• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bình Định: Sạch bóng rùa vàng

Nguồn tin: Báo Bình Định, 09/05/2010
Ngày cập nhật: 10/5/2010

Núi rừng An Lão (Bình Định) từng là thiên đường của loài rùa vàng quý hiếm. Nhưng rồi, với phong trào săn bắt rầm rộ, rùa vàng An Lão giờ chỉ còn trong những câu chuyện kể…

* Hấp lực rùa vàng

Chẳng biết do đâu mà rùa vàng “chọn” sông suối, núi rừng An Lão làm nơi sinh trưởng. Cư dân bản địa cho rằng, có lẽ thiên nhiên yên bình đã dành tặng một không gian sống tuyệt vời cho rùa vàng, và tất cả xem đó như là lộc trời ban cho người An Lão.

Xã vùng cao An Toàn được mệnh danh là “thủ phủ rùa vàng” một thời. Rùa xuất hiện nhiều ở các vùng sông suối, hóc đá. Đồng bào H’rê, Bana nơi đây trong những chuyến đi nương rẫy thường lượm mang về xẻ thịt nướng ăn như những loại thú rừng khác. Chẳng ai biết được nó quý hiếm đến mức nào; đôi lúc người đồng bào mang cho không, biếu không khi gặp người miền xuôi mà họ bắt gặp và quý mến. Xem là một trong những đặc sản của núi rừng, người miền xuôi lại vô tư thưởng thức mà cũng chẳng hay món rùa vàng thật sự còn quý hơn cả… vàng!

Cơn sốt rùa vàng bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Một số thương lái từ phía Bắc về An Lão, mang theo mẫu vật rùa vàng tìm mua cho bằng được với mức giá không ai ngờ đến. Ban đầu giá mua chỉ vài trăm ngàn đồng một con đã khiến đồng bào gần như hoa cả mắt, rồi liên tục tăng lên không ngừng đến mức giá rùa được tính bằng vàng. Bán một con rùa nếu quy ra tiền có thể tậu được đàn bò cả chục con. Hấp lực rùa vàng trỗi dậy với phong trào ồ ạt lên rừng săn bắt để đáp ứng nhu cầu thu mua của thương lái ngày càng tăng cao.

* Ráo riết săn bắt

Có thời kỳ ở An Lão có tới hàng ngàn người ngày này qua tháng khác, cứ bám trụ núi rừng ráo riết lùng sục săn bắt. Có thầy giáo tranh thủ mấy tháng hè cũng khăn gói lên rừng. Không chỉ người dân bản địa mà người nơi khác còn đổ xô đến tìm vận may đổi đời, vì chỉ cần bắt được vài con rùa vàng thì thu nhập chẳng hề thua kém gì so với giới đi trầm trúng cội kỳ nam. Nghề săn rùa vàng nhanh chóng hình thành và trở nên rất chuyên nghiệp. Mỗi chuyến đi len rừng vượt suối kéo dài khoảng nửa tháng. Họ sắm chuyến với xoong chảo, gạo, mắm muối, võng nằm… rồi “tạm cư” trong rừng sâu đến khi nào có được “lộc trời” mới hạ sơn tìm gặp các thương lái chờ mua sẵn ở các làng ven rừng.

Theo những tay săn chuyên nghiệp, rùa vàng thường sống ở những con suối có đầm sình lầy, những hóc đá con xen lẫn nước và đất phủ bóng rừng già. Người đi bắt rùa vàng hành nghề cả ngày lẫn đêm với cách bắt khá đơn giản. Ban ngày, cứ thấy rùa chui ra khỏi hang là lượm. Đêm xuống, phải dùng đèn pin soi. Ở những đầm sình lầy thì người bắt dùng chân đạp, tay mò hoặc dùng khúc cây xăm trúng mai rùa phát ra tiếng kêu là vận may đã đến. Ngày đẹp trời của dân trong nghề là những ngày nắng nóng, chiều về bất chợt đổ mưa giông, rùa thường chui ra khỏi hang hoặc ngoi lên khỏi mặt đầm “thưởng thức” khoảnh khắc trong lành của thiên nhiên.

* Sạch bóng rùa vàng

Nhà nhà săn bắt, người người săn bắt nên chẳng bao lâu sau, rùa vàng ở An Lão gần như bị tận diệt. Dân trong nghề chuyển sang vùng núi rừng Quảng Ngãi, Gia Lai… nhưng rùa vàng quá khan hiếm khiến lực lượng săn bắt ngày một thưa dần. Có người trở lại nghề chẻ đá, đi rừng, hoặc trở về với nương rẫy… mà họ từng gắn bó với cuộc sống mưu sinh thường nhật.

Cơn sốt rùa vàng thời gian vừa qua lại tái diễn với mức giá cũng cực sốt. Thương lái đôn giá lên đến hơn 300 triệu đồng/kg. Sốt giá rùa vàng khiến cho lực lượng bảo vệ rừng và động vật hoang dã quý hiếm để mắt tới. Vì thế, hoạt động săn bắt, thu mua, vận chuyển đều diễn ra trong vòng bí mật, chưa có một tay săn rùa vàng hay thương lái nào bị “sờ gáy”. Không ai rõ vì sao giá rùa vàng đắt đỏ như thế. Thương lái chỉ cho biết, họ mua để bán sang Trung Quốc. Thuốc chiết xuất từ máu và thịt rùa vàng đồn thổi chữa được bách bệnh. Ở An Lão, có một cán bộ tòa án huyện giữ lại duy nhất một cái mai rùa vàng, nhưng mới đây người này cho biết đã cho người quen để bào chế thuốc dùng điều trị bệnh ung thư...

Hiện vẫn còn một bộ phận dân trong nghề trở lại với núi rừng tìm kiếm rùa vàng. Họ không còn đi chuyến kéo dài vài ba tuần mà ở hẳn luôn trên đó, đóng lán trại ven suối làm rẫy, bẫy thú đổi gạo sống qua ngày; chờ lúc nào bắt được rùa vàng mới về xuôi. Có khi phải mất cả năm trời mới may mắn gặp được một con. Nhìn ra dòng sông Sang, già làng Đinh Xuân Lộc, 73 tuổi, ở thôn 2, xã An Quang, tiếc nuối về một loại rùa trứ danh từng xuất hiện nơi núi rừng quê hương ông một thuở. “Cháu hỏi rùa vàng à? Giờ còn đâu nữa. Vì cái giá bán cao ngất của nó nên người ta đổ xô vào rừng bắt hết trơn. Lúc trước, sau mỗi cơn mưa, đi ra suối có thể lượm về cả gùi rùa vàng…”.

Trên lưng rùa vàng có 3 sọc dọc màu đen, yếm cũng màu đen và có 3 chấm vàng; xung quanh hông màu vàng pha hồng; đầu rùa vàng trông giống như đầu con rắn mối, khi thụt vào thì mai và yếm xếp cứng, khít chặt lại với nhau. Rùa vàng bắt về để trong nhà không cho ăn uống gì, chỉ cần phơi sương, 6 tháng vẫn còn sống. Về tên gọi, vì giá mua tính bằng vàng nên người dân An Lão từ lâu quen gọi đây là loại rùa vàng.

Tại Công ước về Buôn bán Quốc tế các loại động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), rùa vàng được xếp vào phụ lục II (gồm những loài vật mà việc mua bán, xuất khẩu phải được kiểm soát, có giấy phép để tránh tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng).

Rùa vàng còn có tên trong sách đỏ Việt Nam (bậc E, đang bị đe dọa tuyệt chủng), sách đỏ IUNC (bậc EN, loài bị đe dọa ở mức độ toàn cầu), Nghị định 18/HĐBT (nhóm IIB, nhóm động vật hoang dã hạn chế khai thác và sử dụng). Theo sách đỏ Việt Nam, do có giá trị thẩm mỹ, kinh tế (thực phẩm), y học (mai yến nấu cao) nên rùa vàng bị lâm nguy.

Đình Nguyên - P.V

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang