• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Biên giới mùa măng

Nguồn tin: Tiền Phong, 24/11/2010
Ngày cập nhật: 25/11/2010

Hái măng rừng là sinh kế của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước. Ẩn sau những cây măng tươi ngọt là cả vị đắng chát của những chuyến băng rừng, lội suối… Với nghiệp ấy, cái ăn cái mặc đối với họ là một trời lớn lao, chuyện học của con cái đành tạm gác.

Chị Điểu Thị Hồng rạng rỡ sau một ngày trúng đậm.

Dòng sông Măng và sông Đắk Huýt chia đôi đường biên giới Việt Nam – Campuchia. Phía bên này sông Đắk Huýt, địa phận xã Phước Thiện (huyện Bù Đốp, Bình Phước) là những cánh rừng xanh tốt, rậm rạp.

Hái lượm mưu sinh

Nơi đây có 420 hộ đồng bào, được cấp đất sản xuất theo chương trình 134 (hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn) từ năm 2004 – 2006, tại Tiểu khu 67 (ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện). Tuy nhiên, hơn 70% diện tích đất ấy chỉ trồng cây ngắn ngày (ngô, đậu, sắn…) và canh tác một vụ/năm. Cuộc sống của họ lại tiếp tục phụ thuộc vào thiên nhiên cây cỏ.

Xen giữa cái nắng chói chang và những cơn mưa rừng thấm đất, chúng tôi tìm đến bà con đúng dịp mùa măng đội đất nhú lên (khoảng tháng 6 - 9 âm lịch). Thời điểm này, phum sóc vắng lặng, bởi không còn ai ở nhà ban ngày. Với con dao, rựa, lưỡi liềm, gùi, bao và đôi chân trần, sau một ngày lao động cật lực, mỗi nhà kiếm được 70 - 80 ngàn đồng từ việc hái măng.

Sẩm tối, nhà nhà lại bập bùng ánh lửa lồ ô bên những nồi măng luộc. Đến thăm gia đình chị Điểu Thị Hồng, ngôi nhà xập xệ làm bằng tre, gỗ, lợp cỏ tranh trống trước, hở sau. Ngôi nhà ấy là nơi trú ngụ của bốn con người, tồn tại bằng nghề hái lượm.

Chị Hồng nói: “Sáng sớm, không ai gọi ai, cả nhà lại đeo gùi, rong ruổi vào rừng cho đến hết ngày để mong được no cái bụng”.

Khắp rừng lồ ô, nứa, tre… rậm rịch bước chân của những người vai gùi, tay rựa thoăn thoắt bẻ măng khi trúng luồng. Họ len lỏi dưới tán cây, lia liềm thọc sâu xuống đất và lôi lên những búp măng bụ bẫm (măng tre, măng nứa vừa nhú có giá nhất).

Theo chị Hồng, những búp măng mầm ấy giờ khá hiếm, cho nên người ta buộc phải hái cả những ngọn măng cao hơn đầu người. Gặp loại măng này, chỉ cần đá mạnh chân vào gốc, phần non của măng tự rơi xuống đất. Đôi khi ít măng, họ đành dùng liềm cột vào cán cây dài để hái cả những ngọn măng sắp thành cây.

“Họ khéo léo xếp măng vào gùi, đầu ngọn của măng này xỏ vào phần gốc của măng kia. Có như vậy, gùi măng dù cao ngất ngưởng như một tòa tháp nhưng khi lên xuống dốc, qua bao khe suối vẫn không bị đổ”, Điểu Nu khoe.

Mọi người thường ghé những khe suối rửa sạch măng, để ráo rồi mới mang về. Sau đó, dùng dao, rựa để cắt phần non của cây măng đem luộc chín. Sáng hôm sau, chở xuống chợ bán sỉ với giá 2.500 - 3.000 đồng/kg. Thường mỗi ngày một nhà bán 30 kg măng thành phẩm. Nhờ vậy, “vào mùa măng, trong túi có đồng ra đồng vào…”, Điểu Nu nói.

Anh Điểu Đường luộc măng chuẩn bị cho phiên chợ sớm mai.

Nhưng không phải ngày nào may mắn cũng đến, vả lại nhiều người đi nên măng cũng thưa dần, có những buổi phải về tay trắng hoặc chỉ được 5 - 6 kg. “Giờ muốn có măng phải vào tít rừng sâu, phải đi nhiều và biết được hướng rừng tre cho măng đang vào mùa, chiều về mới đầy gùi”, chị Hồng nói.

Chiều nay, gia đình chị trúng đậm, anh chị bẻ được 50 kg măng. Chị Hồng thoăn thoắt gọt bỏ phần già của những búp măng, rồi cho măng non vào gùi. Điểu Đường, chồng chị, cặm cụi bên ba bếp lửa luộc măng, chuẩn bị cho phiên chợ sớm mai.

Vị đắng măng rừng

Măng là loài rau sạch, không có hóa chất độc hại, được nhiều người ưa dùng. Người ta dùng măng để làm dưa với mắm nêm, hay chế biến cùng với nhiều loại thịt (heo, bò, gà, vịt, hải sản…). Nhưng đằng sau cái ngọt ngào, thi vị ấy là vị đắng của sự vất vả, cực nhọc.

Già làng Điểu Re cho biết, dân ở đây gần như thiếu đói quanh năm. Phần vì đất ít, cây, con giống khan hiếm, lại không có nước tưới. Đồng bào vốn quen trồng lúa nước mà vùng này nhiều đồi cao, nên sản xuất không hiệu quả.

Gia đình chị Điểu Thị Hồng được cấp 9 sào đất, nhưng mỗi năm chỉ trồng một vụ khoai mì (sắn), may ra có cơm ăn khi mì được giá, còn không cả năm đói kém. Vài hộ trồng cây lâu năm rơi vào tình trạng luẩn quẩn được mùa mất giá, được giá mất mùa. Gia đình Điểu Re được cấp 1,2 ha đất, trồng điều từ năm 2004.

Cây điều thường cho thu hoạch sau 4 - 5 năm nếu trồng bằng hạt và 3 năm nếu là điều ghép. Điều mới cho sản lượng thấp. Năm 2008, giá điều rẻ, sản lượng thấp, Điểu Re chặt vườn điều mới bói để trồng cao su…

“Dân ở đây quen trồng cây ngắn ngày và canh tác một vụ/năm, thời gian còn lại họ lên rừng hái măng, rau, củ cầm cự qua mùa giáp hạt. Đến mùa khô, đi tát bàu bắt cá, xúc tép. Qua tết, thu khoai mì mướn, lượm điều thuê… Tới mùa thu hoạch xong, vào mùa gì mót thức ấy (điều, khoai mì, mủ cao su...)”, già làng Điểu Re cho biết.

Đi hái măng rừng khá vất vả, nguy hiểm luôn rập rình khi trên vai gùi măng nặng trĩu. Người đi rừng phải chống chọi với muỗi, vắt, rắn… Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, anh Điểu Sung cho biết: “Nỗi sợ hãi nhất của dân đào măng là phải vượt sông vào mùa nước lớn hay gặp rắn, rết trong rừng sâu. Nhiều người đã phải bỏ mạng vì cuộc mưu sinh”.

Già làng Điểu Re kể, có khi đi bẻ măng gặp mưa to kéo dài, suối Chậm Ri nước lên cao và chảy xiết. Dù đàn ông bơi giỏi nhưng còn phụ nữ và trẻ em, cả đoàn phải đợi vài giờ cho nước rút bớt mới về được.

Chuyện hãi hùng xảy ra vào năm 2009 vẫn làm nhiều người ớn lạnh: Bà Điểu Thị Trết (thôn 1, xã Thiện Hưng) bị rắn độc cắn trong lúc lên rừng bẻ măng, mọi người đem về được đến nhà thì chết. Nhưng dù sợ, những người hái măng rừng vẫn phải tiếp tục cuộc hành trình vượt những con sông, con suối, những cánh rừng đầy trắc trở…

Vì cuộc mưu sinh nên con chữ, mái trường đã sớm chia tay với những đứa trẻ nghèo vùng sơn cước. Giờ đây, ước mơ của các em thật giản dị: Làm sao hái được nhiều măng.

Em Điểu Chi theo bố mẹ qua vùng này nhận đất định cư và nghỉ học mấy năm nay. Tháng 8 vừa rồi, Trường Tiểu học Phước Thiện mở điểm phụ tại đây, em đi học lại lớp 1. Điểu Chi nói: “Buổi sáng đi học, chiều về lên rừng bẻ măng với gia đình, bữa nào cố gắng lắm mới được 10 kg, còn trung bình khoảng 5 kg”.

Gia đình các em đã nhiều đời dựa vào rừng mà sống, giờ các em tiếp tục nối gót. Mỗi năm, vùng này lại có thêm nhiều cư dân hái lượm. Họ chỉ có một mong ước, làm sao một ngày lên rừng hái cho được vài chục cân măng tươi, chiều lành lặn trở về nhà, tối lại cặm cụi luộc măng làm hàng, sáng mai ra chợ bán kiếm tiền đong gạo.

Ngày ngày, lũ trẻ cực nhọc gù lưng hái măng kiếm sống, tối về với ngọn đèn dầu leo lét bên những túp lều bé nhỏ của mình. Chúng hồn nhiên vùi đầu vào giấc ngủ mà không có bóng dáng con chữ.

Với lối sống du canh du cư, người S’tiêng nổi tiếng 4 không: không đất đai, không học hành, không nghề nghiệp, không vốn liếng. Cuộc sống bám vào thiên nhiên, với hình thức sơ khai nhất (săn bắt, hái lượm).

Hải Phong

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang