• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hứng cá trên Biển Hồ

Nguồn tin: Sài Gòn tiếp thị, 17/5/2010
Ngày cập nhật: 19/5/2010

Vùng Biển Hồ thuộc tỉnh Kompong Chnang ở Campuchia là nơi có cách đánh bắt cá kỳ lạ, độc đáo, được gọi là những lô cá làm điểm săn bắt cá cung cấp cho toàn thị trường đất nước chùa tháp. Theo chân những ngư dân Kompong Chnang cùng mẻ cá vào mùa, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị ghi lại những cảm nhận, hình ảnh, và câu chuyện sinh động của nghề săn bắt cá độc đáo của cư dân Biển Hồ, trong đó đa phần là người Việt.

Lô cá trên dòng Mekong

15 phút ngồi chờ đợi cho một mẻ lưới chứa đến 50 tấn cá, câu chuyện về cách đánh bắt cá kỳ lạ và hấp dẫn ấy như một lời mời gọi hấp dẫn, đưa tôi tìm đến những lô cá vùng Biển Hồ ở đất nước Campuchia.

Gác lại những thần tích, những huyền thoại về đất nước chùa tháp với một nền văn minh Angkor rực rỡ, tôi rong ruổi trên con đường quốc lộ 5 nối liền từ thủ đô Phnom Penh với tỉnh Kompong Chnang theo lộ trình gần 100km để tìm đến một nét độc đáo của những ngư dân vùng Biển Hồ, cùng theo họ tham gia vào công việc mưu sinh hàng ngày trên những lô đánh bắt cá theo kiểu truyền thống của người Campuchia.

Thợ cá đang kéo lưới khi có hiệu lệnh kéo lưới “hứng” cá

Lô cá

Túi nước Biển Hồ chứa đầy các loại cá, khi con nước đổ xuôi theo dòng Mekong như phân phát theo cả những sản vật quý giá của Biển Hồ cho cư dân đôi bờ, và ngay những cửa sông ấy, các lô cá được lập nên với hình thức tương tự như đáy hàng khơi của cư dân miệt đất mũi Cà Mau, nhưng quy mô rộng lớn hơn, và cách đánh bắt cá cũng khác biệt.

Ở Campuchia chỉ có vùng Kompong Chnang có nhiều lô đánh bắt cá nhất, với 21 lô hứng cá thoát ra từ Biển Hồ, trọng lượng đánh bắt của từng lô cá hàng năm đạt trung bình từ 3.000 – 4.000 tấn. Ngư dân đánh bắt ở lô cá chỉ trụ một chỗ, chờ thời gian cho cá chui vào lưới và thu hoạch.

Ở mỗi lô cá có một chủ cai quản. Để được quyền khai thác, hàng năm các chủ lô cá phải trải qua một cuộc đấu thầu khá gay cấn để chọn vị trí, sau đó chỉ đóng thuế cho nhà nước, trung bình mỗi tháng chỉ khoảng 200.000 ria (tương đương 800.000 đồng). Người dẫn đường cho biết việc đóng thuế chỉ mang tính tượng trưng bởi số lượng thực tế đánh bắt diễn ra ở từng lô cá mỗi ngày, mỗi giờ thì kinh khủng hơn nhiều. Mỗi mẻ lưới được cất lên sau 15 phút, và số lượng cá phải tính thành hàng tấn lớn nhỏ.

Từ bến thuyền chính ngay trung tâm tỉnh Kompong Chnang, chiếc ghe người bản xứ đưa tôi ngược dòng Mekong tìm đến những lô cá. Từ xa xa, lô cá là hằng hà sa số những trụ cây lớn nhỏ, chĩa lên mặt nước lởm chởm, chăng ngang dòng Mekong dày đặc giống như bức tường thành kiên cố, chỉ chừa một lối nhỏ áng chừng bề ngang độ 10m để thuyền bè qua lại trên sông.

Càng đến gần, lô cá hiện ra trong tầm mắt là một khu quần thể bè nổi hết sức phức tạp bao gồm những trụ gỗ lớn chắn dòng nước, từng hàng các khối bè tre khổng lồ làm phao cho những ngôi nhà nổi của thợ cá trú ngụ. Trên những ngôi nhà nổi ấy là một hệ thống lưới, dây thừng, xích, ròng rọc, cùng các phương tiện máy móc, máy bơm hút cá… tổng thể các công trình của lô cá phủ rộng cả một khúc sông có diện tích lớn như một sân vận động nổi trên mặt nước.

Những điều kiêng kỵ

Chiếc ghe nhỏ cập vào lô cá, lúc này không còn phân biệt được đang ở trên cạn hay trên mặt nước, bởi khắp mặt nước đều được những bó lồ ô khổng lồ phủ kín. Con đường đi lại nối liền giữa các khu của lô cá dập dềnh theo mỗi bước chân đưa tôi đến khu tập trung nhân công đang làm việc. Từ xa xa, xen trong tiếng máy nổ, tiếng máy ghe, là những câu chuyện rôm rả rặt giọng miền Tây của người Việt, và cách đánh bắt cá kỳ lạ của lô cá được lý giải.

Anh Út, theo nghề lô cá từ năm 1972 đến nay, đã bước sang tuổi 53, trước sống ở An Giang, hiện là “cai đội trưởng” của lô cá lớn nhất tỉnh Kompong Chnang, đưa tôi lên chiếc chòi chính của người thợ gác lô cá. Trên chiếc chòi, chỉ có vài bộ quần áo, vài chiếc chiếu nằm ngổn ngang, một chiếc kẻng treo lủng lẳng để cai đội trưởng báo hiệu thời khắc mỗi lần kéo lưới thu hoạch cá (thông thường là 15 phút), mọi thứ rất bừa bộn, lộn xộn. Toàn chiếc chòi duy chỉ có bàn thờ thiên với hàng cờ màu sắc sặc sỡ mang đậm nét truyền thống của người Campuchia, trên đó là những vòng hoa, chén nước cúng, nhang khói thể hiện sự chăm chút khá tỉ mỉ.

Chỉ vào chiếc bàn thờ thiên, anh Út giải thích: “Mỗi ngày bắt đầu lưới cá, thợ lô cá ai cũng phải cúng vái cẩn thận, cầu cho cá đi vào đúng luồng lưới của lô cá mới mong thu hoạch tốt. Khu vực bàn thiên và dãy chính nơi buông lưới của lô cá là khu vực cấm kỵ, đặc biệt là phụ nữ”. Anh Út nói: “Đó là vì theo quan niệm của người Campuchia, ngày xưa họ tin sao thì giờ mình làm sau cứ tin theo như vậy…”

Thêm một điều mà tất cả các thợ lô cá ở vùng Kompong Chnang phải tuân thủ, không được làm trái đó là khi lô cá đánh bắt được những “ông cá” có trọng lượng trên 20kg, tất cả thợ lô cá khi ấy sẽ phải dừng công việc, lập bàn thờ, cúng vái cẩn thận rồi trả ông cá ấy về lại với dòng sông. Thợ cá Út lý giải rằng: “Người ta quan niệm những ông cá lớn như là những vị thần của dòng Mekong, khi “ông cá” đi vào lưới của lô cá, các loại cá khác sẽ cùng đi theo, vì vậy, khi bắt được “ông cá”, phải cúng để tỏ lòng cảm ơn”.

Đến giờ cất lưới, tiếng kẻng hiệu được anh Út gióng lên, hai chiếc ghe nhỏ ngược dòng nước lên đầu lô, dùng khúc lồ ô lớn luồn dưới họng lưới gác đều lên hai chiếc ghe, ngay sau đó hệ thống ròng rọc chuyển động, kéo hai chiếc ghe lùa đàn cá mắc lưới xuống cuối lô, nơi thợ cá sẽ phân cá ra thành từng loại với kích cỡ khác nhau. Âm thanh trên lô cá lúc này chỉ có tiếng kẽo kẹt của dây chão, tiếng tí tách của hàng tấn cá đang vẫy vùng trong lưới, một hình ảnh ấn tượng trên dòng Mekong lúc chiều tàn.

LAM PHONG

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang