• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giúp người dân miền núi sử dụng nấm an toàn

Nguồn tin: ND, 30/06/2008
Ngày cập nhật: 1/7/2008

Đề án “Sử dụng nấm rừng an toàn hơn tại huyện Thuận Châu, Sơn La” vừa đoạt giải trong chương trình Ngày sáng tạo Việt Nam - chủ đề An toàn thực phẩm năm nay. Dự án được đánh giá có ý nghĩa thiết thực với đời sống của người dân địa phương.

Tác giả chương trình là ba giảng viên trẻ của trường đại học Tây Bắc: Chu Thị Sang, Trần Quang Khải, Đoàn Thuỳ Linh.

Thuận Châu là huyện miền núi nghèo của tỉnh Sơn La. Trên địa bàn, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, Dao, Mông, Khơ Mú, Kháng, La Ha… sinh sống. Người dân nơi đây thường thu hái sản phẩm từ rừng, trong đó, nấm là nguồn thực phẩm không thể thiếu trong các gia đình. Do thiếu hiểu biết, nhiều người đã hái phải nấm độc và nhiều trường hợp ngộ độc nấm gây tử vong.

Nấm rừng là thực phẩm giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu không phân biệt được nấm độc và nấm thường, người ăn rất dễ bị ngộ độc.

Trước thực trạng này, ba giáo viên đã có ý tưởng hình thành dự án nhằm mục đích hướng dẫn và nâng cao nhận thức cho nhân dân trong huyện và cộng đồng khu vực miền núi nói chung biết cách sử dụng nấm làm thực phẩm một cách an toàn.

Trước mắt, đề án tập trung xây dựng danh mục các loài nấm rừng có trong khu vực và phân loại theo mức độ gây độc; đồng thời phổ biến cho người dân cách phòng và điều trị khi không may ăn phải nấm độc.

Nấm độc tán trắng

Thạc sĩ Chu Thị Sang, trưởng nhóm nghiên cứu cho hay, ngộ độc nấm là hiện tượng thường gặp ở cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Thuận Châu, nhưng họ có quá ít cơ hội tiếp cận với các thông tin phòng ngừa. Vì vậy, đề án sẽ sử dụng kinh nghiệm của người dân bản địa kết hợp với kiến thức khoa học để xây dựng hệ thống thông tin giúp họ sử dụng nấm rừng như một thực phẩm an toàn. Nếu thành công, chương trình có thể nhân rộng tại các địa phương khác có điều kiện tương tự.

Thông tin từ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân ngộ độc nấm sau khi sơ cứu cần được điều trị tích cực tại các cơ sở có điều kiện hồi sức tốt, dùng thuốc giải độc và nhiều sản phẩm máu, lọc máu nhiều lần với chi phí cao. Các bệnh nhân chủ yếu lại là người nghèo nên nếu tránh được tử vong, họ sẽ phải gánh một khoản nợ cả đời.

Theo chị Sang, nấm độc gồm có ba nhóm chính gây hại cho người sử dụng.

Nhóm thứ nhất gây ngộ độc tiêu hóa, dẫn đến các triệu chứng đau bụng, đi ngoài. Nạn nhân có thể tự khỏi sau một, hai ngày.

Nhóm thứ hai gây ngộ độc thần kinh: người ăn có thể bị ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây những hậu quả nặng nề đến trí tuệ ngay cả khi đã điều trị được.

Nhóm thứ ba là nhóm độc nhất có thể phá huỷ nội tạng, ảnh hưởng nặng đến đến các cơ quan trong cơ thể người như gan, mật, thận… Người bệnh có thể xuất huyết nhiều chỗ, nôn và đi ngoài ra máu… và khó tránh khỏi tử vong.

Nấm xốp thối

Các mẫu nấm sưu tập tại địa phương sẽ được giáo viên bộ môn nấm trong trường xác định, đồng thời nhờ một cơ quan khoa học thẩm định thông tin chính xác.

Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng cả những kiến thức về phòng ngừa nấm độc của người dân bản địa. Qua đó, việc tuyên truyền tới người dân địa phương sẽ thiết thực hơn.

Chị Sang hy vọng sẽ giới thiệu thông tin về nấm độc trong trường học cho các em học sinh dân tộc và người Kinh, in hình ảnh để phát cho người dân dán trong nhà. Thông tin về nấm độc có thể đặt ở cửa rừng, tại các chợ trung tâm để người dân có thể biết, không mua hoặc ăn để dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho sức khoẻ.

Khi tuyên truyền cũng có thể mời những người đã từng bị ngộ độc nấm đến nói chuyện cùng bà con như là những nhân chứng sinh động, giúp người dân nâng cao ý thức sử dụng nấm an toàn.

* Phân biệt nấm độc bằng cảm quan

- Có thể phát sáng

- Khi bẻ đôi cây nấm, nếu nước chảy ra đục, hắc, có mùi lạ; hoặc nước có mầu trắng đục

- Có đủ mũ, phiến, cuống, vòng và bao gốc thường là nấm độc.

- Không ăn nấm có màu sắc sặc sỡ, có mùi thơm hấp dẫn vì nấm này thường là nấm độc;

- Không ăn các loại nấm hoang dại lúc còn non…

Trên thực tế, có hàng nghìn loại nấm. Việc phân biệt giữa nấm độc và nấm lành rất khó khăn.Trung tâm chống độc BV Bạch Mai khuyến cáo người dân không nên ăn các loại nấm lạ mọc hoang hoặc không rõ nguồn gốc.

Ngoài ra, dự án cũng tập trung hướng dẫn người dân cách sơ cứu ban đầu, kịp thời khi bị ngộ độc nấm.

Chị Sang cho biết, người dân địa phương có những kinh nghiệm hay chữa trị ngộ độc, nhưng chỉ có thể áp dụng khi bị ảnh hưởng nhẹ. Khi bị ngộ độc nấm, có thể dùng đỗ xanh nguyên hạt giã nhỏ với nước, sau đó uống cả nước và vỏ. Cũng có thể dùng giá sống giã nhỏ với tỏi uống giải độc; hoặc uống ngay than hoạt tính sẽ có tác dụng tốt.

Ngoài ra, một trong những cách nhận biết nấm độc của người dân địa phương là đun một phần nấm với tỏi tươi giã nhỏ, khi nước sôi có màu đen biếu hiện của nấm độc. Tuy nhiên, khi đã phát hiện người bệnh bị ngộ độc nấm, nên chuyển ngay tới các cơ sở y tế để điều trị.

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VFA) - Bộ Y tế, đánh giá, đây là một dự án tốt, thiết thực với cộng đồng địa phương.

Theo ông Long, con số báo cáo về các ca ngộ độc nấm về VFA trong những năm qua liên tục tăng. Ông cũng đề nghị, nếu dự án thành công, VFA sẽ nghiên cứu để có thể dùng các tài liệu tuyên truyền để phổ biến rộng rãi cho cộng đồng.

LÊ NGÂN

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang