• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bình Thuận: Người hùng trên đảo Phú Quý

Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 27/08/2010
Ngày cập nhật: 28/8/2010

Có người bảo anh là “dị nhân”, có người gọi anh là “tỷ phú”. Riêng tôi, gặp anh lần thứ hai cũng bên cái hồ nuôi cá mú mặn chát nước biển, đã trân trọng gọi anh là “người hùng”. Dương Văn Vĩ không dám nhận lời tán tụng như thế, nhưng xem ra những gì anh đã làm trên đất đảo xa xôi của tỉnh Bình Thuận này đã cho người ta thấy anh là một người hùng thực thụ.

Sóng gió rèn ý chí

Ông nội của Vĩ là ngư dân. Cha của Vĩ cũng là ngư dân. Vĩ lớn lên trong hoàn cảnh thiếu trước hụt sau của gia đình. Nhà nghèo, nghỉ học sớm, Vĩ nối gót nghiệp cha bám biển kiếm sống. Nhưng anh không có duyên với nghề đi biển. Anh kể, chuyến nào về đủ ăn là may lắm. Mấy lần biển động, đi cả tuần chưa có con nào đáng giá dính lưới, anh rủ bạn thuyền cố sức đi tiếp. Ghe của Vĩ đã mấy lần bị lạc qua tận Philipines, Indonesia… Có những hôm máy ghe bị trục trặc, cả nhóm suýt bỏ mạng ở ngoài khơi. Vỹ nói: “Mình liều để cố mang về cho bằng được khoang ghe đầy cá, mực. Trời giông tố, vậy mà cứ tiếp tục đi. Lo sợ sau chuyến đi không đủ phí tốn bù vào, đánh liều đi tiếp, mấy lần suýt làm mồi cho đàn cá dữ”. Sau lần cuối cùng thoát chết trở về, Vĩ quyết định lên bờ làm ăn. Tài sản cha mẹ để dành cho anh là chiếc xuồng. Lên bờ lần này anh quyết làm ăn thế nào để có “chiếc xuồng” lớn hơn.

Xây cơ ngơi trên thế đất long mạch

Vĩ nghĩ ra kế sinh nhai mới. Nhờ cái diện tướng dễ thu phục lòng người, anh huy động được một khoản vốn từ gia đình, bạn bè, mua phương tiện hành nghề vận tải biển. Tàu nhỏ chở ít không có lời, với lại cạnh tranh không nổi với mấy đại gia vốn bạc tỷ, anh ngán ngẫm nghề vận tải, để rồi vào năm 1993 lên bờ làm nghề sản xuất ghế đá, chơi hòn non bộ, cây cảnh. Rồi bỗng một hôm, anh nói với vợ rằng bỏ nghề. Anh giao lại toàn bộ cơ sở cho vợ. Kể từ đó, người ta thấy anh như một gã điên ngày đêm hì hục vác đá chắn biển ở doi Mộ Thầy. Người ta đồn Vĩ do quá mê làm giàu mà phát bệnh hoang tưởng. Trong gia đình ai cũng cấm cản, vì lúc đó người dân trên đảo vẫn truyền tụng nhau câu chuyện khu đất quanh mộ thầy rất “linh”, chưa ai đến đó làm ăn mà có thể trụ được qua khỏi 3 năm. Không biết Vĩ am hiểu thuật phong thủy thật hay là chơi, mà anh khoe với tôi chắc nịch: “Mình quyết định gầy dựng cơ ngơi ở khu Mộ Thầy vì đất ở đây có thế long mạch. Cái tên nhà hàng Long Vĩ hiện tại của mình cũng bắt nguồn từ đây”. Đoạn, Vĩ kể tiếp câu chuyện còn dang dở.

Không lâu sau, anh xây được một dãy hồ chắn với diện tích 850 m2. “Tận dụng địa thế ven biển có rạn đá, đợi lúc thủy triều xuống, mình dùng cống bê-tông đúc sẵn cắm sâu vào nền biển. Dùng xi-măng chịu mặn cùng với đá có sẵn dọc bờ, mình xây nối các ống bi lại thành vách hồ chắn sóng. Dưới đáy đặt hơn 1.000 ống thông thuỷ để giữ độ ấm lòng hồ. Nhờ vậy, cá mú đỏ và cua huỳnh đế cùng các loại hải sản quý khác mới có thể sống được” – Vĩ nói hùng hồn. Rất lạ, dù đứng trước những con sóng cao hơn 5 mét, nhưng hồ nuôi cá mú và cua huỳnh đế của anh vẫn bình an vô sự từ mùa này qua mùa khác. Mỗi năm Vĩ thu về hơn 200 triệu đồng từ việc nuôi cá trên hồ chắn. Từ đó, anh càng tin vào thế đất “long mạch” của mình...

Tấm lòng với đảo quê hương

Một thời gian khá dài, dân trên đảo không có tivi, sách báo. Mọi thông tin phát triển ở thế giới bên ngoài đều mù tịch đối với tầng lớp lao động như Vĩ. Rồi lúc trên đảo có sóng truyền hình, Dương Văn Vĩ mê xem các chương trình du lịch khám phá trên sóng HTV, VTV. Anh không ít lần tự nhũ tại sao đảo mình không có ai đến làm du lịch như Côn Sơn, Hạ Long hay như Phú Quốc… Đảo của anh cũng có cảnh đẹp thơ mộng, cũng có các di tích lịch sử văn hóa đậm nét truyền thống. Anh tự sự: “Đảo Phú Quý không thua kém Phú Quốc về cảnh đẹp thiên phú. Toàn đảo có đến gần 30 khu di tích. Trong đó có 2 di tích được xếp hạng quốc gia, 2 di tích cấp tỉnh. Lễ hội dân gian vẫn được người dân bản xứ lưu truyền, gìn giữ. Hằng năm vạn An Thạnh, đình làng Triều Dương, đền thờ Bàng Tranh công chúa… đều tổ chức lễ hội mang nét độc đáo riêng. Đó không phải là tiềm năng du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa dân gian hay sao?”.

Những năm đầu thế kỷ XXI, khi du lịch Bình Thuận bắt đầu có vị thế, thì địa danh Phú Quý cũng bắt đầu được chú ý. Nhưng không nhà đầu tư nào dám mạo hiểm bỏ tiền ra đầu tư phát triển du lịch trên đảo, vì giao thông ra đảo rất gian nan, nhất là trong mùa gió bấc. Thấy mình có đủ tài chính, lại sẵn máu đam mê du lịch, Dương Văn Vỹ gom góp tài sản gia đình quyết định xây dựng một khu du lịch sinh thái ngay bên di tích Mộ Thầy. Ban đầu dự án xây dựng Khu du lịch Long Vĩ đưa lên ngành chức năng xem xét, ai cũng phì cười. Không ai tin anh, ngay cả người thân. Đích thân anh nhiều lần lặn lội lên huyện giải trình về tính khả thi của dự án. Nói năng không hay, nhưng thuyết phục mãi, họ cũng đồng ý cấp phép cho anh xây dựng. Vốn bỏ ra hơn 1,5 tỷ đồng. Quả là mạo hiểm đối với một ngư dân. Sở dĩ anh làm thế vì lâu nay đang nung nấu hoài bảo xây dựng thương hiệu du lịch trên chính quê hương. Đối với anh, làm du lịch là góp phần xây dựng đảo. Vỹ giải thích đơn thuần, một khi cái tên Phú Quý được nhiều người biết đến, thì cơ hội đầu tư kinh tế vào Phú Quý càng lớn, khi đó đời sống của bà con nơi đây sẽ bớt khổ.

Ngày 1/12/2008, khu du lịch sinh thái biển mang tên Long Vĩ chính thức khai trương. Ngư dân Dương Văn Vĩ trở thành người khai sinh ngành du lịch trên đảo Phú Quý. Sau 2 năm đầu tư, Vỹ kết luận, khu du lịch từ lúc mở đến giờ chỉ huề vốn. Vốn bỏ ra nhiều, mà thu lợi không bao nhiêu. Giao thông khó khăn, nên rất ít khách từ đất liền ra đảo. Trước khi ra về, tôi hỏi: “Thế anh đánh bạc à?”. Vỹ cười khanh khách lộ ra hàm răng vàng sáng chói: “Cũng chưa đúng lắm. Làm vì đảo quê hương, thiệt thòi cũng nên làm. Nuôi cá mú lãi rất cao. Lời được bao nhiêu mình đập vào để nuôi cái khu du lịch Long Vĩ này. Ở đảo này, không thành công cũng thành nhân là quý lắm rồi!”.

NGUYỄN VUI

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang