• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tín hiệu vui cho sâm Ngọc Linh

Nguồn tin: Báo Quảng Nam, 08/08/2011
Ngày cập nhật: 9/8/2011

Xếp đầu bảng trong “Sách đỏ Việt Nam”, loài sâm Ngọc Linh luôn đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Tại Techmart Quang Nam 2011 vừa qua, đã có một tín hiệu vui khi các nhà khoa học cho biết có thể “cứu” loài cây này bằng công nghệ sinh học.

Nhân giống từ nuôi cấy mô

Với đặc thù về địa hình, thổ nhưỡng, Quảng Nam được thiên nhiên “ưu ái” ban tặng cây sâm Ngọc Linh. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, vùng trồng sâm ngày càng bị thu hẹp. Ở Quảng Nam, công ty chuyên trách khai thác, chế biến loài dược liệu này cũng từng bị điêu đứng vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Trong khi giá thành 1 kg sâm Ngọc Linh dao động ở mức trung bình từ 50 - 53 triệu đồng như hiện nay, thì nỗ lực “cứu” loài cây này trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Sản phẩm sâm Ngọc Linh của Công ty CP Dược vật tư y tế Quảng Nam. Ảnh: B.L

Trải hơn 30 năm tìm tòi, nghiên cứu cùng với việc áp dụng nhiều phương pháp, cách thức, các nhà khoa học đã có một số thành công bước đầu trong việc ứng dụng công nghệ sinh học nhân giống sâm Ngọc Linh. Năm 2004, nhóm nghiên cứu gồm PGS-TS. Dương Tấn Nhựt - Viện Sinh học Tây Nguyên và đồng sự đã thiết lập được quy trình tạo mô sẹo và ra rễ cây sâm Ngọc Linh trong điều kiện nuôi cấy mô tế bào thực vật. Kết quả cho thấy, tất cả các bộ phận của cây đều có khả năng tạo mô sẹo trong môi trường nhất định. Năm 2005, PGS-TS. Dương Tấn Nhựt và đồng sự đã hoàn thiện công đoạn nghiên cứu này. Tác giả đã xác định được môi trường nuôi cấy tạo mô sẹo và ra rễ với tần suất cao bằng cách cải biến thành phần đa lượng, vi lượng, các loại đường và pH của môi trường nuôi cấy. Qua hàng loạt thí nghiệm khác nhau, đến năm 2010, nhóm tác giả trên đã tiếp tục nghiên cứu quá trình hình thành rễ, cấu trúc từng loại rễ, hệ thống nuôi cấy và hàm lượng saponin có trong rễ cây. Sau 1 năm trồng thử nghiệm tại Đà Lạt (Lâm Đồng), cây sâm con sinh trưởng, phát triển khá tốt; cây mô sâm 17 tháng tuổi lại có hàm lượng saponin tương đương với cây sâm gieo hạt 24 tháng tuổi. “Để hoàn thiện công nghệ mới này, cần phải có nhiều nghiên cứu, thực nghiệm hơn nữa. Tuy nhiên, kết quả bước đầu đã phần nào minh chứng cho khả năng “giải cứu” và nhân rộng được loài cây bản địa quý hiếm này” - PGS-TS. Dương Tấn Nhựt nói.

Tại Techmart Quang Nam 2011 vừa qua, các nhà chuyên môn nhận định, so với hai phương thức nhân giống giâm hom và gieo hạt, nuôi cấy mô là phương thức tiên tiến, có thể giúp tiến hành nhân giống sâm hàng loạt trên diện rộng, đáp ứng được nhu cầu về nguồn giống, nguồn nguyên liệu cho thị trường. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đã mổ xẻ, phân tích kỹ phương án này nhằm tránh sự lặp lại “kịch bản” của cây quế Trà My. Đà Lạt đã thành công trong kỹ thuật nuôi cấy sâm mô. Địa phương này còn dự tính nhân rộng nguồn giống quý ra một số điểm của phía Bắc như Sapa, Tam Đảo - vốn có sự tương đồng về khí hậu với đỉnh Ngọc Linh. “Tuy nhiên, điều cần thiết là ngành khoa học - công nghệ (KH-CN) tỉnh Quảng Nam, Sở Y tế phải có sự khảo nghiệm, đem giống sâm mô trồng thực nghiệm trên núi Ngọc Linh và xem xét cây sâm mô có sinh trưởng, phát triển nhanh, bền vững không? Và loài cây được tạo thành từ hình thức nhân giống mới này liệu có sở hữu được đặc trưng, giá trị mà loài sâm bản địa vốn có, đó là một vấn đề đáng suy ngẫm - ông Phạm Viết Tích, Phó Giám đốc Sở KH-CN Quảng Nam nhận xét. Theo ông Tích, cũng cần duy trì hai phương thức nhân giống giâm hom và gieo hạt bởi đó là phương thức truyền thống, có thể bảo lưu được nguồn gen quý, mà từ trước đến nay đồng bào địa phương vẫn áp dụng.

Nhân sâm hàng hóa

Cây sâm Ngọc Linh vốn phân bố tại 108 vùng sâm tự nhiên trên địa bàn Quảng Nam và Kon Tum. Riêng tại Quảng Nam, sâm mọc tập trung tại 3 xã Trà Linh, Trà Nam và Trà Cang (Nam Trà My). Là một dược liệu chữa bệnh và tăng cường sức khỏe, hàm lượng saponin trong sâm Ngọc Linh cao từ 35 - 40%, có trường hợp 50%, cao gấp 42 lần so với sâm Nhật Bản. Chưa kể, sâm Ngọc Linh còn chứa 17 acid béo với hàm lượng 0,53%, ngoài ra còn có thể tìm trong sâm Ngọc Linh 18 acid amin, 20 nguyên tố vi lượng, các chất thuộc nhóm sterol, glucid, tinh dầu và vitamin C...

Cùng với nghiên cứu của các nhà khoa học, Quảng Nam và Kon Tum đã xác định sâm Ngọc Linh là cây hàng hóa chủ lực có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh mạnh trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Công tác bảo tồn nguồn gen quý được chú trọng. Nhưng, sản phẩm từ sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và Kon Tum nói riêng, cả nước nói chung chưa nhiều, chưa đa dạng. Phổ biến trên thị trường chỉ là rượu sâm, Diệp Linh Sâm, sâm mật ong vốn được chế biến từ hình thức chiết xuất đơn giản. Tại Quảng Nam, nước uống tăng lực từ sâm chỉ sắp được tung ra thị trường, trong khi thực phẩm chức năng, trà sâm... vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu. Công ty Dược vật tư y tế tỉnh (Sở Y tế) thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng quản lý, bảo vệ chặt chẽ vùng nguyên liệu. Thế nhưng, do địa hình hiểm trở và do cơn “sốt” sâm, tình trạng mất trộm vẫn xảy ra, gây ảnh hưởng lớn đến nguồn nguyên liệu sản xuất.

Ông Nguyễn Đình Tân - Giám đốc công ty Dược và vật tư y tế tỉnh cho biết, từ năm 2007 đến nay, công ty đã có một số đề án nghiên cứu và phát triển loài cây này. Tuy nhiên, hình thức nhân giống vẫn theo kiểu thủ công, chưa đáp ứng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, chưa đủ cung cấp giống cho nhân dân địa phương trong việc xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ các dự án nghiên cứu trong và ngoài tỉnh”. Để sâm có thể vươn ra được thị trường trong nước và thế giới mà không bị mất đi nguồn gốc địa lý, tính đặc thù về chất lượng và tên gọi xuất xứ là loài cây đặc hữu của núi Ngọc Linh... dưới sự hỗ trợ của Bộ KH-CN, Sở KH-CN tỉnh Kon Tum đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của Quảng Nam và Kon Tum. “Ngay sau khi công trình hoàn thành, dưới sự chỉ đạo của bộ, Quảng Nam và Kon Tum sẽ tiếp tục xây dựng đề án Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, nhằm góp phần nâng cao giá trị của chỉ dẫn địa lý, nâng cao thương hiệu sâm trên thị trường trong nước và thế giới” - ông Phạm Viết Tích nói.

Theo ông Tích, để sâm Ngọc Linh trở thành cây hàng hóa, trước tiên phải bảo tồn được nguồn gen gốc quý hiếm; đảm bảo được giá trị vĩnh hằng của sâm (giá trị dược liệu, dinh dưỡng...), tránh sự trà trộn của sâm nhái, sâm giả, làm ảnh hưởng đến thương hiệu. Tiếp đến, phải đảm bảo được nguồn nguyên liệu ổn định, tạo điều kiện cho các nhà máy thu gom, chế biến sâm trên địa bàn tỉnh và cả nước hoạt động bền vững. Ngoài ra, trên cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của đội ngũ khoa học, ngành y tế và công ty chế biến sâm tại Quảng Nam nên có đề án xây dựng, phát triển và nhân rộng vùng trồng sâm. Ngoài ra, Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tại Việt Nam và thế giới. “Sâm Ngọc Linh thuộc một trong 20 loài sâm có giá trị cao của thế giới, vượt qua sâm Cao Ly của Triều Tiên. Nhưng mãi đến nay, giá trị của sâm Ngọc Linh lại chưa được thế giới biết đến? Đó là câu hỏi đặt ra cho đội ngũ các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo trong và ngoài 2 tỉnh Quảng Nam - Kon Tum” - ông Tích nhấn mạnh.

BÍCH LIÊN

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang