• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Ngãi: Lên non săn mật ong rừng

Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi, 23/08/2009
Ngày cập nhật: 24/8/2009

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên giới thiệu công dụng của mật ong đối với sức khỏe con người. Do đó, nhu cầu sử dụng mật ong ngày càng nhiều. Có cầu ắt sẽ có cung, nhiều người đã cất công lên rừng tìm đốt tổ ong, lấy mật .

Hành trình tìm ong

Trong một bữa nhậu, tôi được nghe người bạn giới thiệu về công dụng của mật ong chữa được một số bệnh. Đặc biệt là mật ong rừng rất có giá trị. Người bạn này còn kể cho tôi nghe cách khai thác mật của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao với những chi tiết hết sức kỳ thú.

Thế là tôi quyết định làm một chuyến đi đến xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) để tìm hiểu thực hư. Với độ dài khoảng 15km, từ xã Phổ Ninh đi Ba Khâm, nhưng phải mất hơn 30 phút chúng tôi mới tới được tổ A Khâm, thôn Vảy Ốc.

Đầu tiên, chúng tôi ghé vào nhà anh Phạm Văn Ăn, 33 tuổi. Anh cho biết: Mấy bữa nay anh không có đi rừng, nên chẳng phát hiện được tổ ong nào cả. Chúng tôi nhờ anh giới thiệu gặp một số người dân ở gần đó để hỏi xem họ có phát hiện được tổ ong hay không. Tuy nhiên, khi biết ý định của chúng tôi, những người lớn tuổi không đồng ý.

Qua anh Ăn, chúng tôi được biết là họ kiêng cữ không đốt tổ ong khi có người lạ mặt. Cuối cùng, em Phạm Văn Thinh, 16 tuổi, đưa chúng tôi đi đốt tổ ong mà em vừa phát hiện cách đó khoảng 1 tuần.

Sau gần 30 phút đi bộ đường rừng với độ dài khoảng 3km, chúng tôi dừng chân dưới một thân cây lớn có đường kính khoảng 40cm, cách mặt đất chừng 10m là một tổ ong mật khá to.

Đoàn chúng tôi gồm có 4 người là anh Ăn, Thinh và tôi cùng một thanh niên nữa tên là Phạm Văn Chiếu. Cả 4 chúng tôi vội chia nhau đi bẻ lá cây tươi và thân sậy khô để bó đuốc. Đuốc để đốt ong là một bó to gần bằng bắp vế người lớn, có chiều dài khoảng 8 tấc. Bên ngoài được cột bằng lá cây tươi để tạo ra khói và làm cho thân sậy khô bên trong cháy chậm hơn.

Xua ong cướp tổ

Khi bó xong hai cây đuốc, cả Thinh và Chiếu liền cột dây và khoác đuốc lên người rồi leo lên cây. Anh Ăn còn gom một ụ rác khô và lá cây tươi khá lớn ở dưới mặt đất. Trên cây, cả Thinh và Chiếu đã châm đuốc. Lửa khói mịt mù. Anh Ăn cũng vội châm lửa hun khói ở bên dưới để xua đuổi đàn ong không tấn công chúng tôi.

Chiếc tổ ong lúc này được bao phủ một làn khói dày đặc hòa cùng với tiếng vù vù của đàn ong vỗ cánh. Vì quá mải mê với chiếc máy ảnh trong tay, nên tôi không hề trông thấy hàng trăm con ong đang ở trước mặt mình. Anh Ăn vội lao ra kéo tôi chạy vào sát cột khói.

Anh cho biết: Nếu như tôi đã bị một con đốt thì ngay lập tức cả đàn ong sẽ xông vào đốt tôi cho đến khi không còn đốt được nữa mới thôi. Bởi vì, trong cú đốt chí mạng, con ong sẽ vô tình lưu lại mùi hương hoa trên cơ thể của đối phương. Và cứ thế, cả đàn sẽ bao vây đánh cho tơi bời kẻ đã phá tổ của mình. Đã từng có nhiều người bị ong đốt đến chết hoặc phải đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Trên cây, cả Thinh và Chiếu đang huơ liên tục 2 cây đuốc nhằm xua đuổi đàn ong ra khỏi tổ. Nói là đốt ong, chứ thực ra chỉ là hun khói cho ong rời tổ. Nếu đốt, lửa cháy sẽ làm chảy bánh mật và mật sẽ bị đắng, không thể sử dụng được.

Chỉ sau khoảng 5 phút, cả đàn ong hàng vạn con bay đi hết. Chỉ còn sót lại vài con, có lẽ vì thương tiếc bầy ong non và tổ ấm của mình, nên bay lảng vảng xung quanh. Thinh và Chiếu vội cắt tổ bỏ vào bao ni-lông mang xuống đất. Chiếc tổ ong giờ đây chỉ còn trơ lại phần bánh mật và khoang chứa ong non.

Chúng tôi vội vã quay trở về. Đến nhà, anh Ăn vội lấy một tấm vải màn tuyn giặt sạch và phơi khô để dùng vắt mật. Anh dùng một lưỡi dao nhẹ nhàng cắt lấy phần bánh mật tách rời với khoang chứa ong non. Sau đó, anh bỏ phần bánh mật vào trong tấm vải màn tuyn, rồi dùng tay bóp mạnh để mật chảy xuống chiếc chậu đựng phía bên dưới.

Không như dự tính ban đầu, chiếc tổ ong chỉ cho chưa đầy 2 lít mật. Mật ong là một thứ nước màu vàng, sền sệt, có vị ngọt dịu, mang mùi hương của cả trăm loại hoa. Để có được những giọt mật như thế này, cả đàn ong phải làm việc cật lực trong khoản thời gian từ 12 - 15 ngày. Phần còn lại của tổ ong là khoang chứa ong non cũng được anh Ăn bỏ vào xoong xào với rau cải và gia vị để làm mồi nhắm rượu.

Chuyện ghi bên giọt mật

Khi hỏi chuyện về kinh nghiệm theo dấu ong bay để tìm đến tổ, anh Ăn cho biết: Khi quan sát thấy ong lấy nước hoặc lấy phấn hoa, mà bay theo hướng lên cao thì tổ ong đóng ở gần đó. Ngược lại, nếu ong bay theo chiều nghiêng sau khi lấy nước hay phấn hoa thì tổ ong đóng cách đó khá xa. Anh còn giảng giải cho tôi một số phương pháp phát hiện ra tổ khi ong bay theo đường xoắn. Nhưng với những kiến thức ấy, thì một người ngoại đạo như tôi không tài nào nhớ nổi.

Còn về thời điểm để lấy được nhiều mật và chất lượng mật tốt nhất thì rất khó có thể giải thích bằng lời. Theo anh, đó chỉ là kinh nghiệm nhận biết của từng người. Không phải cứ thấy tổ ong mới đóng thì sau 12 hoặc 15 ngày là có nhiều mật và chất lượng mật cũng đạt tốt nhất. Hoặc giả tổ ong có thể tích khối bao nhiêu thì cho nhiều mật. Điều đó còn phụ thuộc vào thời tiết, độ ẩm và chu kỳ sinh nở của ong non.

Anh bật mí cho chúng tôi một phương pháp bí truyền. Đó là mỗi khi thấy ong bắt đầu làm tổ, anh dùng rựa chặt ngang cây chuối trước nhà, nếu thấy chồi cây chuối bị chặt vươn lên đến lá thứ 3, thì đó là lúc lấy mật tốt nhất.

Khi tôi hỏi là có khi nào anh phát hiện tổ ong mà người khác lấy mất mật không? Anh cho biết: Khi phát hiện tổ ong, người dân ở đây thường bẻ một nhánh lá bỏ vào gốc cây bên dưới tổ hoặc dùng một sợi dây rừng quấn ngang thân cây. Đó là dấu hiệu tổ ong đã có người nhìn thấy. Nếu ai cố ý lấy mật mà bị phát giác, thì phải trả lại số mật đã lấy được. Còn những năm trước đây, những trường hợp như vậy sẽ bị làng xử phạt. Mức độ xử phạt nặng hay nhẹ tùy vào từng trường hợp gia cảnh cụ thể.

Thay cho lời kết

Mùa lấy mật của đồng bào dân tộc thiểu số bắt đầu từ tháng 2-9 âm lịch. Trong khoảng thời gian này, ngoài việc lên rẫy, bà con dân tộc thường đi vào rừng để tìm mật ong.

Theo anh Phạm Văn Gây - Trưởng Ban Tư pháp xã, thì hầu hết người dân trong thôn A Khâm nói riêng và xã Ba Khâm nói chung đều tham gia khai thác mật ong rừng. Trung bình hàng năm, mỗi hộ gia đình khai thác được khoảng 10 lít mật. Có những hộ như anh Phạm Văn Ăn, Phạm Văn Chiếu, Phạm Văn Thinh, mỗi năm khai thác được khoảng 40 lít mật.

Ở thời điểm hiện tại, mỗi lít mật có giá dao động từ 120 - 150 ngàn đồng. Nếu chuyển xuống đồng bằng, thì mỗi lít mật có giá trị từ 250 - 300 ngàn đồng. Khoản thu nhập này đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện cuộc sống cho những người dân nơi đây.

Tuy nhiên, trước tình trạng khai thác kiểu “lấy mật, giết ong non” như trên, thì không bao lâu nữa số lượng ong rừng sẽ sụt giảm đáng kể. Và hậu quả là rừng sẽ thiếu vắng ong trong những mùa hoa.

Trang Thy

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang