• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vĩnh Phúc: Đi “tầm” ngựa bạch

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 15/11/2010
Ngày cập nhật: 16/11/2010

Từ thị trấn Tam Sơn (Sông Lô - Vĩnh Phúc) chúng tôi chạy xe ngược hướng Bắc khoảng gần 10 km để về xã Lãng Công - nơi được giới đại gia dưới xuôi thường xuyên qua lại để “tầm” ngựa bạch về nấu cao. Là xã miền núi song đường về Lãng Công hôm nay đã có nhiều đổi mới, đường liên xã đã được trải nhựa nên việc đi lại tương đối thuận tiện.

Ở Lãng Công số lượng ngựa bạch thường dao động từ 30 - 40 con.

Gần đến Lãng Công đường đi thấy quanh co hơn với những núi non trùng điệp. Hai bên đường đi dần xuất hiện những đàn ngựa bạch đang tha thẩn gặm cỏ khiến chúng tôi cứ tưởng mình đang ở trên cao nguyên. Mặc dù ở Lãng Công chưa có đèn đỏ nhưng thỉnh thoảng xe chúng tôi vẫn phải dừng, đỗ bởi những đàn ngựa bạch cứ ngẫu hứng “rủ” nhau băng qua đường.

Khi hoàng hôn buông xuống những cánh đồng, người dân địa phương lại dong ngựa bạch về nhà, chúng đi thành từng hàng dài dọc trên đường. Đến Lãng Công, chúng tôi thấy những nhà có ngựa bạch bán họ thường buộc ngựa ngay ở cửa như để chào hàng, nhà nào chật thì buộc 3 - 4 con, rộng thì hàng chục con, đến đâu thấy mùi nước đái ngựa khai sộc lên là biết ở gần đó có ngựa bạch bán. Sắm vai những đại gia đi “tầm” ngựa bạch chúng tôi tới nhà T.L - một trong những tay buôn ngựa có tiếng ở Lãng Công. Khi chúng tôi đến đáng tiếc là chủ nhà đi vắng. Tuy nhiên thấy có khách tới xem ngựa thì 2 anh lài ngựa (làm thuê cho anh T.L) vẫn cứ vồn vã mời chúng tôi vào xem.

Do chạng vạng tối nên ngựa bạch đã được lùa hết vào chuồng, phải chờ một lúc lâu để anh nài ngựa dòng dây, bật điện chúng tôi mới vào được khu vực chuồng ngựa. Trong ánh điện vàng vọt, yếu ớt, ngó vào chuồng chúng tôi thấy có khoảng 15 - 20 con ngựa bạch được xếp thành hai hàng dài. Vừa tranh thủ đưa chúng tôi đi xem ngựa anh nài ngựa vừa liên tục bấm điện thoại di động gọi cho ông chủ về. Sau một hồi xem ngựa, anh nài ngựa quay sang chúng tôi hỏi: “Thế các cô định mua ngựa bạch xịn hay ngựa kim?”.

- Chúng tôi hỏi: Ngựa bạch xịn khác ngựa kim thế nào? anh nài ngựa giải thích: Ngựa bạch xịn thì lông đương nhiên phải trắng, móng hồng, mõm hồng, mí mắt hồng và mắt phải xanh, đặc biệt khi mặt trời đứng bóng mắt ngựa sẽ bị loà. Nếu thiếu một trong những chi tiết trên thì không thể coi là ngựa bạch mà là ngựa kim. Ngựa Kim là sản phẩm lai F1 của ngựa bạch nên giá thành rẻ hơn. Chỉ cho chúng tôi một con ngựa bạch xịn anh nài ngựa nói: “như con này giá khoảng 40 triệu đồng, bao gồm mổ và nấu cao tại nhà luôn nếu các cô có nhu cầu” Thấy chúng tôi kêu đắt và chê ngựa bé anh ta lại chỉ ngay một con ngựa kim to, béo, đẹp: Nếu thế các cô “xài” con ngựa kim này đi, giá của nó rẻ một nửa, chỉ khoảng trên dưới 20 triệu. Thấy chúng tôi lưỡng lự anh nài bồi thêm: “Thực ra ngựa kim và ngựa bạch chất lượng cao đều na ná như nhau cả thôi”.

Theo lời anh nài ngựa thì hiện nay các đại gia lên đây mua ngựa bạch đều yêu cầu mang ngựa về nhà nấu cao do vậy việc thịt và nấu cao ngựa tại địa phương là không có. Sau khi ngã giá, chủ ngựa chịu trách nhiệm thuê ô tô và đưa ngựa đến tận các gia đình và tổ chức nấu cao...

Lấy lý do đi xem ngựa thêm một vài chỗ nữa, chúng tôi xin phép ra về. Thấy khách chưa ưng và chuẩn bị đi anh nài ngựa ra sức nài nỉ chúng tôi đợi thêm một chút nữa vì ông chủ sắp về đến nơi. Tuy nhiên sau khi chúng tôi lên xe chuẩn bị đi thì anh nài ngựa lại lấp lửng: “Nếu các cô muốn mua ngựa khoảng hơn 10 triệu một chút thì ở đây chúng tôi cũng có cả đấy”.

Được biết hiện nay xã Lãng Công có 4 - 5 hộ gia đình buôn bán ngựa bạch với số lượng ngựa dao động tại địa phương khoảng trên dưới 30 con. 3 - 4 năm về trước nghề buôn bán ngựa đã xuất hiện tại địa phương song với số lượng ít. Tuy nhiên từ cuối năm 2009 đến nay, thị trường ngựa bạch ở Lãng Công mới thực sự sôi động và phát triển rầm rộ. Nhiều gia đình từ hộ nghèo đã vươn lên khá, giàu từ nghề buôn ngựa bạch, điển hình như hộ gia đình nhà T.L (gia đình chúng tôi vừa đến). Hiện nay hộ anh T.L đã đầu tưhàng trăm triệu đồng mua xe ôtô dùng để chuyên chở ngựa từ Cao Bằng về và anh chuyên cung cấp ngựa bạch cho các đại gia ở dưới xuôi như Hà Nội; Đông Anh; Vĩnh Yên...

Ngoài những hộ chuyên buôn bán ngựa bạch thì ở Lãng Công cũng có không ít người chuyên làm nghề “cò” ngựa. Từ việc môi giới cũng giúp họ kiếm được lợi nhuận là vài trăm, thậm chí là một vài triệu đồng/con ngựa.

Ngoài việc buôn bán ngựa, anh T.L còn bán cả cao ngựa bạch. Hiện nay giá cao ngựa bạch xịn là 1,2 triệu đồng/lạng; ngựa kim là 600 nghìn đồng/lạng. Tuy nhiên lượng khách đến mua cao rất ít mà hầu hết là họ mua cả con, hoặc chung nhau mua cả con rồi mang về nấu tại nhà. Mỗi đội đi nấu cao ngựa thường có từ 2 người, và chi phí cho một đội nấu cao từ 2 - 4 triệu đồng/con. Để nấu một mẻ cao ngựa mất từ 4 - 7 ngày và các gia đình có ngựa nấu cao phải lo chỗ ăn, ngủ cho đội nấu cao trong suốt quá trình họ nấu tại gia đình mình. Theo lời giới thiệu của tay lái ngựa, anh T.L vừa bán một con ngựa bạch xịn cho một đại gia ở khu Chùa Hà, Vĩnh Yên.

Phải mất khá nhiều thời gian chúng tôi mới tìm được gia đình đại gia này. Ngay khi bước vào đến cổng chúng tôi đã thấy đội quân nấu cao đang “trực chiến” bên hai nồi nấu xương ngựa to đùng đang đặt trên hai bếp than tổ ong. Tiếp cận đội nấu cao ngựa bạch, sau một hồi hỏi han, một thành viên trong đội cho biết: “Chúng tôi nấu cao cho gia đình ông H đã được 4 hôm, khoảng 1 đến 2 hôm nữa sẽ xong. Xong ở đây chúng tôi lại có lịch đi Hà Nội.

Khi nấu cao ngựa bạch các anh có cho gì vào không? tôi hỏi.

- Không! nhưng cũng có một số nhà yêu cầu cho vài thứ.

- Thứ gì?

- Sừng tê giác; sừng dê già...

Theo kinh nghiệm của đội đi nấu cao ngựa thì không nên chọn những con ngựa quá béo hoặc quá gầy và trung bình mỗi con ngựa cô được từ 3 - 4,5 kg cao. Tuy nhiên khi hỏi về quy trình nấu cao ngựa thì chúng tôi không khai thác được gì bởi họ không tiết lộ.

Được người bạn giới thiệu tôi có điều kiện gặp ông T.V. Ông T.V trước đây đó từng tham gia nấu cao ngựa, ông cho biết: Ngựa sau khi mổ, lọc lấy xương, cho vào nồi, đổ nước vào ninh. Xương ngựa ninh khoảng 2 ngày 2 đêm sau đó chắt lấy nước cốt. Đổ thêm nước vào nồi xương, ninh tiếp 2 ngày 2 đêm rồi chắt nước cốt ra. Lần thứ 3 tiếp tục cho nước, đun thêm 2 ngày 2 đêm rồi chắt lấy nước cốt. Tổng số ngày ninh xương ngựa khoảng 6 ngày 6 đêm. Ninh đến khi xương ngựa mục, bẻ được bằng tay thì khi đó xương mới chiết xuất hết chất. Trộn tất cả nước cốt ngựa vào một nồi, đun nhỏ lửa để hơi nước bốc dần. Khi thấy nồi nước cốt xương ngựa bắt đầu se se thì bắc ra đun cách thuỷ. Đun cách thuỷ đến khi thấy nồi cao ngựa đặc quánh thì bắt đầu thăm. Cách thăm là lấy bát nước lạnh, sau đó nhỏ một giọt cao ngựa vào. Nếu thấy giọt cao trong bát không hoà tan với nước thì khi đó cao ngựa đó bốc hết hơi nước. Sau khi cao ngựa nấu được thì đổ ra khay và cán đều. Chờ cao nguội rồi cắt thành từng miếng to, nhỏ tuỳ ý. Cao ngựa bạch phải có mầu cánh gián, bề mặt mịn và hơi bóng…

Theo những người nấu cao ngựa bạch thì 1 - 2 năm trở lại đây ngựa bạch trở nên khan hiếm bởi nhu cầu tiêu thụ cao ngựa ngày càng tăng khi người dân nghe thông tin quảng cáo về công dụng của cao ngựa bạch. Trong năm 2010 đã có nhiều thời điểm “sốt” ngựa bạch khiến giá thành theo đó cũng đội nên gấp 2 - 3 lần. Bên cạnh đó, trên thị trường cao ngựa thật, giả lại lẫn lộn vậy bạn hãy luôn là người tiêu dùng thông thái để hiểu cho đúng, mua cho đúng và dùng đúng cao ngựa bạch…

Thi Thi - Hà Trần

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang