• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đổ xô về Quảng Nam mua “nấm rừng chữa bệnh”

Nguồn tin: Công An Nhân Dân, 10/06/2010
Ngày cập nhật: 11/6/2010

Những ngày qua đã có không ít "đại gia" trong Nam, ngoài Bắc, lái ôtô đời mới loại xịn về tận miền núi xa xôi này mặc cả với các thanh niên tìm được nấm cây rừng sắc uống chữa bệnh, sẵn sàng mua lại với giá mỗi kilôgam từ 10 - 15 triệu đồng, thậm chí ngã giá lên tới 30 triệu đồng/kg, không ngoài mục đích đầu cơ bán lại để trục lợi.

Nấm rừng chữa bệnh hiểm nghèo có phải là nấm linh chi?

Báo CAND đã phản ánh việc một số người dân ở Quảng Nam dùng nấm cây rừng chữa bệnh hiểm nghèo. Những ngày qua, đã có rất nhiều người tìm đến xã Tiên Hiệp, huyện miền núi Tiên Phước (Quảng Nam), tìm mua loại nấm mà một số thanh niên sinh sống ở nơi này cho rằng, họ đã sử dụng sắc nước uống và chữa hết bệnh viêm gan B, xơ gan cổ trướng, ung thư gan... Trước sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc, PV Báo CAND một lần nữa trở lại xã Tiên Hiệp, lần theo bước chân của những người vào rừng đi tìm nấm chữa bệnh…

Nấm đắt như sâm?

Mặc dầu trực tiếp gặp các thanh niên lấy nấm cây rừng sắc uống chữa bệnh hiểm nghèo và nghe một số cán bộ và người dân xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, Quảng Nam, xác nhận sự thật của sự việc; song trong bài viết phản ánh trên Báo CAND, phóng viên vẫn khẳng định, đây là thông tin một chiều. Thực chất tác dụng chữa bệnh của loại nấm rừng kia như thế nào, cần phải có kiểm chứng khoa học của ngành Y tế…

Tuy nhiên, cho đến nay, ngành Y tế vẫn chưa có động thái tích cực gì đối với sự việc này. Đáng lo ngại là đã có rất nhiều người ở khắp nơi tìm tới anh Nguyễn Đình Hoa (34 tuổi), trú ở thôn 5, Tiên Hiệp, để hỏi mua nấm chữa bệnh, làm cho miền quê núi phát sinh hiện tượng thanh niên tụ tập thành các nhóm, kéo nhau lên rừng "săn" loại nấm kia mang về bán kiếm tiền. Ngày 8/6, chúng tôi về lại xã Tiên Hiệp cũng đã chứng kiến rất nhiều người từ các nơi đi xe máy, ôtô con nườm nượp kéo tới nhà Hoa nài nỉ mua nấm về chữa bệnh. Hoa cho biết, đã bán hết số nấm để dành sắc uống, nay phải thuê người lên rừng tìm thêm.

Một người dân sống gần đó nói rằng, những ngày qua đã có không ít "đại gia" trong Nam, ngoài Bắc, lái ôtô đời mới loại xịn về tận miền núi xa xôi này mặc cả với các thanh niên tìm được nấm cây rừng sắc uống chữa bệnh, sẵn sàng mua lại hàng chục kilôgam nấm, với giá mỗi kilôgam từ 10 - 15 triệu đồng, thậm chí ngã giá lên tới 30 triệu đồng/kg, không ngoài mục đích đầu cơ bán lại để trục lợi.

Trong số người tới nhà Hoa mua nấm có một cô gái ăn vận quý phái. Chúng tôi hỏi thì cô này cho biết có bố làm giám đốc doanh nghiệp tư nhân ở Hà Nội, đang ăn nên làm ra thì phát bệnh ung thư gan, chạy chữa nhiều bệnh viện song vẫn không khỏi; nay nghe các thanh niên ở Tiên Hiệp uống nước sắc từ nấm rừng chữa khỏi bệnh hiểm nghèo nên tức tốc vào mua. Cô gái tâm sự: "Có bệnh thì vái tứ phương, nếu chữa cho bố em hết bệnh thì giá bao nhiêu em cũng sẵn lòng mua"...

Xác định "danh tánh" của cây gỗ mọc nấm

Lần theo bước chân của các nhóm thanh niên đi tìm nấm ở xã Tiên Hiệp, sau hơn 2 giờ đồng hồ leo dốc, lội suối, băng qua cánh rừng Nà Thao, chúng tôi tới rừng Nà Cau, rồi Suối Bùn. Được sự chỉ dẫn tận tình của một người bản địa, chúng tôi đã tìm được cây rừng mà theo lời kể của Hoa, Lê Hương, Trần Đình Phúc, đã khẳng định sử dụng nấm từ gỗ mục của nó, sắc nước uống chữa hết bệnh hiểm nghèo. Loại cây rừng có lá giống phượng vĩ, song to và xanh đậm hơn đó chính là cây thiết lim.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Ngọc Tân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Phước, xác định: Thiết lim là theo cách gọi của đồng bào trong vùng núi này, thực chất đó là cây lim xanh, thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae), có tên khoa học là Erythrophloeum fordii Oliv. Tiên Phước hiện có 18.000 ha rừng, trong đó có 6.700 ha rừng tự nhiên. Trong diện tích rừng tự nhiên thì có hơn 2.000 ha rừng có cây lim xanh mọc rải rác dọc theo khe Suối Bùn, tại các tiểu khu 557 (xã Tiên Lãnh), 562 (xã Tiên Ngọc)...

Lim xanh là gỗ nhóm 2, có giá trị hơn lim xẹt (gỗ nhóm 6, cũng có lá giống phượng vĩ, song hơi vàng), người dân thường khai thác gỗ để làm nhà (cột, cửa). Nhưng, không giống các nơi khác, người dân ở đây cho rằng gỗ thiết lim có tính độc, nên không làm phản để nằm. Theo ông Tân, chỉ có gỗ mục của lim xanh mới mọc nấm nên việc lấy nấm này không vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng...

Tra cứu sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, cây đại thụ của ngành đông y dược Việt Nam, thì lim xanh còn gọi là Xích diệp mộc, cách mộc, mọc phổ biến ở nước ta, nhất là tại những khu rừng miền Bắc và miền Trung. Chưa có tài liệu nghiên cứu về cây lim xanh ở nước ta, nhưng hồi đánh Nhật, ở Gia Lâm có người dân lấy mạt cưa gỗ lim trộn vào cám cho ngựa của lính Nhật ăn và chúng lăn đùng ra chết. Thường người dân không dùng gỗ lim làm thớt, vì sợ độc... Các loài Erythrophloem khác mọc ở miền Tây châu Phi, Mangat có chứa trong vỏ chất ancaloit rất độc, nên được dùng để chế chất độc. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của E.G Paris, nấm cây lim xanh không có chất ancaloit và không độc...

Một thanh niên ở Hà Nội vào mua nấm trị bệnh ung thư gan. Nấm mọc ở gốc cây lim xanh.

Theo bác sĩ Phạm Nguyễn Cẩm Thạch, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, việc làm này ngành Y tế Quảng Nam không thể đảm đương được mà phải nhờ tới Viện Dược liệu TW và Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm Quốc gia. Vì, các cơ quan này mới có máy móc, thiết bị y tế hiện đại để kiểm tra, phân tích.

Bác sĩ Thạch nói rằng, sẽ chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước kiểm tra tình hình, đồng thời phối hợp cùng chính quyền địa phương, khuyến cáo người dân không nên dùng nấm cây lim xanh để chữa bệnh khi chưa có kết luận chính thức của ngành Y tế.

Theo chúng tôi, không chỉ là khuyến cáo chung chung mà với trách nhiệm của mình, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cần nhanh chóng "vào cuộc" lấy mẫu nấm gỗ cây lim xanh chuyển ra Viện Dược liệu TW để phân tích thành phần dược tính, đồng thời cho các thanh niên sử dụng nấm này chữa bệnh, như: Nguyễn Đình Hoa, Lê Hương, Đình Phúc... đi khám bệnh để xác định bệnh của họ đã thực sự hết, hay chỉ "lặn xuống". Từ đó, có thông báo chính thức để mọi người biết, nên hay không nên dùng nấm cây lim xanh trị bệnh hiểm nghèo.

Đem những điều mắt thấy, tai nghe, hỏi bác sĩ Phạm Nguyễn Cẩm Thạch, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, chúng tôi được ông cho biết: Thực tế có trường hợp người đang bị bệnh ung thư gan bỗng có cảm giác hết bệnh, đó là do sức đề kháng tốt nên bệnh tạm thời ngưng lại. Vì vậy, chưa thể khẳng định những thanh niên ở xã Tiên Hiệp, Tiên Phước, uống nước sắc từ nấm mọc trên cây lim xanh đã chữa hết bệnh. Muốn khẳng định điều đó phải có nghiên cứu khoa học bài bản và công phu về dược tính loại nấm kia.

Long Vân

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang