• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Văn hóa cho vùng tôm

Nguồn tin: Lao Động, 22/06/2010
Ngày cập nhật: 25/6/2010

Cây lúa đã tạo nên nền văn minh lúa nước với chiều dài lịch sử hơn 4.000 năm. Con tôm xuất hiện sau cây lúa, nhưng hiệu quả kinh tế do nó mang lại đã khiến cho không ít tỉnh, thành phía Nam xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn.

Khó ai phủ nhận hiệu quả kinh tế của con tôm, nhưng văn hóa cho vùng tôm thì chưa ai bận tâm mổ xẻ và chung tay xây dựng. Những ghi nhận dưới đây tại một vùng nuôi tôm thuộc tỉnh Bạc Liêu hé lộ phần nào vấn đề đã trở nên bức xúc này.

Đi đám giỗ bằng tiền

Tôi thật sự bất ngờ khi đi dự một đám giỗ tại ấp Nhà Lầu, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) mà ở đó tất cả mọi người đến dự đều tặng quà cho gia chủ bằng bao thư tiền mặt.

Trước đây, khu vực này là đất lúa, đời sống người dân chan hòa. Tôi cũng như những đứa trẻ khác tại vùng quê đều rất thú vị khi ngồi nhà chờ má đi đám giỗ về. Không phải vì nhớ má, mà vì bao giờ bà cũng mang về những phần quà cho bọn tôi, khi thì vài cái bánh ít, khi thì vài loại trái cây.

Đám giỗ vùng quê Bạc Liêu ngày ấy bao giờ cũng tổ chức 2 ngày. Ngày đầu tiên gọi là tiên thường. Trong ngày này, tất cả bà con thân thuộc đều tề tựu về làm một bữa cơm chiều để cúng ông bà. Những phụ nữ trong xóm đến giúp gói bánh, làm mứt. Còn thanh niên thì vật heo để chuẩn bị nấu nướng các món ăn cho ngày hôm sau. Tối hôm ấy, các chú, các anh trung niên cùng ngồi bên chén rượu nhắm với bánh chè heo nướng, lòng heo nấu cháo...

Ngày thứ hai mới là ngày chánh giỗ. Đi đám giỗ, người trong xóm ai có gì thì mang theo thứ ấy, vài ký trái cây hoặc một lít rượu đế cũng được, chớ chẳng ai mang theo tiền mặt.

Tuy nhiên, tất cả đã lùi vào quá khứ kể từ khi vùng lúa trở thành vùng tôm. Bây giờ 100% người đi đám giỗ đều mang theo bao thư, trong đó ít nhất là 50.000 đồng, gọi là góp với gia đình cùng chung lo cho ngày giỗ. Anh Trưởng ban Nhân dân ấp kiêm luôn Trưởng ban Chỉ đạo ấp văn hóa Nhà Lầu phân trần: "Bây giờ đi đám giỗ bằng rượu, trà, bột ngọt đã xưa rồi. Hiện tại người ta đi bằng tiền hết. Chưa ai nói việc đi bằng tiền là xấu, nhưng thiếu những vật phẩm khác chính tôi cũng nhớ". Dĩ nhiên, khi gia chủ nhận tiền của khách thì chuyện gửi quà về cho con cháu là điều rất hi hữu.

Tội cho những đứa trẻ như tôi ngày trước cứ chờ má đi đám giỗ về. Nhưng biết làm sao được khi vùng tôm này đã bước sang một trang mới sáng sủa hơn, thịnh vượng hơn và giàu có hơn.

Tìm chốn vui chơi

Những cánh đồng sau mùa gặt là sân bóng để thanh thiếu niên vui chơi buổi chiều tại vùng nước ngọt với hàng ngàn năm cây lúa độc tôn, còn ở vùng nuôi tôm, thanh thiếu niên vui chơi bằng gì? Đây quả là câu hỏi lớn chưa có lời đáp.

Có thể nói mấy năm gần đây, phong trào xây dựng ấp văn hóa, thậm chí là xã văn hóa phát triển rầm rộ. Tuy nhiên, những điểm văn hóa tại ấp văn hóa chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tại vùng sông nước Cà Mau, nhiều trụ sở ấp văn hóa nằm cặp mé sông còn chực chờ trôi theo dòng nước thì lấy đâu làm nơi vui chơi giải trí cho giới trẻ.

Anh Phạm Thanh Duy - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bạc Liêu - thừa nhận: "Chuyện vui chơi giải trí cho giới trẻ ở nông thôn, chúng tôi chưa thống kê được. Công tác này giao cho các huyện đoàn, xã đoàn đảm trách. Nhưng bối cảnh chung hiện nay là rất thiếu nơi vui chơi giải trí cho thanh thiếu niên tại vùng nông thôn, nhất là vùng nuôi tôm".

Tôi có anh bạn quê ở huyện Phước Long, vừa rồi khổ sở với thằng con trai mới 18 tuổi nhưng quá đỗi ham chơi. Anh kể, nhà ít người, tôi biểu nó giữ vuông tôm ngoài đồng. Không ngờ tụi nó tụ tập với một số thanh niên khác bỏ vuông tôm ra chợ Phước Long thuê xe 15 chỗ ngồi lên Sóc Trăng chơi thâu đêm suốt sáng. Mãi đến 10 ngày sau, tình cờ nghe tụi nó nói chuyện với nhau, tôi mới phát hiện. Dù vậy, anh vẫn không dám "hành động" mạnh tay vì nếu lỡ nó bỏ đi luôn thì nguy.

Tôi thắc mắc: “Tiền đâu tụi nó đi chơi?". Anh cười khà: "Trời ơi, cả vuông tôm giao cho nó, mỗi sáng nó nói bao nhiêu ký thì biết bấy nhiêu, chớ ai đi kiểm tra con cái. Mỗi đêm tụi nó giấu lại chừng nửa ký tôm là có tiền tiêu xài thoải mái rồi còn gì. Có trời mà kiểm tra tụi nó".

Ra vậy! Nhưng tôi lại nghĩ khác: Nguyên nhân giới trẻ tìm chốn ăn chơi ngoài tỉnh là vì tại địa phương không có chỗ cho thanh thiếu niên giải trí. Karaoke, bi-da, bóng đá riết rồi cũng chán và chưa thật sự thu hút giới trẻ tham gia.

Văn hóa nào cho vùng tôm?

Văn hóa riêng, mang đậm nét đặc trưng cho vùng nuôi tôm ngay tại "mỏ tôm" vẫn chưa được hình thành, dù rằng đây là ngành kinh tế mũi nhọn. Nghề nuôi tôm, nhất là theo mô hình quảng canh, có thời gian nhàn rỗi rất lớn. Chủ yếu thức đêm để canh ăn trộm, còn ban ngày chẳng biết làm gì. Vả lại mỗi đêm thức dậy có ngay vài triệu đồng nên tạo thói quen không tích lũy.

Ông Phạm Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long - nhìn nhận: "Cách thức tiêu tiền như vậy là không tốt. Tuy nhiên, đây là thói quen rất khó khắc phục. Gần đây, thông qua các đoàn thể, tình trạng này đã được khắc phục phần nào".

Người viết bài này đã từng chứng kiến cảnh đám tiệc những người nuôi tôm dứt khoát không bao giờ ngồi chung bàn với những người trồng lúa, dẫu người trồng lúa hay người nuôi tôm đều được gọi là nông dân. Và đáng buồn khoảng cách này dần được nới rộng theo thời gian.

Một văn hóa cho vùng tôm đã và đang hình thành. Ở đó có thể biểu hiện những điểm mới mà những người trồng lúa chưa quen. Dẫu sao thì tôi vẫn vấn vương với những phần quà má đi đám giỗ về mang theo.

Tại các vùng quê ĐBSCL bây giờ, hiếm còn nơi nào giữ được nét đẹp như thế!

Nhật Hồ

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang