• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tận diệt chim trời

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 04/09/2011
Ngày cập nhật: 5/9/2011

Trước đây, người ta nuôi sáo, cưỡng, két... Sau này, nhiều người còn nuôi cả chim vườn như trao trảo, chìa vôi, hoàng oanh, te te (đầu đỏ)... Nhưng bây giờ, các loại chim này còn trở thành món ăn đặc sản ở các quán nhậu từ bình dân đến các nhà hàng lớn và giá nó không hề rẻ chút nào.

Nhiều điểm bán chim trời ven các tuyến quốc lộ.

Nhiều người đã tìm mọi cách để bắt chim, phục vụ… nhà hàng, quán nhậu. Nếu không có sự ý thức của con người, một ngày không xa sẽ vắng tiếng chim hót trong vườn?

Bẫy chim vườn

Ông Dương Bá Khiêm (ấp Mỹ Thuận, Tân Hội - TP Vĩnh Long) có tay nghề bẫy chim rất độc đáo, không cần con mồi dẫn dụ. Chỉ cần nghe tiếng hót của chim thì khó con nào thoát cái bẫy của ông. Những loại chim ông Khiêm bẫy là chìa vôi, hoàng oanh, nóc mít, te te, trao trảo,… Một số ông thuần dưỡng thành chim cảnh, một số thì bán cho các quán nhậu, nhà hàng ở Vĩnh Long.

Ông Khiêm thường đi săn chim miệt vườn cù lao Minh, vùng trái cây nổi tiếng với chôm chôm, nhãn da bò…

Trên xe ông Khiêm mang theo lỉnh kỉnh đồ nghề, đặc biệt là 5 chiếc lục (một loại lồng làm bằng dây kẽm). Bên trong mỗi chiếc lục đều có con chim, nhưng không phải chim mồi. Những con chim này ông bắt trước đó vài ngày, còn rất nhút nhát, khi có người đụng vào chiếc lục là nó nhảy tung lên đến xù cả lông, kêu chí chóe. Tôi trong vai một người “ngưỡng mộ” lẫn “hiếu kỳ”, theo ông sát nút để tận bắt xem cách bắt chim mà người ta cho là rất độc đáo. Xe đang chạy chầm chậm trên con đường nhựa 2 bên là vườn nhãn sum sê trái chín, tỏa mùi thơm cả một vùng, ông Khiêm bất ngờ dừng xe. Ông nói, ở đây có chim hoàng oanh. Tôi nhìn quanh… không thấy chim đâu cũng không nghe tiếng hót… Ông Khiêm cười khì: Không phải dân trong nghề khó mà phát hiện được chim! Ông Khiêm lấy chiếc lục bên trong có con chim hoàng oanh, rồi lấy cây đỡ chiếc lục gài bẫy, máng vào cành nhãn. Con chim trong lục hoảng sợ kêu lên, chỉ vài phút sau con hoàng oanh bên ngoài bay đến đứng trên chiếc lục và bị sụp bẫy. Con chim hoàng oanh lưng màu xanh nhạt, ức vàng tươi giẫy giụa cố thoát ra khỏi chiếc bẫy. Ông Khiêm khoái chí bắt chim bỏ vào cái giỏ. Ông Khiêm cho biết, loại chim này nó đi theo cặp, con trống háo thắng bị sụp bẫy trước, còn con mái cũng ở gần đâu đây thôi và ông bẫy tiếp. Và, chỉ ít phút sau, con mái cũng chung số phận với “bạn tình”…

Chúng tôi tiếp tục rong ruổi vào các con đường đan. Tôi thắc mắc “bẫy chim sao không vào khu vườn hoang?” thì ông Khiêm bật mí: Các loại chim nhỏ này, sống ở khu vực vắng sẽ bị chim lớn tấn công nên dạt ra ven lộ như muốn “con người bảo vệ chúng”(!?)... Đang bon bon trên đường, ông Khiêm bỗng dừng lại, vì “có con chim nóc mít trên cây so đũa”. Tôi chong mắt nhìn mãi mới thấy con chim bằng ngón tay cái đang nhảy nhót tìm mồi ăn trong đám tầm gửi. Chỉ vài thao tác là chiếc lục trở thành cái bẫy và ông Khiêm khéo léo máng lên cây gần đó, rồi đứng dưới giả tiếng chim kêu. Ngay lập tức con chim nóc mít từ trên cây so đũa sà xuống chiếc lục nhưng chưa kịp đá với con chim trong lục thì đã sụp bẫy. Ông Khiêm bảo, chim nóc mít tuy nhỏ con nhưng rất có giá nhờ có bộ lông bông xám đen đẹp.

Ông Khiêm còn có cách bắt chim non “độc nhất vô nhị”. Ông dùng đoạn cây bằng nhựa, kéo dài ra khoảng 4 m, giống như chiếc cần câu cá. Đầu nhỏ có dán keo (loại keo dính chuột), khi phát hiện chim non mới chập chững biết bay hay tổ ở ngoài cành xa, ông nhẹ nhàng đưa cây lên châm vào, khó con nào thoát được. Theo ông Khiêm, chim non đem về thuần dưỡng, chừng lớn rất khôn, bán được nhiều tiền nhưng nó cũng dễ chết. Tuy vậy, dân chơi chim cảnh rất thích.

Đang ngồi nghỉ dưới bóng mát, ông Khiêm nhìn cây trứng cá kế bên có mấy con chim trao trảo bay đến tìm ăn trái chín. Ông Khiêm đưa lục lên cây bẫy rồi ngồi gần đó chờ. Chưa đầy 1 giờ, 6 con chim trao trảo sụp bẫy. Ông Khiêm cho biết: “Một con trao trảo khi bị bắt, nó kêu lên là cả đàn bay đến như muốn cứu bạn. Chim trao trảo không có giá trị, chỉ vài ngàn đồng một con, nhưng xào bầu lai rai thì hết chỗ chê…”.

Ông Khiêm mải mê bẫy chim dường như quên đi mặt trời sắp khuất sau đọt cây. Tôi nhẩm tính xem ông đã bắt được bao nhiêu con chim thì không khỏi giật mình: hơn 50 con chim các loại. Ông thì nhẩm tính: cũng kiếm được trên 300 ngàn đồng.

Sẽ vắng tiếng chim?

Dọc theo các tuyến quốc lộ có rất nhiều điểm bán chim trời. Những con mắt đỏ, chàng nghịch, gà nước, bìm bịp, cu đồng… cột thành chùm treo ngược lên hay nhốt trong lồng kẽm. Mỗi khi có người đến lựa mua là chúng giẫy giụa, cố tránh, muốn trở về với thiên nhiên. Chị Bảy Hạnh quê xã Tân Hạnh (Long Hồ) bán chim ven QL53 cho biết: “Bán chim ở đây gần chục năm rồi. Nguồn chim được chồng đi gom ở các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang,… Trước đây chim đủ loại, bây giờ ít rồi. Chim bắt ở thiên nhiên nên thịt chắc, ngon. Hiện mỗi ngày bán vài trăm con. Những ngày ế hay chim bị chết thì đưa vào quán nhậu, bao nhiêu họ cũng lấy hết”. Giá chim cũng không rẻ, bán theo đầu con: cu đất trên 20.000 đ, gà nước: từ 50.000 - 60.000 đ (tùy lớn nhỏ), bìm bịp: trên 100.000 đ…

Gần đây, các loài chim có giá như quốc, chìa vôi… dường như thưa vắng hơn và người ta chuyển sang săn tìm các loại chim… nhỏ hơn. Trước đây, chim sâu, chim sẻ chê nhỏ, ít thịt thì giờ cũng nằm trong “menu” của quán nhậu, nhà hàng. Anh Lực (Song Phú) một tay săn cu đồng, gà nước,… giờ cũng chuyển sang bẫy chim sẻ. Anh Lực bảo, chim sẻ trước đây bay đầy trời bây giờ cũng ít đi. Mỗi con chim sẻ quán nhậu, nhà hàng mua 3.000đ, nên nhiều người cũng tìm bắt.

Ai cũng biết các loại chim này vô hại với mùa màng. Nó còn là “bạn nhà nông” ăn sâu, rầy phá hại cây trái. Chú Bảy Hải nói giọng buồn: “Hồi trước ra vườn thấy chim bay đầy, hót nghe rất vui tai, còn bây giờ vắng tanh, cảm thấy buồn buồn làm sao. Chim trời bị tận diệt, sâu rầy sẽ bùng phát phá hoại cây trái…”

Ông Khiêm bảo, săn chim là thú vui, nhưng cũng dễ kiếm ra tiền, công việc lại nhẹ nhàng. Ông Khiêm cho biết, trước đây chim nhiều lắm, bây giờ ai cũng tìm cách bắt nên nó ít dần… Hơn 20 năm đi bẫy chim, trung bình mỗi ngày bắt khoảng 50 con thì đến nay số chim bị ông bắt mỗi năm đã lên tới mười mấy ngàn con. Đó là chưa kể nhóm bạn đi bẫy chim của ông có gần 20 người... Nghe ông tính, tôi không dám nghĩ đến một ngày không còn tiếng chim - “bác sĩ cho cây” và cũng là “bác sĩ” giải “stress” cho con người - ngày đó sâu bệnh chắc sẽ tràn lan… và không biết sẽ còn kéo theo hệ lụy gì nữa…

HOÀI PHONG

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang