• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đóng đáy trên sông

Nguồn tin: Báo An Giang, 07/10/2011
Ngày cập nhật: 8/10/2011

Ngã ba Dung Thăng nhánh sông Hậu xã Vĩnh Hội Đông (An Phú - An Giang) bắt nguồn từ phía thượng nguồn Campuchia đổ về Châu Đốc, hằng năm cứ vào mùa lũ nước chảy xiết mang theo lượng lớn cá, tôm trôi dạt xuống hạ nguồn. Nắm bắt được quy luật của tự nhiên, dân nghèo lục đục đem xuồng, lưới, phuy sắt ra sông đóng đáy để khai thác thủy sản…

Quay chiếc xa tay đổ đáy.

Ghé thăm luồng đáy đầu tiên của ông Nguyễn Văn Sến mới hay, mùa lũ năm nay, ông tranh thủ đóng đến 3 miệng đáy. Mỗi miệng có chiều dài khoảng chục mét, ông gắn 12 thùng phuy dàn hàng ngang và cắm 5 chiếc neo sắt kiên cố dưới lòng sông để giữ chặt luồng đáy chống chịu với sức chảy của lũ. Ngoài ra, ông Sến còn thuê 10 nhân công và 5 chiếc xuồng túc trực canh đổ đáy ngày đêm. Ông Sến cho biết: “Đầu tháng năm, tôi trúng thầu luồng đáy 300 triệu đồng. Đến tháng bảy, tôi chọn ngày tốt bắt đầu xuống đáy để hứng cá linh đầu mùa, nhưng lúc này cá chạy cũng ít lắm! Mãi đến nay, luồng đáy chạy mỗi ngày cũng chỉ khoảng vài trăm ký cá linh, cá lăng, tôm các loại. Thời điểm này, cá linh lớn bằng ngón tay chủ yếu bơi dạt trên đồng tìm thức ăn nên đáy đổ chạy chỉ đủ kiếm sống qua ngày. Đợi khoảng nước trên đồng giựt xuống vài tấc, cá từ đồng bắt đầu ra sông, chừng ấy miệng đáy của tôi hứng mỗi ngày có thể lên đến vài tấn cá…”.

Mùa nước giựt dàn đáy không chỉ chạy cá linh mà còn chạy tôm, cá kết bạt, cá trèn bầu, trèn răng, cá lăng, cá chạch lấu mỗi ngày 300 - 400 kg... Canh ngay con nước, nhiều bạn hàng chợ Châu Đốc chạy ghe đục đến cân sáng đêm, tạo nên không khí nhộn nhịp trên sông. Anh Nguyễn Văn Chí, một người có thâm niên trong nghề đóng đáy đang làm thuê cho ông Sến cho biết: “Nước giựt, hạ lưới đụng đáy sông, hứng cá linh mỗi ngày từ 2 - 3 tấn. Lúc này giá cá linh rẻ như bèo, chỉ với giá vài ngàn đồng/kg nên được bạn hàng mua về cắt đầu làm mắm. Chủ yếu hứng tôm và các trèn, cá kết bạt, cá chạch lấu bán mới có giá. Thấy ham nhất là tôm càng, tôm trứng chạy mỗi đêm khoảng 300 kg, kiếm một đêm trên chục triệu đồng. Thời gian hứng cá, tôm dưới sông kéo dài đến hết tháng 12 âm lịch…”.

Trúng đáy cá linh nhảy.

Tuy nhiên, nghề đóng đáy trên sông cũng khá bấp bênh. Nếu năm nào cá chạy mạnh thì kiếm ăn được, còn năm nào cá, tôm chạy thất thì xem như lỗ, đói. “Cũng có năm thu hoạch cá xong mùa lũ, chúng tôi lỗ trắng, bởi cá chạy rất ít không đủ chi phí trả tiền công cho anh em thức canh đổ đáy. Bình quân, mỗi tháng, tôi phải trả tiền nhân công lên đến 30 triệu đồng cho 10 người. Nếu đến con nước cá ra, giàn đáy chạy mỗi ngày dưới 2 tấn cá linh xem như lỗ nặng” - ông Sến trầm ngâm.

Nghề đóng đáy trên sông rất vất vả, họ canh trực thâu đêm. Để mẻ lưới thông, cá chạy mạnh, mỗi buổi sáng có đến 10 người dùng thanh tre nỗ lực đập mành lưới lịch bịch sao cho thật sạch rong rêu. Ngoài ra, họ còn phải canh chừng thường xuyên không cho những giề chấp trôi dạt vào miệng đáy. Cực nhất là vào những tháng mới hạ giàn đáy xuống sông, giề chấp lục bình, rác rưởi trôi dạt đầy sông, anh em phải túc trực ngày đêm dùng xuồng máy để kéo rác tránh khỏi miệng đáy. Nếu không làm như vậy, lỡ một giề chấp tấp vào, cộng với sức nước chảy cuồn cuộn sẽ đứt trôi giàn đáy.

Cái nghề đóng đáy trên sông, anh em thường nói vui với nhau là nghề “đâm hà bá” vì suốt ngày cứ làm việc lầm lũi trên sông. Ngoài ra, khi làm nghề này, mọi người còn phải hết sức kỹ lưỡng đến từng lời ăn tiếng nói. Khi quan sát thấy tại đầu giàn đáy có đặt một thanh tre giống bàn thông thiên trước nhà, chúng tôi thắc mắc thì những người đổ đáy giải thích, đó là cây xôm dùng để thắp hương khấn vái “bà cậu” độ cho làm ăn suông sẻ, cá chạy đầy xuồng. “Làm nghề sông nước, dân trong nghề tin tưởng “bà cậu” dữ lắm! Vào những ngày cá ra như mùng 10 tháng 9 và con nước 25 tháng 10 âm lịch, mỗi ngày miệng đáy hứng trên 1 tấn cá linh. Lúc này, anh em đổ đáy không kịp nghỉ tay. Cách khoảng 1 tiếng đồng hồ là đổ một lần. Cá trúng chạy vài đêm là lấy vốn ngay. Khi lấy vốn được, người chủ luồng đáy phải khấn vái, cầu nguyện và cúng “bà cậu” nguyên con heo tại đầu miệng đáy. Đây được xem là “thủ tục” không thể thiếu trong nghề đóng đáy nhằm thể hiện sự biết ơn “thần sông” đã cho nguồn sinh lợi...” - anh Nguyễn Văn Chí nói.

Nói xong nhìn đồng hồ, anh Chí khều chân mọi người đang thiêm thiếp trên ghe, rồi giục: “Nhanh… nhanh lên… đến giờ đổ đáy rồi, để lâu quá cá ngộp chết hết bán bạn hàng sẽ chê”. Nói đoạn, anh Chí vội vã bước đến đầu xuồng lom khom quay chiếc xa tay để kéo miệng đáy. Khiêng bầu đáy giựt mối dây đổ cá vào khoan xuồng, cá nhảy lách chách làm văng nước tứ tung. Cá trúng đầy khoan, sự mừng rỡ cộng với tiếng cười nói của anh em nghèo đã làm vơi đi nỗi quạnh hiu trên sông nước mùa lũ.

THÀNH CHINH

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang