• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

“Ngư tặc" bãi bồi: Những cuộc mưu sinh lẩn trốn

Nguồn tin: Người lao động, 22/10/2009
Ngày cập nhật: 23/10/2009

Dọc theo suốt chiều dài bãi bồi bên bờ biển Tây tỉnh Cà Mau là nơi bám víu của những mảnh đời cùng cực. Đối mặt là biển, đối lưng là rừng, song họ lên rừng hay xuống biển tìm kế sinh nhai đều bị coi là phạm pháp

Biển đêm dựng lên những bức màn đen che khuất tầm nhìn. Từ bốn phía mù xa thỉnh thoảng lóe lên những vệt sáng rồi vụt tắt. Vừa ra khỏi cửa biển Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân - Cà Mau, xuồng chúng tôi đã hứng ngay những đợt sóng dồn dập.

Anh Lý Minh Trí, trưởng ấp Gò Công, vội ngoặt lái cho xuồng ôm sát bìa rừng phòng hộ, nhấn ga hướng về phía Tây. Chưa đầy 5 phút sau, nhóm 3 người chúng tôi như lạc vào “ma trận” của lú bát quái, lưới 3 màn, lưới ghẹ... giăng loạn xạ trên vùng bảo tồn nghiêm ngặt này.

Càng bắt phạt, càng loạn!

Nhìn quanh quất không thấy bóng người, anh Võ Văn Minh, Trưởng Công an xã Nguyễn Việt Khái, bảo chúng tôi đi tìm những chiếc ghe xuyệt điện, loại dụng cụ đánh bắt hủy diệt. Xuồng chúng tôi tắt máy thả trôi. Gió đưa đến tiếng động cơ xành xạch lẫn trong tiếng vo ve của dụng cụ xuyệt điện phá tan màn đêm yên tĩnh trên vùng cấm bãi bồi.

Đi theo tiếng động cơ và ánh đèn pha lấp loáng phía xa, chúng tôi cho xuồng cập vào một chiếc ghe trọng tải hơn 3 tấn đang chạy lù lù trong đêm. Không cần biết chúng tôi lạ hay quen, 2 người đàn ông vẫn thản nhiên làm công việc hủy diệt của họ.

Anh Minh phải hét lên đến mấy lần, 2 “ngư tặc” mới chịu tắt máy, khi trên ghe đã đầy ắp cá, tôm, mực, ghẹ... đủ cỡ. Thấy 2 “ngư tặc” có vẻ sắp manh động, anh Minh liền hạ giọng: “Chúng tôi chỉ đi tuần thôi, không bắt bớ gì đâu, để chúng tôi lên ghe xem thử”. Rồi anh giở nắp khoang ghe, bên dưới là những cục tăng áp được mắc với dây điện chằng chịt kéo ra đầu càng đầy lưới, để từ đó phóng ra một luồng điện đủ sức hủy diệt nhiều loài hải sản.

Khi 2 “ngư tặc” đã nổ máy chạy đi nơi khác, anh Minh lắc đầu ngao ngán, giải thích: “Xã đã chủ trương thôi bắt “ngư tặc” từ 2 năm nay rồi, vì bắt họ hoài cũng chẳng giải quyết được gì. Càng bắt phạt, họ càng làm nhiều hơn để bù lại!”.

Đã khuya, chúng tôi quay ngược về nơi có những đốm đèn màu vàng nhấp nháy trên biển đen. Đây cũng là lúc có nhiều người đi cuốn lưới. Chúng tôi gặp lão ngư Nguyễn Văn Nhi, nay đã 70 tuổi, với hơn 30 năm sinh sống, làm ăn ở bãi bồi.

Ông lão than thở: “Mấy thằng xuyệt điện quậy quá, tôm cá hết đất sống rồi, cả chúng tôi cũng vậy. Trăm miệng lú đặt từ chiều tới giờ chỉ được có mấy con sam, vài ký cá chai và ghẹ, chắc bán được vài chục ngàn đồng”. Ông Nhi quả quyết rằng sản vật ở bãi bồi giờ không còn nhiều như thuở ông mới đặt chân tới đây cho đến khoảng hơn 10 năm trước.

Cả xóm làm “ngư tặc”

Nếu nói dân nghèo ở Gò Công phải làm “ngư tặc” ở bãi bồi mới sống được thì chưa hẳn. Tuy nhiên, khi tôi thắc mắc nếu không có bãi bồi thì mọi người sẽ sống bằng nghề gì, câu trả lời duy nhất mà tôi nhận được là phải đi tìm bãi bồi khác! Trước đây, xã cũng đã thử chuyển nghề cho “ngư tặc” bằng cách hướng dẫn họ chăn nuôi gia súc nhưng đã sớm thất bại, người dân lại rồng rắn trở ra bãi bồi.

Ông Trương Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Khái, đưa cho tôi xem những con số điều tra về “ngư tặc” tại đây: Toàn xã có 337 hộ với 1.484 người sống bằng nghề khai thác trên vùng cấm bãi bồi.

Theo ông Chiến, đây chỉ là con số tương đối, dựa trên những hộ có phương tiện, còn những hộ “quá giang” thì không thể thống kê. “Gần hết dân ở xã này sống nhờ vào việc đánh bắt trái phép ở bãi bồi. Nếu muốn chấm dứt được vấn nạn này, trước mắt phải giải quyết công việc khác cho họ. Xem ra việc này còn khó khăn hơn gấp bội so với việc ngăn cản họ xâm phạm bãi bồi!”- ông Chiến trăn trở.

Một khi đã dấn thân vào cuộc mưu sinh ở xứ biển Gò Công này thì bất cứ ai cũng có thể trở thành “ngư tặc”. Ngay cả 2 người chở tôi đi tìm “ngư tặc” đã có một người “làm ăn” ở bãi bồi.

Tôi hết sức ngỡ ngàng khi nghe trưởng ấp Lý Minh Trí thổ lộ: “Thường ngày, ngoài thời gian làm công việc trưởng ấp tôi cũng ra bãi bồi như bao nhiêu “ngư tặc” khác. Nói ra không phải bao biện mà thật sự ở đây rất khó sống được bằng một nghề tử tế”.

Anh Trí cho biết ở ấp Gò Công mà anh đang quản lý có hơn 400 hộ dân thì đã ngần ấy con người phải gánh vác sứ mạng kiếm cơm cho gia đình họ bằng nghề “ăn trộm” tài nguyên biển. “Ai cũng đã từng không dưới trăm lần đối mặt với lực lượng chức năng và cũng bấy nhiêu lần trốn chạy, bị bắt, bị phạt tiền. Trong đó có cả tôi!”- anh Trí tiết lộ.

Từng là vùng trù phú nhất nước

Bãi bồi là vùng biển cạn rộng 320 km² chạy dài theo bờ biển Tây tỉnh Cà Mau, nằm lọt thỏm trong một vịnh nhỏ với cực Nam là chót mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), cực Bắc là cửa biển Gò Công.

Từng được coi là bãi bồi trù phú nhất nước, tại đây quanh năm có hàng trăm loài hải sản từ đại dương về sinh sôi, lớn lên lại trở ra đại dương. Trong bối cảnh ngư trường gần bờ ngày càng cạn kiệt hải sản, việc bảo tồn bãi bồi được coi là nhiệm vụ sống còn để bảo vệ một phần vốn cho đại dương.

Thế nhưng, việc này từ lâu vốn đã phức tạp. Dọc theo bờ biển là những dãy rừng phòng hộ xung yếu chạy qua 4 xã của 3 huyện Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển với hàng chục xóm nghèo và hàng ngàn hộ dân sống bám vào rừng và biển.

Đã có hàng loạt văn bản pháp luật xung quanh việc cấm khai thác nguồn tài nguyên bãi bồi từ các cấp chính quyền với mọi hình thức, có cả những chế tài, được ban hành. Song, tất cả dường như bị vô hiệu hóa trước nhu cầu mưu sinh bức bách của một bộ phận ngư dân nghèo.

Duy Nhân

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang