• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đông trùng hạ thảo tằm dâu trên đất Lâm Đồng

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 17/09/2010
Ngày cập nhật: 20/9/2010

Sau gần 3 năm nghiên cứu, quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo trên tằm dâu của một cán bộ tại Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng tại Bảo Lộc hoàn tất - mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho Lâm Đồng trong việc sản xuất dược liệu quý trên diện rộng.

Người trực tiếp thực hiện việc nghiên cứu và hoàn tất qui trình này là tiến sỹ Nguyễn Mậu Tuấn, hiện đang công tác tại Trung tâm. Đây là người đầu tiên trong nước đưa ra được qui trình hoàn chỉnh về sản xuất đông trùng hạ thảo trên con tằm dâu, một loại côn trùng được người dân nuôi từ rất lâu đời và với qui trình này có thể sản xuất đại trà loại dược liệu quý này ngay trên đất Lâm Đồng.

Để hoàn tất được công trình trên, tiến sỹ Tuấn đã phải gắn bó rất lâu với con tằm dâu. Tốt nghiệp Đại học Đà Lạt ít lâu sau ngày thống nhất đất nước, ông Tuấn về Trung tâm nhận công tác. Đóng chân trên địa bàn Bảo Lộc - thủ phủ của ngành dâu tằm tơ lúc đó, ông đã cùng các đồng nghiệp tại đây dành nhiều thời gian nghiên cứu các giống tằm mới để nâng cao chất lượng cho vùng dâu tằm Bảo Lộc. Ông hoàn thành chương trình cao học sinh học tại Hàn Quốc và sau đó ít năm bảo vệ luận án tiến sỹ tại quốc gia này về nấm bệnh côn trùng với đối tượng nghiên cứu chính là bệnh lý tằm dâu. Trong những loại nấm diệt được côn trùng này có đông trùng hạ thảo (Cordyceps sinensis)”.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, đông trùng hạ thảo không chỉ đơn thuần là một dạng nấm ký sinh diệt côn trùng mà còn là một loài dược liệu quý. Ông biết rõ điều này khi là lưu học sinh tại Hàn Quốc. “Hàn Quốc và Trung Quốc đã chuyên nghiệp hóa việc sản xuất đông trùng hạ thảo và hằng năm thu lợi rất lớn từ loại dược liệu này”. Theo ông Tuấn, đông trùng hạ thảo hiện nay có 3 loại: thu hái trong tự nhiên, nuôi cấy bằng phương pháp lên men và nuôi cấy nhân tạo. Loại thứ nhất thu hái trong tự nhiên hiện rất hiếm và cực đắt. Loại thứ hai nuôi cấy bằng phương pháp lên men được thực hiện trong phòng thí nghiệm với những thiết bị hiện đại. Còn loại thứ ba nuôi cấy nhân tạo trong môi trường tự nhiên theo một qui trình riêng có thể sản xuất đại trà và đây là hướng mà Trung Quốc và Hàn Quốc đã và đang làm lâu nay. Tại Việt Nam cho đến nay, theo tiến sỹ Tuấn, vẫn chưa có nơi nào trong nước nghiên cứu và và sản xuất loại dược liệu quý này.

Một thuận lợi rất lớn cho việc triển khai ứng dụng từ nghiên cứu của ông vào sản xuất, theo tiến sỹ Tuấn, chính là vùng đất Bảo Lộc, địa phương nơi ông đang sinh sống và làm việc. Trước nhất, đông trùng hạ thảo cần vật chủ: Vùng Bảo Lộc có sẵn nhộng và tằm dâu được người dân lâu nay nuôi đại trà trong nghề tằm tang. Về thiên nhiên, khí hậu nơi đây cực kỳ phù hợp cho con tằm cây dâu. “Phía bắc cũng có một số tỉnh trồng dâu nuôi tằm nhưng thời tiết phân mùa rõ rệt, chỉ nuôi tằm vào mùa xuân và mùa thu khi tiết trời dịu mát, còn mùa hạ và mùa đông không nuôi được, có nuôi cũng phát triển rất kém. Vùng Bảo Lộc và phần lớn Lâm Đồng với nhiệt độ trung bình 23 - 25 độ C có thể nuôi quanh năm”.

Cho đến nay tiến sỹ Tuấn đã hoàn thiện 2 qui trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo ở 2 sản phẩm là nhộng trùng thảo (Cordyceps militaris) trên nhộng tằm dâu và đông trùng hạ thảo tằm dâu (Cordyceps tacao montana hay Paecilomyces tenuipes) trên con tằm dâu. Cả 2 qui trình này theo ông Tuấn đều dễ dàng áp dụng trong người dân theo những điều kiện kỹ thuật nhất định. 1 hộp trứng tằm 20 gram hiện nay nếu người dân dùng nuôi tằm có thể thu 45 kg kén và với giá kén hiện nay chỉ có thể thu từ 4 - 5 triệu đồng, nhưng nếu số trứng tằm này đưa vào nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo thì có thể thu đến 4 kg nấm khô và với giá bán mỗi kg nấm khô này khoảng 7 triệu đồng theo thời giá hiện nay, người dân có thể thu về khoảng 28 triệu đồng, gấp nhiều lần so với nuôi tằm làm kén. Tất nhiên theo ông cũng có những rủi ro nhất định trong việc nuôi cấy nấm như cần có phòng ốc riêng biệt, cần nắm được kỹ thuật để bảo vệ nấm trồng khỏi bệnh tật và sự mẫn cảm với môi trường… tuy nhiên, tất cả những điều này thông qua chuyển giao kỹ thuật, nhiều người có thể làm được.

Vừa qua, tiến sỹ Nguyễn Mậu Tuấn đã cùng hợp tác với Cty Dược Vật tư Y tế Lâm Đồng sản xuất thử nghiệm 2 loại viên nhộng và viên nén đông trùng hạ thảo “Tôi là nhà khoa học chỉ quen làm công tác nghiên cứu. Điều tôi cần hiện nay là những cơ quan đơn vị cá nhân quan tâm đến để có thể liên kết, chuyển giao công nghệ, nhằm tiến hành những bước tiếp theo cho việc phát triển sản phẩm này trong nước”.

* Theo các tài liệu về y học, đông trùng hạ thảo có tên khoa học là Cordyceps sinesis, thuộc nhóm Ascomyeetes, là loại nấm thường ký sinh trên sâu Hepialus fabricius, mùa đông sâu nằm dưới đất, nấm phát triển và hút chất bổ của thân sâu làm sâu chết, mùa hạ nấm mọc chồi khỏi mặt đất hình dạng giống ngón tay, dài khoảng 4 - 11 cm, nhưng gốc vẫn dính liền vào đầu sâu, vì thế có tên gọi là đông trùng (mùa đông là côn trùng) hạ thảo (mùa hè là cây cỏ). Loài dược liệu này được tìm thấy trên những vùng núi cao trên 4000 m ở Trung Quốc, nhất là ở Tứ Xuyên. Người Trung Hoa đã dùng đông trùng hạ thảo hằng nghìn năm trước và đây là vị thuốc quý ngang với nhân sâm nên ngày xưa chỉ dùng cho vua chúa. Đông trùng hạ thảo được dùng để bồi bổ sức khỏe, trị bất lực, trị lao, ho, thiếu máu, đau lưng, đau gối, chậm quá trình lão hóa, cai nghiện ma túy…

* Theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thám, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng, việc hoàn tất qui trình sản xuất đông trùng hạ thảo trên tằm dâu có ý nghĩa đặc biệt cho những người làm nghiên cứu sinh học trên đất Lâm Đồng, mở ra một hướng đi mới cho việc nghiên cứu sản xuất các loại dược liệu ở địa phương phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

VIẾT TRỌNG

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang