• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bình Định: Xóm hàu Câu Thẻo

Nguồn tin: SGGP, 23/08/2008
Ngày cập nhật: 25/8/2008

Người phụ nữ trên đầu đội chiếc đèn soi ngoi lên khỏi mặt nước, tay bỏ hàu vào thau và gỡ chiếc mặt nạ lặn thở hổn hển. Sau vài giây lấy lại thăng bằng, rít một hơi dài, bà lại lặn xuống, cứ như vậy công việc của người dân xóm Câu Thẻo, thôn Nhơn Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định kéo dài gần 8 giờ đồng hồ, từ lúc con nước xuống đến lúc con nước lên…

Nghề “ứa máu kiếm tiền”

Em Dương Văn Phong sau một hơi lặn dài dưới nước ngoi lên bỏ hàu vào thau

9g sáng, theo ghe anh Lưu Văn Viễn, chúng tôi băng đầm Thị Nại đi về cảng biển Quy Nhơn, nơi có những con hàu nuôi sống người dân xóm Câu Thẻo hơn 30 năm nay.

Trước mắt chúng tôi là những trụ bê tông dưới gầm cảng, chúng đã trở nên gồ ghề và sắc nhọn do bị hàu bám vào. Dụng cụ để bắt hàu chỉ là chiếc đèn pin được bịt kín bằng cao su để ngăn thấm nước, chiếc búa, mũi de, mặt nạ lặn và thau dùng để đựng hàu.

Cô Nguyễn Thị Lợi chìa đôi bàn tay, bàn chân chai sần đầy những vết hàu cắt cho chúng tôi xem và kể về những vết sẹo: “Ngày chưa lấy chồng, tôi đâu biết bơi, biết lặn, từ ngày về làm dâu xóm Câu Thẻo, gia đình khổ quá, theo chồng đi lặn hàu, vậy mà cũng đã ngót hai mươi mấy năm…

Với người dân nơi đây, lặn hàu là nghề đổi máu lấy tiền”. Những người dân lặn hàu ở xóm Câu Thẻo, bị hàu cắt vào chân, vào tay là chuyện thường như cơm bữa. Mỗi khi đi lặn, tay, chân đều được “bảo vệ” bằng vớ, găng tay, nhưng cũng không thể tránh được những vết đâm, vết cắt của hàu.

Ông Võ Đình Nhơn, một thợ lặn gắn bó gần 30 năm trong nghề, kể lại những lần tai nạn của mình: “Hôm đó mải theo hàu nên lặn sâu, tàu lớn cập cảng, sóng dập mạnh dữ dội, sức ép đột ngột quá tôi không chịu nổi, người bị đánh dạt vào trụ hàu, toàn thân tôi đều bị hàu cắt, máu chảy nhiều và rát như xát muối, tưởng đâu đi rồi, sống được may nhờ cái số”. Trường hợp chú Tám Đông trong xóm cũng tương tự, bị hàu cắt khắp người, suýt ngất, cũng may nhờ những bạn lặn cùng kịp thời cứu giúp, chú tâm sự: “Sống chết cũng có số cả, trời thương thì mình nhờ, trời ghét thì mình chịu”.

Thế nhưng cũng có những mảnh đời bất hạnh từ cuộc mưu sinh đầy vất vả và nguy hiểm này. Cô Lưu Thị Điền rươm rướm nước mắt kể lại trường hợp sụp hầm của con gái cô: “Tháng trước con Trúc cũng theo lũ trẻ trong xóm đi lặn, hàu đâm trúng chân, đau quá điếng người loạng choạng thế là sụp xuống sâu, may mà mấy anh, mấy chú nhìn thấy cứu nó kịp thời…”.

Nằm viện gần một tháng, Trúc được bác sĩ cho xuất viện với bệnh án “tâm thần không ổn định”, vậy là một mảnh đời mới 14 tuổi đã sớm mất tương lai. Không may mắn bằng Trúc là anh Lê Văn Tư, bị chết vì kẹt đá cách đây gần một năm. Còn những trường hợp như anh Dương Văn Bảy, Lưu Văn Phinh… bị lảng tai vì thường xuyên lặn sâu dưới mặt nước thì trong xóm Câu Thẻo có đến vài chục người.

Người dân xóm Câu Thẻo một tháng chỉ đi lặn 7 đến 9 ngày, trung bình mỗi buổi lặn thu nhập từ 60.000 - 80.000đ đối với người chuyên đi lặn sâu và 30.000 - 50.000đ đối với những người lặn cạn hoặc đi lấy hàu trên khô nhờ thủy triều xuống.

Bấp bênh là vậy nhưng gần 30 năm nay, người dân xóm Câu Thẻo chưa tìm ra lối thoát nào cho cuộc mưu sinh ngoài nghề lặn hàu - nghề “ứa máu kiếm tiền”.

Những đứa trẻ mịt mù tương lai

Trong số những người đi lặn hàu ở xóm Câu Thẻo phải đến 1/3 là trẻ em. Mỗi khi con nước xuống, cư dân trong xóm xôn xao chuẩn bị đồ nghề thì trẻ em lại tập trung đông đúc, nếu không theo chúng ra đến bãi hàu thì không ai biết những đứa trẻ từ 12 đến 17 tuổi này là những “thợ lặn nhí”, là một phần lao động chính của xóm, của gia đình. Tất cả đều không được học hành đến nơi, đến chốn. Ai học cao lắm đến lớp 5, lớp 6 là cùng, vì nghèo khổ, vì cuộc mưu sinh chúng phải lao vào kiếm tiền để phụ giúp gia đình.

Nhà anh Ánh có 7 người con thì 6 đứa đã theo lặn hàu, hai anh em Lưu Văn Phát, Lưu Thị Biểu mới 13, 14 tuổi nhưng đã lặn hàu gần hai năm. Phát nghỉ học từ lớp 3, còn em gái nghỉ học lớp 2. Khi hỏi tại sao em không đi học, Phát nói một cách hồn nhiên: “Thằng Dần, thằng Tũn, con Trúc ngang con cũng theo nẫu đi lặn hàu bán lấy tiền phụ giúp ba má, nó đâu cần học cũng làm ra tiền, con cũng không muốn đi học, con muốn kiếm tiền như tụi nó”. Đó là những đứa trẻ lặn hàu trên cạn, còn những em theo người lớn lặn dưới sâu thì nguy hiểm hơn rất nhiều lần.

Hôm đi cùng với chúng tôi xuống cảng Quy Nhơn có em Dương Văn Phong, Nguyễn Văn Dĩnh, cả hai đều 16 tuổi và nghỉ học từ lớp 3. Phong đã có 4 năm lặn ngụp còn Dĩnh thì 2 năm, nhưng chúng nhanh chóng trở thành nguồn kiếm tiền chính phụ giúp gia đình. Ba Phong nghiện rượu thường xuyên say xỉn đánh đập gia đình vô cớ, còn mẹ đau ốm liên miên nên chẳng làm được bao nhiêu. 12 tuổi em đã theo mấy anh, mấy chú trong xóm đi lặn. Phong nói: “Ngày nào lặn được 60.000đ là ngày đó nhà em được bữa cơm ngon miệng, một tháng làm chỉ mười ngày nên cũng chẳng thấm vào đâu, không lặn hàu em lại theo mấy chú đi biển”.

Trường hợp Phát, Phong, Tũn, Dĩnh… là số ít những đứa trẻ mà chúng tôi gặp trong buổi lặn hàu hôm đó, cả xóm còn hàng trăm đứa trẻ phải lênh đênh ngâm mình trong nước để kiếm tiền cho cuộc sống. Những đứa trẻ xóm Câu Thẻo, tương lai là một cái gì đó quá xa xỉ mà chúng chưa bao giờ nghe tới, chưa bao giờ nghĩ tới. Với chúng niềm vui lớn nhất là bắt được những con hàu lẫn trong đá, ngày bán được năm ba chục ngàn thì không còn gì bằng. Chúng không có mùa hè, mùa tựu trường mà chỉ có hai mùa “con nước xuống và con nước lên”.

Xóm Câu Thẻo là một vùng nghèo của tỉnh Bình Định, toàn xóm gần 200 hộ thì có đến 98% là làm nghề lặn hàu. Đặc biệt bà Phạm Thị Mười, năm nay 72 tuổi, chồng mất sớm, một mình bà phải đi lặn hàu để nuôi 12 đứa con, trong đó có một người là Lê Thị Gái bị bệnh tâm thần, một người là Lê Thị Thứ bị nhiễm chất độc da cam. Hơn 30 năm nay chưa bao giờ bà dám bỏ buổi lặn nào vì như vậy sẽ không có tiền nuôi sống gia đình.

ĐỖ NGÀ

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang