• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vào rừng lấy mật

Nguồn tin: Lao Động, 03/11/2009
Ngày cập nhật: 3/11/2009

Mật ong U Minh hạ nổi tiếng thơm ngon, tinh khiết, được xem là vua của các loại mật ong. Có lẽ vì bề dầy ngon, bổ của loại đặc sản thiên nhiên này mà cũng có lắm chuyện cười ra nước mắt trong khai thác và kinh doanh mật ong, nơi chính vương quốc của nó...

Ăn ong không dễ

Nhà có 7ha diện tích rừng tràm, Trần Văn Hải, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, Cà Mau năm nào cũng vào rừng lấy mật. Rừng chưa kịp lớn để anh khai thác, nhưng lấy mật ở rừng nhà mình cũng là kiểu theo gót cha, ông. Lúc đầu chỉ nghĩ là đi “ăn ong” cho vui, không ngờ tiếng vo ve của ông mật cứ cuốn hút Hải và lâu ngày “Hải ong mật” trở thành biệt danh.

Lân la làm quen mất mấy ngày Hải mới chịu cho tôi đi vào rừng lấy mật mùa mưa. Hải giải thích: “Mùa mưa mật ong loãng lắm, không có giá vã lại rất ít mật... đi như vậy không hứng chút nào”. Dù vậy Hải vẫn đồng ý vào rừng để tôi được theo.

Bơi xuồng sâu trong rừng, lội bộ mấy trăm mét luồn qua những bụi rậm mới tới nơi Hải đã gác kèo trước đó. Đúng là ong ít thật, qua hai ba chỗ tôi vẫn chưa thấy được những ổ ong vàng tươi mật chảy ròng ròng như trong ảnh đăng trên tập quảng cáo du lịch của tỉnh Cà Mau. Thấy tôi thẫn thờ, Hải lý giải: “Mùa này mà ông tìm được mật vàng óng thì chỉ có nước xem... phim”.

Mùa bông tràm nở, ong mật về làm tổ, những con ong hút mật từ những bông tràm làm nên vị ngọt, trở thành đặc sản của vùng đất. Nhưng cũng trớ trêu là thời điểm này là mùa khô, những cánh rừng đều đóng cửa để chuẩn bị cho mùa chống cháy.

Theo đó, cấm tất cả mọi người vào rừng. Những người lấy mật, ăn ong bị liệt vào nhóm có nguy cơ cao làm cho cháy rừng. Hải trầm tư: “Bất cứ người lấy mật chuyên nghiệp nào cũng thương rừng. Họ không bao giờ cẩu thả trong việc đốt lửa lấy mật vì rừng là nơi họ mưu sinh”. Cho dù vậy tại đây cũng đã có hàng trăm vụ cháy rừng nguyên nhân từ những người đi lấy mật.

Vào rừng gặp "vua" mật

Từ giã Hải, tôi lang thang vào U Minh Hạ lân la tìm mua mật ong thật. Người dân tại Khánh Lâm mách cho bà Năm An. Nhà bà An ở kinh T20, Khánh Lâm, U Minh. Đây là điểm thu mua các đặc sản của U Minh từ rắn, rùa, lươn... cho đến mật ong. Bà An cho biết mỗi năm thu mua vào trên 1 tấn mật.

Thấy tôi lạ lẫm với đơn vị đo lường mật ong, bà giải thích: “Mật ong thu mua mà đong bằng lít coi như thua. Ở đây cân bằng kí không hà. 1,2 kg bằng 1 lít, cứ thế mà tính tiền”. Quê tại huyện Cái Nước, về U Minh sống đã 20 năm nay, bà biết rất rõ ở vùng đất này khó khá lên từ nghề đi rừng. Một lần tình cờ đi TPHCM bà thấy nhiều người trưng bảng thu mua ong mật U Minh.

Vậy là về quê mở tiệm thu mua mật ong. Làm ăn riết rồi quen, bây giờ bà được xem là người thu mua có tiếng tại U Minh mỗi năm thu trên 1 tấn mật, bà cho biết: “Bây giờ có bao nhiêu mật bán cũng hết, nhưng khổ nỗi không còn nhiều”. Để phân biệt đâu là mật nguyên chất để đứng ra thu mua hàng tấn, bà An cũng nhiều lần “đóng học phí” bạc triệu mới có tay nghề như bây giờ.

Đó là năm 2007, có người ở TP.Cần Thơ xuống tận nhà đề nghị mua với số lượng lớn với giá 100.000 đồng/lít. Lúc này trong tay bà chỉ còn 50 lít nên hẹn 1 tháng mới giao đủ. Vậy là ngay ngày hôm sau có nhiều đứa trẻ đem đến nhà bà bán mật vàng óng. Có đứa xách cả can lớn 20 - 30 lít bán với giá chỉ 60.000 đồng.

Mấy ngày sau nhiều người mang đến nữa, sinh nghi bà kiểm tra lại mới phát hiện toàn mật trộn khá tinh vi. Vậy là gần 50 lít mật lỡ mua phải bỏ hết. Điều tra những người bán, bà An phát hiện, chính hai người hỏi mua cung cấp mật giả để họ bán cho bà.

Thật giả khó lường

Tại chợ U Minh mật được bày bán khá nhiều tại các cửa hàng tạp hóa đủ loại giá. Thấp nhất 40.000 đồng/lít, cao nhất cũng chỉ 70.000 đồng/lít. Những chai mật vàng óng ánh, không mùi được giới thiệu là mật ong U Minh nguyên chất. Thấy tôi chần chừ có ý mua mật thật về làm thuốc, ông chủ dẫn ra nhà sau: “Thấy chú cần mật thật để làm thuốc, tôi để lại cho. 120.000 đồng/lít, bảo đảm thiệt 100%, cho chú thử nếu không chất lượng cho chú đốt tiệm tui luôn”.

U Minh Hạ có diện tích rừng tràm trên 97.000ha, hàng năm lượng mật thu về từ những cánh rừng bạt ngàn này trên 10 tấn. Dù vậy do thời gian gần đây, chính sách khoán rừng cho doanh nghiệp, hộ tư nhân nên tình trạng vào rừng lấy mật nhiều hơn. Và dĩ nhiên, những con ong bé xíu không đủ thời gian tiết ra vị mật để đầy thùng của lượng người đông đúc vào rừng tìm kiếm. Những tổ ong mật to, vài chục lít mật chỉ còn lại tại Vườn Quốc gia Vồ Dơi và... trên phim tài liệu.

Ông Võ Quốc Việt, Chánh VP UBND tỉnh Cà Mau cho biết, UBND tỉnh Cà Mau đang xúc tiến các hoạt động để xây dựng thương hiệu mật ong U Minh. Theo đó chất lượng mật sẽ được ưu tiên hàng đầu.

Mật ong nguyên chất U Minh nổi tiếng cả nước. Tuy nhiên với số lượng ngày càng giảm và cách pha chế của một số người hám lợi sẽ vô tình giết chết sản phẩm nức tiếng này. Bởi, bất cứ người tiêu dùng bình thường nào cũng rất khó phân biệt đâu là mật nguyên chất đâu là mật đã pha chế dù các bảng hiệu đảm bảo 100% nguyên chất.

Nhật Hồ

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang