• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

“Thần y” chữa rắn cắn bằng… cau, trầu

Nguồn tin: Lao Động, 04/12/2009
Ngày cập nhật: 5/12/2009

Ông Bùi Hồng Thái, trú thôn Châu Sơn, xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đã cứu sống hơn 300 người chẳng may bị các loài rắn độc cắn.

Ngoài ra, cũng bằng "phép thuật", ông Thái còn cứu sống cho hàng trăm con trâu của bà con nông dân trong vùng đang giãy đành đạch vì bị rắn chích nọc độc. Dụng cụ ông dùng để chữa bệnh gồm một chiếc ống nứa nhỏ bằng đầu ngón tay cái, dài khoảng 20cm, 3 lá trầu không và 9 miếng cau cùng những lời "lảm nhảm" trong miệng.

"Tôi chưa bao giờ đòi hỏi bất cứ thứ gì của gia đình nạn nhân. "Cứu một người phúc đẳng hà sa" anh ạ. Còn sống ngày nào, tôi còn tiếp tục làm việc ý nghĩa dành lại phúc đức cho con, cháu"- ông Thái nói.

Bí quyết mẹ truyền

Hỏi thăm nhà ông Thái ngay từ đầu xã ai ai cũng biết, họ nói về ông với ánh mắt đầy tự hào và tôn trọng bậc cao niên đang sinh sống ở thôn Châu Sơn. Anh bạn tự nguyện phóng xe máy dẫn đường thỉnh thoảng ngoái đầu lại kể: “Ông Thái đã cứu sống không biết bao nhiêu người trong làng, ngoài xã bị rắn cắn rồi. Cụ có tài và sống đức độ lắm, thân nhân gia đình nào gặp nạn, không kể đêm hay ngày cụ đều tận tình đến cứu chữa mà không đòi hỏi công sá gì đâu”.

Đối diện với tôi là một cụ già đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, nước da đỏ au, mái tóc bạc trắng như cước nhưng tính tình hiền hậu, giọng nói ấm áp đến lạ thường. Thấy khách tới thăm, ông Thái vồn vã hỏi han xởi lởi rồi ôn tồn nói: “Bí quyết cứu giúp những người bị rắn cắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần do mẹ tôi, bà Quách Thị Út truyền lại. Tôi chỉ là người thừa kế phương thuốc và câu “thần bí” của bà dạy mà thôi. Năm 1980, mẹ lâm bệnh nặng nên kêu tôi lại để truyền bí quyết. Truyền xong bà hỏi “thằng cò đọc lại cho mẹ nghe xem thuộc chưa”. Bà Út là người chữa bệnh rắn cắn có tiếng ở vùng đất Thạch Thành xưa kia đấy. Sau đó, mẹ bảo tôi chữa thử cho 2 người trong thôn đi rừng chẳng may bị nạn và đều linh nghiệm”.

Nói đoạn, ông Thái ra vườn hái 3 lá trầu không đặt lên đĩa, 9 miếng cau tươi, rồi ông lại bàn thờ tổ tiên nâng chiếc ống nứa khô dài chừng 20cm đặt xuống bàn. Mỗi lá trầu, ông Thái chia thành 3 miếng, dù lớn nhỏ đều phải tách theo đường gân của lá trầu. Khi tách xong, cụ già để 9 miếng cau lên trên 9 phần của 3 lá trầu đã tách sẵn rồi ông chia thành 3 phần.

“Một phần tôi để 3 miếng cau, 3 miếng trầu của một lá rồi tôi mới lấy vôi quyện vào 3 phần và gói lại. Tiếp đó tôi thổi đều đều 9 lần, khi thổi phải nín hơi dài khoảng 1-2 phút kèm theo đó là những câu “thần chú”. Nếu bệnh nhân bị rắn cắn ở chân thì phải thổi “đón” từ đầu xuống, đó là nguyên tắc bất di bất dịch”- ông Thái tường thuật.

Theo ông Thái thì 3 lần thổi đầu tiên phải dài hơi, sau rồi “lảm nhảm” những câu bí truyền. Loại bỏ phần trầu đã thổi, nghỉ khoảng vài ba phút ông mới làm tiếp, tổng cộng có 81 lần thổi với 27 hơi, kết thúc quá trình làm việc người bệnh sẽ tự trở lại trạng thái bình thường, các nọc độc dần biến mất. Riêng với 2 loại rắn cạp nia và cạp nong ông thổi hết 3 lá thì phải tiếp tục theo dõi, nếu nọc độc phát lên thì thổi thêm một lần duy nhất.

Đọc qua cuốn sổ ghi chép của ông mới thực sự làm người xem phải ngạc nhiên và cảm phục. Trong 10 năm qua, tổng số bệnh nhân bị rắn cắn do ông cứu chữa khỏi lên đến trên 300 người, gần 100 con trâu. Chưa có ca nào ông Thái chịu “bó tay”, nan giải đến mấy miễn là người còn ấm là ông đều làm được. Bây giờ tiếng lành đồn xa, không chỉ có người địa phương, các huyện lân cận mà ngay cả ở tỉnh ngoài như Ninh Bình, Hòa Bình khi có bệnh nhân bị rắn cắn đều tìm đến gặp ông để mong được cứu lấy mạng sống.

Gặp những người từ “cõi chết trở về”

Người đầu tiên bị rắn cắn được ông Thái chữa khỏi đó là bà Bùi Thị Cao, xã Thạch Bình. Khi bà Cao lên núi Chiêng chặt củi không may bị rắn độc đớp vào chân và được người nhà đưa về đặt nằm cạnh gốc mít rồi đậy cái nong lên trên. Vì truyền thuyết, người bị rắn cắn không được đưa vào nhà mà phải lấy đòn gánh để ngang cửa, chờ thầy thuốc đến chữa. Ca thứ hai là bà cố Kiểm Phùng đi về nhà trong đêm tối bị rắn cắn cũng được ông Thái “thổi” lành bệnh. Đó cũng là 2 ca thử nghiệm đầu tay của “thầy thuốc nhân dân” trẻ tuổi khi mới được mẹ truyền bí quyết.

Khi hết tuổi công tác, ông Thái về nghỉ hưu tại địa phương và bằng những gì mẹ dạy năm xưa, ông quay trở lại phục vụ nhân dân một cách thành tâm. Ông Bùi Văn Lộc (70 tuổi) ở thôn Bằng Phú, xã Thạch Bình thấy tôi và ông Thái tới chơi mừng ra mặt. Ông Lộc nhìn ông Thái với ánh mắt hàm ơn vì trước đó, ông Thái đã “đòi” lại mạng sống cho đứa cháu ngoại Trần Thị Lan hiện đang học lớp 5 Trường Tiểu học Thạch Bình.

Tối hôm đó Lan đi tập văn nghệ ở nhà thờ về thì bị con cạp nia cắn vào bàn chân nhưng không dám nói cho gia đình biết. Lan bị sốt, tưởng con bị cảm cúm nên mẹ đi chợ mua 2 liều thuốc cảm cúm cho con uống nhưng không đỡ, ngược lại bệnh tình của con ngày một nặng thêm, Lan lịm dần, nằm bất động.

Ông Lộc nhớ lại: “Cả nhà lúc này thấy lo sợ quá nên tức tốc đưa con xuống trạm xá xã cấp cứu, các bác sĩ bất lực không phát hiện ra bệnh gì nên quyết định chuyển em lên tuyến huyện, kết quả cũng chẳng có gì khả quan. Tôi xin đưa cháu về nhà điều trị nhưng bệnh viện yêu cầu nếu biết có ai chữa được bệnh rắn cắn thì về mời xuống phối hợp cứu chữa lấy tính mạng của cháu Lan”.

Ông Lộc chợt nhớ ra người thầy thuốc của bản làng Bùi Hồng Thái. Vậy rồi, ông tức tốc về mời ông Thái lên bệnh viện gấp. Lúc này mồm Lan không há được, nước dãi chảy rẻo từ trên miệng xuống đất thành dây, mắt không mở. Ông Thái chuẩn bị trầu, cau, ống thổi và báo cáo phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thành xin thổi 3 lần cho cháu bé. Sau đó khoảng một tiếng đồng hồ, Lan bắt đầu cử động nhúc nhích chân, gật gật đầu còn miệng há to chẳng khác gì con hổ mang bành đang bạnh miệng để chống lại kẻ thù.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Việt - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thạch Thành cũng đã phải nhờ đến “biệt tài” của ông Thái mới cứu sống được chính tính mạng của mình. “Tôi từng công tác trong ngành y mấy chục năm, cứu chữa biết bao nhiêu ca nan y nhưng đến khi bản thân không may bị nạn lại không tự chữa được. Sự thể là do tôi vào trong bếp, lục cái cối đá để lâu ngày mang đi rửa thì bị rắn cắn đau nhức chân. Biết ông Thái chữa khỏi căn bệnh mà y học đang còn gặp khó khăn này cho nhiều người rồi, nên tôi bảo con mời ông ấy vào. Đêm đó, sau khi được cứu sống, tôi mời ông ấy ở lại hàn huyên chuyện tuổi già đến tận lúc trăng lên tới đỉnh núi Chiêng mới đi ngủ”.

Ông Thái nguyên làm nghề dạy học, giữ chức thư ký công đoàn trong nhiều năm, rồi làm Hiệu trưởng, Hiệu phó Trường Tiểu học Thành Tân, Thạch Bình nên sống rất thanh đạm. Phương châm sống của ông là làm điều phúc để bớt điều họa cho mọi người thân thích.

“Với khả năng đặc biệt của mình, mỗi lúc có người đến “cầu cứu” tôi có thể yêu cầu họ đưa năm bảy triệu đồng để giật lại tính mạng cho người thân, họ cũng phải mở hầu bao. Và tôi chả phải sống trong căn nhà cấp bốn ngay sát mép đồi như thế này. Nhưng tôi không thể làm như vậy được, trong lúc người ta đang gặp họa mà mình còn mặc cả thì thật là thiếu lương tâm quá.

Tôi cứu người ta khỏi rồi, ai biết thì cảm ơn lạng chè, vài bơ gạo nếp, gia đình nào khá giả tỏ lòng thành dâng lên bàn thờ tổ tiên năm chục, một trăm thôi. Người bệnh không có tội, nếu mình lơ đễnh một chút thì thất thiệt tính mạng sẽ phải ân hận suốt đời” - ông Thái khẳng định. Câu chuyện giữa tôi và người thầy thuốc “đặc biệt” đang đi đến hồi kết thì có khách đến. Đó là anh Bảy, anh Sơn, anh Tuân đều trú tại xã Thạch Long.

Hỏi ra mới hay họ là những người mà ông Thái từng cứu mạng và xem như con cái trong nhà. Anh Tuân bị rắn độc phun nọc vào mắt không mở được, khi đưa lên nhà ông Thái thì nằm lăn ra chờ chết. Anh Sơn bị hổ mang bành nặng chừng 7-8 lạng tấn công thâm, tím tái hết người. Giống hổ mang cắn không ra máu, chỉ hơi nhói như cái gai cây xấu hổ đâm nên khó phát hiện. Nạn nhân không uống rượu, không ngâm bùn thì phải 6-7 giờ sau mới phát.

Anh Sơn kể: “Người nhà đưa tôi lên gặp ông Thái, gọi là còn nước còn tát thôi. Nhưng thật bất ngờ, ông cụ như người sinh ra tôi lần hai vậy. Điều lạ nữa, sau khi chữa khỏi, gia đình hỏi hết bao nhiêu tiền thuốc thang để thanh toán thì cụ không đòi hỏi gì mà chỉ nói là tùy tâm. Từ đó tôi coi cụ như cha đẻ của mình nên lâu lâu lại ghé qua thăm cụ xem tình hình sức khỏe có tốt không”.

Ông Thái cảnh báo: Nguy hiểm nhất là cạp nia. Giống cạp nia cắn không thấy đau nên nạn nhân thường chủ quan vì nọc độc của nó 5-6 tiếng sau mới phát. Nam giới bị cạp nia đớp mà lại làm thêm vài chén rượu vào thì nọc độc bị kích thích, phát nhanh lắm. Nhiều anh bị cạp nia cắn khi đã phát là đau cứng họng, tê lưỡi, đau nhừ hết mình mẩy và buồn ngủ, dần dần đồng tử mắt dãn ra... chết. “Do đó khi nạn nhân bị rắn cắn nên sớm đưa đi cấp cứu. Tôi còn sống ngày nào sẽ còn giúp đỡ những nạn nhân chẳng may bị rắn cắn có niềm tin vào tay nghề của mình”.

Anh Tuấn

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang