• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hải Phòng: Những “ông trâu” ở Đồ Sơn

Nguồn tin: Báo Hải Phòng, 27/08/2009
Ngày cập nhật: 28/8/2009

Khi trời sắp vào thu cũng là lúc Đồ Sơn (Hải Phòng) bước vào mùa lễ hội chọi trâu. Hiếm có lễ hội nào của Việt Nam được chuẩn bị công phu như hội chọi trâu Đồ Sơn.

Cả gia tộc chơi

“Đã chơi trâu chọi là xác định phải lỗ vốn tiền trăm triệu nếu trâu không được giải. Nhiều người phải rút lui sau hai năm tham dự” - ông Đinh Đắc Xề, sinh năm 1930, người phường Vạn Hương (quận Đồ Sơn) nói -“Một người chơi cũng không nổi mà phải cả nhà, thậm chí cả gia tộc đổ công sức, tiền của vào con trâu. Vì thế, trâu Đồ Sơn quý như vật báu, liên quan đến màu cờ sắc áo của cả gia tộc”. Ông Xề là một trong những người chơi trâu chọi đầu tiên của Đồ Sơn và là một trong những người giành được nhiều giải thưởng trong suốt 20 năm lễ hội (lễ hội được khôi phục từ năm 1990). Những năm trước, thửa một “ông” trâu chọi tốn kém khoảng 30 – 50 triệu đồng. Những năm gần đây lên đến 60 – 70 triệu đồng. Chưa kể công phu đi chọn trâu từ các vùng rừng núi xa xôi, có khi sang cả nước ngoài, rồi công chăm sóc, huấn luyện.

Người Đồ Sơn giọng nói sang sảng, bước đi chắc nịch. “Từ đứa trẻ con đến người già, đang ăn cơm mà nghe thấy có ai gọi đằng kia có hai con trâu chọi nhau là phải bỏ cả ăn để chạy đi xem. Không phải riêng tôi, con tôi mà kể cả thằng cháu 4 tuổi cứ nhìn thấy trâu là ra ôm đầu, đút ngọn mía cho trâu ăn”, ông Lê Bá Tuyền, 70 tuổi, ở Phường Ngọc Xuyên, chỉ vào cháu 4 tuổi đang đứng trước đầu trâu vô địch năm 2007 khoe.

Hầu hết những người có trâu vô địch có thâm niên chơi trâu chọi. Ở Đồ Sơn, nhắc đến chọi trâu, người ta sẽ nói ngay tên ba bậc lão làng thường xuyên có trâu vô địch là ông Xề, ông Tuyền, ông Thức (tất cả trên dưới tuổi thất thập). Những gia đình này đều có ba thế hệ chơi trâu chọi. Điều đặc biệt là nhà nào cũng có một người con trai thành đạt trong xã hội được chọn theo nghiệp chơi của bố. “Người kén trâu và trâu kén người. Người có con mắt, có mối quan hệ rộng, có đủ tiềm lực tài chính mới đi lùng được trâu hay. Trâu hay cũng kén người huấn luyện tốt, bản lĩnh vì nguyên tắc là trâu hay thường là những con chưa thuần”, ông Xề cho biết. Trong 7 người con của ông, chỉ có anh Đinh Đắc Đoàn, sinh năm 1965, là theo nghiệp bố được. Tương tự thế, nhà ông Tuyền, chỉ có người con cả Lê Bá Ngọc (40 tuổi) là học được hết các ngón nghề của bố.

Người chơi trâu có vai trò vừa như một huấn luyện viên, vừa như một bà mẹ chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ của đứa con cưng. Nết ăn nết ngủ của trâu cũng phải nắm rõ. Ngắm chuồng trâu của nhà ông Tuyền thấy người Đồ Sơn nói không ngoa: “làm chuồng trâu công phu hơn làm nhà”. Chuồng phải bảo đảm thoáng về mùa hè, ấm về mùa đông, chắc chắn, đặc biệt phải xây cách ly. Chơi trâu là một “nghề chơi” quý tộc của những người nông dân đi biển, cày ruộng chính hiệu. “Khi được giải vô địch thì sướng hết cỡ. Năm 1993, trâu của tôi vừa giành giải vô địch lúc trưa, tối đã thấy hình ảnh của mình trên kênh ti vi của nước ngoài”, ông Tuyền khoe. Cả thế giới biết người nông dân, con trâu Việt Nam không chỉ biết cày ruộng mà còn biết tạo ra những giá trị văn hóa đặc sắc.

Nỗi lòng người chơi trâu chọi

Có hai vấn đề liên quan đến hội chọi trâu Đồ Sơn mà những người quản lý văn hóa và người dân Đồ Sơn quan tâm: có nên thương mại hóa lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không? Hội chọi trâu phải được xem là bản sắc văn hóa riêng của người dân Đồ Sơn.

Theo phản ánh của người dân, tiếng là lễ hội của dân nhưng người dân giờ muốn tham gia phải mua ít nhất 50.000 đồng/vé vào xem. Người nghèo khó có thể xem lễ hội. Vấn đề phân bổ trâu chọi cũng làm nhiều người bức xúc. “Tổng số trâu tham gia hội chọi trâu là 32 con, qua vòng loại còn 16 con. Tất cả các “ông” trâu từ vòng ngoài đến vòng chung kết đều thi đấu thực sự. Trước đây, mỗi trâu tham gia lễ hội đều được quận cho tiêu chuẩn 500.000 đồng, bất kể trâu có giải hay không. Khi vào được vòng đấu sâu hơn, mỗi đầu trâu được tiếp 1 triệu đồng. Còn các phường cũng cho mỗi đầu trâu một cái lễ động viên tùy từng vòng loại. Nhưng giờ trâu vào chọi được đã không được động viên thì thôi, lại phải chịu các khoản: thuế sát sinh, bảo hiểm, chuồng trâu, thú y, nơi giết mổ, lệ phí thu cụm dân cư, phường, tổng cộng 8 khoản thu khoảng 7 triệu. Mà đây là sân chơi của dân. Chúng tôi rất bức xúc”, ông Lê Bá Tuyền cho biết.

Mỗi “ông” trâu tham gia lễ hội, người chơi phải đầu tư ít nhất 50 triệu đồng, tổng cộng 32 trâu là 1,6 tỷ của người dân. “Cái gì làm nên lễ hội? Là 32 con trâu. Người dân đóng góp vào trong khi quận thu vé, thu tiền tài trợ”, ông Tuyền cho biết. Trên nguyên tắc, tiền lễ hội (thu từ tiền vé, tiền tài trợ) phải chi cho lễ hội, mà làm nên lễ hội có phần rất lớn của những “ông” trâu và người nuôi trâu. Quận chỉ chi cho tất cả các phường 30% tổng thu của lễ hội. Chi cho các giải thưởng (khoảng 50 – 60 triệu đồng, bằng chi phí đầu tư một trâu tham gia lễ hội)!

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được nhắc đến là 1 trong 15 lễ hội cấp quốc gia, nhưng chưa có văn bản công nhận chính thức. Đó là điều người dân thấy băn khoăn. Vì khi chưa được công nhận, sẽ có nhiều nơi nhái hội chọi trâu và vấn đề bản sắc sẽ không được bảo vệ. Hiện tại trên toàn quốc đã có 4 nơi có hội chọi trâu: một ở thành phố Hồ Chí Minh (đã tan rã), Hải Lịu (Vĩnh Phúc), Tuyên Quang và Đồ Sơn. Nhưng không nơi nào có truyền thống như ở Đồ Sơn, trong khi người Đồ Sơn không thể bảo vệ được bản quyền vì không có cơ sở hành lang pháp lý.

“Chơi trâu bây giờ không sướng như ngày xưa vì con trâu phải cõng nhiều thứ giảm đi tính linh thiêng của lễ hội”, ông Lê Bá Tuyền nói.

Linh ứng

Theo những câu chuyện người Đồ Sơn kể lại, từ thời xa xưa, có một vị thần chứng kiến cuộc chọi trâu dưới biển. Sau đó, người dân coi trâu là sự linh ứng của thần linh, bảo vệ mùa màng. Lễ hội chọi trâu được tổ chức để tái hiện cuộc chọi trâu dưới biển và cầu mong mùa màng bội thu, người đi biển được bảo vệ an lành. Người Đồ Sơn gọi trâu là “ông trâu” để tỏ lòng kính trọng. Đền thờ vị thần chứng kiến cuộc chọi trâu trên biển được gọi là đền Nghè.

Những “ông” trâu đoạt giải nhất đều phải giết để, cúng tế thành hoàng làng. Ông Lê Bá Tuyền kể: “Năm đầu tiên trâu số 20 của tôi đoạt giải vô địch là 1993. Tôi không nỡ giết ông trâu mình yêu quý nên dùng một cái đầu lợn để cúng tế thành hoàng làng. Tôi đã khấn thần linh cẩn thận. Nhưng những năm sau đó, dù trâu của tôi có chọi hay cỡ nào cũng không thể đoạt chức vô địch. Mãi đến năm 2005, nghĩa là một giáp sau đó, lại một con trâu số 20 nữa của tôi đoạt chức vô địch. Tôi cúng tế thần linh cẩn thận bằng đầu ông trâu đó. Chỉ hai năm sau, năm 2007, tôi lại có trâu vô địch”. Người dân Đồ Sơn rất tin vào sự linh thiêng của những “ông trâu” tham gia lễ hội.

Hội chọi trâu Đồ Sơn giờ đang nhộn nhịp vào mùa.

Đặng Minh

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang