• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ngược đường vào đỉnh lũ

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 08/10/2011
Ngày cập nhật: 10/10/2011

Mỗi năm lũ về như dòng sông thai nghén, mang về cho đất đai đồng bằng màu mỡ phù sa, mang về bao nhiêu cá tôm như một thứ “lộc trời” bất tận. Rồi có những lúc, con nước rùng mình giận dữ cuốn phăng bao nhà cửa, hoa màu, nhấn chìm những ruộng lúa xanh thì con gái. Dọc đường lang thang vào vùng đỉnh lũ, chúng tôi ghi nhận vào lòng những nụ cười rạng rỡ niềm vui, và cả những giọt nước mắt nghẹn ngào của nỗi buồn trắng tay vì lũ.

Dòng nước hung hãn “liếm” mất một đoạn đê xung yếu.

Mưu sinh mùa nước nổi

Những ngày đầu tháng mười, người dân miền Bắc, miền Trung gồng mình chống chọi những cơn bão nối đuôi nhau dồn dập đổ vào biển Đông. Còn đồng bằng trong này, những cánh đồng đang oằn mình trong biển nước lên nhanh, mà mưa cứ sầm sập mấy ngày không ngớt. Tin vỡ đê khắp từ đầu nguồn cho tới hạ lưu. Đội cơn mưa tầm tã từ sáng sớm, chúng tôi ngược về vùng đỉnh lũ.

Vỡ đê, lũ nhấn chìm trăm hecta lúa.

Vừa qua khỏi TP Cao Lãnh, QL30 xuyên qua các huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông, nước sông nhiều đoạn đã tràn qua mặt lộ, những bao cát nhanh chóng được đưa tới chắn lũ. Phóng tầm mắt về phía cánh đồng mênh mông biển nước, sóng bủa ngọn trắng xóa, khó ai yên tâm được vào những con nước rong ngày rằm và 30/9 âm lịch sắp tới. Như một quy luật từ bao đời nay, hễ năm nào lũ lớn thì cá thượng nguồn đổ về nhiều vô số kể, và hứa hẹn vụ Đông Xuân tới lúa sẽ trúng “bể bồ”.

Mấy vạt ấu ở xã Phú Ninh, huyện Thanh Bình đang vào vụ. Theo đó, những cái chòi chen chúc mọc lên. Mấy bà, mấy chị tranh thủ tăng thêm thu nhập bằng những nồi ấu luộc. Tội nghiệp, dưới chân nước lũ, trên đầu mưa gió bời bời, cùng ráng che chắn cho mấy bếp lò luôn đỏ lửa. Chị Hoa ở Ấp 2, cho biết đêm qua nước mấp mé lên lộ nên cái bếp của chị ướt mem, phải đi nấu nhờ nên cứ tất tả chạy tới chạy lui. Tùy hên xui, nếu đắt, mỗi ngày chị bán được 50 - 60 kg, thường thì cũng 20 - 30 kg (5.500 - 6.000 đ/kg), lời khoảng 1.000 đ/kg, coi như kiếm thêm chút đỉnh cho tụi nhỏ đi học.

Nước tràn hẳn vào nhà, người lớn lo kê kích nhà cửa, bắc cầu đi vào nhà. Những đứa trẻ háo hức đổ ra đường “giựt” cá rô non, cá lòng tong, có đứa thì xách leng đào trùn giăng câu cá lóc, cá trê. Ở những miệng cống xả lũ, bao giờ cũng có 5 - 7 người xúm lại quăng chài. Trên đồng những miệng dớn đang vào cao điểm bội thu, trong những ngọn gió Tháp Mười lồng lộng như phả ngập “mùi thơm” tươi rói của cá đồng vừa cất lên khỏi nước. Đến Ấp 1, xã An Phong, huyện Tam Nông, chúng tôi có cuộc trò chuyện vui vẻ cùng gia đình chú Năm Sơn (52 tuổi), 5 người đàn ông trong gia đình chú đang kéo lưới từ sáng, chưa đến 10 giờ đã thu hoạch gần 50 kg cá các loại. Người con dâu của chú đang đón trên bờ, lấy cá rô phi về làm giống thả ao. Phần cá lớn thì lựa ra cân hàng chợ, hoặc phơi khô để dành. Cá nhỏ thì làm cá mồi, cân cho mấy chủ ao nuôi cá lóc, được 5.500 - 6.000 đ/kg. Hút tàn điếu thuốc, họ lại tiếp tục ra đồng, tới khoảng xế xế là có trên cả trăm ký cá. Năm nào gia đình chú Năm Sơn cũng ra đồng kéo cá mùa nước nổi, nhưng năm nay cá trúng nên thu nhập cao hơn mọi năm nhiều.

Thắt lòng cắt lúa… cho bò ăn

Chạy vắt qua TX Hồng Ngự, thẳng hướng về biên giới, chúng tôi đến huyện Tân Hồng, nơi mấy ngày trước đã vỡ đê Cả Mũi thuộc xã Tân Thành A, hơn 500 ha lúa bị nhấn chìm vào bụng “bà thủy”. Anh Hùng, anh Dũng là những chủ ao cá ở Tân Hồng, thết đãi chúng tôi con cá bống tượng chưng tương to đùng. Theo các anh thì lên mùa này mới còn món “độc”, vì các quán đang… ế. Nước lũ đang lên, cả huyện không có anh cán bộ nào dám bước chân vô quán. Nghĩ các anh nói chơi, sau này mới biết có chỉ thị của Huyện ủy Tân Hồng về vấn đề này.

Sáng hôm sau, chúng tôi lại háo hức chạy về xã Tân Hội Cơ để tìm “mùa len trâu” cho… đỡ nhớ ông Sơn Nam. Không ngờ tin vỡ đê trong đêm đã buộc chúng tôi đổi hướng chạy tuốt vào xã Tân Thành A. Dọc đường, mấy tay đi săn vác chĩa chở nhau chạy có cờ. Vừa qua cầu Cả Mũi đã thấy hàng trăm xe gắn máy dựng ngổn ngang, tiếng la í ới trên đồng, chuột, rắn ngóc đầu lội ngoi ngóp. Nước dâng lên trông thấy, chẳng mấy chốc những vạt lúa 50 - 60 ngày tuổi xanh mơn mởn chìm dần vào biển nước trắng xóa.

Dì Tư có nhà ngay trên đám lúa gần 40 công, vẻ mặt thất thần nhìn người ta cắt lúa non chở ghe về cho bò ăn, mà ngồi khóc không thành tiếng. Dù có quá nhiều “kinh nghiệm” sống trong vùng lũ, đã từng chứng kiến con lũ kinh hoàng năm 1978 của người dân miền Tây, nhưng thực sự chúng tôi sẽ còn bị ám ảnh thật lâu gương mặt, đôi mắt của người nông dân ấy. Và, không thể cầm lòng được khi nhìn ruộng lúa tốt tươi cuốn trôi lềnh bềnh theo dòng nước. Bao nhiêu tiền của bị lũ nhấn chìm, để lại sau lưng hàng ngàn nông hộ trắng tay vì lũ.

Và cũng mấy chục năm rồi, mới thấy lại cảnh đi săn rộn ràng như thế này, chuột, rắn đựng cả thùng, nhưng sao cảm thấy thắt lòng và cay cay nơi khóe mắt. Thương quá những mảnh đời cơ cực, niềm vui, hy vọng lớn nhất cuộc đời họ chính là cây lúa, nên còn ngồi khóc được như dì Tư là chặt dạ lắm, nghe nói trong đêm có rất nhiều bà con xỉu lên, xỉu xuống.

Cảnh tượng mà những người miền hạ lưu chúng tôi khi thấy còn phải xót lòng.

Chúng tôi hỏi thăm đường đến nơi vỡ đê. Tại đê Bắc Viện, một đoạn đê vỡ mở ra toang hoác dài gần 30 m, nước vẫn đổ vào đồng ầm ầm như thác, chiếc xáng trực tại đê cũng bị nước đạp tuốt vô đồng. Một máy dầu, một xe gắn máy của anh công an trực tại đê cũng bị nước cuốn đi, may mà không có thiệt hại về người. Không để là gì, nhưng nhiều người dân vẫn đứng trên bờ đê nhìn con nước, ánh mắt ai cũng thẫn thờ, vô vọng. Anh Hồ Thuận Lợi - Chủ tịch UBMTTQ xã Tân Thành A - cho chúng tôi biết: “Ngay trong đêm nghe tin vỡ đê Bắc Viện, đồng chí bí thư xã đã xỉu phải chở đi cấp cứu ở bệnh viện. Vậy mà sáng ra, đã thấy anh có mặt tại trụ sở UBND xã”. Anh còn cho biết rằng, là cán bộ phụ trách trực tiếp tuyến đê này, nên những ngày qua ông không yên giấc ngủ, nói gì đến chuyện ăn nhậu. Mà Huyện ủy đã có chỉ thị rồi, cán bộ nào chỉ cần cầm ly rượu là bị kỷ luật ngay. Còn đối với xã này có nhiều tuyến đê là điểm nóng, nên mọi người đều rất lo lắng, vậy mà cuối cùng vẫn không bảo vệ được lúa của bà con - giọng ông buồn buồn, vẻ mặt rầu rĩ.

Đường vào đỉnh lũ thì chúng tôi nôn nao, háo hức; đến khi trở về thì lòng trĩu nặng… Đã lâu lắm rồi miền Tây mới có được một mùa lũ đẹp, lâu lắm rồi mới thấy xuất hiện lại bóng dáng của những loài cá quý của dòng Mekong. Và chắc chắn rằng, nông dân miền Tây sẽ đón vụ Đông Xuân tới với niềm vui trúng mùa, giá lúa thì đang có nhiều thuận lợi. Niềm vui mùa nước nổi sẽ trọn vẹn biết bao, nếu không “mặn đắng” bởi những giọt nước mắt trắng tay vì lũ.

NGỌC TRẢNG – MINH THÁI

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang