• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Ngãi: Nỗi khổ nông dân sau bão

Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi, 16/11/2009
Ngày cập nhật: 17/11/2009

Bão số 9 qua, Quảng Ngãi có trên 850 ha đất nông nghiệp bị sa bồi, thủy phá. Bão số 11 đến, diện tích đất nông nghiệp của tỉnh lại tiếp tục bị thu hẹp thêm hàng chục hecta nữa, do sạt lở, bồi lấp. Hai trận bão cũng đã cuốn trôi gần 200 tấn lúa giống; hàng ngàn ngôi nhà bị sập, tốc mái.

Nhọc nhằn "bám" ruộng!

Đã hơn một tháng nay, ông Trần Nhất Trung, ở thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa - Quảng Ngãi) phải huy động tất cả lao động trong gia đình vác cuốc ra đồng để dọn dẹp mấy sào đất ven sông Vệ chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân. Ruộng nhà ông Trung bị đất, cát từ dòng sông Vệ "bồi" dày tới nửa mét. Ông Trung nhẩm tính: "Dọn xong đám ruộng này chắc phải tới chục xe tải đất, cát. Ở đây đường đi lại là bờ ruộng, nên không thể sử dụng máy móc mà phải dùng sức người xúc, gánh đổ đất. Chưa năm nào việc chuẩn bị đồng ruộng để gieo trồng lại nhọc nhằn, vất vả như năm nay". Chị Nguyễn Thị Bảy, ở thôn An Bình, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) cho biết: "Dọn mấy sào đất để trồng rau mà gia đình tốn cả triệu đồng. Ban đầu thấy tốn kém quá chị định bỏ đất hoang, nhưng suy nghĩ lại phải làm mới có thu nhập, nuôi con ăn học". Theo chị Bảy vì phải đầu tư tiền dọn dẹp đồng ruộng, nên vụ sản xuất này cố lắm chắc cũng chỉ huề vốn.

Tại các cánh đồng ở huyện Sơn Tịnh, nông dân cũng đang "khóc" vì ruộng bị sa bồi thủy phá, không có điều kiện để dọn dẹp, cải tạo sản xuất vụ đông xuân. Ông Đỗ Tấn Bình, ở thôn Tân An, xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) ngày nào cũng ra đồng dọn dẹp mấy sào ruộng nhưng mãi vẫn chưa xong. Giữa đám ruộng mênh mông, bị sa bồi tới mấy lớp đất cát của hai trận bão, với sức lực của một lão nông gần 70 tuổi, như ông Bình thì làm sao mà xoay xở nổi. Gặp tôi ông Bình thở dài: "Vụ trước tôi thất thu vì sâu rầy phá hoại. Vụ này ruộng lại bị sa bồi thủy phá. Cứ thế này nhà nông làm sao thoát khỏi khốn khó. Mong chính quyền có biện pháp quan tâm giúp đỡ, để nông dân đưa ruộng vào vụ mới. Nếu chỉ để mặc nông dân tự lo, thì chắc lại bỏ ruộng hoang mất thôi".

Lúa giống bị trôi, hư hỏng cũng khiến nông dân rối bời trong việc khôi phục sản xuất vụ đông xuân. Đến giờ này ở nhiều nơi nông dân vẫn chưa có giống trong tay. Ông Nguyễn Văn Beo, xã Đức Chánh (Mộ Đức) cho biết: "Gia đình đang nhờ mua giống lúa đảm bảo chất lượng để gieo sạ. Đợt bão số 9, hơn 50 kg giống của gia đình phần thì trôi sông, phần thì ướt, hư hỏng hết. Tiền mua giống cũng phải đi vay nóng".

Ly hương kiếm sống

Bão số 11 lặng. Đoàn người "hành phương Nam" kiếm sống của xã Bình Mỹ (Bình Sơn) lại tiếp nối. Ông Chung Quang Bắc - Chủ tịch xã Bình Mỹ xót lòng khi phải nói thật với chúng tôi về số lượng người dân "ra đi" sau bão: "Đã có hơn 2.500 người đi rồi. Người vào Sài Gòn, người lên Tây Nguyên làm mướn. Giờ trong xóm chỉ còn lại người già, trẻ em và phụ nữ. Xã cũng vận động người dân ở lại cố dọn dẹp đồng ruộng, tiếp tục sản xuất. Thế nhưng không giữ nổi họ…". Ông Chủ tịch còn kể chi tiết số người ở từng thôn "ly hương" sau bão, trong đó nhiều hộ có đến 6, 7 người như hộ ông Nguyễn Du Sơn (ở thôn An Phong); hộ bà Nguyễn Thị Tình (thôn Phước Tích)…

Hôm chúng tôi về xã Bình Mỹ, không ít người dân lại khăn gói lên đường ly hương. Chúng tôi đã chứng kiến cảnh "chia tay" của anh Lê Trung Lập với vợ và con trai tròn 1 tuổi. Chị vợ nước mắt ngắn dài, con trai thì níu áo đòi theo bố. Nhiều người dân hôm đó đã không cầm được nước mắt. Anh Lập có nhà sập hoàn toàn chỉ mới sau 21 ngày khánh thành. Nền nhà, tường vôi chưa kịp khô, đã vội rã xuống vì bão, gia đình anh tay trắng, lại "cõng" thêm 37 triệu đồng vay mượn làm nhà. "Tôi biết đi làm ăn xa nhà, vợ con thiếu chỗ nương tựa, nhưng thực sự đã không còn cách lựa chọn nào khác”. Anh Lập than thở.

Xã Bình Mỹ hiện vẫn còn ngổn ngang cảnh nhà đổ, tốc mái chưa được dựng lại, do người dân chưa có đủ tiền. Vì thế động lực tìm việc, kiếm tiền càng thôi thúc những người nông dân ở đây “ly hương”. Vốn chỉ quen tay lấm chân bùn, nên nơi họ chọn để đến kiếm việc và... mang tiền về chủ yếu là Đắc Lắc. Ở đó, bây giờ đã bắt đầu vào vụ thu hoạch cà phê đang "khát" nhân công. Những người đàn ông đi rồi, nhọc nhằn lại đổ dồn lên đôi vai những người mẹ, người vợ. Nhiều cảnh đơn chiếc, côi cút thật tội...

Chuyện trong một xã có tới hơn 30% người dân ly hương kiếm sống sau bão, đã khiến chính quyền gặp không ít khó khăn, trở ngại trong triển khai, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ông Chung Quang Bắc cho biết thêm: "Xã đang lo cho đợt gọi công dân nhập ngũ năm 2010. Xã được giao chỉ tiêu giao hơn 90 quân, nhưng vét hết chỉ mới được 20 thanh niên đưa vào danh sách. Chuyện vận động nhân công vệ sinh đồng ruộng, dọn dẹp đường sá... cũng rất khó khăn".

Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang...

Ở xã Bình Mỹ hiện có 21 ha đất ở Đồng Thổ, trải dọc theo 3 thôn: Phước Tích, Thạch An, An Phong bị sa bồi, thuỷ phá. Nông dân canh tác trên đồng ruộng này chỉ biết đứng "trông theo bờ" chứ không có cách gì khắc phục nổi. Nhiều người dân đang đề nghị chính quyền đưa phần diện tích đất này vào thực hiện chính sách "dồn điền đổi thửa", để Nhà nước đưa phương tiện cơ giới vào cải tạo lại đất. Chúng tôi được một số nông dân dẫn đến cánh đồng này, quả thật mức độ sa bồi thật khủng khiếp. So với mặt ruộng trước đây có chỗ cát bồi cao hơn tới cả mét. "Sức người làm sao xúc hết được lớp cát dày thế. Hơn nữa, ruộng ai cũng bị bồi, xúc rồi biết gánh đổ đi đâu" - bà Nguyễn Thị Màu (thôn An Phong), nói với tôi.

Tình trạng đất sản xuất bị sa bồi sau bão xảy ra ở hầu hết các địa phương, với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Vấn đề khôi phục lại đất sản xuất, cải tạo đồng ruộng cũng đã được UBND tỉnh và các địa phương chỉ đạo quyết liệt. Thế nhưng nhiều nơi nông dân "lực bất tòng tâm". Đến nay nông dân và cả chính quyền chưa biết phải làm gì để khắc phục tình trạng sa bồi. Riêng vấn đề "thủy phá" lại càng nan giải hơn. Nông dân chỉ biết trông theo "dòng nước", rồi tìm "dấu tích" để lại mà thôi. Nhiều lãnh đạo huyện cho biết: "Việc khắc phục sa bồi, thủy phá nằm ngoài khả năng của huyện. Mong ngành chức năng và tỉnh quan tâm hỗ trợ. Nếu phó thác cho nông dân và chính quyền cơ sở thì vụ đông xuân này không ít diện tích sẽ bị bỏ hoang".

Vấn đề giống lúa, giống ngô cho vụ sản xuất đông xuân cũng được quan tâm hỗ trợ. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, ở nhiều nơi nông dân vẫn chưa chuẩn bị được giống. Nếu tình trạng thiếu giống không được giải quyết, chắc chắn sẽ có trường hợp nông dân bỏ ruộng hoang hoặc dùng thóc ăn làm thóc giống, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vụ sản xuất đông xuân.

Thiết nghĩ, chính quyền và ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề này, để bước đường "lạc nghiệp" của nông dân sau bão bớt phần cơ cực.

T.Nhị

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang