• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tan tác “đặc sản” đồng bằng

Nguồn tin: SGGP, 09/06/2008
Ngày cập nhật: 10/6/2008

Hàng năm, mỗi khi con nước lũ chuẩn bị tràn đồng thì nguồn lợi thủy sản và các loài “đặc sản” của đồng bằng cũng bước vào giai đoạn “tang tóc”, với rất nhiều kiểu đánh, bắt. Ở khắp mọi nơi, từ dưới sông rạch, cả trên ruộng đồng, cho đến vườn cây, bờ đập… Từ con cá rô non hay bầy cá ròng ròng đến các loại cò, chim, rắn, rùa… đều bị rơi vào “ma trận hủy diệt”.

Ròng ròng chết trước…

Con rắn ri voi nặng trên 4kg này có giá khoảng 800.000đ

Khi vụ lúa hè thu bắt đầu thu hoạch, hầu như trên khắp các mặt ruộng, đâu đâu cũng thấy dày đặc những hệ thống “dớn” - loại đăng đó giăng trên mặt ruộng bằng lưới cước - đang bủa vây tận diệt các loài thủy sản. Đây là những “sát thủ” nguy hiểm nhất đối với nguồn lợi thủy sản tự nhiên vì nó không “từ bỏ” bất kỳ loại nào, nhất là vào những năm lũ nhỏ.

Đầu mùa lũ, nạn nhân chính của loại “dớn” này là những đàn ròng ròng, chính vì thế đã làm cho lượng cá lóc tự nhiên bị cạn kiệt rất nhanh. Ngoài những chiếc bẫy bằng lưới cước ni lông, ròng ròng còn bị tận diệt bằng cách nhấp câu bằng mồi vịt con hay dùng bình xiệc điện để bắt cá bố mẹ.

Hôm lên huyện Tam Nông, đang đi trên tuyến tỉnh lộ 843 đoạn xã Tân Phú của huyện Thanh Bình, thấy một thanh niên đang xiệc cá tôi liền dừng xe. Nghe tôi hỏi về “thành quả” mỗi ngày, anh cứ trả lời quanh co và nhát gừng, rằng “chỉ đi bắt về ăn thôi chớ có bán buôn gì đâu”.

Ngồi nói chuyện một hồi, thấy tôi có vẻ như muốn “học nghề” thật sự, chàng ta mới mạnh dạn nói thật. Theo như lời của Tám Tùng - tên người thanh niên - cho biết, thời điểm đầu mùa lũ, do mực nước còn thấp nên dùng xiệc điện là hiệu quả nhất, chỉ khi nước lũ lên cao mới chuyển sang nhấp cá bằng vịt con. Chỉ dưới tay một “sát thủ” Tám Tùng thôi, trên cánh đồng Tân Phú này, mỗi ngày có ít nhất là 9 - 10 bầy ròng ròng phải rơi vào tình cảnh “mồ côi cả cha lẫn mẹ” và sẽ trở thành mồi ngon cho các loài cá khác.

Hiện nay, ở các chợ nông thôn, giá bán cá ròng ròng dao động từ 20.000 - 25.000đ/kg, người mua đem về kho sả ớt ăn hoặc cho xuống hầm để “vỗ béo” làm con giống dành bán cho những hộ chăn nuôi. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chỉ một chợ thực phẩm huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp này thôi, mỗi ngày có khoảng trên chục ký ròng ròng được bày bán.

Không chỉ tiêu thụ tại chỗ, mấy năm gần đây, ròng ròng còn được các thương lái “đóng gói” - vô bao ni lông rồi bơm oxy - để chở lên TP Hồ Chí Minh cùng với cá linh non, bông súng, bông điên điển… để phục vụ cho thực khách yêu thích những món ăn dân dã, hoặc bán cho các đại lý dùng làm mồi nuôi cá kiểng…

Ngoài cá ròng ròng, số phận của những đàn cá rô non cũng “hẩm hiu” không kém. Cũng bằng cách đặt dớn, lượng cá rô non mỗi ngày bị “bỏ mạng” cũng rất nhiều. Như Tám Tùng cho biết, chỉ có 2 miệng dớn nhưng mỗi ngày anh đổ được hơn 5kg. Hiện nay cá rô non giá từ 15.000 - 20.000đ/kg. Thời gian gần đây, nhờ phong trào nuôi cá lóc và cá rô đồng phát triển nên lượng cá non đầu lũ đã được “tái sinh” một cách đáng kể.

... Đến cò, chim, rắn, rùa

Chim, cò bày bán công khai

Mỗi mùa nước lên, ở vùng ĐBSCL, ngoài các loại cá đồng thì đặc sản cò, chim, rắn, rùa cũng rất phong phú. Vào mỗi buổi sáng, trên khắp các nẻo đường nông thôn có rất nhiều xe Honđa chở theo những chiếc lồng sắt làm bằng lưới kim loại đi thu gom số động vật hoang dã này về bán cho các đại lý ở các chợ thị trấn, thị xã. Từ đây, chúng tiếp tục cuộc hành trình bằng xe tải đến các thành phố lớn rồi vào trong các nhà hàng để “hóa thân” thành những món ăn đặc sản cho thực khách.

Đối với các loài chim, cò, phương pháp bắt chủ yếu là đánh giựt lưới hay giăng bẫy lưỡi câu. Thời gian gần đây xuất hiện một chiêu bắt mới vô cùng “đáng sợ” là bả mồi trộn thuốc chuột. Con cò chỉ cần ăn phải một miếng là “quẹo ngang” không thể cất cánh nổi. Với những cách săn bắt “tàn khốc” này, một thợ săn chuyên nghiệp chỉ cần một buổi tối có thể bắt được hàng trăm con ốc cao, chằng nghịch, gà nước hay cúm núm. Cả những đàn cò trắng hay loài còng cọc lông đen cũng không được “dung tha”. Đối với rắn, rùa thì thường bắt bằng cách giăng lưới, giăng câu hay đặt lờ, lọp.

Bữa ở chợ Tam Nông, “ông trùm” Sáu Hải chuyên thu gom chim, cò và rắn, rùa đã không ngần ngại “nổ” khi nghe tôi có ý định mở quán nhậu đặc sản ở thành phố Cao Lãnh: “Đại ca yên chí đi, giá cả thì tùy theo thời điểm nhưng nguồn hàng thì em đảm bảo cung ứng cho huynh đầy đủ… Ở đâu không biết chớ xứ Tam Nông này thì rắn, rùa bao la…”. Theo lời Sáu Hải “rỉ tai” tôi thì Tam Nông có nguồn cung ứng chim chóc, rắn, rùa chủ yếu là từ Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Nghe tôi hỏi vặn “Sắp tới đây Vườn Quốc gia Tràm Chim sẽ có đội đặc nhiệm kiểm tra nghiêm ngặt thì làm sao anh còn nguồn”, Sáu Hải liền gân cổ: “Tại đại ca không biết đó thôi, ở đâu cũng có quy luật của nó mà”.

Nếu đúng như lời Sáu Hải nói thì hiện nay ở Vườn Quốc gia Tràm Chim đang có rất nhiều cửa dạng “tiểu ngạch” để cung cấp chim, cò, rùa, rắn cho thị trường bên ngoài. Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, sau đợt cháy hơn 300ha rừng tràm và đồng cỏ ở Vườn Quốc gia Tràm Chim vừa qua, đã có một lượng rất lớn động vật hoang dã, nhất là rắn, rùa trở thành mồi ngon trên các bàn tiệc.

Vấn đề đáng lo ngại hiện nay đang đặt ra là tuy các loài động vật hoang dã bị đánh bắt, tận diệt “tan tác” như vậy nhưng các ngành chức năng hầu như không kiểm soát được, nếu không muốn nói là đang chịu “bó tay”.

Tại chợ thực phẩm huyện Tam Nông hiện nay, giá chim cò khoảng 42.000đ - 45.000đ/kg, rùa từ 180.000 - 220.000đ/kg tùy theo lớn nhỏ. Riêng với rắn thì tùy theo loài. Cao nhất là rắn ri voi, ri cá, kế đến là rắn bông súng, rắn nước… giá cũng dao động từ 120.000 - 200.000đ/kg. Tại khu vực thành phố Cao Lãnh, ăn một bữa đặc sản rắn, thực khách chỉ tốn nhiều nhất là khoảng 80.000đ/người cho từ 3 - 4 món chế biến. Đối với các loài chim như cúm núm, gà nước, ốc cao… giá từ 10.000 - 15.000đ/con rô ti hay luộc nước dừa…

ÁI MAI

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang