• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chuyện "vàng trắng" ở đảo - Gian nan khai thác yến sào

Nguồn tin: Báo Khánh Hoà, 06/10/2010
Ngày cập nhật: 7/10/2010

Yến sào, thứ vàng trắng biển khơi là một sản vật quý hiếm từ xưa. Các vua nhà Nguyễn đã coi yến sào là tài nguyên quốc gia. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), hình chim yến đã được khắc trên Tuyên Đỉnh đặt ở Thế miếu trong Hoàng thành Huế… Hiện nay, mỗi năm việc xuất khẩu yến sào mang lại nguồn thu cho tỉnh hàng trăm tỷ đồng… Để có được nguồn lợi này, có công sức không nhỏ của những người công nhân bảo vệ và khai thác yến sào. Những năm gần đây, việc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa thành công trong nghiên cứu nuôi yến trong nhà để lấy tổ cũng đã mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi, khai thác yến sào, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm mới.

Tiếng sóng liên tục vỗ ầm ào vào vách đá. Những người đàn ông đu mình trên những giàn giáo cheo leo bằng tre lồ ô cao hàng chục mét dựng từ chân sóng đến trần hang hay bám chặt vào những sợi dây chão lần xuống vực sâu thăm thẳm… Đây không phải là thước phim hành động của Hollywood mà chính là công việc hàng ngày của những người thợ khai thác yến sào. Đã từng nghe kể về việc khai thác yến sào, nhưng phải đến khi cận cảnh, tôi mới hiểu hết mức độ gian khổ và nguy hiểm của nghề này.

Cuối tháng 8, tôi theo chân đội khai thác yến của Công ty Yến sào Khánh Hòa ra đảo khai thác yến sào. Từ cảng Cầu Đá, chúng tôi lên tàu cao tốc nhằm hướng Hòn Nội thẳng tiến. Anh Võ Văn Cam - Đội trưởng Đội khai thác yến sào, cũng là người dẫn đoàn luôn hướng mắt về đảo. Những câu chuyện ly kỳ mà anh kể về nghề khai thác yến làm chúng tôi thêm phần háo hức, quãng đường đi cũng như ngắn lại. Hòn Nội đã ở trước mặt.

Từ trên tàu, có thể nhìn thấy những căn nhà giữ yến cheo leo trên đảo và đền thờ của bà chúa Đảo Yến. “Yến sào Hòn Nội, vịt lội Ninh Hòa…”, người dân xứ Trầm Hương đã quá quen thuộc với câu ca đó. Nhưng kỳ thực, Hòn Ngoại mới là nơi nhiều yến nhất ở Khánh Hòa, còn “yến sào ở Hòn Nội được vinh danh bởi chất lượng hảo hạng của nó” - anh Cam giải thích.

Nghề nguy hiểm

Bước vào hang Trống ở Hòn Ngoại, tôi như hoa mắt bởi hàng chục ngàn tổ yến trắng muốt đeo khắp vòm hang như bầu trời đầy sao trong đêm Hè. Sau nén hương xin phép tổ nghề, nhóm công nhân bắt đầu trèo lên giàn giáo, tiến vào lòng hang để thu hoạch yến. Tổ yến bám chặt vào vách đá nên những người thợ hái yến phải dùng đến nỉa; những tổ yến ở vị trí xa, phải dùng sào dài có móc sắt để lấy (vì vậy, ngày trước người ta thường gọi người hái tổ yến là dân sào chĩa). Vừa hướng dẫn anh em khai thác, anh Cam vừa giảng giải thêm cho tôi về cách khai thác yến sào.

Theo anh Cam, hái yến có nhiều cách. Ở những hang rộng như hang Trống, người ta thường làm giàn như kiểu giàn giáo xây dựng. Tre làm giàn giáo phải già để có đủ độ cứng, thân và các mắt tre không bị sâu để đảm bảo an toàn khi bám và leo. “Việc bắc giàn giáo phải hết sức cẩn thận, thường do những người có kinh nghiệm chỉ đạo”, anh Cam nói. Với những tổ yến ở những vách đá không cao lắm, người ta thường dùng một cây tre để leo lên hái tổ, dân trong nghề gọi là “đi cội”. Cây tre “đi cội” phải thẳng và có nhánh để có thể bám và leo lên. Người “đi cội” phải nhớ ở hang nào, vị trí nào thì dùng bao nhiêu cội, kích thước bao nhiêu để vừa tầm hái tổ yến. Người thợ lấy tổ yến cần can đảm, có sức khỏe dẻo dai, tinh nhanh, cẩn thận… để có thể lấy yến mà vẫn giữ được an toàn cho bản thân”, anh Cam cho biết.

Sau hang Trống ở Hòn Ngoại, chúng tôi đến hang Du Hạ (nằm cách mặt biển khoảng 60 m) ở Hòn Nội. Nhiệm vụ lấy tổ yến đầy khó khăn này được giao cho 2 công nhân khai thác yến sào lành nghề là Tống Đình Hoàng và Phạm Văn Hải. Sau khi leo lên vách đá cao, buộc chặt dây vào cọc neo, hai anh từ từ tụt dần theo dây xuống lưng chừng vách đá, di chuyển dần vào vách sâu bên trong để vào hang yến. Theo anh Cam, để khai thác yến ở những hang này, những người thợ yến sào phải dùng những đoạn “dăng” ngắn (thường làm bằng tầm vông) đóng giữa hai vách đá hẹp để bám tay vào hoặc giẫm chân khi leo lên vách đá lấy tổ yến hay dừng lại nghỉ ngơi. Trong nghề này, khó nhất chính là thao tác “đi bộ”. Với những hang hẹp, vách trơn, không thể đóng dăng, người thợ phải “đi bộ”, tức là dựa lưng vào vách đá, dùng tay và chân đạp vào vách để leo lên leo xuống, di chuyển vào sâu trong khe đá, nơi chim yến làm tổ. “Người thợ “đi bộ” phải có kinh nghiệm và rất cẩn thận để có thể nhớ được từng chỗ để đặt chân, chỗ nào dùng đầu gối, tay nào nắm “dăng”, tay nào bám đá…”, anh Cam bộc bạch. Ở những nơi khe đá quá hẹp, không vào được chỗ có tổ yến, người ta buộc một vỉ đan bằng lá buông lên thân tre, luồn vào hang, đỡ bên dưới tổ, rồi dùng sào dài, đầu có móc sắt, móc tổ cho rơi xuống vỉ… Những năm gần đây, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã tìm cách khắc phục khó khăn, hạn chế sử dụng thuật “đi bộ” để khai thác yến. Ngày trước, việc khai thác yến rất vất vả, thường mỗi lần đi lấy tổ yến vài ngày là dân sào chĩa lại về đất liền nghỉ ngơi, nhưng hiện nay, do điều kiện khai thác tốt hơn và để đảm bảo chất lượng tổ nên công nhân yến sào thường tập trung khai thác trong vòng 10 ngày là xong.

Nghề khai thác yến sào là nghề rất gian khổ và nguy hiểm. Do là nghề nguy hiểm nên cũng thường cha truyền con nối nghề, bởi vì “chỉ có những người trong cùng gia đình mới dạy nhau cẩn thận, từng ly từng tý”. Hiện nay, việc chọn người khai thác yến đã được mở rộng hơn nhưng đội khai thác yến sào Khánh Hòa có rất nhiều người xuất thân từ những gia đình có truyền thống về khai thác yến như: anh Võ Văn Cam (3 đời gắn bó với nghề), anh Phạm Văn Hải (4 đời), anh Đào Văn Song (3 đời)… Thông thường trước khi đi lấy yến, người thợ khai thác yến sào phải tẩm bổ, giữ gìn sức khỏe và kiêng cữ nhất định. Người làm trong nghề bảo vệ và khai thác yến sào đều tránh dùng từ rơi hoặc rớt, mà phải thay bằng từ chảy, hay nói trại một số từ khác như con rắn gọi là con dài; trước khi ăn, uống đều mời những người khuất mặt… Sau buổi lấy tổ yến, tôi gặp anh Hải và Hoàng để mong được biết kỹ hơn về chuyện lấy tổ yến. Theo anh Hoàng, người thợ lấy tổ yến sợ nhất là phân yến. “Vào sâu trong hang kín bưng, phân chim phủ dày dưới đáy hang bốc lên mùi hăng nồng rất khó chịu. Phân chim quyện với mồ hôi thấm vào các vết xước do đá cắt rất xót, lại có lượng xút cao nên ăn mòn da rất nhanh”, anh Hoàng nói. “Đôi khi, gặp khe núi quá hẹp, phải cởi áo, mặc độc chiếc quần lót mỏng cho dễ di chuyển”, “kiến cắn cũng phải nhịn đau”, anh Hải cho biết. Theo các anh, khai thác yến sào là nghề rất gian khổ, luôn đối mặt với hiểm nguy mà “có kể cả ngày cũng không hết chuyện”.

Đảo yến - đời người

Khai thác tổ yến đã khó khăn, bảo vệ tổ yến cũng gian nan không kém. Những người bảo vệ đảo yến quanh năm phải sống trên đảo, trong những căn nhà cheo leo trên vách đá như những chàng Robinson thời hiện đại. Xưa kia, người làm nghề canh gác và phu hái yến sào gặp rất nhiều gian khổ, nguy hiểm. Họ thường xuyên bị bọn hải tặc uy hiếp, giết hại để cướp yến sào, nên người gác đảo thời đó phải giỏi võ, lại phải thạo bơi lặn, leo trèo, chịu đựng thiếu thốn mọi bề. Cách đây vài chục năm, cuộc sống của những người giữ đảo yến vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Anh Nguyễn Ngọc Quý, đảo Hòn Sam nhớ lại: “Ngày trước, phương tiện liên lạc còn khó khăn, chúng tôi phải gửi thư tay cho gia đình. Sau này, điều kiện phát triển hơn, những người canh giữ đảo yến được trò chuyện với gia đình qua bộ đàm của Công ty nhưng cũng rất hạn chế…”. “Việc dạy dỗ con cái phó mặc cho vợ ở nhà. Có những lần, vợ nhắn ra là con bị ốm, mình cũng lo lắm nhưng đành chịu, không thể bỏ đảo mà về”, anh Dương Văn Sơn, đồng nghiệp của anh Quý kể thêm. Vất vả là vậy nhưng những công nhân giữ đảo yến vẫn luôn yêu nghề, một lòng với đảo yến. Trong đó, có không ít người đã gắn bó với các đảo yến từ 20 - 30 năm, như anh Nguyễn Ngọc Quý và Dương Văn Sơn ở đảo Hòn Sam, anh Lê Văn Định và Võ Huy Hoàng ở đảo Chà Là…

Trước đây, khi việc mót yến chưa bị cấm, cứ sau mỗi mùa thu hoạch yến, người dân ở Vũng Me, bãi Trũ (phường Vĩnh Nguyên) vẫn thường đi mót yến. Anh Cam nhớ lại: “Mỗi lần xong vụ yến là hàng trăm người ào ào đổ ra các đảo mót yến. Họ dùng dây, cây tre… leo lên các vách đá để cạy chân tổ yến còn sót lại. Thậm chí, khi đang còn vụ khai thác, nhiều người cũng vào mót yến. Vì thế, đã có không ít đụng độ giữa lực lượng bảo vệ với những người đi mót yến”. Đã có lần, người mót yến tranh nhau lên giàn giáo quá đông, khiến giàn bị sập, dẫn đến thương vong. Việc mót yến cũng gây náo động, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của chim yến. Đến năm 1997, việc mót yến bị cấm hoàn toàn, việc bảo vệ yến mới “dễ thở” hơn. Ngoài ra, để bảo vệ môi trường sống cho đàn yến, những người canh giữ đảo phải canh chừng không cho ngư dân dùng thuốc nổ đánh cá ở vùng biển xung quanh các đảo yến và tìm cách tiêu diệt kẻ thù của chim yến như chim cắt, chuột… Sổ nhật ký của các đảo yến từng ghi lại những lần lực lượng bảo vệ đảo yến phối hợp với Bộ đội Biên phòng bắt giữ các vụ dùng thuốc nổ đánh cá trên biển.

Hiện nay, Công ty Yến sào Khánh Hòa có hơn 270 công nhân sống trên đảo để bảo vệ yến sào. Những năm gần đây, đời sống của người canh giữ đảo yến đã ngày càng tốt hơn nên anh em càng yên tâm làm việc. Mỗi tuần 1 lần, tàu từ đất liền ra tiếp tế thực phẩm, đưa báo và đón anh em về thăm nhà. Cuộc sống ở đảo tuy hơi buồn nhưng rất đậm nghĩa tình. Ở những đảo lớn như Hòn Nội, mỗi chiều về, anh em lại tập trung chơi bóng chuyền; ở những đảo nhỏ như Hòn Sam, Hòn Đụng… những người giữ yến giải khuây bằng những ván cờ tướng, hay những bản guitar bay bổng. Cuộc sống của những người giữ đảo yến cứ trôi đi bình dị như vậy. “Ngày nào tôi cũng liên lạc với gia đình qua điện thoại di động. Công ty rất quan tâm đến con em của cán bộ công nhân viên, nên ở ngoài đảo, mình rất yên tâm công tác”, anh Quý tâm sự.

Trong chuyến đi ra đảo yến lần này, tôi thực sự bất ngờ bởi việc quản lý và khai thác yến sào của Công ty Yến sào rất chặt chẽ và hiện đại. Hầu hết những hang yến lớn đều lắp đặt camera quan sát, đội kỹ thuật của Công ty cũng thường xuyên kiểm tra kích thước tổ yến, theo dõi thời tiết để lên lịch khai thác hợp lý nhất. Đặc biệt, nhờ sử dụng một số giải pháp như chống mưa, ngăn đập chống sóng… nên sản lượng yến sào đã tăng rất nhanh. Sau chuyến đi đảo trở về, anh Lê Hữu Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến Sào hồ hởi cho biết, năm nay, Công ty thu được hơn 3,1 tấn yến, cao nhất từ trước đến nay. Nghề yến sào Khánh Hòa đang ngày càng phát triển, nhất là khi Công ty đã thành công với mô hình nuôi yến trong nhà lấy tổ.

X.T

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang