• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giữ môi trường trong bài toán mưu sinh

Nguồn tin: Sài Gòn Tiếp Thị, 29/12/2011
Ngày cập nhật: 3/1/2012

Sau nạn khai thác san hô ở xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà), môi trường sinh thái, thuỷ hải sản khu vực dần cạn kiệt. Rạn san hô Rạn Trào trở thành một “cánh rừng” sót lại dưới lòng biển bị tổn thương. Cách đây mười năm, người dân xã Vạn Hưng đã tự nguyện lập quy ước cùng “bám biển” bảo vệ Rạn Trào. Đến nay, tín hiệu “rừng” đang dần hồi sinh. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, Rạn Trào chỉ như một đốm lửa có thể tắt bất cứ lúc nào khi xung quanh các hoạt động xâm hại môi trường vẫn đang diễn ra hàng ngày vì bài toán mưu sinh.

Xóm chài giữ biển

Chỉ rộng khoảng 90 ha, nhưng Rạn Trào đang chứa 82 loài san hô, 69 loài cá rạn, sáu loài cỏ biển và năm loài cây ngập mặn. Rạn Trào cũng là một trong những nơi sinh trưởng, cung cấp nguồn giống tự nhiên các loài hải sản có giá trị, như tôm hùm, cá mú, hải sâm, ốc nhảy, tu hài cho toàn vịnh Vân Phong…

Không chỉ bảo vệ rạn san hô mà người dân còn nghĩ ra cách cấy san hô nhân tạo thành công để giữ biển. Ảnh: Lê Quỳnh

Ông Nguyễn Cường, một trong những người dân đầu tiên tự nguyện ra biển bảo vệ rạn, tự hào nói: không giống như 15 năm về trước, 85% người dân xã đã ý thức được rạn san hô có ý nghĩa quan trọng như thế nào đến mưu sinh của mình.

Từ hấp hối

Ông Nguyễn Văn Chim, thôn Xuân Tự 2, cũng là một trong những người đầu tiên tự nguyện ra biển canh rạn san hô, nhớ lại: từ những năm 1990, dân địa phương cùng người ở khắp nơi kéo về đây nuôi tôm hùm đã tận diệt san hô không thương tiếc. Người đi đánh bắt hải sản cũng làm chết san hô không biết bao nhiêu. Chưa kể, hậu tích của những năm 1976, sư đoàn 333 đã từng về Cồn Mao, phía nam xã Vạn Hưng khai thác san hô hàng loạt, để đem lên Tây Nguyên làm phân bón cho cây càphê… Cả một vùng “rừng” dưới đáy đại dương tan hoang.

Thuỷ hải sản dần mất đi. Người đánh bắt không chỉ ngày một nhiều mà họ còn tận diệt, sử dụng mìn, chất độc, không tha cả cá nhỏ, cá đang mang trứng. Xã Vạn Hưng đã từng có 3 – 4 người bị cụt tay, cụt chân vì dùng mìn đánh bắt hải sản. Tang thương hơn, hai người đã chết vì lý do này… Là dân đánh bắt, ông Nguyễn Cường nói, ông thấy cá mất dần mà xót, đâm ra lại tiếc nhớ những năm trước đây. Cách đây 15 năm, chỉ cần chạy ghe ra biển bốn tiếng đồng hồ đã có thể bắt được 30 – 40 kg ghẹ, còn bây giờ nhiều lắm chỉ được 2 – 3 kg ghẹ. Ông nói, ông chỉ sợ đến một ngày, con cháu mình lại hỏi “con cá chỗ đó như thế nào?”

Đến năm 2000, một nhóm chuyên gia nước ngoài thuộc trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) về Vạn Hưng khảo sát. Họ lý giải với dân: dưới đại dương, rạn san hô được xem như những cánh rừng xanh trên cạn. Điều đó khiến những người nặng lòng với biển như ông Cường, ông Chim nghiệm ra rằng, san hô là cả một hệ sinh thái đa dạng, là lá phổi, vùng sinh sống của vô số loài. Vậy thì giữ được san hô tức là giữ được các loài thuỷ hải sản cho vùng!

Khi biết MCD sẽ lập dự án bảo tồn sinh vật biển tại đây, ngay đêm hôm sau, ông Cường đã cùng vợ tự nguyện chạy ghe ra biển giữ rạn san hô Rạn Trào còn sót lại. Từ đó, nhiều người dân xã bắt đầu những ngày chia nhau ra biển canh rạn, không để người khác vào đây đánh bắt cá, phá “rừng”. Cứ bền bỉ vậy suốt ba tháng, cho đến khi một đội hạt nhân bảo vệ Rạn Trào chính thức được thành lập, theo bình bầu tin tưởng của người dân. Mô hình bảo tồn biển do cộng đồng quản lý đầu tiên, và cho đến nay vẫn là duy nhất của Việt Nam, ra đời, với sự hỗ trợ kỹ thuật của MCD.

Đến hồi sinh

Rạn Trào nằm sâu dưới nước khi thuỷ triều lên. Lúc thuỷ triều xuống, cả một vùng lại nổi lên như một hòn đảo, đủ loài san hô. Vùng lõi rộng 27 ha, 98 ha nối tiếp là vùng đệm. Một bản quy chế được người dân họp bàn đưa ra: mọi hoạt động đánh bắt, nuôi trồng đều bị cấm ngặt ở đây. Không ai được phép đem đi bất cứ thứ gì ở đây, dù chỉ là một vỏ ốc; cũng không ai được phép để lại bất cứ vật gì ở lại. Những hoạt động đánh bắt, nuôi trồng phải cách vùng đệm ít nhất 200 m… Người vi phạm không chỉ bị đưa đến cơ quan chức năng phạt hành chính mà còn bị kiểm điểm trong họ tộc, phê bình trước toàn bà con trong xã.

Ông Cường bảo, những ngày đầu ra bảo vệ “trời ơi là khó”, nhất là với dân xã khác. Vùng san hô vốn là nơi cho những người nghèo đánh bắt dựa vào mưu sinh nên xảy ra chuyện đánh nhau với “hải tặc” là không tránh khỏi… Ngày nào cũng như ngày nào, dù đêm hay ngày, mưa bão hay nắng ấm, mỗi ngày đều có hai người dân ra vùng “đảo” canh giữ 24/24 giờ, không để người xã mình, xã khác xâm phạm. Cứ hai năm, đội hạt nhân lại được dân bình bầu lại, thêm người mới vào. Không ai nản lòng, dù người trong đội chỉ được hỗ trợ 300.000 đồng/tháng/người, cộng thêm 20 triệu/năm/đội là tiền xăng dầu.

Không chỉ “bám biển” bảo vệ rạn san hô, chính dân còn là người nuôi trồng, cấy san hô, hải sâm… nhằm phát triển sinh thái cho vùng, với những ý tưởng rất “thuần dân” của mình. Theo mô hình bảo tồn biển ở nhiều nước, người ta dùng giá thể bằng ximăng để cấy san hô, không đạt mấy hiệu quả, và khi đưa về Rạn Trào, phương pháp này cũng thất bại. Ông Chim đã nảy ra ý tưởng dùng san hô chết trong tự nhiên làm giá thể để cấy san hô, dùng sợi cước giữ san hô thay sợi kẽm để tránh bị oxy hoá trong nước. Lúc ý tưởng mới được đưa ra, chẳng ai tin, ngay cả các nhà khoa học. Nhưng sau nhiều tháng thử nghiệm, san hô cấy sống đến 80 – 90%! Vậy là thành công…

Ròng rã đến nay đã được mười năm trời. Dân trong xã không còn ai vi phạm vùng bảo vệ. Chuyện đánh bắt cá bằng mìn, chất độc cũng không còn. Khảo sát mới đây nhất của viện Hải dương học Nha Trang cho thấy, so với những ngày đầu mới thành lập khu bảo vệ rạn san hô Rạn Trào, từ 0,3 loài/m2 đến nay đã tăng lên 3 loài/m2, gấp mười lần; tăng từ 78 loài san hô lên 82 loài… Còn ngư dân ở đây thì bảo, các loài thuỷ hải sản bên ngoài quanh vùng đệm đã nhiều lên, đánh bắt được khá hơn chứ không “hẻo” như xưa. Sáng thức giấc, có những khu vực có thể nhìn thấy bằng mắt thường cá tràn vào 4.000 – 5.000 con rồi…

Tháng 11 năm nay, MCD đã chính thức kết thúc hỗ trợ dự án. Nhưng những người dân như ông Cường, ông Chim, anh Phương, anh Phi… của Vạn Hưng vẫn tiếp tục bám biển, giữ gìn “lá phổi” của biển. Như cách nói của ông Cường, là vì “chúng tôi muốn để dành biển cho con cháu mình trong tương lai, để dân mình có nguồn mưu sinh ở hiện tại”. Một hy vọng từ sự bắt tay chung sức còn hiếm hoi trong cộng đồng về bảo tồn biển!

LÊ QUỲNH

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang