• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giăng lưới chim trời

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 31/10/2009
Ngày cập nhật: 2/11/2009

Lẫn trong tiếng mưa đêm rả rích, tiếng “cuốc… cuốc… cuốc…” phát ra từ những chiếc loa làm huyên náo cả một góc cánh đồng Tân Sinh (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Trong tiếng mưa đêm, tôi còn nghe cả tiếng kêu thảm thiết của những con chim cuốc với đôi chân bị vướng chặt trong lưới, đôi cánh vùng vẫy mà không cách nào thoát ra được…

Vừa đi bán chim cuốc ở TP. Nha Trang về, ăn vội mấy bát cơm, Bùi X.C lật đật cột thêm mấy tấm bạt ni-lông vào sau chiếc xe Cub 78. Vừa cột, anh vừa nói với người em trai tên Bùi X.T: “Nhanh lên! Ngoài đó, không biết anh M. đã giăng xong lưới chưa? Tranh thủ ra sớm để mắc thêm mấy chiếc chuông vào, trời sắp tối rồi. Hôm nay chuyển trời, chắc bầy chim cuốc sẽ đi sớm và nhiều lắm đó…”. Một đêm theo chân anh em Bùi X.C đi giăng lưới bắt chim, tôi mới hiểu, chim trời bị “dụ” vào lưới ra sao.

GIĂNG LƯỚI… BẮT CUỐC

Chúng tôi ra cánh đồng Tân Sinh (xã Cam Thành Bắc) - nơi Bùi X.M (anh trai Bùi X.C) đã giăng sẵn 18 tấm lưới (được đan bằng những sợi cước mỏng, mắt lưới nhỏ) thành 3 đoạn có hình chữ T, dài hơn 400m. Lưới được giăng thành 2 lớp cao thấp. Vừa ra đến cánh đồng, Bùi X.C mở ngay túi, lấy 3 chiếc máy cassette chuyên dụng, nối mấy sợi dây điện vào 3 chiếc loa, rồi cắm vào bình ắc-quy. Làm xong, Bùi X.C lấy điếu cày ra rít thuốc lào, còn Bùi X.T níu mấy cây “đày” (làm từ cây le to bằng ngón tay cái, dùng để mắc lưới) mắc chuông vào. Trong khói thuốc thở ra khét lẹt, Bùi X.C cười nói: “Tất cả đã xong, chỉ còn chờ trời tối hẳn sẽ bỏ băng vào máy mở cho bầy chim “nghe”, chúng sẽ sà xuống và dính vào lưới giăng sẵn…”.

Bùi X.C nhớ lại: “Nghề “thổi cuốc” là nghề gia truyền của chúng tôi. Anh em tôi từ nhỏ đã theo bố ra đồng giăng lưới bắt chim, đến nay đã gần 20 năm trong nghề. Nghề này tuy vất vả nhưng có tiền, nên không ít người theo; như anh Bùi X.M, năm nào cũng thế, cứ đầu tháng 9 (âm lịch) lại khăn gói từ miền Trung vô đây đánh chim, gần Tết lại về”.Hơn 18 giờ, bóng tối đã lấp đầy cánh đồng. Ở một góc cánh đồng phía gần làng, đã nghe tiếng “cuốc… cuốc… cuốc…”. Bùi X.C cười nói: “T. đã mở máy rồi đó! Chúng ta “hành nghề” thôi”. Nói rồi, Bùi X.C lấy mấy cuốn băng cassette bỏ vào và bật máy. Tiếng “cuốc… cuốc… cuốc” từ 3 chiếc loa thi nhau vang lên làm náo động cả cánh đồng. Những ai không biết, sẽ nghĩ rằng: Cánh đồng này có rất nhiều chim cuốc, nhưng kỳ thực đó là tiếng chim cuốc được thâu vào băng cassette từ những tay “thổi cuốc”. Mỗi cuốn băng được mua tận ngoài Bắc với giá 100 nghìn đồng. Mỗi lần ra đồng “đánh cuốc”, họ dùng máy phát lại để “dụ” đàn chim.

Theo kinh nghiệm của dân “thổi cuốc”, từ tháng 9 - 12 (âm lịch) là thời điểm chim cuốc di cư. Khi nghe tiếng “gáy” thách thức của đồng loại, chim cuốc sẽ sà xuống để giành “lãnh thổ” hoặc giành “bạn tình”. Lợi dụng điểm này, dân “thổi cuốc” bày “thiên la, địa võng” để bắt chúng. Những đêm chuyển trời, cuốc đi rất nhiều, khoảng từ 18 đến 20 giờ và 2 đến 4 giờ là cao điểm. Đến khoảng 5 giờ 30, dân “thổi cuốc” thu dọn đồ nghề quay về để kịp mang chim đi bán… Những đêm trăng, chim thấy lưới nên ít xuống; vì thế, số lượng chim bắt được không nhiều. Trung bình mỗi đêm, anh em Bùi X.C bắt được 30 - 40 con, trong đó chủ yếu là chim cuốc, gà nước, chim dát. Mùa nào bắt chim ấy, đều có băng casette “chuyên dụ” từng loài chim.Câu chuyện “thổi cuốc” mà Bùi X.C kể cho tôi nghe chỉ mới bắt đầu nhưng đã bị ngắt quãng, bởi chốc chốc lại có tiếng chuông vang lên “báo hiệu” có chim dính lưới. Đang nhổ lông mấy con chim dát làm mồi nhậu, Bùi X.T bật dậy, chạy dọc theo đường lưới có tiếng chuông. Vừa chạy, T. vừa chăm chú tìm. Đến nơi, T. thấy một con chim cuốc cố gắng vùng vẫy để thoát thân; nhưng càng vùng vẫy, đôi chân nó càng bị “trói” chặt bởi những sợi cước. Gỡ xong con chim ra khỏi lưới, T. nhổ một chiếc lông ống của nó, trói chặt 2 chân lại, bỏ vào bao lưới. Những thao tác ấy mất chừng 3 phút. Ngồi chưa ấm chỗ, T. lại tiếp tục chạy, nhưng lần này không bắt được chim, bởi con chim này không dính lưới… Cứ thế, từ khoảng 20 đến 22 giờ, hơn 20 con chim cuốc đã bị trói chặt chân. Thấy đàn chim đã ít đi, Bùi X.T đi kiếm củi nướng thêm mấy con chim. Ngồi lai rai, Bùi X.C tâm sự: “Để hành nghề, dân “thổi cuốc” phải đầu tư khoảng 5 triệu đồng để mua “đồ nghề”. Sau đó, dành thời gian tìm hiểu xem những cánh đồng nào cuốc nhiều để đến bắt. Trước đây, khi chưa có máy, tôi phải mất hàng tháng trời mới có thể học được cách đánh, bóp kèn da giả tiếng chim cuốc, bây giờ có máy nên đỡ mệt hơn. Cũng như tôi, hàng chục người dân ở thôn Thống Nhất (xã Cam Phước Đông - thị xã Cam Ranh) chuyên nghề này”.

CUỐC… RA PHỐ, LÊN BÀN NHẬU

Tôi theo anh em Bùi X.C về nhà, đã thấy nhiều thanh niên trong thôn mang chim cuốc đến bán, trong số đó có người được hơn 25 con, có người không gặp may chỉ được khoảng 10 con. Đêm trước, họ đã phân tán, mỗi người giăng lưới bắt chim ở một cánh đồng khác nhau. Qua câu chuyện của họ, tôi được biết, có người giăng lưới ở những cánh đồng gần nhà, có người ra tận Diên Khánh, hay ngược vào Ninh Thuận để “hành nghề”. Ngoài việc bắt chim, Bùi X.C còn thu gom chim từ dân “thổi cuốc” mang ra TP. Nha Trang bán. Trung bình mỗi ngày, anh gom được khoảng 30 - 35kg (khoảng 6 con/kg), tính sơ, mỗi đêm gần 200 con chim trời bị “dụ” vào lưới. Sau khi gom hết chim, anh em Bùi X.C bắt đầu cột 4 con chim thành 1 xâu, bỏ vào bao lưới mang đi bán. Chim cuốc chủ yếu được “nhập” cho các quán nhậu với giá khoảng 100 nghìn đồng/kg để chế biến thành những món “hương đồng” phục vụ thực khách. Những hôm được nhiều chim, ngoài “nhập” nhà hàng, Bùi X.C còn mang bán dạo tại khu vực ngã sáu Nha Trang (dưới chân Nhà thờ Núi). Người mua chủ yếu là dân nhậu, nhiều nhất là người miền Trung và miền Bắc. Ở đây, chim cuốc được bán với giá 160 nghìn đồng/kg. Bùi X.C cho biết: “Những ngày cuối tuần hay dịp lễ, người mua rất đông, bao nhiêu chim bán cũng hết”. Khi tôi dắt xe ra về, Bùi X.C còn dặn thêm: “Anh nhớ lưu lại số điện thoại của em. Ở Nha Trang có ai thích chim cuốc, anh giới thiệu giúp. Chim làm sẵn, giao tận nơi, bao nhiêu cũng có…”.

Đôi chân bị “trói” trong lưới, đôi cánh vùng vẫy… nhưng chú cuốc này không thể thoát thân.

Một chiều cuối tuần, với ý định tìm hiểu khâu tiêu thụ chim cuốc, rủ thêm người bạn, chúng tôi đến một quán nhậu khá nổi tiếng trên đường Lê Hồng Phong (TP. Nha Trang). Tại đây, có nhiều loài chim bắt ngoài tự nhiên như: gà nước, dát, chim cu… nhưng nhiều nhất là chim cuốc. Giá mỗi loại chim cũng khác nhau: chim cuốc từ 30 - 40 nghìn đồng/con, gà nước hơn 60 nghìn đồng/con, chim cu 40 nghìn đồng/con… Chủ quán cho biết: “Dân nhậu rất thích chim cuốc, vì thịt chim cuốc rất ngon, dễ chế biến. Mỗi con chế biến một món như: cuốc nướng muối ớt, cuốc rô ti, cuốc xào sả ớt, cuốc xáo măng… Bàn ít cũng gọi 3 con, bàn nhiều thì 6 - 7 con. Mùa này là mùa “thổi cuốc”, lượng chim nhập về nhiều nên giá rẻ, mỗi ngày có thể bán được hàng chục con”.

Bên bếp than rực hồng, thưởng thức món cuốc nướng muối ớt thơm phức, tôi chạnh nghĩ, với tình trạng “giăng lưới chim trời” và việc “nhậu” chim một cách không thương tiếc như hiện nay thì “chim trời kêu cứu” là điều dễ hiểu. Khi biết suy nghĩ của tôi, anh bạn cười bảo: “Chim có dăm bảy loại, có loại cấm bắt, có khu vực cấm bắt, chứ không phải bị cấm hoàn toàn. Thế nhưng, không phải vì thế mà chúng ta cứ “vô tư” bắt chúng, phải bảo vệ động vật hoang dã…”. Nói rồi, anh quay ra gọi món khác thay cho món “hương đồng”.

BÍCH LA - CHÂU AN KHÁNH

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang