• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Có một làng chế biến trầm

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 29/06/2011
Ngày cập nhật: 1/7/2011

Soi và xỉa - đó là hai động tác cũng là công việc chính của người lao động tại những làng chế biến trầm ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Ở đó, có những “ông chủ” bình dị, những người thợ suốt ngày tỉ mỉ, miệt mài bên các miếng trầm. “Thoát thai” từ nghề đi điệu vất vả, cực nhọc, làng “soi xỉa” bây giờ là nơi giải quyết công việc cho nhiều lao động.

Chân dung những “ông chủ”

Những nông dân một bước thành “ông chủ” cũng lao động như mọi người khác.

Xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh) là nơi nổi tiếng với nghề chế biến trầm hàng chục năm qua. Ở đây có tới hàng chục cơ sở. Hai xóm nhỏ năm nào với tên gọi mộc mạc, bình dân là xóm Đồn và xóm Than, giờ trở thành những làng quê chuyên chế biến trầm với tên gọi mỹ miều: Phú Hội 1 và Quảng Hội 1. Ông Kiều Trọng Hoàng (Phú Hội 1), chủ một cơ sở chế biến trầm trong thôn đang ngồi lăn lóc cùng với tốp thợ, cũng soi, xỉa trầm chẳng khác gì những người thợ. Ông Hoàng kể, thấy những người nhờ thu mua trầm về chế biến mà khá lên, ông cũng làm theo. Công việc chính của ông là mua trầm. Có thể hình dung cơ sở của ông như một đại lý cấp 4, 5. Chính vì vậy, “ông chủ nhỏ” chỉ có lèo tèo vài công nhân. Ông Hoàng bảo: “Nguyên liệu chủ yếu làm trầm ở đây là loại dó xí, dó giường, là thân cây dó loại 5, 6, loại thấp nhất trong các sản phẩm từ cây trầm”. Tuy vậy, công việc mua nguyên liệu cũng chẳng dễ dàng gì, nếu thiếu kinh nghiệm, sẩy chân là đi tong tiền triệu. Đem nguyên liệu về, ông thuê người soi, xỉa. Thành phẩm chủ yếu (xác cây dó) bán làm nhang (5.000 - 10.000 đồng/kg), phần giá trị hơn như mắt đảo, tóc, trầm kiến… bán được nhiều tiền hơn. Bởi vậy, thu nhập cũng vô chừng.

Công việc soi, xỉa trầm không phân biệt già, trẻ, lớn, bé, ai cũng làm được.

Ông Lê Văn Tài (Phú Hội 1) xuất thân từ nông dân, nay đã lên “ông chủ”. Ông Tài kể: “25 năm trước, tui làm nghề nấu dầu dừa, nuôi heo, thấy đi điệu “trúng” nên chuyển sang đi điệu. Được một thời gian, thấy nghề điệu vất vả, lại nguy hiểm nên chuyển qua mua trầm, sang lại của người khác cho đến hôm nay. Tiếng là chế biến trầm nhưng thực chất là soi, xỉa cây dó trầm loại 5, 6. Đây là nguyên liệu chính của làng nghề…”. Ông Tài thuê vài lao động về làm cho mình, trả tiền ngày công dựa vào thời gian. Theo ông, công việc cũng thật nhàn nhã, vừa có thu nhập cho gia đình, vừa giải quyết việc làm cho người dân trong thôn.

Trong số những “ông chủ” mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, ông Huỳnh Luận (Phú Hội 1) có vẻ là người sành sỏi về nghề nghiệp hơn cả. Cuộc đời ông Luận cũng có lắm bước rẽ. Ông Luận đi điệu từ những năm 80 (thế kỷ trước), khi nghề điệu đang thịnh, không ít người trúng được kỳ nam (sản phẩm đặc biệt nhất của cây trầm), “phất” lên cất nhà, mua xe. Đến năm 1991, hàng trầm ngưng thu, nhiều người bỏ đi rừng, chuyển nghề, ông Luận chuyển sang nuôi tôm sú ở sông Gốc (xã Vạn Thắng). Trúng được mấy năm đầu, ông vững tin vào nghề nuôi tôm; tuy nhiên sau đó, môi trường ngày càng ô nhiễm, nghề nuôi tôm lâm vào cảnh điêu đứng. Sau khi “say sưa” với con tôm, ông Luận kịp nhìn lại, thấy những người khác đã dấn sâu vào nghề mua “cạnh” (mua trầm xô) khá lên, ông cũng quay sang nghề thu mua trầm.

Sản phẩm của làng, ngoài nguyên liệu làm nhang, trầm thấp cấp còn có trầm mạch (cây trầm mỹ nghệ) xuất khẩu.

Tuy là người “đến sau” nhưng với kinh nghiệm bao năm đi điệu nên ông Luận có đủ khả năng để “phất” lên từ nghề thu mua “cạnh” (sản phẩm trầm loại 5, 6). Ông Luận cho rằng, nghề trầm lắm thi vị. Nếu sành sỏi thì đây là nghề vô giá. Bởi vậy, ông Luận không dễ từ bỏ nghề này. Ngay từ những ngày đi điệu, sức hấp dẫn của hương trầm đã lôi cuốn ông, dù khổ cách mấy ông vẫn đi với hy vọng đổi đời. Chính vì vậy, hồi đó cũng như bây giờ, mỗi lần nghe có ai trúng trầm là ngay sau đó, hàng trăm người lại tìm đến khu rừng “thiên đường” để đào bới, lật tung cả mặt đất để tìm trầm.

Ở Vạn Ninh, nhiều người thường nhắc đến một người tên là T.K - “đại gia” trong nghề chế biến trầm. Tuy nhiên, gặp được ông này không dễ. Ông Luận cho biết, nghề trầm đối với Khánh Hòa đã có bề dày hàng chục năm, từ phong trào đi điệu những năm đầu. Đến giờ này, Khánh Hòa không còn là thủ phủ của trầm kỳ nữa mà đã chuyển sang nơi khác. Người dân Quảng Nam bây giờ mới là những người đi điệu chính hiệu. Tuy vậy, sản phẩm trầm khai thác từ Khánh Hòa vẫn là số 1 bởi chất lượng tuyệt vời của vùng đất mệnh danh là “rừng Trầm biển Yến”.

Nơi giải quyết việc làm cho lao động

Đã mấy chục năm nay, người trong các làng nghề chế biến trầm phần lớn làm việc tĩnh tại. Cơ sở nào cần lao động thì họ đến làm việc, không kể già, trẻ, gái, trai. Ai thích làm cứ làm, ai thích nghỉ cứ nghỉ. Việc học nghề đơn giản, chỉ một thời gian ngắn là có thể thạo việc. Các chủ cơ sở cũng dựa vào đó để trả công cho người lao động.

Tại cơ sở của ông Hoàng, ông Nguyễn Ngọc Hùng (thôn Quảng Hội) đã làm nghề này hơn 10 năm. Không có nhiều ruộng lúa, ông Hùng thấy đây là nghề dễ làm, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Mỗi ngày làm 8 tiếng, chịu khó ngồi soi, xỉa cũng kiếm được 100 ngàn đồng/ngày.

Chị Nguyễn Thị Nở (Phú Hội 1) cũng có thâm niên hơn 10 năm “soi, xỉa”. Chị tâm sự: “Nhà không có ruộng, biết làm gì, may có cái nghề này để làm. Công việc này thật đơn giản, nhẹ nhàng, có thu nhập…”. Chị Nở cho biết, gia đình chị có hai con cùng chồng đều làm nghề này. Đàn ông làm nặng hơn nên được trả công nhiều hơn so với phụ nữ. Quan sát chị Nở làm việc, tôi nhận thấy giống như một trò chơi. Cái dũm nhỏ gọt mãi vào thớ gỗ làm văng ra những ván dăm màu vàng, thứ này dùng để bán làm nhang thơm, khi nào “lạm” vào thớ gỗ màu đen, mà chị cho là trầm kiến thì dừng lại, loại này bán có giá hơn.

Cô bé Thái Thị Mỹ Hậu (Phú Hội 1) tuy mới vào nghề được nửa năm nay nhưng đường nét soi, xỉa cũng đã thạo. Nhà nghèo, Hậu nghỉ học từ khi vào lớp 10, ở nhà tìm việc làm, phụ giúp bố mẹ. May mà trong làng có nghề này nên em không phải tìm việc đâu xa và được trả công 30.000 đồng/ngày (8 giờ). Còn cô bé Ngô Thị Thủy (bạn Hậu) làm việc hơn 1 năm nay. Thủy cho biết, cả nhà em đều làm nghề này.

Vào nghề, mỗi người phải tự trang bị cho mình bộ đồ nghề. Đó là những cái dũm, được đặt rèn tại những lò rèn trong thôn hay bán ở chợ, tùy loại lớn nhỏ có giá 20.000 - 30.000 đồng/cái. Dũm đại dùng cho đàn ông để phá xác làm nhang, dũm tiểu dùng cho phụ nữ, tỉa đường nhỏ vào sâu. Tuy thu nhập không nhiều nhưng so với công việc lao động giản đơn, mức thu nhập này là vừa phải, người nào cũng làm được. Nhờ đó, làng nghề đã trở thành nơi giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Bởi vậy, tuy đã qua hàng chục năm nhưng công việc này vẫn tồn tại.

QUANG VIÊN

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang