• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Săn “trâu mộng” dưới đáy sông Đà

Nguồn tin: VTC, 31/08/2009
Ngày cập nhật: 3/9/2009

Mấy năm nay, cá lăng, chiên có giá rất cao. Một con chiên, lăng có thể có giá bằng cả một con trâu mộng, nên bà con thường gọi loài “quái vật” sông Đà này là “trâu mộng sông Đà”.

Đoạn sông Đà chảy qua xã Liệp Tè thuộc huyện Thuận Châu (Sơn La), vùng đất giáp với huyện Quỳnh Nhai được coi là vựa cá chiên, lăng, quất, dầm xanh… toàn những loài cá quý hiếm, sống trong vùng nước dữ. Trong đó, nổi tiếng nhất ở khu vực này là cá chiên, bởi chúng rất lớn và có thân hình hết sức kỳ quái, thịt lại rất ngon.

Như lời ông Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Liệp Tè Lò Văn Sáy, dưới lòng sông Đà đoạn chảy qua xã, đặc biệt là bản Pá Màng rất sâu, nhiều vụng xoáy, hang động lớn dưới đáy sông, nên là nơi lý tưởng để “quái vật” cá chiên, lăng trú ngụ.

Đồng bào Thái, Khơmú sống bằng nghề đánh cá dọc sông Đà coi “quái vật” cá chiên là loài cá đặc biệt, nó như loài cá nguyên thủy cổ xưa còn sót lại bởi hình thù kỳ quái, trọng lượng khổng lồ và khôn ranh như quái vật thành tinh.

Đồng bào tin rằng, loài cá này cũng như con người, chúng coi hang động như nhà ở. Chúng cứ sống trong những cái hang sâu nhất, nước chảy dữ nhất, đến khi nào già, chết thì thôi. Mà chả ai lặn xuống được những cái hang dưới dòng nước xiết ấy để bắt, nên tuổi thọ của chúng đến vài chục năm và trọng lượng nặng đến 50 - 60kg là chuyện bình thường. Thậm chí, nhiều con "cụ kỵ" nặng đến cả tạ.

Những con cá chiên khổng lồ có hình thù không khác gì “quái vật”. Cái đầu nó to đùng, bè ra, mốc thếch như một phiến đá. Toàn thân da nhẵn không vẩy, nhưng xù xì u mấu như khúc gỗ và màu sắc loang lổ trông phát sợ.

Bà con người Thái ở Liệp Tè là những người có kỹ nghệ săn cá chiên giỏi nhất vùng sông Đà. Đi thuyền dọc sông Đà, có thể thấy những cái đăng khổng lồ giăng kín đoạn sông dùng để bắt cá lớn. Đăng lớn đến nỗi tưởng như có thể nuốt chửng cả con thuyền đuôi én.

Tuy nhiên, những cái đăng lớn đó chỉ săn được loài cá khác, hoặc những con lăng, chiên nhỏ ham chơi, mải nô đùa với dòng nước nên bị lạc vào, chứ khó có thể tóm được những “quái vật” đã “thành tinh”.

Để săn được cá chiên lớn, đồng bào nơi đây phải chế tạo ra những bộ cung tên đặc biệt, có thể bắn được dưới nước. Mũi tên bằng đồng, có ngạnh và được nối với một sợi dây rất bền. Những thợ lặn chịu được sức ép lớn sẽ lặn xuống đáy sông, mò vào hang rồi ngắm bắn chính xác vào phần gáy của “quái vật”.

Những cao thủ lặn sâu cũng có thể dùng lao để đâm “quái vật” như thợ săn cá voi, cá mập ngoài biển cả. Tuy nhiên, cách săn này chỉ áp dụng với mùa khô, nước chảy hiền hòa, trong vắt và ở những vùng nước cạn. Với chỗ nước sâu, hang sâu ngoắt ngoéo, là nơi trú ngụ của cá lớn thì không thể lặn xuống được. Trong khi đó, chỉ vào mùa lũ, nước chảy mạnh, mới là mùa săn cá chiên khổng lồ.

Để tóm được “quái vật” khổng lồ, thường chỉ có cách rải lưỡi câu. Lưỡi câu “quái vật” là bí quyết của đồng bào ở Liệp Tè mà không ai tiết lộ. Để kéo được loài cá khổng lồ, hung dữ, rất khỏe này, lưỡi phải vô cùng sắc lẹm và cứng. Người ta kể rất nhiều câu chuyện về bí quyết rèn thép để tạo ra những cái lưỡi săn “quái vật”. Tuy nhiên, theo ông Sáy, người Thái ở đây cũng không rèn nổi loại thép cứng chịu được sức mạnh của cá chiên.

Lưỡi câu cá chiên được làm từ dây cáp neo những con tàu hàng vạn tấn. Những sợi cáp này to bằng nan hoa xe máy và độ cứng thì khủng khiếp. Khi mua được những sợi cáp, thợ rèn sẽ mài dũa, uốn gò thành những chiếc lưỡi câu dài cả gang tay, vô cùng sắc lẹm. Những chiếc lưỡi này cứng đến nỗi treo lủng lẳng cả một con lợn mà không oải.

Lưỡi câu được buộc vào những sợi dù rất chắc, dài cả trăm mét. Mồi câu là những con cá trắm, mè, nặng chừng 1 - 2kg đã chết thối, bốc mùi tanh, hoặc nguyên một cái gan lợn. Đêm đêm, khi nghe thấy tiếng đớp mồi đôm đốp ngoài sông, là chắc chắn có cá chiên khổng lồ đi kiếm mồi. Đồng bào chỉ việc ném mồi ra giữa sông, nhằm những chỗ sâu nhất, có hang động, rồi vào bờ ngồi. Khi nào thấy dù căng veo véo thì ra sức kéo “quái vật” vào bờ. Giống cá chiên đã đớp mồi thì nuốt chửng nên không sợ tuột, chỉ sợ chúng nghiến đứt dù hoặc lao mạnh làm oải lưỡi mà thôi.

Ông Sáy kể rằng, chục năm trước, mỗi tối, thanh niên bản Pá Màng đều “dô hò” kéo từ lòng sông lên ít nhất một con chiên khổng lồ, con nào con nấy dài đến 2-3m, nặng 50-70kg. Điều đặc biệt là khi săn được cá lớn, thú lớn, người ta xẻ thịt chia đều cho nhau và cùng thưởng thức vui vẻ. Đồng bào ở hoang vu này vẫn giữ được nếp sống thuở xưa.

Ngày đó, cá chiên nhiều đến nỗi, ăn không xuể, bán không ai mua, “xuất khẩu” thì không được vì đường đi rất khó khăn, nên đồng bào Thái nơi đây đã nghĩ ra món cá chiên muối chua, dùng để ăn dần. Sau này, món cá chiên muối chua đã nổi tiếng khắp huyện Quỳnh Nhai. Bản thân tôi đã từng được thưởng thức món này ở chợ huyện Quỳnh Nhai. Tôi rất ngạc nhiên là đồng bào bày bán hàng thùng cá chiên chua giữa chợ với giá rẻ như cá đồng, trong khi ở miền xuôi lại rất đắt.

Tuy nhiên, đó là chuyện của vài năm trước, giờ đây, loài cá chiên khổng lồ, được gọi là “quái vật” sông Đà đã ngày một cạn kiệt. Ngay cả vùng được gọi là “mó cá” ở Liệp Tè, việc săn được con cá chiên cỡ 50kg là rất khó khăn, có khi cả năm chỉ kiếm được vài con.

Từ ngày đường sá lên Quỳnh Nhai thuận lợi, loài cá này lại là đặc sản ở miền xuôi, lái buôn tìm lên thu mua với giá rất đắt, nên đồng bào đổ xô ra sông thả mồi, cắm đăng, quăng lưới, giăng bẫy...

Một con cá chiên còn sống, có thể bán với giá 400 ngàn đồng/kg. Như vậy, một con cá chiên cỡ 40 kg, đã có giá 16 triệu đồng, bằng một con trâu mộng!

Cá lăng tuy nhỏ hơn cá chiên, song nó có giá 500 - 600 ngàn đồng/kg, nên giá trị của một con cá lăng cỡ 20kg cũng tương đương một con trâu. Thế nên, giờ đây, thay vì gọi loài cá khổng lồ, ăn cả thịt người này là “quái vật”, thì đồng bào gọi nó là “trâu mộng”. Nhiều thợ săn cá đã xây được nhà, sắm được xe, trở nên khá giả vì nghề săn cá chiên, lăng dọc sông Đà.

Phạm Ngọc Dương

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang