• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chân dung “lão nông” triệu phú miệt đồng ở Sóc Trăng

Nguồn tin: Sóc Trăng, 29/01/2010
Ngày cập nhật: 1/2/2010

Là người một thời đã cống hiến tuổi trẻ, xương máu để bảo vệ Tổ quốc giành độc lập cho dân tộc. Giờ đây trong thời bình, chú lại tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ và phẩm chất hăng say trong lao động sản xuất của nông dân Việt Nam, góp phần làm giàu cho gia đình và quê hương, đó là chú Châu Minh Đức, 63 tuổi, thương binh hạng 2/4, ngụ tại ấp Tắc Bướm, xã Thạnh Thới An (Mỹ Xuyên - Sóc Trăng), người có “hai bàn tay vàng” trong chăn nuôi heo giống và heo siêu nạc, tổng thu nhập hàng năm từ trồng trọt và chăn nuôi của gia đình chú gần 650 triệu đồng.

Trở về từ quân ngũ với đôi bàn tay trắng, nhưng với sự cần cù, nỗ lực không ngừng, người thương binh hạng 2/4 Châu Minh Đức giờ đây đã trở thành “ông chủ” của một trang trại chăn nuôi lớn. Tận mắt chứng kiến khu chăn nuôi heo thịt và một khu heo giống với quy mô rộng rãi được xây dựng theo mô hình công nghiệp khép kín của gia đình chú vào một ngày cuối năm, chúng tôi không khỏi thán phục trước nghị lực phi thường của một “lão nông” thương binh dù đã mất sức lao động 61% này. Tuy giờ đây đã trở thành triệu phú nhưng “vua heo” Tư Đức vẫn giản dị như một lão nông thực thụ, chú cười khà rít điếu thuốc rồi nói tiếp: “Hồi xưa, lúc mới rời quân ngũ, gia đình chú nghèo rớt mồng tơi. Còn bây giờ, có được cơ ngơi như vậy là cả một quá trình phấn đấu. Có lúc thất bại cũng muốn buôn xuôi nhưng vì cuộc sống nên chú lại tiếp tục và đạt được thành quả ngoài sự mong đợi”.

Trong không khí ấm áp của những ngày giáp Tết, tiếp tôi trong căn nhà khá khang trang và đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, chú kể: “Sau ngày đất nước hòa bình, chú rời quân quân ngũ với nhiều vết thương trên người. Tuy nhiên, là một chiến sĩ nên việc hy sinh mất mát là chuyện thường tình và người lính thì có biết bao cái khó cái khổ, hành trang duy nhất của mình khi ấy chỉ là sự cần cù, siêng năng trong lao động được “trui rèn” từ những ngày chiến đấu gian khổ”. Ban đầu, với số đất ít ỏi và còn hoang hóa, chú ra sức cải tạo với lòng tin đất không phụ lòng người. Lúc đó, gia đình sống chủ yếu vào mấy công ruộng, mà lúc bấy giờ ruộng chỉ làm có 1 vụ nên chú kết hợp chăn nuôi heo và trồng sen lấy ngó; sau khi có chủ trương cho làm lúa vụ 2, gia đình chú và bà con trong vùng rất mừng. Để nắm bắt khoa học kỹ thuật, chú làm đơn xin vào tổ chức Hội Nông dân để có được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và chăn nuôi. Ðến năm 2003, gia đình chú được Trung tâm Giống gia súc gia cầm tỉnh Sóc Trăng chọn triển khai mô hình nuôi heo hướng nạc từ Dự án “Cải tiến chất lượng đàn heo” và Dự án “Nâng cao chất lượng cây trồng vật nuôi tỉnh Sóc Trăng”, hỗ trợ con giống; từ đây, đã mở ra cho gia đình một hướng chăn nuôi mới mang lại giá trị kinh tế cao.

Đưa tôi đi tham quan khu chuồng trại chăn nuôi theo quy trình khép kín của mình, vừa đi chú vừa kể: “Tham gia chương trình, dự án này, chú được hỗ trợ tổng cộng 25 heo nái, đồng thời được hướng dẫn kỹ thuật về cách phối trộn thức ăn, phòng bệnh, chăm sóc cho đến khi heo nái sinh sản”. Như vậy, từ những con giống ban đầu, chú đã tự nhân giống và đến nay đàn heo trong chuồng lúc nào cũng duy trì gần 100 con nái, 200 heo con và 20 heo thịt. Giống heo này nuôi nhanh lớn, chỉ sau ba tháng nuôi, heo có thể đạt 100 kg. “Theo kinh nghiệm, trước đây nuôi heo giống địa phương mỗi năm chỉ nuôi hai lứa, còn hiện nay nuôi heo giống Yorkshire, Landrace... mỗi năm có thể nuôi từ 3 đến 4 lứa, hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều” - chú Đức “bật mí”.

Qua nhiều năm đúc kết kinh nghiệm trong chăn nuôi, chú mạnh dạn mở rộng diện tích và khu chuồng trại được thiết kế khoa học: Xây dựng khu chuồng trại độc lập với khu nhà ở, chuồng trại được xây dựng đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, trang thiết bị máng ăn, máng uống bố trí hợp lý thuận tiện cho việc vệ sinh chuồng trại - với tổng diện tích 2.000m2, đạt chuẩn công nghiệp và được chia ra thành từng khu chuyên biệt như: Khu nuôi heo thịt, khu nuôi heo nái sinh sản, khu nái hậu bị, khu nái đang sinh con, khu heo con sau cai sữa… sản xuất kết hợp với học hỏi tích lũy thêm kinh nghiệm, chú Đức vui vẻ chia sẻ: “Chăn nuôi heo vừa phải sản xuất con giống để chủ động giống, vừa phải nuôi heo thịt, đồng thời phải đeo bám quyết liệt, kiên trì với mô hình mà mình đang thực hiện thì mới thành công. Để chuẩn bị lượng heo cung cấp dịp Tết Canh Dần 2010, hiện trong chuồng của gia đình có 20 heo thịt và dự kiến sẽ xuất bán đúng dịp Tết này”. Trong quá trình chăn nuôi để đảm bảo vệ sinh môi trường, hiện chú đang đầu tư xây dựng hầm khí sinh học bi-ô-ga nhằm xử lý tốt chất thải trong chăn nuôi, tránh làm ô nhiễm môi trường, nước thải ra từ hầm khí sinh học đưa xuống ao nuôi cá trê tạo nguồn kinh tế phụ cho gia đình. Khi hỏi về bí quyết thành công, chú Đức cởi mở: “Người nuôi heo phải có kiến thức về thú y, theo dõi hoạt động của heo để nhận biết nó có bị nhiễm bệnh hay không. Thức ăn cần mua tận nơi sản xuất nhằm tránh nhiều mối lái trung gian. Lúc heo thịt lên giá cao thì heo nái đẻ ra để bán heo con, lúc heo thịt tuột giá thì heo nái đẻ ra heo con để nuôi hết. Nhờ vậy mà những năm qua và hiện nay tôi thắng to trong nuôi heo”. Qua nhiều năm chăn nuôi heo, với kinh nghiệm của bản thân, kết hợp nhiều tài liệu trong và ngoài tỉnh về nuôi heo, chú Đức cho biết, để có heo nái tốt, ta nên chọn giống heo Yorkshire thuần hoặc lai giữa Yorkshire và Landrace nuôi gây giống. Muốn có con nái tốt nên chọn những con nái hậu bị lúc 8 tháng tuổi có trọng lượng đạt 90 - 100kg, dài đòn, mông vai nở, háng rộng, 4 chân thẳng, khỏe, ống chân to...

Sau nhiều năm tích lũy, đến nay gia đình chú có đến 6 ha đất nông nghiệp, từ trồng trọt và chăn nuôi heo mà mỗi năm gia đình chú thu nhập “tròn trèm” 650 triệu, sau khi trừ chi phí chú còn lãi gần 500 triệu đồng. Dù đạt lợi nhận khá cao, nhưng “vua heo” Tư Đức không bằng lòng với hiện tại và lúc nào cũng muốn mở rộng trang trại. Điều đáng trân trọng ở “lão nông” chăn nuôi heo giỏi này là khi làm ăn có hiệu quả và từ những kinh nghiệm có được của mình, chú Đức còn tích cực hỗ trợ cho nông dân trong vùng về hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật phòng trị bệnh, thiết lập, xây dựng chuồng trại… Bên cạnh đó, chú Đức còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp bà con nghèo gặp nhiều khó khăn có điều kiện cải thiện kinh tế gia đình, góp phần thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Nhờ nguồn thu nhập khá cao và ổn định từ chăn nuôi heo mà gia đình chú đã xây dựng được nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và cho con ăn học đến nơi đến chốn. Với những kết quả đạt được trong chăn nuôi, chú Đức được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng tặng nhiều Bằng khen, giấy khen về đóng góp tích cực cho phong trào cây trồng, vật nuôi của tỉnh. Bên cạnh đó, tại Cuộc thi “Kỹ năng chăn nuôi Heo giỏi 2009” do Hội Chăn nuôi tỉnh tổ chức, chú còn đạt được giải II. Vinh dự hơn, trong năm 2007 và 2009, chú được Dự án “Nâng cao chất lượng cây trồng vật nuôi tỉnh Sóc Trăng” chọn đi tham quan học hỏi kinh nghiệm tại Thái Lan và Trung Quốc. Những thành quả mà chú đạt được hôm nay là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu vươn lên từ gian khổ và đó là những thành quả xứng đáng giành cho “lão nông” giàu nghị lực này.

Quang Bình

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang