• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cơn sốt “nấm thần dược”

Nguồn tin: Lao Động, 07/07/2010
Ngày cập nhật: 8/7/2010

Kể từ khi "câu chuyện thần tiên" về một thanh niên sinh sống tại xã miền núi Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) bị bệnh ung thư đã tự lần mò vào rừng sâu tìm được thứ nấm kỳ lạ đem về sắc thành thuốc uống và khỏi bệnh được tung ra qua thông tin trên một tờ báo, lập tức cơn sốt "nấm thần dược" lan truyền.

Cả vùng quê nghèo nhốn nháo bởi cảnh tấp nập - kẻ thì tiếp bước vào rừng hái nấm thần, người lại cò cưa mua bán nấm thần với giá cả trên trời, khiến bao người "có bệnh thì vái tứ phương" khi tìm đến đây thì... "bỗng dưng muốn khóc".

“Được nấm, hết bệnh”

"Người thật, việc thật” thoát khỏi căn bệnh ung thư nhờ uống nấm thần dược được một số nhà báo chuyên đi “phát hiện chuyện lạ” tìm thấy tại góc rừng Tiên Hiệp tên là Nguyễn Đình Hoa (trú thôn 5). Theo nhân vật chính tự bạch, thì anh vốn bị ung thư nhiều năm và đã tìm ra một loại nấm mọc trên cây cổ thụ trong những khu rừng già Dương Nứa, Nà Cau, Hòn Bà, Dương Lớn, Suối Bùn vùng Tiên Phước, Trà My...

Sau một thời gian uống nấm thần, anh khỏi hẳn căn bệnh nan y, sống cuộc sống khoẻ mạnh bình thường. Nhưng khi chúng tôi đề nghị cho xem bệnh án hoặc giấy tờ liên quan đến căn bệnh “hiểm nghèo” mà anh từng mắc phải, anh Hoa tìm cách từ chối khéo với lý do: “Từ ngày nhiều người tìm đến hỏi mua nấm, tôi sợ không dám để giấy tờ ở nhà, phải gửi nhờ nhà người quen, nhưng mấy anh nhà báo trước đây đến tôi đều đưa cho xem, nếu không tin thì gọi hỏi mấy anh đó là biết liền”.

Thực hư câu chuyện anh Hoa bị ung thư và nhờ nấm thần dược mà khỏi bệnh vẫn chưa được bất cứ cơ quan chức năng nào kiểm chứng. Nhưng kể từ sau khi thông tin nấm thần dược chữa bệnh ung thư được kể lại như một phép màu, thì rất đông người từ khắp nơi: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng đổ về nơi góc núi này để tìm mua loại nấm thần kỳ mong chữa khỏi bệnh tình nguy nan cho mình và người thân.

Có cầu nên cũng có cung. Người dân tại thôn 5 “đẻ” ra một nghề mới toanh là rủ nhau cơm đùm, gạo gói băng rừng tìm nấm mang về bán. Thậm chí, một nhóm người còn vượt đường rừng ngày đêm đến tận các cánh rừng giáp biên Việt - Lào để tìm loài nấm thần dược.

Lâm Quang Bình - một người trong nhóm chuyên săn tìm nấm thần dược ở thôn 5 Tiên Hiệp - kể: “Lần đầu tiên tụi tui đi tìm nấm xa rứa. Đi 2 ngày đường rừng băng bộ thì đến nơi, ban đầu cũng không biết đấy là đâu. Đang sục sạo dòm tìm nấm thì bị mấy người dân tộc thiểu số đuổi đánh. May mà chạy thoát thân trong đêm”. Theo những người dân tại địa phương cho biết, sau khi thông tin nấm chữa bệnh lan truyền, bắt đầu có người từ xa tìm về mua nấm chữa bệnh, thì cũng là lúc nhiều thanh niên trong thôn được anh Hoa thuê đi rừng tìm nấm thần dược, tiền công trả mỗi ngày từ 200.000 đến 300.000 đồng. “Chừ con trai trong làng vào rừng tìm nấm hết rồi, chứ ở đây biết làm chi cho ra được mấy trăm ngàn một ngày” - chị Phương bán quán nước trước ngõ nhà anh Hoa cho hay.

Giá của “linh dược”

Lúc mới được “phát hiện” và lan truyền là nấm thần dược, một kilôgram nấm khô có giá 2 triệu đồng. Nhưng ngay sau đó, giá nấm leo thang nhanh chóng, có thời điểm lên đến mức không tưởng là 65 triệu đồng/kg - tương đương với giá các loại nhân sâm quý hiếm. Lâm Thị Hoài Vy - cô “dân nữ chống lâm tặc” trong phóng sự cùng tên trên báo Lao Động trước đây cũng là người thôn 5 Tiên Hiệp, kể lại câu chuyện dở khóc dở cười. Rằng, bữa nọ bỗng dưng có 2 phụ nữ xưng là “con bệnh nan y” chạy vào nhà cô, khóc mếu máo, tha thiết xin cô làm phúc “để lại” với giá rẻ cho ít nấm thần dược mà cô đang có, vì họ không đủ tiền để mua nấm nhà anh Hoa.

Họ từ TP.Đà Nẵng vào đây, mang theo được 5 triệu đồng, đọc báo nói có 2 triệu đồng/kg nấm, nên chắc mẩm sẽ mua được hơn 2 kg, nhưng hoá ra số tiền đó chỉ đủ để mua một vài mảnh vụn, có mang về sắc cũng không ra nước mà uống chữa bệnh. Vy có được ít nấm thần dược này do nhân vật chính trong câu chuyện cổ tích “được nấm, hết bệnh” nói trên “trả ơn” vì trước đó anh xin cô cung cấp cho anh số điện thoại để anh liên hệ “kể chuyện về nấm thần dược” với các nhà báo mà cô quen biết. “Nhưng bữa nay giá nấm “xuống” rồi, nghe đâu còn 25 - 30 triệu đồng/kg chi đó” - Vy cho biết.

Khi chúng tôi vừa tới đầu làng tìm hỏi ngõ vào nhà anh Hoa bán nấm thần dược, thì mấy thanh niên từ trong quán nước gần đấy vội vàng chạy ra níu lại ngã giá: “Ngoài này, tụi tui chỉ bán có 3 triệu đồng/kg nấm, còn vào trong đấy tới 2,5 triệu đồng/1 gram, đảm bảo nấm linh chi linh dược thật 100%, chẳng qua trong đó người ta được báo chí nêu lên nên mới bán nấm giá cao vậy thôi”. Còn anh Hoa ứng xử như một người tử tế, luôn tỏ ra mình là người rất “biết điều” bởi may mắn được trời ban phúc nên cũng rộng lòng sẻ chia thần dược hòng cứu nhân độ thế, chứ không có lòng tham, vụ lợi. Sau khi dẫn chứng những bài báo anh sưu tầm được về câu chuyện nấm thần dược mà anh là nhân vật chính, anh bảo rằng: “Nấm tôi tìm ra để chữa bệnh là vô giá. Người ta có bệnh nên mới đến tìm tôi, tôi cho về uống. Ai có “tưởng” đến công tôi băng rừng, lội suối vượt nguy nan để tìm nấm thì “cho” lại tôi, tuỳ hảo tâm”.

Chuyện nghe “quen quen”

Ăn theo chuyện cổ tích nấm thần dược, một số người có máu làm ăn đã bắt đầu nhanh tay, nhanh chân lên kế hoạch làm ăn lớn. Các đầu nậu nấm thần dược tại địa phương đã và đang bắt tay với một số người bên ngoài chuẩn bị kế hoạch tìm nấm và gieo ươm nấm để bán. Trong thời gian lưu lại nhà anh Hoa, tôi bắt gặp một vài người đi ra, đi vào không phải với mục đích tìm mua nấm chữa bệnh cho mình và người thân. Cơn sốt nấm thần dược bùng phát và lây lan nhanh chóng một phần chính nhờ sự truyền bá có ý đồ thủ lợi của những “con buôn thần dược” này, sau đó mới kể đến những người đương nhiên “có bệnh thì vái tứ phương”.

Dòng người đổ vào rừng tìm nấm và từ các địa phương khác kéo về mua nấm vẫn âm ỉ trong suốt thời gian qua ở Tiên Hiệp. Theo nhận định của lãnh đạo chính quyền xã Tiên Hiệp, chuyện nấm thần dược đã làm xáo trộn cả vùng quê vốn yên bình, tĩnh lặng và heo hút này. “Hiện nay, sau khi chúng tôi cử công an và cán bộ địa phương xuống vãn hồi thì tình hình đã im ắng hơn” - ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Như Chính - Phó GĐ Sở Y tế Quảng Nam thì: “Chuyện mua bán nấm, sở không thể can thiệp hay quản lý được vì ngoài chức năng thẩm quyền, chỉ khi nấm đấy đúng là ghi trong sách thuốc thì sở phải có trách nhiệm. Nhân dân địa phương gọi là nấm lim, nhưng nấm lim thường dùng ngoài, không ai uống cả, nên không có cơ sở nào có thể khẳng định đây là nấm lim. Bởi vậy, chúng tôi đã cử cán bộ lên lấy mẫu nấm để đưa đến cơ quan T.Ư kiểm nghiệm, hiện tại chưa có kết quả”.

Cơn sốt nấm thần dược khiến tôi nhớ lại cơn sốt dó bầu từng xảy ra cách khoảng mươi năm trước chính tại huyện núi này. Lần đó, thông tin về ban đầu là một, rồi sau là cả tá chủ vườn thành công trong việc nhân tạo được trầm hương từ cây dó bầu được thổi lên, lan nhanh hơn gió từ núi về xuôi. Lập tức, “công nghệ” sản xuất loại hương liệu quý hiếm vốn chỉ sinh ra từ cây cổ thụ mục ruỗng tự nhiên giữa rừng sâu khiến người ta phải “ngậm ngải” mới tìm thấy được, đã khiến nhiều người mất ăn, mất ngủ. Cây dó bầu tự nhiên bị tận diệt chỉ trong thời gian ngắn. Chỉ một số cây dó bầu cổ thụ sót lại trong vườn nhà được định giá tiền tỉ để lấy giống ươm cây con. Thế là nhiều chủ vườn ươm dó bầu giàu lên nhanh chóng. Còn nhiều chủ trang trại, người làm vườn sau đó chỉ còn biết khóc với vườn dó bầu vô dụng chẳng ai tạo được trầm hương.

Giờ đây, ngoài nhân vật chính trong câu chuyện nấm thần dược và những người bán nấm, chẳng còn ai dám chứng minh về sự linh nghiệm của linh dược này. Những người “có bệnh thì vái tứ phương” mua nấm thần dược rồi đây liệu có “bỗng dưng muốn khóc” như những người mua dó bầu thuở nào?

Trương Tâm Thư

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang