• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cà Mau: Bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ: Bắt đầu từ an cư

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 10/10/2011
Ngày cập nhật: 11/10/2011

Chuyện nguồn lợi thủy sản ven bờ bị khai thác bằng các hình thức tận diệt đã diễn ra từ nhiều năm nay. Mặc dù các ngành chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm khôi phục nhưng xem ra chưa thật sự mang lại hiệu quả. Bởi lẽ, các biện pháp được áp dụng trong thời gian qua chưa giải quyết được vấn đề căn cơ về cuộc sống của những cư dân ven biển.

Hiện nay, toàn tỉnh Cà Mau có khoảng 4.942 phương tiện hành nghề khai thác biển. Trong số đó, chỉ có 887 phương tiện có công suất từ 90 CV trở lên có khả năng khai thác xa bờ. Số còn lại trên 4.000 phương tiện khai thác gần bờ, đặc biệt trong số này có trên 1.000 phương tiện có công suất dưới 20 CV, chủ yếu khai thác ven bờ. Đó là chưa kể đến các phương tiện đẩy te và hình thức đăng, đó trên sông và các cửa biển đang ngày đêm vét cạn nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Lựa chọn duy nhất để mưu sinh

Hiện nay, tại cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, còn hàng trăm phương tiện khai thác thủy sản ven bờ, ảnh hưởng đến việc tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Ảnh: ĐỨC TOÀN

Cả gia đình 5 nhân khẩu nhưng chỉ dựa vào một chiếc vỏ te để mưu sinh là cách mà cả nhà ông Trần Văn Long, khóm 4, thị trấn Sông Đốc đã tồn tại trong suốt hơn 20 năm qua. Năm 1991, rời quê hương Tiền Giang di cư về sống tại thị trấn Sông Đốc, nguồn lợi thủy sản ven bờ đã nuôi sống cả gia đình ông cho đến nay. Ông tâm sự, do không đất sản xuất nên cả gia đình chỉ biết mưu sinh bằng chiếc ghe te kể từ khi đặt chân lên vùng đất ven biển này. Mặc dù biết là vi phạm nhưng không có cách nào khác hơn vì đây là phương kế duy nhất để mưu sinh và có lẽ đến đời con ông cũng phải dựa vào cách này kiếm sống.

Không riêng gì gia đình ông Long, khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ là cách mưu sinh duy nhất của gần 2.000 hộ dân di cư tự do sống tại các cửa biển, dọc theo các tuyến đê phòng hộ ven biển. Đó cũng là nghề của đa phần các hộ dân thuộc 21 xã, thị trấn ven biển trong tỉnh. Bằng cách này hay cách khác, có gia đình sử dụng lú (lú bát quái), đăng, đó, cào mé, xiệp, đẩy te, lưới vây... để khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Đồng chí Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, hiện nay nguồn lợi thủy sản đã bị suy giảm nghiêm trọng. Giá xăng, dầu và nguyên liệu đầu vào phục vụ cho nghề khai thác tăng liên tục trong khi giá sản phẩm đầu ra của ngư dân lại không tăng. Chính điều đó đã buộc người dân phải tận thu tất cả những gì có thể từ biển để tăng thu nhập.

Thời gian qua, tỉnh có nhiều biện pháp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, từ việc tuyên truyền, vận động cho đến nghiêm cấm khai thác đối với các nghề lưới đèn, cào mé, xiệp, te, lưới vây... trong vùng biển có độ sâu 5 - 7 m nước trở vào để bảo vệ vùng sinh trưởng của các loài thủy sản, tuy nhiên, đến nay nghề khai thác ven bờ vẫn không giảm, ngược lại có chiều hướng tăng lên. Việc vi phạm không chỉ với ngư dân trong tỉnh mà cả với ngư dân ngoài tỉnh. Nhất là khi giá xăng dầu, chi phí tăng cao, nhiều ngư dân ngại ra khơi do sợ lỗ nên chỉ khai thác gần bờ.

Ông Đoàn Minh Thanh, chủ phương tiện tại cửa biển Khánh Hội, bộc bạch, với giá cả như hiện nay, nếu không tính toán thật kỹ thì sau những chuyến ra khơi khả năng thua lỗ là rất cao. Do đó, chỉ có thể hoạt động gần bờ để cầm cự cho qua thời kỳ khó khăn.

Tìm giải pháp căn cơ

Rõ ràng việc vi phạm nguồn lợi thủy sản ven bờ không phải là vì người dân thiếu hiểu biết mà đa phần do cuộc sống khó khăn nên cố tình vi phạm. Ông Từ Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, cho biết, qua công tác tuyên truyền trong thời gian qua, tất cả các chủ phương tiện đều nắm được hình thức khai thác nào là vi phạm cũng như đâu là vùng biển cấm. Nhưng vì cuộc sống, họ vẫn lén lút vi phạm, thậm chí tìm mọi cách để vào những vùng biển cấm khai thác.

Như vậy, vấn đề cốt lõi đầu tiên trong giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản là ổn định đời sống của người dân ven biển. Việc nghiêm cấm các nghề khai thác ven bờ mang tính hủy diệt, sát hại nguồn lợi thủy sản là chủ trương đúng, nhưng trên thực tế đó chưa phải là biện pháp mang lại hiệu quả cao và lâu dài mà chỉ là biện pháp tình thế nhằm lập lại trật tự trong khai thác thủy sản.

Do đó, phải có sự phối hợp thống nhất giữa các địa phương và thực hiện đồng bộ các biện pháp. Vấn đề chính là chính quyền địa phương có chính sách giúp người dân tại các xã ven biển và chủ các phương tiện công suất nhỏ chuyển đổi ngành nghề, tạo công ăn việc làm phù hợp để giúp họ dần ổn định cuộc sống. Song song đó là phải quy hoạch vùng, khu vực và mùa khai thác một cách bài bản, khoa học.

Ông Lê Quang Thắng, ấp 3, xã Khánh Hội, huyện U Minh, bộc bạch, chỉ cần Nhà nước và chính quyền địa phương có bước đi, giải pháp, cách làm cụ thể tạo công ăn việc làm mới ổn định thì ngư dân ven biển sẵn sàng chuyển đổi nghề.

Theo ông Phạm Thế Tài, Phó chánh Thanh tra thủy sản Sở NN&PTNT, một trong những vướng mắc trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản là chỉ tập trung sức bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, nhưng ở tuyến lộng có đến gần 7.000 phương tiện hoạt động quanh năm, đa dạng dụng cụ, đủ phương cách khai thác. Điều đó đã hình thành chiếc lưới khổng lồ giăng bủa bắt tôm, cá lớn, bé di chuyển từ ngoài khơi vào bờ sinh sản và ngược lại làm mất cân bằng sinh thái môi trường biển.

Cần có giải pháp giúp các phương tiện ven bờ trong việc vươn khơi hay chuyển đổi ngành nghề để giảm áp lực cho nguồn thủy sản ven bờ.

Để khôi phục tài nguyên biển, bảo vệ vùng sinh sản, sinh trưởng ven bờ của các loài thủy sản, trước hết, cần làm tốt công tác quản lý các phương tiện có công suất máy từ 20 CV trở xuống. Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiện nay là cần thiết lập một hệ thống cập nhật dữ liệu về tình trạng nguồn lợi, sản lượng khai thác và hoạt động của từng tàu cá, cảng cá tại các địa phương ven biển.

Đồng thời, ngoài việc cấm tàu thuyền dùng lưới kéo đáy sát bờ (từ 3 hải lý trở vào), nên hạn chế ngư dân đánh bắt vào mùa sinh sản, nhất là quy định nghiêm kích cỡ mắt lưới trong khai thác, khuyến khích thả con giống xuống biển. Ở Malaysia còn cho xây dựng các bãi cá nhân tạo nhằm thu hút các loài cá đến cư trú, sinh sản, sinh trưởng và phát triển. Đây là một sáng kiến rất độc đáo cần phải được nghiên cứu áp dụng trong điều kiện thực tế ở các vùng ven biển Việt Nam.

Đối với các phương tiện khai thác xa bờ, theo ông Từ Văn Hiền, cần khẩn trương tổ chức lại, giúp ngư dân áp dụng công nghệ đánh bắt tiên tiến để giảm chi phí và tăng hiệu quả trong khai thác. Sắp xếp, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề phù hợp, nhất là số phương tiện công suất nhỏ, nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản ven biển. Đào tạo nguồn nhân lực lao động biển, nhất là đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tàu cá. Có như vậy nguồn lợi thủy sản mới thực sự được khôi phục và khai thác lâu dài, bền vững.

Nguyễn Phú

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang