• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người vợ liệt sĩ nuôi “chim trời”

Nguồn tin: Website Đảng Cộng Sản VN, 25/11/2011
Ngày cập nhật: 28/11/2011

Gần 60 năm qua, không biết có bao nhiêu cánh cò đã lớn lên, bay đi dưới sự che chở của một người phụ nữ lam lũ. Và có lẽ cũng không ai hiểu được vì sao chim trời dù đi đâu về đâu, chúng vẫn thủy chung quay về với người phụ nữ ấy. Hầu như ai cũng nghĩ "hay bà là người không bình thường”... Khi cuộc sống còn bộn bề bao vất vả, bà lại lặng lẽ làm công việc không giống ai là nuôi “chim trời, cá nước”. Người phụ nữ ấy là mẹ Vũ Thị Khiêm.

Thân cò lặn lội... nuôi cò

Dọc triền đê bên tả sông Lô, men theo con đường đất nhỏ, chúng tôi tìm đến đồi cò Trầm Sai của mẹ Vũ Thị Khiêm ở thôn Dừa Lẽ, Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc. Ngôi nhà nhỏ của mẹ nằm lọt thỏm trong khu rừng nguyên sinh ở cuối xóm Dứa, im ắng đến lạ, ấy vậy mà chiều chiều cò lại bay về trú ngụ trắng xóa một vệt rừng, gọi nhau làm náo động cả một vùng quê nghèo.

Gần 60 năm mẹ Khiêm đã gắn bó với đàn cò (ảnh do gia đình cung cấp)

Chúng tôi đến nhà, khi mẹ Khiêm và cô cháu gái vừa lên rừng cò làm lại hàng rào về. Vừa tiếp tôi, mẹ vừa lấy bông thấm những vết thương do phải đằn gai nắc nỏ. Mẹ ấm ức kể “Hôm qua không biết trâu, bò hay bọn trộm cò lại phá hàng rào làm bà phải mất cả buổi làm lại, không thì tối nay đàn cò lại ngủ không yên”. Chuyện mẹ Khiêm yêu thương đàn “chim trời” như máu mủ ruột già, như lũ cháu nội của mẹ, có lẽ không có người thứ hai.

Mẹ Khiêm quê gốc miền biển Quảng Ninh. Năm 1949, cả nhà lên miền trung du này chạy giặc. Họ phải khai sơn, phá thạch, trồng khoai, sắn ở vùng đất cằn đầy sỏi đá trên đồi Trầm Sai để có cái ăn qua ngày. Khi những cây ăn quả, bụi tre, luồng khép tán, đơm hoa kết trái thì cò kéo về hàng đàn, đậu kín sân vườn. Cò làm những cây nhãn, cây vải rụng quả, gãy cành, rồi xót phân mà chết. Gia đình mẹ Khiêm tìm mọi cách đuổi mà chúng không chịu đi, mà bắt chúng thì không nỡ. Thế là gia đình mẹ bỏ trồng nhãn, trồng vải, sang trồng sấu, trồng tre..., cò kéo nhau về làm tổ nhiều hơn. Mẹ cũng bỏ nghề trồng vườn, chọn thú vui chăm cò... Từ ấy hàng nghìn cò con sinh ra, lớn lên trong sự bảo vệ, chở che của gia đình mẹ.

Mẹ kể: 17 tuổi mẹ lấy chồng và ở cùng với bố mẹ đẻ. Chồng đi bộ đội, rồi hy sinh trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, khi mẹ chỉ mới 27 tuổi. Một mình phải bươn chải nuôi hai con nhỏ và bố mẹ già yếu, mẹ tưởng mình sẽ không gượng dậy nổi.

Những vất vả mưu sinh trong cuộc sống khiến thân hình gầy yếu của mẹ lại càng liêu xiêu, khẳng khiu như một dáng cò. Trước khi về với tổ tiên, song thân của mẹ trăng trối: “Có nghèo khổ đến mấy cũng không được phá rừng, bắt cò. Đất có lành thì chim mới đậu”. Mẹ Khiêm khắc cốt, ghi tâm những lời nói ấy cho đến tận bây giờ.

Thêm một lần nữa đau thương lại đè lên "thân cò" tiều tụy khi người con trai duy nhất của mẹ mất do tai nạn giao thông năm 1998. Mẹ chọn nơi cao nhất trên ngọn đồi Trầm Sai cho anh yên nghỉ, để hằng ngày anh vẫn có thể lắng nghe tiếng cò như hồi còn sống. Người con dâu không chịu được cực khổ đã bỏ đi, để lại cho mẹ 5 đứa cháu thơ dại, đứa nhỏ nhất mới chỉ 3 tuổi. Thời gian đầu, thằng út cứ khóc nằng nặc đòi mẹ. Mẹ Khiêm phải thức trắng đêm ôm ấp, dỗ dành cho cháu ngủ. Nhìn đàn cháu bơ vơ giữa cuộc đời, mẹ ngỡ như đang phải chăm sóc đàn cò con vừa trải qua một cơn giông tố mạnh. Ruột gan của mẹ rối bời, đau quặn như bị cắt ra từng khúc…

Mỗi ngày mẹ Khiêm đều đi tuần quanh đồi cò một lần

Thời gian mới đó mà mẹ đã gắn bó với rừng cò này gần 60 năm. Bây giờ, chỉ cần nghe tiếng cò kêu là mẹ biết con nào kêu vì đói, cò nào kêu gọi con hay cò con kêu cầu cứu mẹ khi có người bắn phá. Mẹ còn biết đàn cò nào là đàn cò “ở trọ” chỉ ngủ chứ không sinh sản, đàn cò nào “thường trú” và ở lại sinh sản. Trong rừng cò, có bao nhiêu loại, đặc tính ăn ngủ của chúng ra sao mẹ cũng nắm rõ hết. Gần 60 năm qua, trong khu vườn rộng 5 ha của mẹ, không có ngày nào mà không có cò bay về ở. Khoảng vào tầm tháng 3 âm lịch hằng năm, cò về làm tổ, sinh sản, kêu ríu rít, tạo ra khu vườn đẹp nao lòng như cổ tích. Tháng 8, khi cò con lớn, chúng lại lục đục kéo nhau bay đi đâu không ai biết. Đầu mùa thu, đàn cò, đàn diệc trên phương Bắc lại về đồi Trầm Sai trú rét.

Năm 2008 bão lớn, gió giật mạnh, cây gẫy cành đổ ngổn ngang khắp khu đồi. Nửa đêm, nghe đàn cò bị thương và bị lạnh kêu thảm thiết, mẹ không tài nào nhắm mắt được. Mẹ cảm giác như có hàng trăm, hàng nghìn mũi kim đang châm vào thân thể của mình. Hơi thở của mẹ gấp gáp, hổn hển. Lập cập dậy vén màn ra cửa, mẹ chỉ muốn nhao lên với đàn cò. Nhưng nếu leo lên rừng cò lúc này, chỉ sợ không quay về nhà được. Đầu thì nghĩ vậy, nhưng đôi chân của mẹ vẫn bước về phía những tiếng kêu xé lòng của đàn cò. Trong màn đêm đen đặc, ngọn đèn dầu trong tay vẽ hình của mẹ Khiêm xiêu vẹo trên con đường lầy lội. Lên tới nơi, nhìn thấy cò chết trắng vườn, mẹ đứng nhìn như hóa đá. Cho dù người run lên vì lạnh, nhưng mẹ vẫn cố đi khắp vườn nhặt những con cò bị thương đem về nhà ủ ấm. Mấy hôm sau, lũ cò con được mẹ cứu mạnh khỏe bay lên trời, còn mẹ Khiêm thì lại bị ốm một trận “thập tử, nhất sinh”. Mẹ nằm trên giường co quắp như một sợi dây khoai héo. Nhưng nghe thấy tiếng cò ríu ríu gọi nhau trở về đồi Trầm Sai, mẹ cố gượng dậy lắng nghe, hy vọng…

Thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, công việc chăm sóc đàn cò của mẹ vì thế mà càng thêm vất vả. Có những năm nắng hạn, rừng cháy hết, đồng cạn khô nứt nẻ. Đàn cò về không có nước uống héo hắt, tan tác, làm mẹ rơi nước mắt. Không có tiền, mẹ chạy vạy khắp xóm, vay mượn để thuê người đào hai cái ao nhỏ cho đàn cò có nước uống. Nhìn đàn cò đậu kín ao, vẫy vùng trong sức sống mãnh liệt, nụ cười lại hé nở trên gương mặt nhăn nheo của mẹ.

Mơ ước của “mẹ cò”

Không chỉ hy sinh đồi rừng với biết bao loài gỗ quý, mà giấc ngủ của mẹ cũng không trọn vẹn vì phải “vật lộn” với bọn trộm cò đêm. Biết nhà chỉ có bà già và đứa cháu nhỏ, nên bọn trộm cò thường xuyên phá hàng rào vào bắn cò, nhất là mùa cò đẻ.

Có lẽ cả xóm Dứa không ai quên được hình ảnh mẹ Khiêm ôm mặt khóc nức nở nghĩ mình là người có tội khi nhìn thấy những con cò bị bắn chết vẫn còn mắc đầy trên cành cây. Mẹ kể: Đêm hôm đó, nghe thấy cò kêu biết có động, mẹ liền gọi cho con rể là Hà Văn Hùng lên trước, mình lên theo sau. Tới nơi mẹ thấy con rể đang bị 3, 4 thằng trộm cò quây lại đánh. Mẹ cùng mọi người xông vào cứu được anh Hùng ra thì chúng đã bắn được hai bao tải cò. Mẹ trợn mắt, tay nắm chặt, nói rít lên: “Chúng mày giết bấy nhiêu con cò thì hàng trăm con cò con ai kiếm mồi cho chúng nó ăn... Rồi chúng nó cũng phải chết theo bố, mẹ nó thôi”. Bọn trộm cò cúi đầu như những tên tội phạm vừa bị tòa tuyên án…

Mẹ Khiêm cùng cháu gái Thanh Hiền, làm lại hàng rào để cò yên giấc ngủ

Từ lần đó, mỗi ngày mẹ đều đi tuần quanh đồi một lần, kiểm tra xem có chỗ nào rào bị phá không để hôm sau mẹ làm lại ngay. Thỉnh thoảng mẹ cũng muốn đi chơi thăm bà con, nhưng sợ ở nhà không ai bảo vệ đàn cò mẹ lại không dám đi đâu nữa. Niềm vui lớn nhất của mẹ đó là các con và các cháu đều có ý thức, chung lòng cùng mẹ bảo vệ rừng cò. Chị Nguyễn Thị Thủy, con gái mẹ tâm sự: “Đàn cò đã có từ thời ông ngoại. Mình luôn tâm nguyện sẽ chăm sóc rừng cò, bảo vệ truyền thống gia đình, tâm phúc trời cho”.

Giờ nhà mẹ Khiêm vẫn nghèo lắm. Ngôi nhà xập xệ ở đã lâu, nhưng mẹ vẫn chưa có tiền sửa sang. Những chiếc giường của 5 bà cháu, phải làm một tấm bạt che để khi trời mưa bớt dột. Nhiều người trong xóm khuyên mẹ bán bớt gỗ trong rừng cò đi lấy tiền cải thiện cuộc sống cho bớt khổ cực, nhưng mẹ kiên quyết không bán. Nếu chặt cây, cò thấy động bay đi hết. Có lần cháu gái cả đi học trên Vĩnh Phúc về mà trong người chỉ có 5000 đồng để trả tiền xe. Người lái xe cho lại 2000 để cháu đi qua đò về nhà. Thương cháu và có phần giận mình, mẹ gọi thợ định bụng sẽ bán một cây chò, lấy tiền cho cháu đi học. Nhưng thợ vào, mẹ lại xin lỗi họ vì không đành lòng chặt đi chốn dung thân của đàn cò. Để rồi sáng hôm sau, mẹ chạy khắp xóm vay mấy nghìn cho cháu gái lên trường. Mẹ Khiêm nói: “Xây cái nhà lớn cỡ nào một, hai năm cũng xong, nhưng muốn trồng cây hai người ôm không xuể thì phải mất cả đời người”.

Mẹ có một mơ ước làm được một hàng rào bằng dây thép gai, để cho đàn cò của mẹ có thể yên giấc ngủ. Cuộc sống của mẹ Khiêm còn quá ngắn ngủi, nhưng chưa khi nào mẹ hy vọng được hưởng gì từ việc gìn giữ đàn cò. Nếu tôi là một “đại gia”, hay một nhà quản lý môi trường, sẽ không ngần ngại giúp mẹ Khiêm làm lớp hàng rào chắc chắn, để cùng mẹ bảo vệ cho đồi Trầm Sai được bình yên, để đàn cò bay đi, bay về mỗi ngày một nhiều thêm, đúng như lời bài hát “Những gì mình giữ lấy, sẽ còn lại đến mai sau”.

Nguyễn Huyền

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang