• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đời săn rắn ở Quảng Ngãi

Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi, 21/11/2009
Ngày cập nhật: 23/11/2009

Chốn đồng quê những người dân nghèo làm một cái nghề mà dân thành thị nghe qua thấy lạ lẫm. Đó là nghề bắt rắn - một nghề phải đối mặt với những ẩn hoạ khó đoán trước…

Sáng đêm tìm rắn

Đồ nghề là một cây sào bằng tre có một thân sắt được uốn cong thành hình lưỡi câu buộc chặt trên đọt sào và một bộ đèn pin rọi sáng. Vậy là những người hành nghề bắt rắn ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), rời khỏi nhà bắt đầu một cuộc hành trình nhọc nhằn tìm rắn… mưu sinh.

Theo chân anh V.M.M, một người bắt rắn có thâm niên nhiều năm ở xã Bình Phú, huyện Bình Sơn vào rừng sâu khi màn đêm vừa buông xuống, tôi “hoá thân” thành những người đi bắt rắn bất đắc dĩ.

Cuộc hành trình lội bộ qua những quả đồi rậm đầy gai, băng qua nhưng cánh đồng cỏ mọc um tùm cao tới bắp chân. Bóng đêm bao trùm cả một không gian rộng lớn. Ánh sáng của đèn pin le lói chiếu rọi một khoảng không gian nhỏ hẹp.

Khi vào đến khu vực núi Lớn, anh V.M.M dùng đèn pin rọi vào những bờ rào có cây rậm. “Ban đêm rắn hay tìm về những bờ rào rậm để ngủ. Pha đèn pin thấy có ánh sáng ngời trắng đích thực là rắn nó đang ngủ say trên cây. Không có gì phải sợ, nếu gặp nó bắt dễ thôi…” – anh M vừa rọi tìm rắn vừa trấn an tôi.

Sang đến bờ rào thứ 3 thì đột nhiên anh M dừng đèn pin lại một chỗ rồi hô lớn “nó đây rồi!”. Đưa mắt nhìn theo hướng đèn pin của anh M, tôi nhìn thấy rất rõ một con rắn to hơn ngón chân cái, màu đen bóng đang khoanh tròn trong bụi cây.

Tôi vội lùi ra xa hơn 3m để đảm bảo khoảng cách an toàn. Anh M cười khúc khích “rắn này tên gọi là rắn lãi. Nó có cắn anh chục phát cũng không có chết đâu mà lo. Cùng lắm là đổ máu thôi chứ không độc như những loài rắn hổ, rắn lục…”. Kệ. Tôi vẫn không dám bước lại gần mà chỉ đứng ở xa nhìn anh M trổ tài.

Anh M đi một vòng quanh bụi cây quan sát địa thế, phòng khi không bắt được rắn trên cây thì cũng đoán được hướng đi của rắn khi rắn vọt xuống đất mà đón đầu bắt gọn.

Quan sát xong, anh M từ từ lấy cây sào bắt rắn đang cầm trên tay đưa thẳng về hướng con rắn đang nằm. Móc sắt được móc vào thân rắn bằng một động tác nhẹ nhàng. Một hành động nhanh như chớp. Anh M giật mạnh móc sắt tung ra hướng mình. Con rắn bị móc sắt kéo văng ra ngay vị trí anh M đứng. Anh vội đưa tay chụp lấy giữa thân con rắn một cách gọn lỏn khi rắn còn chưa kịp chạm xuống đất. Tay phải anh M cầm rắn quây tròn nhiều vòng rồi đưa tay trái vuốt từ dưới đuôi con rắn lên ngay vị trí cổ của rắn rồi nắm chặt.

“Con này nặng 3 lạng. Đêm nay coi như đỡ lo thất thu rồi” – anh M tỏ vẻ mãn nguyện với thành quả lao động của mình. Cuộc hành trình tìm rắn trong đêm vẫn tiếp tục. Đèn pin vẫn chiếu rọi vào rào rậm. Thêm một con rắn nữa được phát hiện. Lúc này, rắn nằm ở độ cao thấp hơn thân người nên trong chớp mắt anh M choàng tay ra túm lấy ngay con rắn bỏ vào bao mà không cần đến dụng cụ hỗ trợ…

Vất vả và hiểm nguy

12 giờ khuya, chúng tôi vẫn còn ở trong rừng sâu. Hai chân tôi mệt nhừ sau nhiều giờ lội bộ hàng chục cây số đường rừng trong khi anh M còn tỏ ra khá sung sức. Trời bổng chốc đổ mưa. Cơn mưa đầu mùa nặng hạt. Cả hai chui vào một gốc cây to trú mưa. Anh M bắt đầu kể về đời… rắn của mình.

“Vùng đất này giờ kiếm những loài rắn độc nhưng bán đắt tiền như rắn hổ mang, hổ chúa, hổ trâu… hiếm lắm. Những bậc đàn anh bắt rắn đi trước tôi đã bắt hết rồi. Tôi làm nghề bắt rắn đến nay ngót ngét đã 5 năm. Nhưng đây chỉ là nghề phụ trong thời gian rảnh ngày mùa.

Nói là nghề phụ nhưng lại là nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Mẹ bị bệnh hiểm nghèo qua đời đã 3 năm, cha bị tật nguyền. Tôi đi bắt rắn kiếm cơm nuôi cha, nuôi em. Đêm nào tôi cũng một mình vào rừng bắt rắn. Làm nghề này sợ lắm nhưng làm liều. Lỡ gặp rắn độc cắn thì không biết kêu ai cứu giúp… Xứ này cũng có tới vài chục người như tôi sống bằng nghề này” – anh M kể.

Theo anh M, một ký rắn lãi hiện nay có giá gần 100 ngàn (có khi lên 150 ngàn đồng/kg), rắn rồng khoảng 60 ngàn đồng/kg. Không chỉ có bắt rắn ban đêm mà những ngày trời mưa lớn, nếu sáng hôm sau có nắng ấm thì “đội quân” bắt rắn ở huyện Bình Sơn còn đi bắt cả vào ban ngày vì rắn thường leo lên cây cao hóng nắng.

Làm nghề bắt rắn cũng có nhiều mánh khoé và những bí quyết riêng không tiết lộ. Mưa ngớt, tôi và anh M lại đi tìm rắn. “Đi quan sát dưới chân, nhất là qua những đường luồng có cây xanh vì khi có mưa, loài rắn lục thường nằm lối đường luồng nhỏ để bắt mồi. Không cẩn thận và phát hiện nó thì sẽ bị nó cắn ngay. Có người bị nó cắn chết rồi đó.” – anh M nhắc.

Chân tôi như tê cứng khi anh M nói có một con rắn lục đang quấn mình thò đầu ra bụi cây trước mặt. Trong tích tắc, anh M trở đầu cây sào bắt rắn đập mạnh chết coi rắn và hất ra xa. Lúc này tôi chỉ mong sớm thoát ra khỏi khu rừng núi Lớn.

Anh đi không sợ sao? – tôi hỏi. “Nghề nào nghiệp nấy mà chú. Đi riết rồi thành quen” – anh M đáp.

Về đến căn nhà nhỏ của anh nằm khuất sâu trong xóm núi, anh trút bỏ đồ nghề, mở bao rắn rồi thò tay vào bao nắm cả đống rắn lôi ra ngoài cười tươi. Điều lạ là chẳng có con rắn nào cắn anh. Trong đêm theo chân anh M bắt rắn, anh M đã bắt được 1kg rắn lãi. Ánh mắt anh sáng ngời hạnh phúc. 100 ngàn đồng - số tiền không nhỏ đối với anh.

Anh quay sang hỏi tôi: Tối mai chú về đây đi với tôi nữa chứ? Tôi chỉ cười - nụ cười của sự sợ hãi vẫn còn hiện hữu rõ trên khuôn mặt. Và, lúc này đồng hồ đã chỉ sang 3 giờ sáng. Nghĩ bụng, đời săn rắn quả vất vả và lắm hiểm nguy…

VÕ MINH HUY

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang