• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

An Giang: Lên núi Cấm săn cua

Nguồn tin: Lao Động, 15/09/2009
Ngày cập nhật: 16/9/2009

Mưa rả rích, đỉnh núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), một trong bảy ngọn núi thiêng trong dãy Thất Sơn hùng vĩ của An Giang, như khoác lên mình một rừng màu xanh cây lá lãng đãng giữa màn mây... Đó cũng là thời điểm người dân ở xứ “Đà Lạt 2” này lên đường săn sản vật độc đáo với phương thức khai thác cũng hết sức độc đáo: Câu cua núi.

Vén mây thấy cua đẹp

Sau một đêm mưa tầm tã, mặt trời hãy còn nằm trong màn sương mỏng mảnh, anh Tư, dân cố cựu ở núi Cấm (An Hảo - Tịnh Biên) đã hối thúc lên đường: “Mưa đêm, giờ này cua từ các ô suối lên bờ kiếm ăn. Nếu để nắng lên chúng rút xuống nước rất khó bắt”.

Đã từng nếm trải các loài “8 cẳng hai càng”, nhưng vừa nghe hai tiếng cua núi Cấm, cái thú tò mò giục tôi gia nhập phường câu, luồn sâu vào rừng. Giọng anh Tư rành rọt: Ở núi Cấm ven khu vực suối, nơi nào có thể tìm thấy cua, nhưng càng lên cao cua càng ngon. Vì vậy đoàn chúng tôi thống nhất chọn khu vực Ô Cửu Phẩm, nơi có nguồn nước tự nhiên ẩn mình ở độ cao trên 500 mét làm điểm săn.

Từ hồ Thuỷ Liêm, chúng tôi băng mình trong hơi sương lành lạnh dưới tán rừng khép lá lần mò qua khu vực Cửu Phẩm. Sau khi kiểm tra quân số, anh Tư phân phác đồ nghề với lời răn đe: “Phải hết sức cẩn thận, cua núi hung hăng gấp trăm lần cua đồng bằng. Một khi đã kẹp rồi thì trời gầm cũng không nhả”.

Nói đồ nghề cho oai, chứ thực ra chỉ là ngọn tầm vông dài khoảng 1 mét, to bằng đầu đũa, đầu ngọn được tra nòng i nox dài khoảng 1 tấc để gắn “lưỡi câu đặc chủng”: Chùm dây thun.

Anh Tư giải thích: Tuy hình dáng chỉ bằng phân nửa, nhưng cua núi có sức mạnh gấp bội cua đồng. Chiếc càng của chúng có thể kẹp đứt ngọt ngọn tầm vông để tẩu thoát. Vì vật phải tra nồng i nox để chống cua bẻ cần câu chạy tháo thân.

Chúng tôi định bám vào những phiến đá rêu phong để áp sát đường ô thì bị anh Tư gọi giật ngược: “Nó nè!”. Dưới lòng ô có làn nước trong như gương con cua đực đang di chuyển một cách điệu đàng, cứ bước là hắn giương hai chiếc càng kềnh lên như lực sĩ khoe cơ bắp săn chắc cuồn cuộn như lời đe doạ sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng...

Phải thừa nhận là cua núi ở đây rất đẹp. Chiếc yếm phớt sắc tím, hai chiếc càng ửng sắc vàng pha đỏ được rắc nhẹ những chùm bông trăng trắng... Nhưng cũng như dòng họ nhà gà, cua đực thường có màu sắc sặc sỡ hơn cua cái. Nhất là màu sắc hai gọng kềm của chiếc càng kềnh cơn cớn và rắn như hai chót sừng trâu nhuộm đỏ.

Đặc sản đang dần cạn

Bằng vẻ rành 6 câu vọng cổ, anh Tư hành hạ cái cảm giác ẩm thực đang hừng hực trong mỗi chúng tôi bằng cách giới thiệu món ngon từ cua núi: “Không chỉ đẹp lạ, cua núi còn là đặc sản ngon tuyệt với phẩm chất thịt chắc, ngọt đậm và khi chế biến có mùi thơm đặc trưng. Có người còn cho rằng, do sống chốn trời đất giao hoà, lại tích tụ được linh khí rừng sâu, núi thẩm nên cua núi còn là dược liệu quý”.

Vì vậy nó không chỉ là món ăn khoái khẩu với hình thức rang me, nấu canh với rau kim thất, mà còn được nhiều nhà hàng sang trọng săn đón như đặc sản dành riêng cho khách VIP. Nhất là từ ngày mở đường lên núi, giao thông thuận lợi, danh sách những người muốn khám phá cái thú ẩm thực cua núi ngày một dày lên thêm. Nhiều người đến núi Cấm chạy đôn chạy đáo tìm mua bằng được cua núi về thưởng thức và làm quà.

Theo quy luật thị trường có cầu ắt có cung và cầu càng lớn thì cung càng lớn. Thế là từ chỗ là thực phẩm tự cung tự cấp, giá cua đã vùn vụt tăng lên 50 - 60 ngàn đồng/kg. Thậm chí vào những ngày cuối tuần vọt lên đến 100 ngàn đồng/kg nên đã hình thành đội quân săn cua chuyên nghiệp. Có gia đình cả vợ chồng, con cái còn chuyên nghiệp hóa nghề săn bắt cua cung ứng cho thị trường khi sẵn sàng cung cấp số điện thoại để khách chủ động “đặt hàng”. Một số hộ còn dùng đèn soi, đợi đêm đến khi gia đình nhà cua kéo xuống suối, bắt trọn ổ.

Anh Tư bức xúc: “Bắt như thế là tận diệt, vì như thế sẽ triệt hạ luôn cả cua cái sắp “lâm bồn”. Theo lời anh Tư, cua núi chỉ đẻ dưới nước vào ban đêm, vì vậy việc săn cua bằng đèn soi đã trực tiếp tận diệt luôn cả nguồn cua con. Theo anh Tư, nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời cua núi Cấm sẽ biến mất trước khi các nhà khoa học bắt tay nghiên cứu.

Sau nửa ngày giờ lùng sục trong các khe đá ẩm ướt gần như vực lòng suối, chúng tôi chỉ thu hoạch được hơn 2kg cua núi. “Bây giờ cua núi hiếm quá rồi, em mang hết về làm quà cho anh vui. Chớ ngày trước, đi quanh hè nhà là kiếm được mớ cua nấu nồi canh”, anh Tư buông tiếng thở dài ném đôi mắt lên bầu trời ngầu đục như giấu đi cảm xúc: “Không biết vài năm nữa núi Cấm có còn giữ chân được loài cua đặc hữu cho “nóc nhà” ĐBSCL?!”

Kiên Trinh

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang