• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giữ môi trường trong bài toán mưu sinh: Giằng co lợi ích

Nguồn tin: Sài Gòn Tiếp Thị, 31/12/2011
Ngày cập nhật: 3/1/2012

Mặc dù đã bảo vệ được Rạn Trào, nhưng nhu cầu bức bách trong sinh nhai của người dân là một giằng xé không cân sức. Việc nuôi tôm hùm ồ ạt, chất thải từ con nuôi, đặc thù nuôi tôm bằng thức ăn tươi… khiến nguồn nước quanh Rạn Trào, trên đầm Đầm Môn ngày một bị ô nhiễm nặng. Tôm bắt đầu đổ bệnh ngày một nhiều, bị đỏ thân, đen mang… chữa không được. Có những vụ, nhiều người mất trắng tay. Chính những diễn biến ngày một xấu này đang đe doạ sự tồn tại của Rạn Trào.

Nguồn nước ô nhiễm, người nuôi trồng đánh bắt thuỷ hải sản ngày một khó khăn.

Nhà nhà nuôi tôm

Dạo bước vào thôn Xuân Tự 2 (xã Vạn Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hoà) – một trong những điểm hạt nhân nằm trong dự án bảo vệ Rạn Trào – thật dễ dàng nhận thấy sự thịnh vượng nơi đây. Rất nhiều căn biệt thự xinh xắn, những ngôi nhà mái ngói nằm giữa vườn cây rộng rãi, xanh mát. Đường ngang dọc khắp thôn đã được đổ bêtông. Ông Nguyễn Văn Chim, người dân trong thôn bảo, ngày xưa toàn nhà tre vách đất, nhưng nhờ nuôi tôm hùm từ những năm 1999, nhiều nhà khá lên hẳn…

Theo ông Chim, Vạn Hưng là nơi đầu tiên nuôi tôm hùm ở Việt Nam. Nhờ tôm, mỗi năm lời hơn trăm triệu đồng, ông nuôi được sáu đứa con khôn lớn, đề huề. Đấy là ông thuộc diện ít vốn, làm ăn nhỏ. Nhiều người, từ nhiều tỉnh thành khắp nơi đổ về, vốn lớn, nuôi lời 3 – 4 tỉ đồng/năm là chuyện bình thường. Bội nhất là những năm 2003, 2004, hỏi dân ở đây, ai cũng nói nuôi mà sướng tay, “một vốn, chín mười lời!”

Nuôi gần bờ không còn được, dân bắt đầu kéo đến những đầm khác trong khu vực vịnh Vân Phong. Do nuôi bằng lồng, nên dân có thể chủ động dắt lồng đi những nơi nước tốt. Mùa bão thì dắt lồng vào nơi kín gió nhất để tránh, hết bão thì chuyển lồng ra. Nhưng theo ông Chim, hiện cũng chẳng còn đầm nào khá bằng Đầm Môn, do đây là vùng có nước chảy, núi bao bọc hạn chế phong ba bão táp và thời tiết khắc nghiệt. “Đầm Môn đang là nơi thích hợp nhất mà cũng đã bị ô nhiễm rồi, nhưng bà con cũng phải ráng, vì không thể quay lại nơi cũ đang bị ô nhiễm”, ông Chim cho biết.

Ô nhiễm ở Đầm Môn hiện chưa đến mức phải “bỏ xứ ra đi”, nhưng lịch sử tôm bị bệnh lại đang quay trở lại. Thậm chí, theo nhiều dân ở đây, chữa bệnh cho tôm bây giờ phải sử dụng thuốc cho người uống mới hiệu quả. Không người dân nào lý giải được tại sao, nhưng dường như thuốc dành cho tôm bây giờ đã không còn tác dụng. Bình thường nuôi tỷ lệ hao hụt trung bình khoảng 20%, bây giờ hao hụt đã lên 30 – 40% do tình trạng ô nhiễm…

Đằng sau khuôn mặt thôn làng sung túc, thanh bình là gánh nặng từ hậu quả môi trường sinh thái đang cạn kiệt.

Cuộc chiến không cân sức

Ông Nguyễn Cường, trưởng nhóm du lịch cộng đồng sinh thái Rạn Trào kể: ngay từ những năm 2003, chính quyền xã đã từng áp dụng thu phí với các hộ nuôi tôm hùm (chỉ 70.000 đồng/hộ/năm), nhưng cũng không làm được, do đối tượng quá rộng, đến từ khắp các tỉnh thành, không quản lý xuể. Việc áp dụng phương thức đánh số lồng nuôi cũng thất bại vì số lượng nuôi quá lớn.

Hỗ trợ kỹ thuật cho dự án bảo vệ Rạn Trào, trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) cũng đưa ra nhiều mô hình sinh kế cho bà con nơi đây, hướng tới việc phát triển bền vững. Như mô hình hỗ trợ kỹ thuật cho dân nuôi tu hài, làm chổi dừa, du lịch sinh thái…, những nỗ lực trước thực trạng nghề nuôi trồng thuỷ sản ven biển đang phải đối mặt với một sự sụp đổ từ thực tế không bền vững. Nhưng đánh giá kết thúc dự án vào tháng 11 năm nay, MCD đưa ra một thực tế: nhóm đối tượng nghèo hơn của cộng đồng hiện vẫn là những áp lực đối với các mục tiêu bảo tồn của dự án – đối tượng mà dự án và các đối tác của chính phủ chưa thể tiếp cận tới được!

Nói về chuyện này, ông Trần Kim Bảo, phó chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, thừa nhận rằng, chính quyền có quy hoạch vùng nuôi tôm nhưng không hiệu quả; biết ô nhiễm đang lan truyền, nhưng vẫn chưa có cách nào xử lý. Dù đã có hàng chục buổi hội thảo của các nhà khoa học, nhiều buổi khảo sát, tập huấn, cung cấp kỹ thuật nuôi trồng thuỷ hải sản, nhưng vẫn không thấy được hiệu quả bao nhiêu. Có chăng, giải quyết ô nhiễm vẫn đang phải dựa vào lý do “vì giá thức ăn hiện cao gấp 3 – 4 lần so với con giống nên ngư dân không dám phung phí nữa, nhờ vậy tình trạng ô nhiễm cũng bớt đi?”

Dưới góc nhìn kinh tế môi trường, TS Phạm Khánh Nam, phó trưởng khoa kinh tế phát triển, đại học Kinh tế TP.HCM, chia sẻ: Có thể dùng công cụ thuế môi trường để giảm quy mô nuôi tôm hùm xuống. Tức là người gây ô nhiễm phải trả tiền. Nhưng muốn sử dụng công cụ kinh tế trong quản lý môi trường phải có sự hỗ trợ rất nhiều của hệ thống quản lý, chính trị, pháp luật…

Nỗ lực bảo vệ Rạn Trào nhằm giữ cân bằng sinh thái cho vùng vẫn đang bị uy hiếp bởi tình trạng ô nhiễm. Các trường hợp bệnh và thiệt hại trong nuôi tôm lồng vẫn là những triệu chứng của cách thực hành và quản lý yếu kém. Những người nghèo không thể kiếm sống được nữa từ vùng đánh bắt gần bờ do khai thác quá mức lại rất ít được hưởng lợi từ sự thay đổi trong nuôi trồng thuỷ sản. Kết quả là, họ đã gây áp lực ngày càng tăng trên môi trường ven biển để bù lại.

Cuối cùng, vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn chưa thể giải quyết được căn cơ...

Quản lý môi trường bằng lượng giá môi trường

Tại hội thảo môi trường dưới góc nhìn kinh tế được tổ chức tại Nha Trang mới đây, theo TS Phạm Khánh Nam, phó trưởng khoa kinh tế phát triển, đại học Kinh tế TP.HCM, trên thế giới hiện nay, công cụ kinh tế gần như được coi là một công cụ duy nhất quản lý tình trạng ô nhiễm hiệu quả về mặt xã hội, hài hoà giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Việc lượng giá các thiệt hại và dịch vụ môi trường bản chất là tăng cường công cụ kinh tế trong quản lý môi trường, theo hướng phát triển bền vững. TS Herminia Francisco, giám đốc chương trình Kinh tế và môi trường Đông Nam Á, cho biết: Việc lượng giá này nhằm cung cấp cơ sở để xây dựng thuế môi trường, theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Đồng thời nó cũng giúp xây dựng chi trả dịch vụ môi trường, với mục tiêu thay đổi hành vi; giúp phân tích các phương án sử dụng đất, sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, các phương án kiểm soát ô nhiễm và lựa chọn các dự án phát triển.

LÊ QUỲNH

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang