• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tỷ phú cá cơm

Nguồn tin: Tiền Phong, 14/09/2009
Ngày cập nhật: 15/9/2009

Những ngày này, làng biển Cà Ná (xã Phước Diêm, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đang vào mùa cá cơm.

Đầu cổng vào làng có hai vựa phế liệu lớn. Dân làng bảo để đánh giá thu nhập của nghề đánh bắt và chế biến cá cơm ở đây, cứ lấy hai núi vỏ lon bia lúc nào cũng đầy ắp ở hai vựa phế liệu làm thước đo.

Trước kia, ngư dân làng biển Cà Ná sống bằng nhiều nghề (mành chà, vây rút chì, câu mực) nhưng gần hai mươi năm nay, từ ngày phát triển mạnh nghề Pha - Xúc đánh bắt cá cơm, Cà Ná mới xuất hiện nhiều lão ngư tỷ phú.

Xưa, tàu thuyền Cà Ná có công suất cao nhất 45 mã lực. Nay, Cà Ná có 727 phương tiện đánh bắt hải sản với tổng công suất gần 80.000 mã lực, bình quân mỗi tàu thuyền có công suất 100 mã lực; số tàu thuyền có công suất từ 100 đến 500 mã lực chiếm 421 chiếc/727 chiếc toàn xã.

Lão ngư tỷ phú Phạm Đứng kể: “Năm 1973, tôi đến Cà Ná với hai bàn tay trắng. Làm biển thuê, dành dụm sắm thuyền nhỏ rồi thuyền lớn. Đến nay, tôi đã có bảy tàu công suất từ 110 đến 450 mã lực”.

Ông Đứng có năm con trai và sáu cháu trai theo nghề biển, nhiều năm nay ông giao các tàu cho con cháu bám biển. Tỷ phú làng biển 75 tuổi cho rằng: “Nghề Pha - Xúc là làm giàu”.

Ở Cà Ná còn nhiều người có bốn đến năm tàu công suất lớn làm nghề Pha - Xúc như các ông Nguyễn Văn Bông, Trương Văn Tốn, Triệu Ba... mà giá trị mỗi tàu không dưới một tỷ đồng.

Họ là những ngư dân lao động cần cù đi lên từ chiếc thuyền con, có người khởi nghiệp từ chiếc thuyền thúng loay hoay trong vùng biển quê nhà, đã trở nên giàu có nhờ khai thác cá cơm bằng tàu Pha - Xúc hoạt động ngư trường xa, theo đàn cá cơm từ Bắc vô Nam.

Nước mắm cá cơm

Ngư dân Cà Ná đánh bắt hàng năm hơn 31.000 tấn hải sản, nhiều nhất là cá cơm, tiêu thụ trong tỉnh và các địa phương gần nơi thả lưới. Từ nguyên liệu cá cơm, Cà Ná phát triển mạnh hai nghề: làm nước mắm và cá cơm hấp xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trên quốc lộ 1A, ngang vùng giáp ranh hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, cả mấy cây số đường trưng bảng tiệm bán nước mắm cá cơm Cà Ná của dân làng. Nước mắm cá cơm Cà Ná thơm, độ đạm cao, có màu vàng rơm là thương hiệu nổi tiếng không kém nước mắm Phan Thiết, Phú Quốc.

Toàn xã có khoảng 70 hộ sản xuất nước mắm có thương hiệu, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng chục triệu lít nước mắm các loại, còn làm nước mắm để dùng thì nhà nhà đều làm. Làm ít thì bằng lu khạp, mái; làm nhiều thì bằng thùng gỗ, hồ xi măng chứa 5 - 7 tấn cá chượp mỗi lần sản xuất.

Xưa, các nhà sản xuất nước mắm dùng thùng gỗ. Nay, thùng gỗ vẫn được sử dụng nhưng là loại thùng cũ còn lại, vì gỗ đóng thùng khan hiếm và giá thành cao nên đa số hộ sản xuất nước mắm xây hồ kiên cố bằng đá, có hồ chứa hơn mười tấn cá, lại lát cả gạch men để giữ vệ sinh.

Nghề làm nước mắm là nghề truyền thống, theo kinh nghiệm truyền đời. Tất cả các xưởng sản xuất nước mắm, hay còn gọi nhà lều, đều có mái che tránh mưa nắng. Nhưng ở Cà Ná có một cơ sở chế biến nước mắm, không có mái che, không dùng thùng gỗ hay hồ xây, mà dùng toàn thùng i nốc sáng loáng.

Đây cũng là cơ sở nước mắm duy nhất ở Cà Ná mà chủ nhân là một kỹ sư từng có công trình nghiên cứu về sản xuất nước mắm - kỹ sư Trần Văn Hưởng.

Kỹ sư Hưởng tốt nghiệp ngành Chế biến thủy sản khóa 1, Học viện Nông Lâm Hà Nội, từng công tác tại Bộ Thủy sản những năm 1960 trước khi giữ chức Giám đốc xí nghiệp nước mắm Nam Định. Năm 1991, kỹ sư Hưởng nghỉ hưu, đến Cà Ná mở cơ sở sản xuất nước mắm sạch.

Công trình nghiên cứu, thực nghiệm khoa học cấp nhà nước Quy trình chế biến nước mắm ngắn ngày được hội đồng khoa học nhà nước nghiệm thu năm 1974, của ông và các đồng sự, được ông áp dụng ở Cà Ná: sử dụng nhiệt đối lưu đẩy nhanh tiến trình phân hủy cá, rút ngắn thời gian làm nước mắm từ 180 ngày còn 45 đến 60 ngày.

Cà Ná có số ngày nắng và nhiệt độ cao, thùng i nốc có nắp đậy dang ngoài trời vừa hấp thụ và giữ nhiệt vừa bảo đảm vệ sinh, nên nước mắm của kỹ sư Hưởng vừa sạch vừa đậm đà thơm ngon.

75 tuổi, có 50 năm nghiên cứu và sản xuất nước mắm, kỹ sư Hưởng vẫn khao khát quảng bá quy trình sản xuất nước mắm sạch đến người sản xuất và tiêu dùng, đã được Ủy ban Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam trao tặng giải thưởng Điển hình sáng tạo Việt Nam tháng 9/2007.

Cá cơm hấp đi Trung Quốc

Ở Cà Ná có khoảng 60 lò hấp cá cơm, mỗi lò giải quyết vài chục lao động có việc làm thường xuyên, nhất là phụ nữ và trẻ em.

Cá từ tàu đánh bắt đưa về lò bằng giỏ tre, được rửa sạch và trải trên vĩ nylon ô nhỏ, hai người đàn ông lực lưỡng khiêng chồng vĩ nhúng vào thùng nước sôi sùng sục trên lò lúc nào cũng đỏ lửa khoảng ba phút thì lấy ra đem phơi.

Cá phơi nắng vài giờ, được bỏ đầu chỉ lấy thân đóng gói xuất đi Trung Quốc; còn đầu cá bán làm thức ăn gia súc. Từ tháng Sáu đến tháng Chín, mùa cá cơm ở Cà Ná, các lò hấp cá luôn rực lửa. Những tháng khác, tàu Pha - Xúc Cà Ná đuổi theo đàn cá đến các ngư trường xa, cá đánh được bán cho người tiêu thụ ở vùng biển gần nhất.

Những người bán cá cơm hấp cho thương nhân Trung Quốc cho biết giao dịch buôn bán do quen biết, mối hàng chứ không hề ký hợp đồng. Thương nhân Trung Quốc đặt cọc một số tiền, sau khi bán hàng xong họ sẽ trả nốt. Do đó, lắm khi cá nhiều cần giải phóng kho, họ sẵn sàng bán thiếu tiền tỷ đến một hai tháng mới thu tiền.

Một chủ vựa xuất cá cơm đi Trung Quốc cho biết, có lần du lịch sang nước này, vào siêu thị, ông thấy nhiều thương hiệu cá cơm sấy, tẩm gia vị bày bán gói 200gr đến 500 gr. ông mua thử một gói và ăn thấy khá ngon.

Dò hỏi, ông biết là cá cơm Việt Nam, rất có thể là cá cơm Cà Ná quê ông, được thương nhân Trung Quốc chế biến hợp khẩu vị người tiêu dùng, và tất nhiên giá bán rất cao so với giá xuất.

Xã Phước Diêm (Ninh Phước, Ninh Thuận) có 3.408 hộ, tính cả người tạm trú có gần 30.000 người, vì nghề đánh bắt, chế biến hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá thu hút số lượng lớn lao động các nơi tụ về.

Tỷ lệ hộ nghèo ở đây vào khoảng ba phần trăm, được xem là thấp nhất tỉnh Ninh Thuận.

Chuyện kể, thuyền đánh cá của ngư dân neo cạnh các tàu lớn trong vịnh Nha Trang. Đêm, tàu lớn pha đèn canh gác, ngư dân thèm thuồng nhìn từng đàn cá mực nổi lên bơi quanh.

Hóa ra, ánh sáng đèn đã quyến rũ nhiều loại cá từ lòng biển trồi lên, từ xa tụ về. Từ sự kiện này, nghề Pha - Xúc cá ra đời ở Nha Trang nhưng được cải tiến và trở thành một nghề truyền thống tại Cà Ná.

Phương Thảo

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang