• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chè cổ thụ ở Suối Giàng

Nguồn tin: Thanh Niên, 11/12/2011
Ngày cập nhật: 12/12/2011

Nằm ở độ cao gần 1.400 mét so với mực nước biển, qua những cung đường quanh co nhưng đẹp đến mê hồn, Suối Giàng (Văn Chấn - Yên Bái) hiện ra trước mắt du khách với những cây chè lâu đời nhất Việt Nam.

Thủy tổ của cây chè?

“Tôi đã đi qua 120 nước có cây chè trên thế giới nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là nơi phát tích của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới” (trích từ sổ lưu niệm ở xã Suối Giàng) - viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ), ông M.K Djemukhatze từ những năm 1960 đã ưu ái dành những lời nhận xét này cho chè Suối Giàng. Không chỉ dừng lại ở những lời có cánh đó, Djemukhatze có hẳn công trình nghiên cứu về cây chè này bằng những thực nghiệm khoa học và đã được in thành sách năm 1976. Theo đó, Djemukhatze kết luận cây chè Việt Nam (mà cụ thể là chè Suối Giàng) là cây chè tổ.

Một cây chè hơn 300 năm tuổi với dáng rất lạ - Ảnh: Lê Hân

Ở Yên Bái, đồng bào người Mông chiếm số lượng lớn và họ đã làm nên những nét văn hóa đặc thù cho vùng Tây Bắc này. Riêng với Suối Giàng, sự có mặt của họ từ những ngày đầu gắn liền với sự xuất hiện của chè shan tuyết - loại chè mà Djemukhatze đã nghiên cứu. Cũng chính vì hương vị và dáng vóc cổ thụ độc đáo, nên cũng có khá nhiều chuyện truyền miệng ly kỳ không kém xoay quanh cây chè Suối Giàng. Nào là người dân đã huấn luyện khỉ để hái chè vì cây chè cổ thụ cao to lại nằm ở địa hình hiểm trở, cheo leo vách đá…

Theo lưu truyền, những ngày đầu di cư đến Suối Giàng, qua bao nhiêu ngày vượt suối băng đèo, con người đã mệt lả và khi nằm nghỉ chứng kiến sau khi chim ăn lá cây lạ vào hót rất hay, người ta liền hái lá cây đó ăn thấy tinh thần phấn chấn và mạnh khỏe trở lại. Từ đó người ta liền chọn nơi đây làm điểm dừng chân và cây chè cũng từ đó được giữ gìn và bảo vệ, dần dần thành loài chè đặc sản của xứ sở Tây Bắc này. Dù chỉ là truyền thuyết, nhưng những câu chuyện đó cũng minh chứng cho sự độc đáo và quý hiếm của loại chè shan tuyết.

Với tên gọi chè shan tuyết, theo giải thích của người dân địa phương, với cách chế biến đặc thù ở đây, những búp chè tươi to như búp đa phủ một lớp lông mơn mởn; khi chế biến rồi, búp chè vẫn to ngẫy; thân búp chè phủ một lớp tuyết trắng đục, óng ánh, thơm ngào ngạt cùng với lớp khói bốc lên nên mới gọi là shan tuyết. Khi uống, đầu lưỡi có vị đắng sau dần chuyển sang ngọt dai dẳng ở cổ họng.

Nếu đến Suối Giàng vào mùa vụ thu hoạch và chế biến chè, du khách sẽ ngửi thấy một mùi vị đặc trưng chan chát của vùng chè này. Do đặc thù khí hậu nơi đây nên cây chè đặc biệt không sử dụng bất kỳ loại thuốc trừ sâu nào, vì sâu bệnh không thể phát triển được. Mùa đông thường không có mặt trời và sương mù bao phủ, búp chè cũng ngậm sương mù, hái đến buốt tay.

Chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng xưa nay được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất so với sản phẩm từ tất cả các vùng chè trên cả nước. Các gốc chè ở đây có thâm niên hơn 300 tuổi, thân to bằng cả người ôm, lá và búp chè to khác hẳn với các loại chè khác. Giống chè shan tuyết lưu niên hội tụ cả ba yếu tố: hương thơm, vị đậm và nước xanh. Điều đặc biệt là, từ khi thu hoạch đến khi chế biến đều dựa vào phần lớn phương pháp thủ công của người Mông nơi đây.

Liệu có được bảo tồn?

Cây chè shan tuyết cổ thụ phủ một lớp rêu xanh nhợt và đôi khi trắng mốc, cộng với “dáng” rất chuẩn, tạo hình uốn lượn xù xì, nhưng lá lại xanh ngắt tạo nên một vẻ đẹp tự nhiên, khiến ai cũng thích thú. Nhìn bao quát cả đồi chè, mới hiểu tại sao xứ sở chè Suối Giàng hút hồn du khách đến thế. Có lẽ, trên thế giới hiếm có nơi nào có nhiều cây chè cổ thụ hàng hai, ba trăm tuổi như ở Suối Giàng. Được biết, diện tích chè shan tuyết có gần 400 ha, trong đó diện tích cây chè cổ thụ trên 300 năm tuổi là gần 300 ha.

Hằng năm người dân nơi đây đều tổ chức cúng cây chè tổ. Tuy nhiên, cũng chính sự quyến rũ của chè cổ thụ mà hiện nay một thú chơi mới rất nguy hiểm là mang cho được cây chè cổ thụ về trồng ở sân vườn làm cảnh. Số lượng cây chè cổ thụ vì thế dần dần ít lại. Không biết chính quyền địa phương có động thái nào để ngăn cản việc này, chứ hằng ngày du khách và những người yêu mến hương vị chè shan tuyết không khỏi ngậm ngùi khi chứng kiến những chiếc xe ben nối đuôi nhau chở cây chè cổ thụ về xuôi. Dĩ nhiên nhiều trong số những cây này không thể sống được do điều kiện khí hậu thay đổi.

Hơn nữa, việc bảo tồn giống chè quý này là cả một vấn đề gian khó, do chè chưa phải là nguồn lợi lớn, nên người dân ở Suối Giàng chưa mặn mà lắm. Vả lại, chúng ta chưa có kế hoạch bảo tồn một cách dài hơi, khoa học và đúng đắn nguồn gien quý này. Bởi vậy những cây chè cao tuổi nhất cứ lần lượt ra đi.

Việc đầu tư cũng chưa được chú trọng: dây chuyền sản xuất còn thô sơ, chưa có chiến lược đầu tư một cách khoa học và hợp lý từ khâu chăm sóc, thu hái, quản lý, đến chế biến… Ngay tại Suối Giàng, thương hiệu chè Suối Giàng dù đã có một khởi đầu tốt đẹp, được công nhận giá trị độc đáo riêng, tuy nhiên đến nay nó vẫn chưa là một thương hiệu mạnh. Tiệm trà nào ở Yên Bái cũng trưng biển “chè Suối Giàng”. Thậm chí ngay cổng vào thăm khu đồi chè cổ thụ, bạn có thể mua… chè shan tuyết Suối Giàng với giá chưa đến 1 triệu đồng/kg, trong khi với cách sao chế công phu và số lượng chè của Suối Giàng chỉ có thể sản xuất chừng 100 tấn chè khô, thì giá phải vài ba triệu đồng/kg mới hợp lý.

Chia tay Suối Giàng, tôi cứ lấy làm tiếc cho xứ sở chè đặc sắc này, không biết đến bao giờ chè Suối Giàng mới có chỗ đứng sang trọng trong nước và cả thương trường quốc tế, bởi điều này là hoàn toàn xứng đáng. Được vậy, cây chè cổ thụ mới được chú tâm hơn cho việc chăm lo sản xuất để người dân vừa có thu nhập từ chè và vừa từ du khách. Đấy cũng là để khẳng định thương hiệu cho mảnh đất được coi là thủy tổ của cây chè trên thế giới.

Chế biến chè

Đầu tiên hái về chè tươi, chọn những búp chè ưu tú, sau đó đưa vào chảo gang lớn để sao. Sao chè nhất thiết phải dùng củi cháy đượm thì nước chè mới xanh. Khi sao chè, phải luôn ước lượng nhiệt độ phù hợp - lửa phải liu riu thật đều để không mất hương chè, vừa không làm rơi hết những tuyết trắng còn bám ở búp chè. Đó là cả một quá trình cẩn thận, kỹ lưỡng mà người sao chè phải để hết tâm huyết vào. Chứng kiến cách sao chè và pha chè mới biết chè Suối Giàng không chỉ dừng lại ở hương vị đặc biệt của một đồ uống...

Lê Hân

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang