• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ông Tú dầu mỡ

Nguồn tin: Tuổi Trẻ, 03/01/2010
Ngày cập nhật: 4/1/2010

Hàng chục tấn mỡ cá chưa qua xử lý bị thải ra sông nước miền Tây Nam bộ nhiều năm qua đã làm ô nhiễm nặng nề. Thế mà có một người đàn ông vốn dân cơ khí lại mày mò xử lý cái thứ ghê gớm đó thành sản phẩm sạch cần dùng cho cuộc sống.

Ông có tên khai sinh rất đẹp là Trịnh Minh Tú. Chức danh ông cũng oai: giám đốc Công ty TNHH Minh Tú, đóng ở Ô Môn, Cần Thơ. Vậy mà bạn bè vẫn thân tình gọi ông là “ông Tú dầu mỡ” vì ông dám “xăm mình” làm chuyện khó có cửa ăn: chế biến mỡ cá tra, cá ba sa thành dầu chạy máy.

Thương sông Hậu

Năm 2000, ông Tú đi trên sông Hậu thấy nước bị ô nhiễm quá chừng. Phế phẩm cá tra, cá ba sa người ta vô tư thải xuống đây, có ngày lên tới 50 tấn. “Kiểu này thì còn gì sông Hậu. Nó sẽ chết trong nay mai”. Nghĩ vậy, ông nung nấu trong đầu ý tưởng “phải làm gì để tận dụng hết số phế phẩm chết tiệt này”.

Ông phát hiện phế phẩm gây ô nhiễm phần nhiều là mỡ cá. Trong khi ở Việt Nam, một số nhà khoa học đã thí nghiệm thành công việc sản xuất dầu sinh học bio diesel từ mỡ cá như ông Thiên của Công ty Agifish (An Giang), Trường ĐH Bách khoa TP.HCM… Tuy nhiên, mọi việc chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm vì e sợ không có thị trường.

Ông Tú bật lên câu hỏi trong đầu: “Sao mình không tiếp tục sản xuất rồi đưa nó ra thị trường?”. Nói là làm. Năm 2002, ông bắt tay vào dự án “Thiết kế và chế tạo hệ thống thiết bị sản xuất nhiên liệu diesel sinh học (bio diesel)” công suất 50 tấn/ngày.

Xuất thân từ dân trung cấp cơ khí, từng có bốn năm làm việc tại Xí nghiệp Phân bón hóa chất Cần Thơ, rồi lại có bốn năm học đại học tại chức chuyên ngành hóa công nghiệp, ông Tú mạnh dạn làm một quy trình thử nghiệm nhỏ trong phòng thí nghiệm với chất liệu là mỡ cá tra, cá ba sa.

Ông dùng tài liệu sưu tầm trên mạng, từ các trường đại học trong và ngoài nước để mày mò tìm đường đi của mình... Suốt cả năm trời vật vã với hàng trăm lần thử nghiệm, cuối cùng ông cũng tìm được công thức chế tạo dầu bio diesel từ mỡ cá tra, cá ba sa. Ông gửi mẫu qua Singapore nhờ xác định chỉ tiêu chất lượng. Kết quả: sản phẩm đạt tiêu chuẩn FAME (*) của Mỹ (ASTM D6751).

Sáu tháng nhức đầu

Những tưởng đầu xuôi đuôi lọt, ông Tú bỏ vốn làm một dây chuyền sản xuất quy mô nhỏ, vừa sức mình: 300 lít/ngày. Ông tận dụng những cái đang có ở xưởng cơ khí của mình như sắt thép, bồn chứa, van ống, môtơ…

Đầu năm 2006, ông Tú cho ra lò mẻ dầu bio diesel đầu tiên. Ông pha với dầu diesel (tỉ lệ 20% bio diesel) chạy máy ghe tàu, máy xay lúa, máy cày, xe tải… Kết quả không ngờ: động cơ không xả khí thải mà chẳng ảnh hưởng tới máy móc. Thậm chí sau đó ông dùng nó chạy chiếc Ford Everest máy dầu của mình, vẫn... vô tư. Tính ra giá dầu tiết kiệm được 1.000 đ/lít.

Nhưng cùng lúc ông công bố kết quả thành công thì ở Cà Mau rộ lên chuyện những chủ đò mua dầu cá trôi nổi pha vào dầu diesel chạy máy, bị hư tá lả. Dư luận la ó rùm trời, đổ tội cho dầu bio diesel. Sản phẩm của ông Tú cũng bị vạ lây, người ta ngoảnh mặt với hàng của ông trong một thời gian dài.

Thậm chí có dư luận nói rằng dầu của ông Tú là... dỏm, toàn mỡ cá. Thanh tra tài nguyên - môi trường đến “hỏi thăm sức khỏe” ông liên tục. Ông Tú phải nhọc nhằn giải thích, chứng minh đủ thứ. Sau đó, cơ quan chức năng kết luận: một cơ sở ở Sóc Trăng đã chế mỡ cá theo kiểu thủ công, rồi lấy mỡ đó pha với dầu chạy máy với tỉ lệ 1-1. Cách làm này thu siêu lợi nhuận: dầu cá chỉ có 3.000 đ/lít, dầu diesel tới 10.000 đ/lít. Cơ sở đó bị đóng cửa. Lúc này dầu bio diesel của Minh Tú mới được giải oan.

Khi nghĩ tới dây chuyền lớn hơn: 50 tấn/ngày thì cũng là lúc khó khăn lại dập dồn. Cần số vốn 15 tỉ đồng, chỉ được vay 5 tỉ, với điều kiện phải thế chấp toàn bộ đất đai, nhà xưởng. Chưa hết, nguồn mỡ cá trước đây toàn bỏ đi, nay thấy có đầu ra, các nhà máy chế biến cá đâm “ẹo”, tăng giá từ 3.000đ lên tới 8.200đ/kg. Ông Tú đành phải cắn răng mua, chứ nếu không lấy gì sản xuất. Giá thành lại đội lên khúc nữa.

Nhưng đau đầu nhất là lúc bỗng dưng các mẫu thử nghiệm sau khi làm đều không đạt chỉ tiêu chất lượng như ban đầu. Tưởng là máy móc có vấn đề, ông cho kiểm tra lại hết quy trình. Không thấy. Ông lại kiểm tra các phản ứng hóa học coi có gì sai sót không. Vẫn đúng như quy trình. Vậy thì tại sao? Có ai phá hoại mình không? Trong suốt sáu tháng trời ông bị stress vì không tìm ra được nguyên nhân.

Một buổi sáng tình cờ, ông ra bể chứa nguyên liệu thì thấy bên trong số mỡ cá đã sơ chế có thứ gì lợn cợn, giống như bột mì. Sinh nghi, ông múc lên coi thử và phát hiện đúng là bột. Ngoài ra còn có các tạp chất khác nữa. Ông “à” lên: nguyên liệu bị độn. Thảo nào bấy lâu nay các mẫu thử nghiệm đều bị “rớt” hết. Từ đó ông kiểm tra nghiêm ngặt nguồn nguyên liệu, có hơi hám tiêu cực đều thẳng thừng loại bỏ.

“Con Việt phải gả cho người Việt”

Trong những lần ông đưa mẫu đi Singapore thử nghiệm, một tập đoàn dầu khí nước này đã đánh tiếng mua sản phẩm của ông. Họ cử chuyên gia năm lần bảy lượt bay qua tận cơ sở mời ông ký hợp đồng. Ngoài ra, các chuyên gia Nhật, Malaysia, Hà Lan, Pháp, Đức… cũng tới đặt quan hệ nườm nượp. Nhưng ông vẫn chần chừ vì muốn “con Việt phải gả cho người Việt”.

Mãi đến tháng 8-2009, ông mới ký hợp đồng xuất sang Singapore 23.000 lít dầu bio diesel. Sau đó người ta còn hỗ trợ ông Tú kiểm định luôn các chỉ tiêu khác như methanol content, sulphur… Nhờ vậy, ông Tú tiếp tục tách ra từ mỡ cá một sản phẩm mang tên bio mazut, có thể pha tới tỉ lệ 50% vào nhiên liệu FO, dùng cho các lò hơi, lò gạch, lò nung cán thép; chẳng những giảm ô nhiễm khí thải, giảm giá thành sản xuất mà còn có thể dùng chung các loại dầu đốt FO phổ thông.

Để hàng bán được trong nước, ông Tú phải tự liên hệ với các cửa hàng, đại lý xăng dầu quen biết trong vùng, cung cấp hàng cho họ với cam kết “nếu có gì trục trặc tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm”. Biết hàng ông Tú đã xuất ra nước ngoài, lại đã kinh qua sử dụng máy móc quanh vùng, anh em bạn bè đều nhận lời hợp tác.

Sau đó, không nghe khách hàng than phiền gì, giá lại rẻ, dầu ông Tú bắt đầu bán chạy. Năm 2009, ông Tú đã ký hợp đồng với Petro Mekong phối trộn bio diesel với dầu khoáng sản theo tỉ lệ 5% (B5), trước mắt cung cấp nhiên liệu dùng cho các phương tiện trong nước như xe tải, máy tàu, sà lan...

Đến nay, Công ty Minh Tú cho ra lò đều đặn mỗi ngày 50 tấn bio diesel cùng các sản phẩm phụ khác như mỡ bôi trơn, dầu nhờn dùng cho động cơ xăng, dầu công nghiệp, dầu hộp số... Ông Tú cho biết sản phẩm này sẽ tiếp tục xuất sang Nhật và vài nước phát triển khác vào đầu năm 2010. Điều ông mong mỏi vẫn là được thị trường trong nước sử dụng theo ý nghĩa “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Hiện nay dù hàng đã bán được, nhưng ông Tú vẫn chưa có lợi nhuận nhiều, vì giá mỡ cá vẫn cao ngất ngưởng, vốn đầu tư cao, chưa khấu hao được. Vậy điều gì khiến ông tâm huyết với dầu bio diesel? ông Tú bộc bạch rất chân tình: “Chính vì nó sạch và giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường”.

Đâu dễ bán trong nước

Cuối năm 2006, dây chuyền 50 tấn cho ra mẻ dầu bio diesel đầu tiên. Ông Tú lại gặp khó khăn mới: muốn bán trong nước thì không biết phải căn cứ vào quy chuẩn nào của Việt Nam. Đem mẫu đi đăng ký thì được trả lời là... chờ. Mặt khác, muốn bán được hàng ông phải đóng thuế giá trị gia tăng 10%. Ông than thở: “Mình muốn phục vụ người tiêu dùng trong nước mà phải khổ sở, lỗ lã như vậy. Thật bất công”.

DƯƠNG THẾ HÙNG

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang