• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

“Cuộc chiến” bảo vệ nguồn lợi sá sùng ở Minh Châu, Quan Lạn (Quảng Ninh)

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh, 03/07/2010
Ngày cập nhật: 5/7/2010

Nghề đào sá sùng lâu nay đã gần như trở thành nghề truyền thống ở hai xã Minh Châu, Quan Lạn (huyện Vân Đồn - Quảng Ninh). Điều đó khiến nhiều du khách biết đến Minh Châu, Quan Lạn không chỉ vì phong cảnh hữu tình trên đảo mà còn vì ở đây có sá sùng và nghề đào sá sùng...

Bí mật về sá sùng mẹ...

Người già Minh Châu thường kể lại cho con cháu nghe về chuyện con sá sùng đã cứu cả làng Minh Châu qua khỏi trận đói khủng khiếp năm 1945. Năm đó, một trận bão lớn làm đổ nhiều nhà cửa, cây cối trong xã, lại kèm theo các cánh đồng bị mất mùa. Nhiều người dân bỏ đảo vào đất liền, những người ở lại quyết bám làng bằng cách, đàn ông lên rừng hái quả trâm về ăn thay cơm, còn phụ nữ thì vác mai xuống biển đào sá sùng nấu với rau chua me ăn thay canh. Rừng, biển đã cứu làng Minh Châu qua khỏi cơn hoạn nạn. Từ đó đến nay, người già vẫn luôn nhắc nhở con cháu phải yêu rừng, yêu biển... Và khi truyền dạy kinh nghiệm khai thác hải sản, những người già không ai truyền lại cho con cháu bí mật về loài sá sùng khổng lồ, hay còn gọi là sá sùng mẹ. Họ hiểu rằng nếu bí mật này bị lộ ra thì loài sá sùng sẽ bị tuyệt diệt, do sự tham lam của con người.

Anh Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quan Lạn, là người hiểu hơn ai hết về loài sá sùng. Trước đây, vì thương cô vợ hàng ngày mang nước da trắng bóc đem đổi lấy nước da cháy nắng vì đào sá sùng, Toàn cũng vác mai ra bãi để đỡ đần vợ. Nhưng những tháng ngày phơi nắng ngoài bãi, Toàn đã không trở thành người đào sá sùng có hạng mà anh lại trở thành người thu mua và chế biến sá sùng. Cuộc đời anh cũng đổi thay theo mùa sá sùng. Dẫu bây giờ đã có của ăn của để, đã có nhà nghỉ để phục vụ khách du lịch, nhưng hàng ngày anh vẫn gắn bó với nghề chế biến sá sùng, nó giống như cái nghiệp không dễ dàng dứt bỏ. Anh Toàn kể: ''Sá sùng mẹ cũng giống như kiến chúa, hay mối chúa, vì có nhiệm vụ sinh sản nên chúng to lớn hơn nhiều lần so với sá sùng thông thường. Sá sùng mẹ dài khoảng 30 - 40 cm/con, và nặng gấp 15 - 17 lần sá sùng con. Chúng sống ở độ sâu từ 70 cm - 1 m, và lẩn trong cát nhanh nhẹn hơn sá sùng bình thường. Do vậy nếu người đào sá sùng nếu không biết gì về sá sùng mẹ thì chẳng bao giờ bắt được chúng hoặc chỉ nhìn thấy chúng thôi cũng đã khó. Khi cắt sá sùng mẹ ra, trong cơ thể chúng lồi ra nhiều trứng nhỏ li ti...''.

Ông Vương Văn Tý là người sống ở xã Minh Châu đã hơn 80 năm. Ông Tý kể: ''Vào năm 1970, có đoàn các nhà khoa học từ Trung ương về Minh Châu để nghiên cứu về sự sinh sản của sá sùng. Họ ra bãi biển Minh Châu tìm đến những khu đất có nhiều tổ sá sùng và đào hẳn khu đất đó mang đi vùng biển khác, hy vọng rằng sá sùng sẽ sinh sản ở vùng đất mới. Nhưng suốt bao tháng ngày, sá sùng ở đó đã không sinh sản, mà ở khu vực bãi biển cũ nơi đất được đào đi, từ độ sâu 1 m lại xuất hiện nhiều tổ sá sùng mới. Các nhà nghiên cứu đành trở về với thất bại và câu hỏi'' - Sá sùng sinh đẻ như thế nào?'' vẫn lửng lơ chưa có câu trả lời. Bí mật về loài sá sùng khổng lồ có khả năng sinh sản vẫn không ai biết...

Thế nhưng, đến đầu năm 2010, khi có sự xuất hiện của các kỹ thuật viên người Trung Quốc sang Minh Châu, Quan Lạn làm nghề thu mua chế biến sứa thì bí mật về con sá sùng mẹ đã bị bại lộ. Họ đã truyền cách bắt sá sùng mẹ cho những người làm nghề khai thác sá sùng ở 2 xã đảo này khi mùa khai thác sứa kết thúc. Và thế là cuộc săn bắt sá sùng mẹ với khát vọng làm giàu của nhiều người đã bắt đầu. Trước nguồn lợi thu được quá lớn từ việc khai thác sá sùng, trong khi công việc chỉ cần có sức khoẻ là được. Nhất là dụng cụ khai thác thì đơn giản, các ''sá sùng tặc'' chỉ cần sắm cái xẻng con là có thể ''hành nghề'' được rồi. Nếu như trước đây nghề đào sá sùng vốn chỉ là của phụ nữ, vì đòi hỏi người đào phải có tính nhẫn nại bền bỉ, thì bây giờ công việc này lại là của đàn ông vì công việc phải có sức khoẻ, và nhanh nhẹn. Các ''sá sùng tặc'' tìm đến bãi có sá sùng, họ đào xuống độ sâu khoảng 70 cm - 1 m, khi phát hiện tổ sá sùng thì đào thật nhanh theo dấu vết chúng để lại. Các bãi sá sùng bị lật tung vì các đường đào như giao thông hào dọc ngang chi chít. Thông thường, người đào sá sùng con có thu nhập trung bình khoảng 200 nghìn đồng/ngày... Và mối lợi trước mắt này chính là mối lo lâu dài ở hai xã đảo hiện nay...

“Cuộc chiến” bảo vệ sá sùng

Thực tế việc dẹp bỏ các ''sá sùng tặc'' không dễ dàng, vì bãi sá sùng rộng, rất khó quản lý. Đã thế, do trước đây chưa có nghề khai thác sá sùng mẹ nên các xã chỉ quy định cấm bắt sá sùng nhỏ dưới 10 cm, chứ không giới hạn về độ lớn của chúng. Do vậy, việc dẹp những người chuyên săn bắt sá sùng mẹ phải bắt đầu lại từ đầu. Trước hết là việc tuyên truyền cho bà con thấy được nguy hại khi tiêu diệt sá sùng mẹ, bởi việc làm này sẽ dẫn đến nguy cơ tuyệt diệt sá sùng. Ở Minh Châu, các ''sá sùng tặc'' bị dẹp có phần đơn giản hơn vì bãi sá sùng Minh Châu cát mềm, không đào được sâu, nước biển dễ dàng ngấm vào cát rất nhanh, sá sùng bỏ chạy được, cộng thêm người dân Minh Châu vốn có ý thức bảo vệ loài sá sùng nên họ cùng chính quyền đấu tranh ở ngoài bãi rất có hiệu quả. Còn Quan Lạn, ngăn chặn ''sá sùng tặc'' khó khăn hơn nhiều, vì bãi sá sùng ở Quan Lạn dễ đào sâu. Quan Lạn lại là nơi người dân từ lâu đã tiếp cận với kinh tế thị trường, và kinh tế thị trường cũng sản sinh ra lớp người khát khao làm giàu bất chấp công việc đó ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường xã hội. Vì thế các ''sá sùng tặc'' đã tỏ ra hung hăng hơn.

Trước thực tế đó, UBND xã Quan Lạn đã phải thành lập một tổ bảo vệ sá sùng do công an làm chủ công. Hàng tháng xã phải bỏ ra 10 triệu đồng từ ngân sách xã để chi phí cho công tác bảo vệ loài hải sản này. Nhưng ''sá sùng tặc'' cũng không dễ đối phó, bởi phần lớn họ là người dân trong xã nên dễ dàng theo dõi được hoạt động của tổ bảo vệ. Các ''sá sùng tặc'' tự lập ra những nhân viên nội gián, được chia một khoản lợi nhuận. Các nhân viên này có nhiệm vụ báo tin, mỗi khi tổ bảo vệ ra quân tuần tra... Và các ''sá sùng tặc” khi nhận được nguồn tin "nội gián” là nhanh chóng lẩn trốn, gấp gáp quá thì nằm bẹp xuống các rãnh đào sá sùng vốn lớn như những giao thông hào. Nếu các nhân viên trong tổ bảo vệ mà đứng từ xa trông lại, chưa chắc đã phát hiện được. Chưa hết, các ''sá sùng tặc'' còn nhận được sự tiếp ứng từ các bà vợ. Họ sẵn sàng nhảy vào cấu xé lực lượng bảo vệ, khi chồng bị bắt giữ...

Đã có trường hợp các "sá sùng tặc" tìm cách đe doạ lực lượng cán bộ xã bằng hình thức này, hình thức khác. Thôn trưởng thôn Thanh Phong bị "sá sùng tặc" dằn mặt bằng cách ném phân vào nhà. Đồng chí Lưu Thành Viên, Chủ tịch UBND xã Quan Lạn, cho biết: "Trong thời gian này tôi nhận được hàng chục tin nhắn nặc danh, dụ dỗ sẽ chia một khoản lợi nhuận cũng có, mà đe doạ ném đá vào đầu, vào nhà cũng có".

UBND xã Quan Lạn buộc phải kêu gọi sự tham gia chống “sá sùng tặc” của cả cộng đồng. Trước mắt xã phổ biến cho bà con các thôn trên hệ thống truyền thanh của xã thấy rõ việc săn bắt sá sùng mẹ chính là phá hoại kinh tế của chính gia đình mình. Đội bảo vệ sá sùng, đôi khi phải hoá trang thành người đào sá sùng, rồi bất ngờ ập đến bắt quả tang các "sá sùng tặc", thu giữ ngư cụ, đưa về xã xử lý hành chính và thông báo trên loa truyền thanh tên tuổi; địa chỉ những "sá sùng tặc" trước bà con các thôn. Đồng thời xã kết hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện thu hồi vốn trước thời hạn những "sá sùng tặc", với lý do sử dụng đồng vốn vay không đúng mục đích. Cuộc chiến chống "sá sùng tặc" đã phải bền bỉ hơn 2 tháng mới có hiệu quả...

Đầu mùa hè năm nay, khi tôi về thăm xã Quan Lạn, đồng chí Lưu Thành Viên, Chủ tịch UBND xã Quan Lạn, thở phào cho biết: "Nạn sá sùng tặc đã bị đẹp bỏ, quả thật chúng tôi thấy nhẹ nhõm cả người. Các đối tượng khai thác sá sùng mẹ trái phép đã ký cam kết không tái phạm và chịu nộp phạt. Tuy thế đội bảo vệ sá sùng phải duy trì, vì ai biết được nạn "sá sùng tặc" lại xảy ra bất kỳ lúc nào...”.

Mặt trời lên cao hơn, ánh nắng rực rỡ chiếu khắp đảo. Từng đoàn người đi đào sá sùng trở về, mồ hôi nhễ nhại, nhưng chúng tôi vẫn nhận thấy rõ nụ cười hiện lên trong mắt họ vì sá sùng năm nay được mùa. Chợt nghĩ, suýt nữa thì nghề đào sá sùng ở Quan Lạn vĩnh viễn biến mất, nếu như nạn "sá sùng tặc" không kịp thời bị dẹp bỏ...

Anh Vũ

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang