• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Ngãi: Trồng tre chống biến đổi khí hậu

Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi, 23/12/2013
Ngày cập nhật: 24/12/2013

Về với vùng rốn lũ những ngày sau cơn bão lịch sử, bà con nông dân Quảng Ngãi ồ ạt rủ nhau trồng tre. Sau rất nhiều năm gần như bị bỏ rơi, giờ đây nhiều người mới ý thức được tầm quan trọng đặc biệt của cây tre.

* Ồ ạt trồng tre sau lũ

Dẫn chúng tôi băng qua những mảnh ruộng ngập sâu trong bùn đất đến với bờ Sông Vệ. Hình ảnh hiện ra trước mắt tôi là những đoạn tre già vừa được trồng xuống bên những ruộng hoa màu của bà con trong thôn.

Trong câu chuyện vẫn còn sự ám ảnh, anh Nguyễn Văn Thái ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) bộc bạch: “Giá như mình ý thức được tầm quan trọng của cây tre, không phá bỏ thì giờ có lẽ mấy sào ruộng nhà mình không bị xói lở thế này”.

Hơn 10 năm trước, nhiều thương lái khắp nơi về đây mua tre với giá cao nên nhà nhà thi nhau bán tre. Đơn giản, bà con nghĩ rằng, chặt tre bán vừa có tiền, vừa thoáng đãng mà có đất trồng thêm hoa màu. Vì cái lợi trước mắt mà không ai có một chút lưỡng lự nghĩ đến hậu quả sẽ ra sao nếu xảy ra lũ lụt?

Cơn “đại hồng thủy” vừa qua, người dân ở vùng rốn lũ này đã trải qua những giây phút kinh hoàng khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về, con sông Vệ ngày thường hiền hòa, thơ mộng thì bỗng chốc giận giữ cuốn phăng tất cả theo dòng nước lũ. Người người, nhà nhà kiệt sức chống chọi với dòng lũ dữ. Giá như họ không vì cái lợi trước mắt mà vội vàng phá bỏ “thành lũy” mà bao đời cha ông gầy dựng thì có lẽ mọi chuyện sẽ tốt hơn rất nhiều.

Sau lũ, nhiều người trồng tre để chống sạt lở, xói mòn.

Tại khu vực này và bên triền núi của đèo Eo Gió và nhiều nơi khác ở các vùng rốn lũ, vùng ven sông, ven đê… sau cơn lũ lịch sử, người dân đã ồ ạt trồng tre để chống sạt lở, xói mòn, giữ đất. Nhiều người đã không trồng tre ngay trong vườn nhà. “Lúc chúng tôi còn trẻ đã từng tận mắt chứng kiến nhiều trận lũ lớn, nhưng làng xóm chẳng hư hại gì nhiều, mọi thứ vẫn bình yên nhờ có tre già bảo vệ. Giờ ai cũng chặt phá làm tường rào B40, xi măng… lũ qua, mọi thứ trôi sạch”- cụ Phạm Vàng ở thôn Ngọc Dạ, xã Hành Thiện bộc bạch.

* Cây “cứu tinh” ở vùng rốn lũ

Cơn lũ dữ đã đi qua, nhưng cũng như nhiều người dân Quảng Ngãi, người dân ở vùng rốn lũ Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) không quên đêm kinh hoàng. Khi nước lũ từ thượng nguồn ào ào đổ về, họ không bấn loạn, người dân bình tĩnh dọn nhà cửa vì họ biết rằng những “thành lũy” vững chắc mà họ vun vén, gầy dựng trong nhiều năm sẽ không phụ công người chăm sóc.

Ông Võ Văn Chính- Trưởng thôn Đồng Viên cho biết: “Lũ cuồn cuộn đổ về nhưng người dân chúng tôi vẫn kịp trở tay, dọn dẹp đồ đạc, lùa đàn gia súc đi chạy lũ còn nhà cửa lúc đó chỉ biết giao cho trời, nhưng may mắn là khi trở về nhà cửa vẫn không hề chi. Thấy trên tivi, sau cơn lũ nhà cửa người dân ở huyện Nghĩa Hành bùn đất tràn ngập nhưng ở đây mặc dù nhà ở sát sông Vệ nhưng không có bùn đất, rác rưới chi cả”.

Dọc con đường đi qua các thôn Đông Mỹ, Đồng Viên… nhiều cánh đồng trồng hoa Tết vẫn còn xanh mướt. Đang tỉ mẫn bón phân cho những chậu hoa cúc, chị Nguyễn Thị Tin ngụ thôn Đồng Viên phân trần: “Không có cái bờ tre này giữ thì 700 chậu cúc của nhà tôi cũng đã trôi theo dòng nước lũ. Sau khi nước rút tôi nhanh chóng dùng nước vệ sinh lại vườn hoa, chỉ khoảng 20 chục chậu bị héo chết, còn lại vẫn cứu vãn được”.

Ở đây nếu không có những bờ tre che chắn thì không tài nào sản xuất được từ làm lúa cho đến trồng hoa màu. Trước kia người dân cũng thường trồng thêm cây bạch đàn, dương liễu, nhưng những loại cây này không trụ nổi, chỉ còn mỗi cây tre là bám trụ được, mặc cho sức tàn phá của lũ mỗi năm một lớn.

Trong khi Nhà nước chưa có đủ nguồn kinh phí để làm bờ kè chống xói lở dọc theo sông Vệ thì trồng tre giữ đất, bảo vệ mùa màng là biện pháp hiệu quả nhất. Chính quyền xã luôn khuyến khích người dân trồng, bảo vệ tre.

Cây tre- cây cứu tinh của người dân vùng rốn lũ Nghĩa Hiệp.

“Mùa lũ năm nay, xã Nghĩa Hiệp không có thiệt hại về người, thiệt hại về kinh tế cũng khá khiêm tốn so với các địa phương khác đó cũng là nhờ người dân có ý thức trách nhiệm cao trong việc trồng tre giữ đất, giữ làng”. Ông Lê Văn Tấn- Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp vui mừng cho biết.

* Trồng tre: Đa lợi ích

Tre xanh

xanh tự bao giờ

chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh?

Thân gày guộc, lá mong manh

mà sao nên lũy nên thành tre ơi?

ở đâu tre cũng xanh tươi

cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu?

……………..”

Từ lâu, cây tre gần gũi và cũng rất đỗi thân thuộc, đã trở thành một trong những biểu tượng cực kỳ đẹp đẽ về sức sống và phẩm cách con người Việt Nam chúng ta. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, cây tre đã thành huyền thoại, thành vũ khí làm khiếp sợ quân thù. Cây tre luôn có sức sống mãnh liệt dù trong mưa bom bão đạn, dù trong nắng hạn mưa giông.

Gần đây, cây tre được nhiều quốc gia đề xuất sử dụng vào công cuộc chống biến đổi khí hậu vì những hiệu quả mà nó mang lại. Bởi tre là loài thực vật sinh trưởng nhanh; tre nhẹ hơn thép và bền gấp 5 lần bê tông, có khả năng chống chịu động đất, tre được coi là vật liệu lý tưởng cho ngành xây dựng.

Dưới góc độ môi trường, tre còn có giá trị nhiều hơn thế. Chính vì sinh trưởng rất nhanh, tạo ra sinh khối lớn trong một thời gian cực ngắn nên lượng cacbon mà tre có thể giữ là vô cùng lớn.

Nếu được quản lý tốt thông qua khai thác hằng năm, tre có thể hấp thụ lượng cacbon lớn hơn từ 7-30% so với những loại cây thân gỗ có tốc độ sinh trưởng nhanh như linh sam, bạch đàn. Rễ tre cũng đóng góp một lợi ích khác về môi trường khi nó có thể làm giảm 75% tốc độ xói mòn đất.

Trồng tre có thể được xem là một giải pháp cho nền nông nghiệp bền vững. Về mặt kinh tế, cây tre trồng từ 12- 15 tháng là có thể thu hoạch măng. Đầu tư cho việc trồng tre không tốn kém, mỗi hécta chỉ vào khoảng trên 1 triệu đồng tiền giống. Kỹ thuật trồng cũng khá đơn giản, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Chỉ cần có nước tưới vào mùa khô là cây có thể phát triển bình thường và điều đáng quý là tre hiếm khi bị sâu bệnh phá hại.

Được chăm sóc tốt thì măng tre phát triển rất nhanh và mạnh, lên nhiều mầm và mỗi một búp măng có thể từ 1 đến 6kg. Tre có thể cho thu hoạch măng hằng ngày, ngay cả trong mùa khô, nếu được cung cấp nước tưới đầy đủ. Giá 1kg măng tươi có thể dao động từ 5.000-15.000 đồng, tùy theo từng thời điểm. Riêng cây tre còn có thể bán để làm nguyên liệu sản xuất giấy và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị cao.

Ái Kiều-Ngọc Viên

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang