• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xóm lưỡi câu vào mùa

Nguồn tin: SGGP, 25/08/2008
Ngày cập nhật: 26/8/2008

Khi đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị vào mùa nước nổi thì đó cũng là thời điểm người dân xóm lưỡi câu (ấp Tây Khánh, phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) “ăn nên làm ra”. Đặc biệt, đây cũng là dịp hè nên hầu hết trẻ em trong xóm đều có “công ăn việc làm”. Tiếng máy mài chạy ro ro, tiếng búa gõ nện đều đều, tiếng cười nói rộn rã… khắp đầu trên xóm dưới, khiến không khí ở đây tất bật hẳn lên.

50 năm… 1 nghề làm lưỡi câu

Chị Nguyễn Thanh Tuyền, em Nguyễn Minh Bằng (cháu ông Nguyễn Văn Oanh) đang làm lưỡi câu tại nhà

Chẳng ai trong xóm lưỡi câu này nhớ nổi mình đã thật sự bắt đầu theo nghề từ lúc nào, chỉ nhớ mang máng là từ lúc 5, 6 tuổi gì đó. Ngay cả đứa trẻ mới hơn 10 tuổi đầu mà cũng đã có “thâm niên” 5 năm phụ ba mẹ làm lưỡi câu, trung bình mỗi em cũng có thể kiếm được từ 12.000 – 15.000đ/ngày.

Em Nguyễn Hồng Anh năm nay lên lớp 6, hí hửng khoe: “Em thích nhất là mấy tháng nghỉ hè, vừa rảnh vừa có nhiều lưỡi câu làm, tiền kiếm được thì em để dành để mai mốt đi học”. Nhiều người trong xóm vẫn tự hào: “Con nít ở đâu chơi bời hư hỏng chứ con nít xóm này mới biết nói đã… học làm lưỡi câu phụ ba mẹ”.

Làm lưỡi câu không khó nhưng đòi hỏi phải hết sức tỉ mẩn và dẻo dai mới có thể “ngồi thiền” cả ngày có khi chỉ để làm một công đoạn duy nhất. Để làm một chiếc lưỡi câu hoàn chỉnh phải trải qua các khâu chính như: cắt ngạnh, mài, uốn lưỡi, giập đít, rang nóng cho lưỡi cứng, tóm câu…

Thông thường, người lớn sẽ đảm nhận những khâu khó, còn trẻ nhỏ thường thì chỉ được giao giập đít. Dụng cụ giập là một cái chày sắt nặng, chỉ cần để từng lưỡi câu lên mặt thớt đá, đập phần đít cho bè ra để dễ tóm câu là được.

Ông Nguyễn Văn Oanh năm nay đã ngoài 70, một trong những người được coi là “già làng” của xóm kể: “Nhà tui có 3 người con, 7 đứa cháu thì hầu như đứa nào cũng biết làm lưỡi câu, trung bình mỗi người cũng kiếm được 20.000đ/ngày. Nghề này hình thành ở đây cách nay ít nhất cũng trên dưới 50 năm rồi, nhà tui từ đó tới giờ chỉ biết làm lưỡi câu chứ đâu có đất đai gì mà canh tác thêm”.

Toàn ấp có 421 hộ thì có khoảng 200 hộ làm lưỡi câu thường xuyên, số còn lại thường chỉ làm vào mấy tháng nước nổi - khi mà thị trường lưỡi câu lên “cơn sốt”. Thời điểm này cũng là lúc người dân ở đây kết thúc vụ gặt, nên những nhà không làm lưỡi câu thường xuyên cũng dồn sức nhận hàng từ các cơ sở lớn về gia công kiếm thêm thu nhập.

Từng chiếc lưỡi câu đủ các kích cỡ, từ câu đúc, câu phược, câu rùa, câu kiều cho đến câu phi được đẽo gọt, uốn éo tỉ mẩn, cho vào từng túi nhỏ, sắp xếp ngay ngắn (mỗi túi khoảng 1 trăm lưỡi câu) chờ xuất hàng. Vào những ngày này, nhà nào cũng bày lưỡi câu đầy sàn, có khi còn trải thêm bao đệm ngồi hẳn trước sân nhà mới đủ chỗ làm.

Tiếng búa đập, tiếng máy chạy ro ro liên tục rộn vang khắp mọi ngõ hẻm. Đến đêm, nhà nhà lại sáng đèn, tiếp tục công việc còn dang dở. Xóm lưỡi câu “thức” hẳn trong những tháng nước nổi. Tuy tiền đầu tư máy móc, thiết bị không nhiều nhưng vốn mua nguyên liệu lại khá lớn (đa số các lưỡi câu phải làm bằng sợi inox); mặt khác, phải có khả năng bán chịu để “gối đầu”.

Do đó, nhiều hộ tuy đã làm lưỡi câu lâu đời nhưng cũng chỉ là gia công cho mấy cơ sở lớn trong xóm. Tuy vậy, đa phần ai cũng xem đây là nghề chính của gia đình mặc dù mùa lưỡi câu chỉ rộ lên được khoảng 4 tháng trong năm.

... cũng lắm long đong

Được biết, An Giang là nơi cung cấp mặt hàng lưỡi câu lớn nhất ở ĐBSCL, trong đó tập trung vẫn là xóm câu Mỹ Hòa. Nhiều người đã thật sự phất lên nhờ những chuyến buôn câu lênh đênh sông nước. Nhưng nghề làm lưỡi câu cũng lắm thăng trầm.

Thành lập từ năm 1990, sau hơn 10 năm sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở Hữu Thân của anh Trịnh Hữu Thân hiện đã tìm được những đầu mối thu mua lớn từ Vĩnh Long, Cần Thơ, Rạch Giá (Kiên Giang)…

Thời điểm này, mỗi tháng cơ sở có thể xuất đi khoảng 1.000 muôn lưỡi câu lớn nhỏ (mỗi muôn 10.000 lưỡi câu). Cơ sở của anh ngày thường chỉ có từ 3 đến 4 nhân công làm việc nhưng vào thời điểm này thì có thể lên đến 10 người. Anh cũng giao cho khoảng 10 hộ trong ấp nhận hàng về gia công.

Chị Võ Thị Kim Thanh, nhân công đang làm việc tại cơ sở anh nói: “Mấy tháng trước tôi cũng buôn bán ở chợ. Lúc này là mùa câu nên tranh thủ một buổi đi bán, một buổi đi làm lưỡi câu, tối thì nhận thêm hàng về nhà làm tiếp”.

Cơ sở của anh Trần Minh Hải thì ngoài những mối chính ở miền Tây, anh còn tiếp thị hàng tận miền Trung, Campuchia với đủ các loại lưỡi câu lớn nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, mối lo lớn nhất của người dân xóm câu vẫn là nguyên vật liệu tăng giá, nhu cầu mặt hàng giảm.

Anh Hải cho biết: “Tiền mua nguyên vật liệu làm lưỡi câu bây giờ dường như tăng gấp đôi so với thời điểm cách nay 3 năm, cộng thêm tiền nhân công tăng nhưng giá bán không nhích lên là bao. Mặt khác, hiện nay có nhiều phương tiện đánh bắt hiệu quả hơn lưỡi câu nên mặt hàng này không đắt như trước kia”.

Còn anh Trần Văn Bỉnh vừa mới mở xưởng sản xuất quy mô nhỏ thì cho biết: “Phải có tiền chịu bán gối đầu, nhiều khi người ta nhận hàng bây giờ mà đến mùa sau mình mới có thể lấy tiền”. Những lúc đắt hàng như hiện giờ thì thương lái các miệt còn đưa ghe đến tận nơi lấy hàng, còn những lúc ế thì các chủ phải tự bươn chải, tìm mối bỏ cầm cự. Đó là chưa kể có những mối bán được 2, 3 chuyến, chuyến sau không thấy tăm hơi mà tiền lưỡi câu cũng theo đó mà lặn mất tâm.

Những hộ sản xuất nhỏ lẻ, làm gia công thì phải phụ thuộc vào các chủ lớn. Nhiều người đã tìm giải pháp bỏ trực tiếp cho các chợ trong tỉnh. Tuy số lượng không nhiều nhưng vẫn đảm bảo có đầu ra. Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng “chuyển nghề” thì hầu hết mọi người đều lắc đầu: “Làm cái gì cũng có lúc vầy lúc khác. Nghề câu nuôi cả xóm đã qua mấy đời ông cha rồi. Làng nghề truyền thống dễ gì mà bỏ”.

Năm 2007, UBND tỉnh An Giang đã công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống cho xóm câu Mỹ Hòa. Theo đó, Phòng Kinh tế TP Long Xuyên thường xuyên cử người xuống các hộ gia đình để khuyến khích bà con vay vốn, mở rộng quy mô sản xuất và hướng đến những thị trường trong lẫn ngoài nước.

MINH THƯ

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang