• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đồng Tháp Mười: Cá, chuột, rắn, rùa... mùa lũ

Nguồn tin: Lao Động, 24/09/2009
Ngày cập nhật: 29/9/2009

Mùa lũ Đồng Tháp Mười một thời đã gợi lên những cảm xúc trái ngược nhau: Sự khốn khổ, cùng cực của người dân và dồi dào những sản vật do nước lũ mang đến. Hiện nay, những sản vật ấy cũng bớt đi nhiều và có nguy cơ biến mất...

Đồng Tháp Mười (ĐTM) có diện tích hơn 600 ngàn ha, trải rộng ở 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Là vùng trũng ở ĐBSCL, hàng năm khi nước sông Mê Kông đổ về, ĐTM bị ngập sâu suốt 3 - 4 tháng.

Mùa lũ, về ĐTM ăn cá...

Ở quê tôi (vùng hạ tỉnh Long An) có câu hát ru “Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua”. Thế nhưng, sau này tôi mới biết, muốn ăn cá cho đã thì phải về ĐTM vào mùa lũ.

Tôi đến ĐTM lần đầu tiên vào thập niên 1980, vào mùa lũ, khi vùng đất này mới bắt đầu được khai hoang. Lúc ấy, tôi có cảm giác cá linh “đặc lềnh” dưới sông Vàm Cỏ Tây. Người ta mua cá linh không theo ký, mà theo “giạ” (khoảng 40kg). Cá linh mua về thường để làm mắm, nước mắm...

Đó là trên sông, còn trên đồng ruộng ngập nước, các gia đình có thể đi qua mùa lũ chỉ với chiếc cần câu và tay lưới bén. Ngồi trên mái nhà đã ngấp nghé mực nước lũ, một đứa trẻ hàng ngày cũng có thể kiếm vài ba ký cá các loại. Tôi đã có lần trải nghiệm cảm giác tuyệt vời khi ngồi trên bộ ván, tự tay cầm cần câu, móc mồi thả xuống “nền nhà”. Dù không phải là tay “sát cá”, tôi cũng câu được cả ký.

Những ngày này, vùng ĐTM đang bước vào mùa ngập lũ hằng năm. Thế nhưng, không còn cái cảnh những chuyến xe tải kìn kịt chở các lóc, cá linh... từ Mộc Hóa về Tân An, đi TPHCM. Đã gần vào chính lũ mà bà xã tôi đi chợ Tân An trễ một chút đã không tìm được ký cá linh nào để nấu canh chua. Bây giờ, khi vào mùa nước nổi, người dân ĐTM cũng giăng lưới, thả câu, nhưng chỉ đủ dùng trong gia đình, chứ không dồi dào cá hàng hóa như xưa. Loại cá “rẻ như cho” giờ đây đã trở thành đặc sản, các gia đình nghèo muốn ăn phải cân nhắc.

Kỹ sư Võ Thành Hổ - Trưởng trạm Khuyến ngư vùng ĐTM - cho biết, vùng ĐTM có những thuận lợi mà ít nơi nào có được để nuôi cá đồng vì hàng năm có nước lũ tràn về, độ ngập sâu. Nghề nuôi cá lóc, cá bông, cá sặc rằn... mùa lũ đang phát triển mạnh, tạo nguồn thu nhập lớn cho nông dân. Các trang trại nuôi cá cũng trở thành điểm tham quan của du khách khi đến ĐTM vào mùa lũ, gợi lại cảm giác “thò tay đụng cá” của một thời ĐTM còn hoang sơ.

“Ông Tý” sẽ “tiệt chủng”?

Ở vùng ĐTM, nếu chủ ruộng không thực hiện các biện pháp diệt chuột, thì khi kết thúc vụ lúa rất dễ bị trắng tay. Diệt chuột có nhiều cách: Đào hang bắt, gài lồng, thuốc chuột, lưới chuột, bẫy điện... Có 1 cách đơn giản nhưng rất hữu hiệu là săn chuột vào mùa lũ. Khi nước lũ ngập trắng đồng, họ hàng nhà chuột phải “tản cư” lên ngọn cây tràm, vốn dày đặc ở ĐTM.

Ông Nguyễn Văn Minh, một nông dân ở rạch Bắt Bỏ – xã Tân Đông – huyện Thạnh Hóa (Long An) kể về quy trình săn chuột vào mùa lũ: Săn chuột trên ngọn tràm có thể đi ban đêm hoặc ban ngày, ban đêm hiệu quả hơn, nhưng khá vất vả. Những người mới vào nghề thường chọn cách “chĩa”, tuy đơn giản, nhưng chuột bắt được có giá không cao. Khi phát hiện chuột trên ngọn tràm, người săn chỉ việc đâm cây chĩa (bằng thép, thường có nhiều mủi) về phía chuột, rồi kéo chĩa về, gỡ lấy “chiến lợi phẩm”. Người săn có tay nghề thường chọn cách “bắt sống”. Chuột trên ngọn tràm bị người săn “lùa” ra nhánh cây nhỏ bằng cách rung nhè nhẹ thân tràm. Khi chuột đã vào vị trí thuận lợi, người săn rung mạnh cây, chuột rơi tõm xuống nước. Phía dưới là chiếc vợt lưới đã chờ sẵn.

Bây giờ ở ĐTM chuột đã giảm nhiều, do không còn đất hoang. Vào mùa lũ, chuột cũng thưa thớt trên các ngọn tràm. Cách đây 1 tuần, dù đã “đặt hàng” trước 1 người bạn “nông dân ĐTM”, nhưng khi tôi đến Mộc Hóa, cũng chỉ được đãi “chuột nhí”, “chuột hột mít”, mà không tìm được chuột “cống nhum” (loại chuột đồng nặng cỡ 1kg).

Chuột đồng đang ít dần, do nhu cầu ngày càng cao (làm thực phẩm cho người và cho nuôi trăn), trong khi đất hoang (cho chuột trú ngụ, sinh sản) không còn. Chuột có khả năng sẽ biến mất khỏi đồng ruộng ĐTM trong một vài thập niên nữa. Nếu đúng như vậy, sẽ làm tin vui cho nhà nông, nhưng là tin buồn cho các quán nhậu...

Rắn, rùa... vào trang trại

Dù sao thì tôi cũng còn diễm phúc khi mùa lũ này không quá khó khăn để tìm được mồi chuột, cá đồng tự nhiên để ngồi nhậu giữa mênh mông biển nước ĐTM. Điều này sẽ không đến với con cháu tôi sau một vài chục năm nữa. Cũng như tôi hiện nay, dù bằng mọi cách vẫn không đào đâu ra rắn, rùa tự nhiên để thưởng thức giữa mùa lũ ĐTM.

Đã qua rồi giai thoại “Ra ngõ gặp rùa rắn” ở ĐTM. Rắn ở ĐTM (thường là ri cá, ri voi, rắn nước...) bây giờ có giá hàng trăm ngàn đồng/kg, nên bị săn lùng cạn kiệt. Số phận con rùa càng thê thảm hơn, khi khó có thể tìm được 1 con rùa “trưởng thành” trên đồng ruộng.

Người dân ĐTM từ lâu đã biết cách “bảo tồn” những loại sản vật nơi đây bằng cách... đưa vào trang trại. Bây giờ, khi đến ĐTM, du khách có thể thưởng thức các món rắn, rùa... được nuôi ở nhiều trang trại. Thì cũng là du lịch sinh thái, du lịch giữa mùa nước nổi, thậm chí pha chút mạo hiểm, bởi nếu bạn không biết bơi thì nguy hiểm có thể xảy ra. Còn cái cảm giác lãng mạn khi đứng trên chiếc xuồng con, hái những chùm hoa điên điển vàng rực, thò tay vớt cá dưới sông... thì đang dần trở thành kỷ niệm!

Nguyễn Phấn Đấu

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang