• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chim trời gặp nạn...

Nguồn tin: SGGP, 12/09/2008
Ngày cập nhật: 14/9/2008

Tất cả các loài chim hạ cánh xuống lãnh địa Nghệ An đều không thoát khỏi hàng ngàn tay bẫy, tay súng như thiên la địa võng giăng tứ mùa ở khắp mọi nơi. Chim trời đang bị con người tận bắt, tận diệt để làm trò tiêu khiển và làm đồ nhậu…

Bắt chim về...…nhốt

Hà cò, một tay chuyên sống bằng nghề bẫy chim về nuôi cảnh ở Hồi Sơn - Đô Lương cho biết: “Khoảng 10 năm trở lại nay, người chơi chim cảnh nhiều chưa từng thấy. Bọn tui bẫy được bao nhiêu hết bấy nhiêu. Khướu, cu gáy, yểng, vẹt, sáo, chích choè, chào mào, vành khuyên, họa mi là chim cảnh thịnh hành nhất”.

Chúng tôi hỏi cách bẫy có khó không, Hà cò hào hứng: “Về cách bẫy mỗi loài đều có những cách khác nhau. Cu gáy, khướu, họa mi, thì dùng chim mồi để nhử. Chim mồi hót dụ đồng loại bay đến để sập bẫy. Các vị vẹt, yểng, chích choè, chào mào, vành khuyên thì phải rình xem chỗ ngủ của bầy chim ở đâu rồi dùng lưới lớn đón chiều bay cất luôn cả đàn, có những đêm mấy anh em nhà tui “hót” được cả đàn hơn ngàn con chào mào. Sáo thì làm tổ ở lèn, phải leo lên dùng tay mây để ngoèo.

Vẹt, yểng chỉ có ở Con Cuông nhiều, bắt hai loại ni rất vất vả vì phải ở những rừng nguyên sinh mới bắt được”. “Người bẫy chim như anh có nhiều không?”. “Đếm mô hết được. Ở Nghệ An hầu như làng mô cũng có người bẫy chim. Riêng làng tui đã có đến 6 người rồi”. Qua giới thiệu của Hà cò, chúng tôi tiếp cận với 3 tay thợ bắt sáo quê ở xã Đồng Thành - Yên Thành. Thoạt nhìn những vị này chúng tôi tưởng họ leo núi để đặt mìn phá đá vì thấy thắt dây an toàn và vai khoác những cuộn dây thừng to đùng.

Một người tên Châu cho biết: “Ở Yên Thành trước đây sáo nhiều lắm nhưng mấy năm nay họ nổ mìn lấy đá, sáo sợ bỏ đi hết nên bọn tui phải đi lên vùng Đô Lương - Con Cuông để bắt” . Nhìn họ cột dây ngang người đu từ vách đá này đến vách đá khác, chúng tôi sởn cả da gà. Theo Châu thì bắt sáo theo mùa. Mùa sáo sinh sản từ tháng tư âm lịch cho đến tháng 8. Mỗi ngày các anh bắt được khoảng 30-40 con chim sáo; khi may mắn có lúc được trên 100 con. Giá bán chim sáo hiện khoảng 50.000 - 60.000 đồng/con. Chính vì thu nhập cao nên có rất nhiều người đã bất chấp cả tử thần để theo nghề này. Châu cho biết đã có 2 người tử nạn vì đứt dây rơi từ trên lèn xuống.

Những tay thợ bẫy được chim không cần phải đi bán mà đều có các lái chim đến tận nhà để lấy. Trường, một lái chim ở thành phố Vinh cho biết: “Mình thu mua tất cả các loại chim cảnh để đưa đi Vinh, Hà Nội và cả Sài Gòn để bán. Nghề mình thì mua bán quanh năm. Những loài bình thường bán sỉ cho các đại lý chim cảnh, còn những loài đặc biệt như sáo mỏ đỏ, chích choè lửa, vẹt ngũ sắc, khướu, yểng thì phải huấn luyện một thời gian bán mới có lãi. Có chú vẹt mình bán được 15 triệu đồng rồi đó!”. Vào trong nhà Trường không biết cơ man nào là chim cảnh nhốt trong lồng, hót, kêu inh ỏi. Trường còn thuê thêm một nhân công để chăm sóc chim.

Theo quan sát của chúng tôi, trên địa bàn TP Vinh hiện nay có rất nhiều điểm bán chim cảnh, chưa kể trên các hè phố còn có rất nhiều người dựng lồng để bán chim mà chẳng hề thấy một ai nhắc nhở. Hỏi một người đàn ông trung niên với 5 - 6 lồng chim đang đứng ở trước bưu điện Nghệ An: “Bán như thế này bác không sợ bị phạt à?” - Anh ta phì cười. “Phạt thì phạt anh vi phạm giao thông chứ tui bán mấy con chim lấy tiền đóng học phí cho con, ai nỡ phạt…” (?)

Bẫy, giết chim làm đồ nhậu

Đội quân bẫy chim, bắn chim làm đồ nhậu còn khủng khiếp hơn cả đội quân bẫy chim về nuôi cảnh. Dọc theo tuyến đường bờ biển Diễn Hải - Diễn Thành - Diễn Trung Diễn Thịnh, chúng tôi nhiều lần chứng kiến lưới của hàng chục tay bẫy giăng la liệt, tiếng chim kêu loạn xạ, người ta phải chạy như con thoi để gỡ những chú chim dính lưới. Toản, một tay bẫy có thâm niên cho biết: “Ở vùng cửa biển này có trên 30 tay bẫy, mỗi ngày bẫy trên ngàn con chim các loại. Trước đây bọn tui giăng lưới rồi giả tiếng kêu của chim nhưng nay có đĩa CD thu tiếng kêu của các loài chim nên mần ăn được lắm(!?) Bọn tui giăng lưới dọc theo bờ biển cao khoảng 2m, dài vài trăm mét, sau đó bật loa phát tiếng kêu của chim. Chim dính lưới là gà lôi, trích, cò, cà cà… Một ngày cha con tui cũng kiếm được 3 - 4 chục con đem bán”.

Vào khoảng tiết bạch lộ (12-8 âm lịch), cò trắng từng đàn bay về thì cũng là lúc trên các cánh đồng của các huyện, bẫy đã giăng đầy. Họ dùng cò mồi rồi cắm que nhựa ở bờ ruộng. Từng đàn cò thấy đồng loại, sà xuống và đều bị dính nhựa.

Anh Tuấn, một tay bẫy cự phách ở xã Nhân Thành - Yên Thành, nói: “Trước đây, mỗi mùa tui cũng kiếm được 6-7 triệu đồng, gấp mấy lần làm ruộng. Nay kiếm được ít hơn vì thấy bở ăn nên nhiều người sắm đồ nghề đi bẫy lắm.

Riêng xóm tui có trên chục người”. Chúng tôi chứng kiến những tay bẫy của làng Hồng Lĩnh (xã Nhân Thành) trên cánh đồng mà chóng mặt. Hơn chục đàn cò, mỗi đàn 50 - 200 con đều không thoát được những que nhựa quái ác. Còn tại các huyện vùng Bắc Nghệ An, đi đâu cũng thấy cò đậu trắng đồng nhưng đó là cò mồi, cò “máy” của những tay bẫy.

Tàn ác hơn, hiện nay có rất nhiều người sắm súng hơi, súng thể thao để đi bắn chim cả ngày lẫn đêm. Những đối tượng này một số là nông dân dùng súng để bắn chim đem bán và cải thiện bữa ăn trong gia đình, nhưng cũng có một số vị đại gia, cán bộ nhà nước sắm súng bắn chim để làm trò tiêu khiển. Họ còn lập cả câu lạc bộ săn bắn, mỗi tháng tổ chức đánh cả vài ba xe ô tô đi săn. Kiểu săn bắn này của họ khiến bất cứ con chim nào mà họ thấy đều bị tiêu diệt. Hiện nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, tất cả các xã , thị, thành phố trên địa bàn Nghệ An đều có súng hơi và súng thể thao. Trung bình mỗi xã 4-5 khẩu. Đây quả là thảm họa của chim trời.

Thân phận chim trời…

Theo ông Phan Khoa, một người có 40 năm nuôi chim cảnh, “Con chim dù quý đến đâu, đắt đến đâu cũng chẳng con nào sống nổi mười năm trong lồng. Lý giải việc này cũng đơn giản. Con người có chăm chúng đến mấy cũng không thể bằng môi trường thiên nhiên được. Vả lại, ở trong lồng, chim không sinh sản được…”. Như vậy những con chim cảnh bị cầm tù, tất cả rồi cũng có kết cục bi thảm.

Còn những con chim bị bẫy làm đồ nhậu thì sao? Từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch, trên khắp các ngả đường, các chợ và quán ăn ở Nghệ An đều bày bán đặc sản chim trời. Riêng chợ Vinh mỗi ngày tiêu thụ ít nhất 1 tấn chim các loại. Bình, một lái chim ở TP Vinh cho biết bình quân mỗi ngày anh thu gom trên 2 tấn chim để nhập cho các quán ăn. Còn ở các chợ, họ bán chim thui sẵn cũng có mà khách đến mua mới bắt đầu vặt lông cũng có. Chim bị vặt cho trọc trũi rồi thui trên ngọn lửa đớn đau cho đến chết.

Một số người bán khác “nhân đạo” hơn, không muốn những con chim chết một cách đớn đau thì túm lấy hai chân chim đập mạnh đầu vào cột chợ hay ném bộp xuống đất cho chết rồi mới vặt lông. Chiêu độc nhất vô nhị vẫn là các chủ quán nhậu. Họ mở dây trói, cho chim vào một cái xoong lớn rồi nổi lửa đốt cho đến khi không còn nghe tiếng giãy đành đạch nữa mới đổ ra. Với chiêu này, mỗi lần vặt khoảng 5-6 chục con chỉ trong vòng 15 phút. Vì mưu sinh, con người đã trở thành kẻ sát sinh tàn bạo!

Ở huyện Yên Thành, chỉ tính riêng khu vực thị trấn đã có trên 30 quán đặc sản chim trời. Mỗi quán tiêu thụ mỗi ngày ít nhất 200 con chim, quán nhiều lên tới 500 – 900 con/ngày. Vậy nếu cộng số chim ở các quán ăn, chim bán ở các chợ trên địa bàn Nghệ An thì số chim bị giết quả là con số khổng lồ.

Hiện nay thực trạng bẫy bắn chim đang từng giờ, từng phút diễn ra trên địa bàn Nghệ An nhưng nghịch lý là các ngành chức năng vẫn không hề lên tiếng. Việc hủy diệt môi sinh là đồng nghĩa với việc hủy diệt môi trường sống làm mất cân bằng sinh thái, hậu họa rất khó lường. Đề nghị các ngành chức năng về môi trường ở nghệ An cần sớm có chỉ thị cấm và xử phạt đối với hành vi bẫy, bắn chim để cứu lấy loài chim thoát khỏi thảm họa hủy diệt của con người.

LÝ HOÀNG LONG

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang