• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nghề lặn biển ở Cô Tô (Quảng Ninh): Làm việc với âm phủ

Nguồn tin: Lao Động, 31/01/2010
Ngày cập nhật: 1/2/2010

"Ăn cơm dương gian, làm nghề âm phủ" là câu nói thịnh hành để miêu tả nghề lặn biển bắt hải sản kiếm sống ở biển đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Càng gần Tết, số người ra khơi đánh bạc mạng sống của mình để đổi lấy miếng cơm manh áo và tìm đường thoát cho gánh nặng vay lãi ngân hàng càng nhiều.

Chỉ với vài ngón nghề học mót, không một thiết bị bảo hộ, thợ lặn - hoàn toàn là những người dân không được học hành nghiệp vụ lặn biển cũng như các kỹ năng cứu hộ - thường xuống độ sâu 30 - 40m, thậm chí 50m dưới mặt biển khai thác hải sản. Nhiều người đã phải đánh đổi mạng sống của mình. Có người may mắn thoát được cửa tử, nhưng vĩnh viễn mang đôi chân tật nguyền.

Ba lần gặp nạn

Tai nạn lặn lần thứ ba và lần nặng nhất đã xảy ra với anh Lê Văn Lâm từ 8 năm trước - hôm 12.2.2002 - nhưng mọi chuyện vẫn còn nguyên trong tâm trí anh như mới hôm qua đây.

Như thường lệ, tàu cá của anh cập bờ ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), ngư trường rộng mênh mông và hứa hẹn cho thuyền về đầy cá. Bình thường, anh chỉ lặn khoảng xuống 30m, nhưng hôm đó anh lặn sâu hơn khoảng 40m.

Lên bờ được 15 phút, tự thưởng cho mình một điếu thuốc qua một đêm lặn suôn sẻ, nhưng tàn chưa gạt đến nửa điếu, anh Lâm bỗng thấy đôi bàn chân tê tê buồn buồn, cảm giác lan dần lên đến bụng. Vài phút sau, toàn bộ cơ thể anh mất cảm giác như thể mọi tế bào thần kinh trên da đã biến mất, hai chân mềm nhũn. Biểu hiện này, không ai trên tàu còn xa lạ, bởi bệnh giảm áp sau lặn đã là chuyện thường ngày ở huyện với dân thợ lặn.

Tàu chạy hết tốc lực mà 5h chiều mới đưa anh Lâm về tới nhà. Nằm nghỉ yên tĩnh tại nhà, nhưng bệnh tình vẫn ngày càng xấu đi, đến lúc cắn vào tay, anh Lâm cũng không biết đau. Hơn một ngày sau tai nạn, từ đảo Cô Tô đi tàu vào cảng Vân Đồn, bắt xe ôtô ra Cửa Ông, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng anh Lâm mới nhập được Viện Y học Hải quân.

Tại đây, anh Lâm được điều trị, tiêm thuốc, thuỷ châm, tập phục hồi chức năng. Sau 20 ngày mới có cảm giác chân ngọ nguậy được, sau 40 ngày mới tập đi và đi xe lăn được. Nửa tháng nằm điều trị nội trú, anh Lâm gặp 2 người cùng cảnh được chở tới từ miền Trung.

Một năm thời gian phục hồi, đi bất cứ đâu, nếu không lần từng bước dọc bờ tường thì anh cũng không được rời vật bất ly thân là cây batoong. Khi anh Lâm đặt chân xuống nước biển lại lần đầu tiên, dám bơi và dám lặn chơi cũng là gần 2 năm sau ngày tai nạn ấy. Nhưng anh vĩnh viễn không bao giờ còn chạy được trên đôi chân của mình. Mọi người nhận ra anh từ xa nhờ dáng người nhỏ thó và dáng đi "chấm phẩy". Trời ấm thì không sao, nhưng cứ trở trời là luôn có cảm giác kiến bò buồn buồn trong xương.

Gia đình anh Lâm có 8 anh em trai, thì 6 người làm thợ lặn. Anh ruột anh Lâm sau tai nạn chỉ còn làm việc trên tàu, không lặn được. Anh Tuấn là em út của anh Lâm cũng từng lặn quanh đảo, nhưng giờ sức khoẻ cũng chỉ cho phép anh Tuấn mưu sinh bằng câu cá mực, chăn gà; đi lại chậm chạp, nói gì đến lặn.

Ngồi nói chuyện với chúng tôi, anh Lâm lại nhắc đến anh Oanh - người em trai xấu số mất khi mới 31 tuổi. Hai ngày nữa chính là ngày sang cát của anh Oanh. Khi lên đến mặt nước, anh Oanh đã bị liệt não, người mềm nhũn, chỉ nói được mấy câu dặn dò gia đình. Chiếc xuồng bay chạy ra cứu, nhưng đã quá muộn. Cùng lứa với anh Lâm, em con cậu của anh ở Vân Đồn bị tai nạn năm 2001, giờ đi lại cũng bằng xe lăn.

Sinh nghề tử nghiệp

Nghề lặn du nhập vào Cô Tô từ năm 1993 - 1994 cùng với ngư dân Trung Quốc. Khi có những người dân từ Thanh Hoá, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ngãi... ra xây dựng vùng kinh tế mới, nghề lặn được chuyển giao và nhanh chóng trở nên "thời thượng". Bởi ngay từ những năm ấy, mỗi ngày công thợ lặn cũng đã 300.000 - 400.000 đồng/đêm. Thanh niên gia nhập làng thợ lặn ngày càng nhiều.

Vào mùa đi biển, một đêm lặn, đủ ăn cũng được 1 - 2 triệu đồng. Còn trúng quả, thì chục triệu mỗi đêm chắc chắn nằm trong tầm tay. Nhiều người khấm khá với nghề lặn biển, và việc vay ngân hàng lãi cao để đẩu tư thuyền bè, thiết bị là phổ biến, chính vì thế, đâm lao phải theo lao, nhiều hộ dân mạnh tay vay vốn, không thể bỏ nghề, mặc dù biết rõ hiểm nguy rình rập.

Mặt trận nào cũng có máu, không vất vả sao kiếm được đồng tiền - anh Lâm ngẫm vậy. Số người bị tai nạn lặn biển ở đảo Cô Tô này, anh Lâm không nhớ hết được, có lẽ cũng phải 100 người đã bị các quan âm phủ hỏi thăm. Ba lần bị tai nạn, với dấu tích để lại là đôi chân thọt nhưng xem chừng anh Lâm cũng chưa muốn cắt đứt cơ duyên của mình với biển sâu.

Tạm nghỉ dưỡng vài năm, với số vốn tích lũy được, anh Lâm mua một thuyền và làm ông chủ. Đến mùa biển lặng, anh lái thuyền theo hải lộ mà anh đã thuộc như lòng bàn tay. Ba nhân công lặn biển, công xá cho mỗi chuyến đi của họ là 40% doanh thu cả chuyến.

Dù không còn lặn trực tiếp, đã 17 năm anh Lâm gắn với nghề mà anh gọi là làm việc với âm phủ này. Anh Lâm biết đi biển từ năm mới 12 tuổi. Nghề học từ cánh thợ lặn, anh vào nghề lặn sò. Tất cả các kỹ thuật trong nghề anh học qua người này bảo người kia, không qua bất cứ trường lớp đào tạo nào.

Hầu hết anh em thợ lặn đều có những điểm chung: Bộ tóc cháy vàng, nước da đen cháy vì nắng và gương mặt hốc hác, đôi bàn tay chai sẹo. Cái nghề mà ngày chỉ được ngủ vài giờ, đêm thức, lấy đi sức lực của con người ghê gớm. Không có kiến thức về biển và lặn biển, không có trang bị bảo hộ, họ bị cướp đi sức khoẻ và cũng có thể mạng sống bất cứ lúc nào. Nghề lặn biển có thể mang lại giàu có nhanh chóng, nhưng ngược lại, công việc dưới âm phủ này dễ dàng và phũ phàng đẩy con người vào cửa tử trong giây lát.

Với việc sử dụng thuốc nổ, thuốc độc, súng điện... nghề lặn biển của ngư dân đã làm ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái biển. Một điều tra mới đây của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Bộ NN&PTNT, tại vùng biển đảo Cô Tô, san hô bị chết khoảng 80 - 85%, ngoài ra, nguồn lợi thuỷ sản ở đây cũng có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng. Chính vì thế, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng như huyện Cô Tô đã có lệnh cấm nghề lặn biển này.

Ngư dân trên đảo Cô Tô đều biết việc mình làm hiện nay là vi phạm, nhưng đều chưa có giải pháp thay thế nào để kiếm kế sinh nhai.

Quang Duy

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang