• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hy vọng mới ở xóm lặn hàu

Nguồn tin: Bình Định, 08/09/2008
Ngày cập nhật: 10/9/2008

Lặn hàu là một nghề đầy nguy hiểm, lắm vất vả, thu nhập kém nhưng vẫn là nghề mưu sinh duy nhất của người dân xóm Câu Thẻo, thôn Nhơn Ân, xã Phước Thuận (Tuy Phước). Thế nhưng, cái kế sinh nhai này đang dần “quay mặt” với họ, vì lượng hàu ngày càng vơi đi. Trước thực tế này, người dân Câu Thẻo đang tìm cách nuôi hàu.

Mỗi ngày có vài ba trăm người đi lặn hàu.

* Biển đói... bám hàu

Xóm Câu Thẻo có 250 nóc nhà thì hầu hết các hộ dân đều sống bằng nghề lặn hàu. Ông Võ Xuân Thanh (57 tuổi) ở xóm Câu Thẻo tâm sự: “Sống ven đầm Thị Nại nhưng chúng tôi không có vốn liếng tậu tàu lớn để đánh bắt cá to nên nhiều đời nay “cha truyền con nối” chỉ một nghề… câu thẻo. Những năm trước, nghề này không thể cho chúng tôi làm giàu nhưng cũng giúp tạo dựng được một cuộc sống no đủ. Nhà nào có ghe lớn, có nhiều cặp câu lưỡi lớn thì đi xa bờ câu cá hố, cá sin la, cá bánh đường… thu nhập khá hơn. Nhà nào có ghe nhỏ, cặp câu lưỡi nhỏ đi gần bờ, ven các gành nằm ở các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải cũng đánh được cá lù, cá mú, cá hồng. Mấy năm gần đây biển đói, dầu liên tục tăng giá, mỗi chuyến đi phải mất đến 60-70 lít dầu, thường xuyên bị lỗ tổn nên đành neo ghe. Bà con trong xóm ai cũng lâm tình cảnh này. Ghe thì neo nhưng xoong nồi không thể “treo” nên người người đồng loạt nghĩ đến chuyện đi cạy hàu kiếm sống”.

Vào nghề lặn hàu không phải đầu tư gì nhiều, chỉ cần 1 chiếc đèn pin được bọc kín nylon, 1 chiếc gương lặn, 1 cái búa, 1 mũi de và 1 cái thau nhựa là đã có thể hành nghề. Chị Tư Hải (44 tuổi) cho biết thêm: “5 giờ sáng thức dậy ra bến chờ đò. Lộ trình thì tuỳ mỗi thợ hàu tự chọn: cầu Thị Nại, núi Một, núi Chín nằm trong đầm Thị Nại hoặc các bờ cá. Nghề này không “kén” lứa tuổi, già trẻ lớn bé đều làm được. Ở xóm Câu Thẻo này, nhà nào ít nhất cũng có 2 nhân khẩu làm nghề lặn hàu, nhà nhiều có đến 4 người. Mỗi khi con nước xuống, xóm vắng tanh, chỉ còn người già, người tàn tật ở nhà, còn ai nấy ngâm mình dưới nước để kiếm gạo. Hầu hết trẻ con ở đây học hết lớp 2, lớp 3 là ở nhà theo cha mẹ lặn hàu”.

Lang thang quanh làng, chúng tôi gặp rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không đủ khả năng cho con đi học. Tuổi thơ của lũ trẻ suốt ngày chìm lỉm dưới nước sâu, kiếm từng con hàu. Như gia đình ông Lê Đời, cả 4 đứa con ngay từ bé đã gắn đời với hàu nên giờ rất “xa lạ” với chữ nghĩa. Có nhiều em, khi chúng tôi hỏi: “Đã đến ngày tựu trường rồi sao các em còn lặn hàu?”. Chỉ được các em trả lời bằng những nụ cười ngây ngô, rất buồn!

* Con hàu đang bị tận diệt

Anh Ngô Văn Hải kể: “Vào những năm trước, ở trong các hốc đá nằm dưới các chân núi ven đầm Thị Nại, hàu đóng rất nhiều. Mỗi tháng 2 con nước ròng, người lặn hàu có 20 ngày làm ra tiền, chỉ sợ không đủ sức ngâm mình dưới nước chứ hàu thì không thiếu. Không những vậy, trên vùng đầm Thị Nại ở phía Mé Làng, Khe Đá thuộc xã Phước Sơn (Tuy Phước) có một vùng đáy đầm, hàu đóng nhiều đến nỗi người ta gọi đó là lạch Hàu. Lạch Hàu có chiều dài đến 1,5 km, rộng 500 m. Trong toàn bộ diện tích ấy, những con hàu nằm xếp lên nhau khin khít, dày đến 10 cm”.

Những cái vỏ hàu nằm dưới đáy đầm chính là nguồn sinh sôi của loài hàu. Những cái vỏ hàu ấy, qua thời gian sẽ “đẻ” nhiều con hàu nhỏ bám li ti vào đó rồi dần lớn lên, tách riêng ra. Thế nhưng bây giờ, có rất nhiều người lấy việc cào vỏ hàu dưới đáy đầm làm kế sinh nhai nên kể như loài hàu bị tiêu diệt tận gốc.

Những năm 90 (thế kỷ XX), lạch Hàu như là “kho báu” của người dân xóm Câu Thẻo. Người lặn hàu không phải dùng búa, mũi de đục lấy từng con như bây giờ. Cách khai thác hàu lúc bấy giờ là xúc, mỗi lần xúc là hàu vào rào rào. Xúc thủ công không xuể, người ta nghĩ ra cách đóng lưới vào khung sắt rồi cột vào ghe, nổ máy cho ghe chạy, chỉ vài lượt là ghe nào cũng khẳm be. Mỗi ngày, có đến 200 bao (50kg/bao) hàu cập bến xóm Câu Thẻo.

Thu hoạch như vậy, suốt một năm ròng thì lạch Hàu cạn kiệt. Lạch Hàu cạn, người ta chuyển sang các chân núi, chân cầu, bờ đá ven đầm Thị Nại. Mỗi ngày có đến vài ba trăm mũi de ra sức đục, cạy thì hàu có “phép tiên” cũng không sinh sôi kịp.

Không chỉ vậy, nguồn tái sinh của loài hàu cũng bị triệt tiêu mỗi ngày. Chị Bảy, người thu mua gom vỏ hàu ở xóm Câu Thẻo vừa xúc vỏ hàu cho vào bao, vừa cho hay: “Trước đây, người ta xúc vỏ hàu chỉ để về đổ nền nhà, nền sân hoặc đắp bờ hồ cho chắc. Sau này, khi các lò sản xuất vôi ở Trường Úc đã cạn kiệt nguồn san hô, quay sang thu mua vỏ hàu để nung làm vôi thì vỏ hàu bỗng trở nên món hàng thương phẩm. Thế là người dân ở xóm Chợ Bến nhanh chóng hình thành một lực lượng đông đảo chuyên đi cào vỏ hàu dưới lòng đầm. Hiện nay, cách thu mua vỏ hàu của các lò vôi được tính bằng bao, mỗi bao (30kg) có giá là 6.000 đồng. Mỗi ngày, mỗi ghe đi 2 người cũng cào được đến vài chục bao. Vỏ hàu xay cũng được các hộ nuôi vịt đàn mua cho vịt ăn để đẻ trứng cho dày vỏ…”.

* Tia hy vọng lóe lên

Trước tình hình lượng hàu trong tự nhiên ngày dần cạn, trong khi nhu cầu tiêu thụ món đặc sản hàu ở các nhà hàng trong và ngoài địa phương ngày càng tăng cao, đã khiến nhiều người nghĩ đến chuyện đưa con hàu vào bờ nuôi sinh sản. Anh Ngô Đình Thành tâm sự: “Trước đây vợ chồng tôi cũng là dân lặn hàu. Sau một thời gian, thấy nghề này vất vả mà nguy hiểm, lại cho thu nhập không bao nhiêu nên chuyển sang thu mua, cung cấp lại hàu cho các nhà hàng trong TP Quy Nhơn. Trước nguy cơ con hàu sẽ cạn kiệt, để bảo đảm bền vững cho việc mua bán, chỉ còn cách là phải nuôi hàu để chủ động nguồn hàng. Sau khi đi học hỏi nhiều nơi và khảo sát thấy vùng đầm ven xóm Câu Thẻo có môi trường nước thích hợp với việc nuôi hàu, cách đây 4 năm, vợ chồng tôi đã mạnh dạn đóng cọc khoảng 6.000 m2 mặt nước nuôi hàu muổng. Hiện chúng tôi đã thả nuôi 5 tấn hàu giống. Sau 6 tháng, tôi thu hoạch “tỉa thưa”- con nào lớn thì bắt bán, con nhỏ để lại nuôi tiếp. Hàu là loài rất mạnh, tỷ lệ sống cao, sinh sản nhanh lại không phải tốn chi phí thức ăn nên cho thu nhập ổn định, vài chục triệu đồng/năm”.

Những con hàu sống ở lạch Hàu toàn là hàu muổng, rất to, thịt nhiều, thị trường tiêu thụ rất ưa chuộng. Nguyên nhân hàu tập trung sinh sống với số lượng lớn như vậy là vì đó là vùng đầm “hứng” được nguồn phù sa từ bên Huỳnh Giản (Phước Sơn) chảy xuống; bên này, nguồn nước mặn từ Cửa Thị Nại chảy lên, pha trộn theo những con nước lên, nước xuống tạo nhiều tảo, làm nên vùng sinh sôi nẩy nở lý tưởng của loài hàu.

Từ mô hình nuôi hàu của anh Thành, hiện ven bờ đầm xóm Câu Thẻo đã có thêm 5 hộ nữa vào nghề nuôi hàu. Thế nhưng, theo anh Thành, nghề nuôi hàu hiện nay đang gặp khó khăn về giống. Giống hàu từ nguồn tự nhiên ngày càng khan hiếm, trong khi đó, chưa có cơ quan chức năng nào sản xuất giống hàu nhân tạo. Do vậy, để có đủ lượng giống thả dặm sau những kỳ thu hoạch, các hộ nuôi hàu ở đây đã phải lặn lội ra đến Đà Nẵng, Quảng Ngãi mua giống. Tuy chưa phổ biến, nhưng mô hình nuôi hàu của những hộ dân ở xóm Câu Thẻo đang mở ra một hướng làm ăn mới, tạo kế sinh nhai mới khi con hàu trong đầm đã dần cạn.

Nuôi hàu không khó, đầm thì rộng mênh mông. Vậy nên, tia hy vọng phát triển nghề nuôi hàu đang lóe lên ở xóm Câu Thẻo.

Vũ Đình Thung

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang