "chật".

Sáu năm bắt tay vào trồng chính thức, loài hoa Địa lan độc tôn của Đà Lạt đã xuất hiện ở Mường Phăng, Điện Biên. Không chỉ 20 ngàn chậu địa lan, 100 ngàn chậu phong lan hồ Điệp... đã phát triển chễm chệ giữa trời đất Tây Bắc. Ngoạn mục hơn, anh ta đã chở nguyên Trung tâm cấy mô của gia đình mình trên một chiếc xe tải ra Điện Biên. Trang trại nơi heo hút của ông điện lưới chưa tới, thế là chở trọn hệ thống cấy mô này thẳng vào tặng cho Trường trung cấp Nghề Điện Biên. Mục đích của ông là để "phổ biến" việc nhân giống cây nông nghiệp trong ống nghiệm cho dân chúng vùng này, và nữa là khi cần giống cho nông trang của mình trên địa bàn có thể đến đây làm luôn, có sẵn nguồn nhân lực để hướng dẫn và thuê nhân cấy.

Vậy đấy, hơn mười năm qua anh ta thoát biến thoát hiện khỏi Đà Lạt như thế. Vợ anh ta không biết anh làm gì ngoài Tây Bắc, từng cử đứa con trai ra xem. Cậu trai ra thấy bố trồng nên những vườn Địa lan, Lyli, phong lan, laizơn, rau xanh... cứ như một Đà Lạt đã được "di dời" ra miền núi phía Bắc. Nhưng cậu ta không chịu được cái buồn cùng sự khắc nghiệt của núi rừng Tây Bắc lại quay về, sau hơn một năm tham gia cuộc chinh phục thực vật kỳ dị của người bố.

Mỗi lần gặp tôi, anh ta bảo "Không biết kỳ này mang được cây gì của Đà Lạt ra Tây Bắc nữa đây!?". Đà Lạt suốt gần 120 năm qua, kể từ ngày nhà thám hiểm A.Yersin lập Trạm khảo cứu nông nghiệp Dankia, nay đã như một bảo tàng về giống rau hoa ôn đới rồi, sôi động và đa dạng thảo mộc giá trị cao. Ở Mường Phăng, Tân Lạc, Bắc Yên... xa cách đó, Trần Lệ những năm rồi đã khảo nghiệm hoàn hảo không chỉ các loại hoa cắt cành của Đà Lạt mà còn rau Dền đỏ, súp lơ xanh, cải bắp, khoai lang Nhật... Bạo hơn, ở vùng Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, anh ta còn khảo cứu rồi trồng lên cả những vườn cây dược liệu quí như Giải Cổ Lam, Atisô...

Thực ra không chỉ có cây có giá trị thương mại, anh ta cứ "tha", di thực dần từ cây Mai Anh Đào, Mimosa, đến cây hồng cho trái, bơ, dây mác mác, kiều mạch, hồng Fuzu, khoai tây ruột tím ruột vàng, dâu tây... của Đà Lạt ra đấy. Anh ta hay tâm tình việc mơ tưởng về những mảng đồi trổ rực rỡ hồng loài hoa Mai Anh Đào, và sắc vàng lung linh của Mimosa đặc trưng của thành phố cao nguyên phương nam Đà Lạt ở núi rừng Tây Bắc. Rồi ngay cả những cây Sakura bạn bè Nhật tặng chưa kịp trồng cho Đà Lạt anh cũng dành nó cho ngoài kia nốt. Tôi nói, anh định "chở" hết vốn quí của Đà Lạt đi à? Anh ta bảo, "Chở được thì tôi cũng chở. Thêm nhiều Đà Lạt chỉ có đẹp hơn, tốt ra cho đất nước này. Nhưng làm sao mà chở, khi ở Đà Lạt thả thứ cây gì xuống cũng đơm hoa kết trái, thành công. Còn Tây Bắc khắc nghiệt kia, cây trồng lạ phải oằn mình thích nghi, người đưa nó đến thì phải quẫy đạp trăm bề cho cây nó sinh tồn". Anh ta tin rằng, không chỉ học cách làm cho dạ dày no, đất đai phải sinh lợi lớn, phải là nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, các sắc dân thiểu số Tây Bắc sẽ phải ngạc nhiên khi đến các nông trại, vườn khảo cứu của mình để ngắm nhìn hoa lạ. Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên Phạm Đức Hiển tâm sự rằng ông cảm kích trước khát vọng "nhân bản" Đà Lạt của Trần Lệ. Ông Hiển nói đó là lý do để địa phương trân quí, chiều Trần Lệ, đáp ứng bất cứ gì Trần Lệ cần. "Khi thấy Trần Lệ từ xa ngược ra trồng khảo cứu thành công hoa lyli, cây lại tốt xinh hơn cả những nơi khác trong nước, tôi lâng lâng, mừng cho quê hương. Trần Lệ chính là người cấy vào chúng tôi niềm hy vọng - hy vọng về một ý tưởng hình thành nền sản xuất rau hoa cao cấp ở tỉnh vốn nghèo và cơ cực này", ông Hiển hàm ơn. Và tỏ ra trân quí tay "hiệp sĩ cây trồng" đến từ phương Nam, ông Hiển chậm rãi: "Anh ấy thật dồi dào ý tưởng về cây trồng, thậm chí bay bổng; là kẻ mở đường, người đầu tiên đưa các loài hoa thương mại cao cấp nổi tiếng đến, trồng, làm trổ bông và tỏa hương ở núi rừng Tây Bắc đấy...".

Trần Lệ bảo, đừng hỏi vì sao anh ta mải mê với cuộc trường chinh đi chinh phục cây trồng, khảo cứu thực vật, xây dựng mô hình ứng dụng nông nghiệp hàng hóa hiện đại. Vì nếu hỏi vậy, thì thử trả lời đi, rằng hà cớ sao ở đời có người cả đời mải mê đi tìm những loài thú mới ở rừng, những nhà địa chất lang thang núi non đây đó đi tìm những mẫu khoáng vật, rồi người khác cứ lặn xuống biển khảo sát đáy đại dương, kẻ thích trèo chinh phục các đỉnh núi xa xôi trên thế giới, hay những người năm tháng này kia lặng lẽ đi sưu tầm sử thi, người lại chuyên tâm luyện mãi một thứ nhạc cụ nào đó... "Tôi còn "hiện sinh" hơn họ chán, vẫn chỉ luẩn quẩn với mặt đất, xoay xở mặt đất, trên đất nước mình", anh ta trần tình.

Ba năm nay, những nơi anh ta đặt các trạm khảo nghiệm cây trồng, và lập nông trang trồng cây hàng hóa, các chính quyền sở tại đã hay lui tới, ghé tham quan, tìm hiểu mô hình, và kết giao với một con người si mê cây trồng đến kỳ quái từ xa tới. Một "Đà Lạt" nữa đang phôi thai hình thành ở Tây Bắc qua tay một người không ăn lương Nhà nước. Ít nhất, trước hết nó là khát vọng đẹp, cuộc chơi đẹp, nghiêm túc, tài hoa và trí tuệ.

Ký sự Nguyễn Hàng Tình

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang