• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người bán bưởi ở Hà thành

Nguồn tin: Tuổi Trẻ, 29/11/2009
Ngày cập nhật: 30/11/2009

Gần mười năm mang trái bưởi miền Nam ra mời người xứ Bắc. Từ hai mâm bưởi bước lên một công ty bưởi danh tiếng phân phối hàng khắp nơi trên đất Bắc. Đó là câu chuyện của một phong cách kinh doanh kiểu Nam bộ chinh phục khách Hà thành.

Buổi sáng Hà Nội trời lâm thâm mưa. Sau ly cà phê sáng, Nguyễn Hữu Thiện bắt đầu công việc của mình. Anh lái chiếc ôtô theo lịch trình định sẵn cùng với một nhân viên rảo qua các khu phố.

Xe dừng, đích thân ông chủ xuống khiêng từng bao bưởi cho khách. Có vài chỗ anh ôm một hai trái bưởi trở ngược lên xe. Hỏi bưởi gì, bảo bưởi bữa trước bị héo, nhận lại cho khách. Ấy là “luật chơi” của chủ vựa bưởi Thiện Hồng: hỏng trái nào trả lại trái đó. Bán lâu không hết, bưởi héo da, trả. Khách hàng không vừa lòng, trả. Bưởi có hạt, một trái đền năm... Câu chuyện mở đầu nghề buôn bưởi xứ Bắc với Thiện bắt đầu như thế.

Ba đời bán bưởi

"Gọt làm sao để người ta chưa thèm bưởi, nhìn tay mình là thèm chảy nước miếng, cũng như chưa có ý định ăn nhưng đi ngang nhà hàng mì xào, nghe âm thanh và mùi vị của nó phải dừng lại ăn một đĩa vậy"

Thiện tiết lộ bí quyết chinh phục khách hàng Hà Nội qua tài nghệ gọt và trình bày bưởi lên đĩa.

Anh khoe ở TP.HCM mà đi về hướng Cao Thắng, hướng Cách Mạng Tháng Tám, ga Hòa Hưng... chỗ nào có vựa bưởi năm roi hay bưởi da xanh thì rất nhiều người trong đó là họ hàng nhà anh. “Bà ngoại tôi bán bưởi, má tôi cũng bán bưởi và bây giờ tới tôi, ba đời rồi. Nghề bán trái cây này xưa giờ chỉ có thương lái làm giàu chứ người bán lẻ không bao giờ giàu được”.

Anh giải thích một cần xé trái cây người ta sẽ “làm mặt”, trên to dưới nhỏ, trên đẹp dưới xấu. Người bán lẻ luôn ôm lấy phần xấu, hư, phải bán tháo bán đổ không thì lỗ vốn.

“Tôi muốn thay đổi quy luật đó: bán hàng đúng như bề mặt nó có, bán buôn thì cũng chừa cửa cho người bán lẻ. Hàng tôi bán ngon hơn, giá mắc hơn, ai không mua thì tôi cảm ơn nhưng đã mua của tôi phải bán lại được. Hôm nay mình nhận về vài trái bưởi hư nhưng uy tín mình lớn, mai mốt buôn bán nhiều hơn sẽ có lời bù vào. Bữa nay mình ép họ, khi có cơ hội người ta sẽ ép lại mình”. Thiện khẩu khí, thẳng thắn đúng chất Nam bộ và không ít phần hào sảng của một tay tài xế xe hàng đường dài Nam - Bắc.

Những tưởng gắn với nghề ôm vôlăng làm thuê thỏa chí rong ruổi của chàng thanh niên sớm bỏ học vào đời. Mối tình với cô con gái bà chủ quán lẩu mắm Cần Thơ ở đường Láng, Hà Nội giữ chân anh trở lại nghề bán bưởi truyền thống của gia đình. Chỉ có khác là lần này ở đất Hà thành. Vợ tên Hồng, chồng tên Thiện, từ hai mâm bưởi ban đầu họ tạo lập nên vựa bưởi Thiện Hồng rồi thành công ty mang tên Khải Hoàn, thiết lập rất nhiều chi nhánh ở miền Bắc, mỗi ngày bán hàng chục tấn bưởi năm roi và bưởi da xanh.

Vị ân nhân danh tiếng

Cái nết thật thà, cần mẫn của đôi vợ chồng trẻ đã thuyết phục được một người nhiệt tâm: nguyên phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn. Cái duyên mà vợ chồng Thiện - Hồng gặp được ông Tạn cũng đơn giản: mẹ của Hồng là dân Sóc Trăng ra Hà Nội mở quán lẩu mắm Cần Thơ nuôi cô con gái đi học ĐH Ngoại thương. Ngày nọ ông Tạn ghé ăn, biết cô con gái bà chủ quán vừa tốt nghiệp, ông mời luôn về làm cho văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành nghề nông thôn VN, nơi ông làm chủ tịch. Ông dõi theo từng bước tiến cái vụ bán bưởi của hai vợ chồng.

Ngày Hồng sinh con, ông leo tuốt lên tầng ba trong ngôi nhà thuê của họ trên đường Lê Duẩn. Nhà chật, đi đụng đầu ông than: “Ở chi mà cực khổ vậy con?”. Những năm đầu, tết hai vợ chồng không có tiền mua thức ăn, ông gọi Thiện lên bảo gọn: “Mở tủ lạnh mang thịt cá về ăn tết”. Vậy là tết đó có đồ ăn.

Đi ăn uống chỗ nào, thỉnh thoảng ông Tạn cũng hay giới thiệu bưởi của đôi vợ chồng trẻ miền Nam. Một ngày nọ, có chủ nhà hàng O gọi Thiện đến hỏi về vụ bưởi. Bước vào nhà hàng, chưa kịp chào đã nghe chủ nhà hàng nói như tạt vào mặt: “Bây giờ mày còn ế bao nhiêu xe bưởi? Năm chục xe không? Đem hết lại đây tao mua rồi tao mang đi đổ. Mày tưởng mày là ai mà dám nhờ một ông nguyên phó thủ tướng đi bán bưởi cho mày?”.

Thiện kể anh nghe mặt nóng bừng. Cố gắng im lặng chờ ông chủ nhà hàng nói xong, anh trả lời: “Thưa chú, thứ nhất cháu không là gì của ông nguyên phó thủ tướng. Thứ hai, cháu không nhờ vả, tại bác thấy tụi cháu làm ăn đàng hoàng nên thương mà nói giúp. Thứ ba, cháu mang trái cây miền Nam ra đây bán là muốn cho người Hà Nội có dịp thưởng thức những loại trái cây ngon nhất của miền Nam. Còn chú nói chú mua để đổ, xin lỗi, một xe bưởi chú mua 1 tỉ đồng cháu cũng không bán!”.

Nói rồi đứng dậy ra về. Hôm sau chủ nhà hàng gọi điện thoại đặt mấy chục bưởi, anh bảo không bán. Ông Tạn biết chuyện cười ngất bảo: “Thằng ấy nó lếu láo lắm, mày như vậy là được, con ạ!”.

Gõ cửa Hà Nội

Cách đây nhiều năm, tại Hà thành các nhà hàng thường tiếp đón một vị khách người miền Nam ăn mặc đàng hoàng, mang theo chiếc giỏ khá to. Anh vào gọi thức ăn, ăn xong thì gọi món tráng miệng là bưởi. Nhà hàng mang bưởi ra, ăn xong, anh gọi quản lý bảo anh có một loại bưởi ngon hơn, có cách trình bày đẹp hơn cho đĩa bưởi trên bàn và anh chính là nhà cung cấp bưởi năm roi từ xứ Bình Minh - xứ mà trái bưởi năm roi trồng xuống là ngon nhất trên đời.

Rồi anh mang trái bưởi biểu diễn cho quản lý nhà hàng coi. Trong vòng một phút, trái bưởi trong tay anh đã trở thành một đĩa bưởi với từng múi mọng căng nằm trên bàn. Có thể bốc từng múi lên xoay trong tay ngắm không thấy vết dao, không có chỗ hỏng. Cách thức bước vô nhà hàng của Thiện là như vậy.

Từ hai mâm bưởi, tới một ngày họ thuê được kiôt số 7 Lê Duẩn, Thiện hào hứng đi mua sắt ve chai về đóng kệ sắt bày hàng cho đẹp. Bưởi được nâng niu lau từng trái, bán trái nào đáng trái đó. Mối lái đông dần. Bán rồi làm quen, người ta dần nói với nhau về Thiện “mập”.

“Khách hàng Hà Nội cực kỳ khó tính. Có khi gần nửa đêm họ gọi 5 - 7 trái bưởi, mình trễ vài phút sẽ nghe tiếng chửi tới tấp, cũng đành cười xin lỗi người ta. Mới vừa rồi tôi phải đền 20 triệu đồng cho nhà hàng tiệc cưới vì bưởi khay tới trễ 5 phút”. Họ chịu lỗ trong năm năm và mở được cánh cửa thị trường Hà Nội.

Có lúc Thiện từng bối rối nhất vì tới mùa tết mà chưa biết kiếm đâu ra tiền mua bưởi. Thế rồi có một bác người Huế, làm ở Bộ Giao thông, hằng ngày đi ngang hay dừng mua bưởi chợt hỏi: “Ê, thằng con miền Nam kia, tết mày có tiền mua bưởi chưa? Không thì bác đưa trước, mày mua sẵn cho bác mấy mã hàng nhé!”. Vậy là có cách. Những người quen đặt hàng quà biếu dịp tết đều ứng trước cho hai vợ chồng tiền bưởi. Họ tất tả vào Nam mang ra thứ đặc sản làm ngọt lòng người Hà Nội. Bưởi năm roi rồi bưởi da xanh, bưởi trái rồi bưởi khay. Mỗi ngày họ tiêu thụ hàng chục tấn bưởi ở Hà Nội, mở thêm chi nhánh ở Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên rồi chuyển bưởi ra Móng Cái.

Hỏi tại sao chọn Hà Nội làm đất làm ăn, Thiện cười: “Hà Nội đang đi lên, tui cũng muốn kiếm một chỗ đứng đàng hoàng thôi mà!”. Cuộc sống của người đàn ông miền Nam này đơn giản: mỗi sáng uống ly cà phê, bỏ túi gói thuốc con ngựa giá 12.000 đồng rồi đi giao bưởi. Đó là cách mà anh đi tới tương lai cùng Hà Nội.

Bài toán của người buôn bưởi

Thiện tâm tình: “Tui đâu có học hành nhiều nhưng muốn thì quyết chí tới cùng, thậm chí mất 10 năm sau để làm tui cũng dám nuôi mộng”. Ban đầu khi chọn điểm kinh doanh trên đường Láng, anh chạy đi chạy lại đếm xem trên trục đường ấy có bao nhiêu ngôi nhà, biệt thự rồi tính phỏng chừng 10 nhà ấy có một nhà mua bưởi mình thì bán được bao nhiêu, có lúc gần cả tháng mỗi ngày anh mất hai giờ ngồi lề đường đếm xem có bao nhiêu xe máy sang trọng, bao nhiêu ôtô đời mới chạy qua. “Tui tính vầy: một ngày có 3.000 lượt xe qua lại, có 6.000 con mắt tài xế. Chỉ cần 1% trong số đó quyết định ghé lại chỗ mình là thành công”. Vậy là thành công thật. Mùa lễ tết, xe đậu chật cả con đường chờ mua bưởi.

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang