• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Theo chân những “cần thủ”

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 27/11/2011
Ngày cập nhật: 28/11/2011

Câu cá là thú vui được nhiều người yêu thích, không kể tuổi tác hay nghề nghiệp. Khu vực bờ kè sông Tiền (TP Vĩnh Long) là điểm đến quen thuộc của nhiều “cần thủ” để tận hưởng những giây phút thư giãn, cân bằng trong cuộc sống đô thị ngày càng nhộn nhịp...

Đi câu không chỉ để thỏa cơn ghiền…

Chiều mát mẻ, dọc bờ kè sông Tiền có khá đông người làm… “ông câu”. Người thì dựa lan can, người ngồi xổm dưới phiến đá bờ kè, người ngồi trên tàu du lịch thong thả buông cần… Có những người mới đi câu, loay hoay với chiếc cần câu máy, có những tay “sát cá” chuyên nghiệp quăng cần câu xa đến trăm mét, có không ít người lỉnh kỉnh đồ nghề “rình” cá và họ sẵn sàng sẻ chia kinh nghiệm câu cá. Xác định “cùng hội cùng thuyền”, họ không phân biệt tuổi tác hay nghề nghiệp bởi có cùng chung sở thích. Thi thoảng, những tiếng cười giòn tan, cất lên sau những phút trầm tư chờ “cá đớp câu”, mừng cho chính mình hay “bằng hữu” vừa “dính” cá.

Câu cá đối với nhiều người là niềm đam mê “không gì bằng”.

Bác Tư Trình (65 tuổi, Phường 4) hồ hởi: “Bác ghiền câu lắm, về hưu rảnh nên xách cần đi câu nhiều hơn. Mà ngộ lắm nghen, bác ngồi nhà khoảng 2 - 3 tiếng là mệt, còn đi câu cả ngày mà khỏe re hà”. Rồi bác kể: “Câu cá thú vị và không kém phần hồi hộp. Cá dính câu rồi mình cũng phải khéo mới bắt được nó”. Phải quay cần nhè nhẹ giữ cước, còn dính cá bự thì kéo tới mặt nước rồi mình phải lấy vợt vớt để không tức vì cá. “Mà ngộ, cần câu cũng có số sát cá nữa, có cần bác câu được hơn 300 kg cá vồ luôn, có cần câu hoài cá không thèm đụng”. Đứng kế bên, chú Xô (Phường 2) gỡ con tôm lóng vừa dính câu khoe: “Chú ghiền câu từ hồi giải phóng tới giờ. Ghiền đến nỗi sắm tam bản đi câu, nắng hay mưa cũng quăng cần hết. Chiều nay câu được hơn nửa ký tôm cho bà xã ram với thịt, đỡ tiền chợ”.

Anh Tiên (Phường 4), đã “vướng” niềm đam mê câu cá từ 8 năm nay, anh cho biết: “Ngày nào không đi câu là tâm trạng thấy sao sao ấy, nên cứ chiều chiều làm xong việc là anh lại xách cần ra câu. Có bữa không câu được con nào nhưng cũng thấy vui”. Đối với anh Tiên, câu cá không chỉ là một niềm đam mê mà còn là “thú vui” khó tả, đến nỗi anh “tự phong” rằng: “đã nghiện câu rồi”.

Còn anh Huy (Phường 2) thì đi câu từ khoảng 3 năm nay. Lúc đầu, thấy người ta đi câu anh cũng tò mò, thử đi câu nhưng không ngờ… thích hồi nào không biết. Anh nói: Câu cá là một thú vui không biết dùng lời lẽ nào để tả. Câu cá cũng là cách rèn luyện tính cách con người, tính trầm hơn… “Cứ chiều chiều được quăng câu là vui lắm, tinh thần thoải mái, cùng với những người bạn câu trò chuyện thì… còn thú nào vui hơn…”.

Với một số người, câu cá còn là giải pháp để rèn tính kiên nhẫn. Câu cá là một việc cần có thời gian và sự kiên trì bởi không phải lúc nào cá cũng dễ dàng cắn câu. Anh Vui (Phường 1) tâm sự: “Câu cá là thú vui, khiến người ta ham thích cuộc sống. Ngày nào rảnh, tôi cũng đi câu để thỏa cơn “nghiện” chứ không phải vì cá. Áp lực từ công việc rất nhiều nên khi được cầm cần, co mình trong yên tĩnh để “rình” cá, nhìn sóng nước lặng lờ là thấy lòng nhẹ tênh. Bao khó khăn, phức tạp của cuộc sống đời thường dường như tan biến hết”.

Nỗi lo nguồn cá cạn kiệt

Bác Tút (Phường 4) chọn cho mình một bàn ngoài cạnh bờ sông của quán cà phê Bến Sông Trăng. Khuấy nhẹ ly cà phê, bác hào sảng: “Ngồi buông cần ở đây để tận hưởng không khí yên tĩnh, ngắm những chiếc ghe nhỏ qua lại trên sông thấy cuộc sống nhẹ nhàng và bác như được trẻ ra. Câu cá mê lắm, dù lâu lâu mới dính một con, nói cho vui câu cá giống như cưa đào, câu lâu mới dính một cô”. Bác cho biết, đi câu cũng phải đợi con nước, lúc nước chảy ròng, cá mới ăn mồi. Tháng câu được 2 con nước từ 30 đến mùng 8 và từ mùng 10 đến 20.

Nhịp nhịp cần câu thăm cá, bác Tút tâm sự: “Cá tự nhiên giờ sắp cạn hết rồi. Một số người vì hoàn cảnh nghèo, vì cuộc sống mưu sinh nên vẫn lén lút rà điện bắt cá, tôm; tận diệt luôn cả cá nhỏ, cá con cùng các loài sinh vật có ích, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Ngồi câu hơn 3 tiếng mà có vài ba con cá sát nhỏ. Hơn 45 năm ôm cần, bác cảm thấy lo lắng cho nguồn cá tự nhiên quá”.

“Câu mấy tiếng mà chỉ dính con cá nhỏ này thôi” - anh Vui nói.

Không riêng gì bác Tút, những người câu cá ghiền ở Vĩnh Long hiện không thể không lo lắng về môi trường cá bị xâm hại nghiêm trọng, ngày càng cạn kiệt. Anh Tiên cho biết, những năm về trước, mỗi lần đi câu là đều có “sản phẩm” mang về với nhiều loại cá khác nhau. Nhưng nay đi câu nhiều khi cả tháng trời cũng chỉ có vài ba con cá, tôm lóng nho nhỏ. “Khúc sông này ngày xưa cá ngát nhiều lắm, quăng câu chút xíu là có, toàn cá to. Nhưng giờ có câu được cá là mừng lắm rồi chứ đừng nói cá to hay nhỏ” - anh Tiên hướng mắt xa xăm ra dòng sông Tiền.

Riêng anh Huy thì trăn trở, nguồn lợi thủy sản đang sụt giảm nghiêm trọng do việc đánh bắt cá theo kiểu tận diệt. “Các ghe cào bắt giữa sông, ghe nhỏ thì trong bờ, tất cả đều “có điện” nên cá lớn, cá nhỏ đều chết hết. Nếu không ngăn chặn được vấn nạn này thì coi như chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi là nguồn thủy sản coi như… mất hết. Đi câu cá để thư giãn nên tuy những “ông câu” không quan trọng chuyện số cá câu được song điều trăn trở, lo lắng nhất là nguồn cá đang cạn dần. Họ lại băn khoăn, rồi đây, bọn trẻ con chỉ biết con cá ngát, con cá mè vinh… qua lời kể và… hình vẽ mà thôi…

Câu cá “ghiền” là để thỏa mãn niềm đam mê trong lòng, rồi tụ họp với nhau để trao đổi kinh nghiệm đi câu và chuyện thế sự. Mong rằng câu chuyện của những người câu cá “ghiền” không chỉ còn là nỗi buồn “cá không cắn câu” và tiếc nuối “con cá đâu rồi"...

KHÁNH NGHI

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang