• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khánh Hòa: Theo “cơn sốt” cỏ gấu

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 23/05/2010
Ngày cập nhật: 25/5/2010

Khuôn mặt đen nhẻm vì muội tro, nhưng mắt bà Trương Thị Thở (Ninh Lâm, Vạn Khánh, Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) vẫn ánh lên niềm vui khi nhìn lại “thành tích” cả buổi chiều của hai bà cháu đã kiếm thêm được vài chục ngàn đồng đong gạo cho ngày mai. “Cơn sốt” đào cỏ gấu bỗng chốc lan nhanh, người dân miền biển xã Vạn Khánh lại có thêm cơ hội để tăng thu nhập. Không ai bảo ai, cả làng đi săn lùng củ cỏ gấu - thứ cỏ mọc hoang bởi bây giờ, cỏ gấu đang có giá…

CƠ HỘI “VÀNG”

Thôn Diêm Điền (xã Vạn Khánh, Vạn Ninh) những ngày này vẫn còn sôi động với phong trào “săn” cỏ gấu bán cho thương lái. Con đường nhựa xuyên qua làng biển, đây đó vẫn còn nhiều người đang đào bới, đốt cỏ, làm sạch, rồi đem tới những điểm thu mua ven đường. Bà Trương Thị Thở cùng đứa cháu vẫn miệt mài nhặt nhạnh nốt những cọng rác lẫn trong đống cỏ vừa mới đốt. Khuôn mặt và cánh tay đen nhẻm, nhưng lòng bà rộn lên niềm vui. Bà Thở hồ hởi: “Chừng này cũng kiếm được vài chục ngàn đồng, đủ để đong gạo ăn vài ngày cho bà cháu tôi. Ông trời thương người nghèo nên cho chúng tôi thứ cỏ hái ra tiền…” Hỏi ra mới biết, hoàn cảnh hai bà cháu thật tội nghiệp. Em Trương Văn Lượng bị mẹ bỏ rơi, hiện đang sống với bà ngoại. Hai bà cháu phải nương tựa lấy nhau. Hàng ngày, hai bà cháu kiếm tiền bằng cách đi lượm những vỏ chai, lon bia, bao bì vứt bỏ… để cuối ngày bán lấy một ít tiền. Phong trào thu mua củ cỏ gấu “tràn” tới đã giúp hai bà cháu có thêm cơ hội kiếm tiền. Có ngày, hai bà cháu kiếm được cả trăm ngàn đồng. Đây là số tiền khá lớn so với việc thu nhặt phế liệu…

Dắt mấy con bò ra bãi cỏ cho ăn, ông Nguyễn Xuân (Diêm Điền, Vạn Khánh) ngồi xuống đám cỏ thêm chuyện: “Cỏ gấu nay còn ít nên chẳng có mấy người đào. Mấy tháng trước, nhất là sau Tết, người đào rất đông khi hay tin một số người ở Tuy Hòa (Phú Yên) vào tìm mua. Cỏ có giá nên nhà nào cũng đi đào. Có hộ kiếm được một ngày mấy trăm ngàn đồng, hơn cả đi làm đìa. Lúc đầu, giá 3 ngàn đồng/kg sau lên 10 ngàn đồng/kg. Nhà tôi đây, hai vợ chồng thằng con trai cũng đi đào cỏ gấu, có ngày bán cả trăm ngàn đồng. Không biết người ta mua củ cỏ gấu để làm gì, nhưng nghe đâu đem bán sang Trung Quốc làm thuốc…”. Theo lời ông Xuân, vợ chồng anh Tuấn - con trai ông công việc chính là làm thuê nên thu nhập bấp bênh. Mấy năm trước, vào vụ tôm, vợ chồng rủ nhau đi làm đìa, nhưng hiện nay đã vào vụ chính mà chẳng thấy ai thuê mướn. Nếu có thì cũng trả công rất rẻ, vài chục ngàn đồng/ngày. Nhờ có phong trào thu mua cỏ gấu, vợ chồng Tuấn lại có đồng ra, đồng vào lo cho 5 miệng ăn. Có lúc “trúng mánh”, vợ chồng anh Tuấn cũng kiếm được 200 ngàn đồng, gấp 4 lần đi làm đìa tôm...

Tranh thủ ánh nắng chiều đã dịu, chị Nhi (Vạn Khánh) đào ráng một ít cỏ nữa rồi chuyển cỏ đem đốt. Công việc không nặng nhưng chị cảm thấy vui. “Mấy tháng trước, cỏ còn nhiều, vợ chồng tôi một ngày đào được 20 kg, nhưng nay chỉ mót lại…” - chị Nhi nói. Cỏ gấu là thứ cỏ mà nông dân rất ghét, nhưng bỗng chốc trở thành món hàng có giá cho người dân vùng biển. Trên những bờ đìa, lối đi ven đường, cỏ gấu mọc tốt, củ to, đào được nhiều sản lượng. Nay cỏ gấu không còn, người ta chỉ đào vét những vạt cỏ còn sót. Chị Nhi chỉ dám đào những bờ đìa để hoang. Đìa đã sửa sang, chuẩn bị cho vụ mới thì chủ đìa không cho người lạ vào đào mà để dành cho người nhà.

Tận dụng ngọn gió chiều mát rượi, chị Đào Thị Kim Hồng (Vạn Khánh) dồn lại đống cỏ vừa đốt, hy vọng cân được dăm ký, chiều kiếm tiền chợ. Hai đứa nhỏ con chị vẫn quấn quýt bên chị không rời. Buổi chiều tranh thủ nghỉ học, các cháu ra phụ chị đào, đốt cỏ gấu. Chị Hồng nói: “Đào cỏ gấu gặp đất cứng cũng vất vả lắm, có khi cả ngày chỉ được vài ký. Nhưng so với đào đìa tôm thì khỏe hơn nhiều. Hai đứa nhỏ cũng phụ tôi, dồn cỏ đem đốt…” Chị Hồng cho biết, mấy tháng trước, mấy mẹ con đào một ngày cũng kiếm được vài chục ngàn đồng, nay cỏ hiếm nên thu nhập đã giảm.

Phong trào đào cỏ gấu lan rộng, giúp bà con nghèo vùng biển có thêm cơ hội kiếm tiền. Từ già đến trẻ, ai cũng đi đào. Cả vùng biển từ xã Vạn Thạnh đến xã Vạn Hưng, lan sang cả huyện Ninh Hòa, nơi nào có cỏ gấu là nơi đó có người đào. Thôn Diêm Điền - một thôn ven biển của xã Vạn Khánh có đất tơi xốp, nhiều đìa tôm, là nơi phát triển mạnh của cỏ gấu nên vẫn còn thấy nhiều người đi đào. Để đào cỏ gấu, người dân thức dậy từ sáng sớm, làm miệt mài cho đến trưa, tranh thủ nắng tốt để phơi, đốt qua đống cỏ, làm sạch bụi tro, nhặt nhạnh rác tạp, rồi sau đó đem tới các điểm thu mua để bán.

DƯ ÂM “MÙA VÀNG”

Dọc con đường đi vào khu vực có phong trào đào cỏ gấu, cứ đi một đoạn, chúng tôi lại bắt gặp một điểm thu mua dã chiến bên đường. Chỉ cần một cái cân, một tấm bạt là hình thành ngay điểm thu mua. Một cô bé trạc 20 tuổi trở thành tư thương “bất đắc dĩ” đang ngồi chờ người đem củ gấu đến bán. Cô bé cho biết, một người quen đã giao cho em thu mua và trả công hàng ngày 20 - 30 ngàn đồng. Ở Tu Bông (Vạn Khánh) là điểm thu mua chính. Hiện nay, cỏ gấu không còn bao nhiêu nên mỗi ngày, cô bé chỉ mua được vài tạ đã qua sơ chế.

Chị Nguyễn Thị Hạnh - một tư thương ở Tu Bông “bám trụ” dài ngày tại đây cho biết: “Phong trào đào và thu mua củ cỏ gấu đã có khá lâu. Ban đầu rộ lên ở Tuy Hòa (Phú Yên), người ta đào và đem bán cho các hiệu thuốc bắc. Rồi một số người ở Phú Yên tìm vào Vạn Ninh đào cỏ gấu, họ nói là giá rất rẻ nên ai cũng cho đào. Giá tăng mạnh nhất từ năm ngoái, cao điểm vào tháng 2 âm lịch năm nay, có khi lên đến hơn 11,5 ngàn đồng/kg. Giá cao, hàng hút, tư thương tổ chức nhiều điểm thu mua; do vậy, nhiều người đã sơ chế cẩu thả, làm cho thị trường Trung Quốc từ chối, dội hàng nên giá rớt chỉ còn 7, 8, 9 rồi giữ ở mức 10 ngàn đồng/kg như hiện nay…”.

Theo chị Hạnh, củ cỏ gấu sau khi đào lên, phơi 2 nắng để giảm bớt lượng nước, đốt sơ cho rụi lông, còn lại củ đem đóng bao để xuất khẩu. Do sức hút của thị trường, có người trộn cát ướt vào bao làm cho người mua bị lầm, có lúc phải lao đao. Ở Phú Lâm (Tuy Hòa) - nơi tập trung nguồn hàng đi Trung Quốc, các đại lý ở đây xem hàng rất kỹ, rạch cả bao tải để kiểm tra. Bình quân một ngày, chị Hạnh thu mua 2 - 3 tấn củ cỏ gấu, giao hàng 2 - 3 lần/tuần.

“Cơn sốt” đào cỏ gấu lan sang nhiều địa phương khác như một phản ứng dây chuyền. Huyện Vạn Ninh có các xã: Vạn Thạnh, Vạn Khánh, Vạn Phước, Vạn Long... nhất là các địa phương ven biển. Huyện Ninh Hòa có Ninh Phước, Ninh Tịnh… Hết tỉnh Khánh Hòa, cơn sốt tiếp tục “lây lan” nơi khác, kể cả các tỉnh trong Nam ngoài Bắc, hễ nơi nào có cỏ gấu là nơi đó có người làm. Chạng vạng tối, người ta lại được dịp “mục sở thị” những đốm lửa đốt lên từ các đồi cát ven biển, mang lại hy vọng có thêm thu nhập cho nhiều người…

Theo các tài liệu y học: Cỏ gấu còn gọi là cỏ cú, củ gấu, hay hương phụ. Tinh dầu củ cỏ gấu có 32% cyberen, ß-selinen, 49% cyberol. Ngoài ra còn có a-cyberol, cyberolen, patchoulenon, cyberotundon. Củ gấu còn chứa dầu béo chứa glyceron và các axit linoleic, linolenic, oleic, myristic, stearic…

Công dụng được dùng chữa kinh nguyệt không đều, viêm tử cung mạn tính, các bệnh phụ nữ trước và sau khi sinh, chữa đau dạ dày ợ chua, ợ hơi, chữa nôn mửa, đau bụng lỵ và ỉa chảy. Cỏ gấu còn được dùng để trị chấn thương, té ngã, giải cảm, cầm máu, huyết ứ, long đờm…

QUANG VIÊN

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang