• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

30 năm chăn bò giữa... Sài Gòn

Nguồn tin: Lao Động, 19/06/2009
Ngày cập nhật: 19/6/2009

Ông Bảy Lẫm, không phải lưu lạc trên đảo hoang, nhưng hơn cả Robinson Crusoe, ông có tới 32 năm chăn bò giữa chốn... Sài thành, nhưng lại gần như... cách biệt thế giới con người.

Anh chàng thuỷ thủ Robinson Crusoe trong tác phẩm văn học của nhà văn nước Anh Daniel Defoe (1660-1731) có hơn 28 năm lưu lạc trên hoang đảo, cách biệt thế giới loài người. Còn ông Bảy Lẫm, không phải lưu lạc trên đảo hoang, nhưng hơn cả Robinson Crusoe, ông có tới 32 năm chăn bò giữa chốn... Sài thành, nhưng lại gần như... cách biệt thế giới con người. Người dân địa phương ví ông Bảy Lẫm như là một "đặc sản" của vùng đất hoang hóa thơ mộng và hiếm hoi còn lại của TPHCM hiện nay...

"Gã chăn bò" ở cù lao Long Phước

Cù lao Long Phước rộng khoảng 400ha - hiện nay thuộc quận 9, TPHCM - từ bao đời nay được bao bọc bởi một hệ thống kênh rạch chằng chịt của hạ lưu sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Nằm cách trung tâm quận 1 chỉ khoảng 15 cây số; thế nhưng, cù lao này gần như là một... đảo hoang.

Phải đợi gần nửa ngày trời, ông Hai Ký - chủ nhân khu du lịch Vườn Cò - mới kiếm được một chiếc tắc ráng chạy máy, chở tôi qua bên kia sông Tắc, tức cù lao Long Phước - để được gặp "gã chăn bò" hơn 30 năm cho gia đình ông Hai Ký.

Dòng sông rộng, nước chảy xiết, từng mảng lục bình trôi bềnh bồng khắp mặt sông. Ước chừng phải gần nửa tiếng đồng hồ, chiếc tắc ráng mới luồn lách trót lọt, đưa tôi cập bến cù lao Long Phước. Trước mặt tôi, cả một vùng mênh mông trời, đất, nước, cỏ cây... hoang hóa, đẹp như trong tranh vẽ. Thi thoảng, dăm bảy cánh cò chao liệng, cất lên tiếng kêu làm xao xác cả một vùng...

Tiếp tục lội bộ sâu vào cù lao, tôi mới tới được cánh rừng tràm kề bên một trảng cỏ xanh rì. Nơi đó, đàn bò gần 30 con của gia đình ông Hai Ký đang đủng đỉnh ăn cỏ. Hai cậu bé lái chiếc tắc ráng vác trên vai 2 bao thực phẩm, thoăn thoắt men theo con đường mòn dẫn về một túp lều lợp bằng lá dừa nước.

Một cậu rú lên như tiếng vượn hú giữa rừng. Bất ngờ, giọng một người đàn ông từ trong bụi rậm phát ra: "Ai vậy ?". Một trong hai cậu bé dẫn đường nói với tôi: "ÔÍng Bảy đang ở đó. Chú tới gặp ổng đi". Xong, hai cậu bỏ tôi một mình và mất dạng trong cánh rừng tràm.

Tôi cố căng mắt tìm, vẫn chưa thấy ai... Tôi cất tiếng: "Chú Bảy Lẫm phải không ? Chú ở đâu ?". "Tôi ở đây" - tôi giật mình quay lại phía sau; thì ra ông ta đang ở gần bên, phía sau lưng tôi.

Một ông già hom hem, tuổi độ thất thập, đang nằm đong đưa trên chiếc võng buộc giữa hai cây tràm to đùng. Vẫn ngồi trên võng đung đưa, ông Bảy Lẫm nói: "Lâu lắm rồi, mới có... người lạ như chú ghé thăm tôi".

Bằng từng tiếng đứt quãng, ông Nguyễn Văn Lẫm - tức Bảy Lẫm - kể cho tôi nghe về cuộc đời... chăn bò hơn 30 năm của ông, trên chính vùng đất mà ông đang... ngồi đong đưa võng một cách bình thản, giữa bốn bề mây trời, sông nước v.v...

Quê ông ở tận Cần Giờ, cách cù lao Long Phước chỉ độ 60 cây số. Ngày xưa, ông cũng có một gia đình, một vợ và 6 con. Thế nhưng, vào năm 1977, không hiểu "tẩu hỏa nhập ma" thế nào, trong một lần đi nhậu rượu về, gây gổ với vợ con, ông bỏ nhà ra đi, đi luôn. Từ Cần Giờ, ông tha phương đến cù lao Long Phước làm thuê cho đủ thứ người...

Rồi tới lượt gia đình ông chủ Vườn Cò thuê ông giữ bò... Kể từ đó, ông Bảy Lẫm trở thành một gã chăn bò thực thụ cho gia đình ông Hai Ký. Thỉnh thoảng, vào dịp giỗ cha mẹ, ông mới xin Hai Ký về Cần Giờ ít ngày. Còn lại, hầu hết thời gian hơn 30 năm qua (1977-2009), "gã chăn bò" này không bao giờ rời khỏi cù lao Long Phước.

Nếu như xưa kia, ở bên kia tây bán cầu, có những chàng cao bồi ngày ngày cưỡi ngựa chăn hàng chục ngàn con cừu, thì "gã chăn bò" Bảy Lẫm ở cù lao Long Phước lại gần với phương Đông hơn. Không ngựa, chẳng cưỡi bò, hàng ngày ông cầm cái roi tre, đội chiếc nón lá, khoan thai bước thấp bước cao trên đường đất, sáng lùa bò đi, chiều thúc bò trở về chuồng...

Khi tôi hỏi: "Có bao giờ chú vô Sài Gòn (tức trung tâm quận 1) chơi không ? Bởi Sài Gòn kề bên, cách đây có mười mấy cây số, mà chú quanh năm suốt tháng ở cù lao này, buồn chết !". Ông Bảy Lẫm trầm ngâm... lắc đầu: "Tôi chưa bao giờ vô Sài Gòn. Nghe người ta nói trong đó người đông đúc, ồn ào lắm... Nhưng tôi không thích đám đông. Tôi chỉ thích sống như thế này" - ông Bảy Lẫm vừa trả lời, vừa đứng dậy vung cây gậy quơ một vòng cung lên khoảng không bao la phía trước.

Dứt lời, ông đưa 2 bàn tay che miệng... é...ọ... é... ọ... Lập tức, đàn bò gần 30 con lớn bé lũ lượt rời trảng cỏ xanh, con nào cũng bụng no kềnh càng. Thật chậm rãi, không cần ông Bảy dẫn đường, đàn bò thong thả trở về nơi trú của chúng là dãy nhà lợp tôn cũ kỹ nằm sát mé sông.

Ông Bảy Lẫm mời tôi vào túp lều lợp lá mà ông đã ở hàng chục năm. Túp lều rộng khoảng 10m2, bên trong chỉ thấy một cái giường tre đặt kề bên cái bàn tre. Phía trong góc lều là ổ gà đang ấp. Treo lủng lẳng giữa lều là một bị đựng thịt heo, đồ khô, mắm muối... Góc lều là chum gạo... Tất cả lương thực, thực phẩm do ông Hai Ký bên kia sông tiếp tế. Ông Bảy Lẫm chỉ việc tự nấu nướng ăn.

Trong túp lều lá ấy, ông Bảy cho biết, cái đáng giá và tân tiến nhất ông hiện có là cái radio cũ kỹ, cái đèn pin và chiếc đồng hồ treo tường. Hàng đêm, ông mở radio nghe cải lương dưới ánh đèn dầu, trong tiếng tích tắc... tích tắc... của chiếc đồng hồ treo trên tường. Hết năm này sang năm khác, hơn 30 năm qua, những sinh hoạt ấy của ông vẫn không thay đổi. Không cần đèn điện, chẳng coi truyền hình, không biết điện thoại di động hay máy tính là gì...

Ông Bảy Lẫm như một Robinson sống tách biệt, xa hẳn con người trong hàng chục năm dài đằng đẵng. Không hề trách móc số phận đẩy đưa, khiến ông phải làm kiếp chăn bò trên cù lao hoang hóa hơn 30 năm qua, ông Bảy Lẫm chỉ tâm sự rằng: "Cô đơn thật, thậm chí cả tháng, không thấy một bóng người. Muốn nói, chẳng biết nói với ai, ngoài độc thoại một mình cùng với đàn bò, lũ chó và mấy con gà. Nhưng có điều, sống như thế này, tôi chưa bao giờ ngã bệnh, cho dù đã xêm xêm... 70 tuổi".

Tuy nhiên, theo lời ông kể, có một đêm mưa tầm tã, gió mưa vần vũ, sấm sét nổ vang trời. Một thân một mình nằm vùi trong một mớ chăn màn hôi hám, ông bị trúng gió... "Tưởng chết mất rồi, nhưng may quá, nhờ chai dầu khuynh diệp. Tôi tự mình cạo gió, xoa xứt tứ tung, miễn sao cho ấm lại toàn thân. Nào ngờ... nóng người lại thiệt và hết trúng gió" - ông Bảy Lẫm nói.

"Đặc sản" du lịch, tại sao không?

Chị H.T (40 tuổi) - con gái thứ ba của ông Hai Ký - xởi lởi chẳng khác gì người miền Tây, cho tôi biết: "Chú Bảy Lẫm sống với gia đình tui nay hơn 30 năm. Mặc dù chú ấy là người làm công, lương trả cho chú hơn 1 triệu đồng/tháng; nhưng cả nhà tui coi chú ấy như người trong nhà vậy mà. Quanh năm suốt tháng, chú ấy không hề bước ra khỏi cù lao. Chú ấy chỉ biết có đàn bò mà thôi. Ngay như tui, cả năm mới gặp chú ấy một, hai lần, chỉ khi nào qua cù lao".

Đối diện cù lao Long Phước, bên kia sông Tắc là phường Long Thạnh Mỹ. Giờ đây, suốt chiều dài con đường Nguyễn Xiển, đâm xuyên qua hàng loạt phường xã của quận 9, mọc lên khá nhiều khu du lịch sinh thái. Trong đó, khu du lịch Vườn Cò của ông Hai Ký là nổi tiếng nhất.

Không chỉ nổi tiếng với Vườn Cò, ông Hai Ký hiện còn được nhiều người biết đến như một chủ trang trại nuôi heo rừng có tiếng giữa... thành phố Sài Gòn. Tuy nhiên, một người dân địa phương tiết lộ: "Ông Hai Ký còn có trong tay một "đặc sản" hết sức kỳ thú - đó chính là "gã chăn bò" 30 năm cho gia đình ông". Song, dường như ông chủ Vườn Cò không bao giờ nghĩ tới điều này. Nói như con gái ông Hai Ký, "chú Bảy Lẫm như người trong nhà vậy mà".

Ông Bảy Lẫm kể rằng: "Có người qua cù lao gặp tôi, thấy cuộc sống thui thủi một mình của tôi giữa cù lao hoang hóa, họ tò mò, liệu tôi có quên... đàn bà hay không ? Thật ra, cách đây khoảng 20 năm, tôi cũng có... mèo (người tình) chứ bộ !".

Mối tình của "gã chăn bò" với một bà sồn sồn độc thân diễn ra giữa chốn cù lao mênh mông sông nước, hoang dã, lấm láp bùn đất kéo dài không được bao lâu. Trong một lần cãi nhau, người đàn bà ấy đã chém "gã chăn bò" bị trọng thương phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Nằm viện không đầy một tháng, ông Bảy Lẫm nhớ đàn bò, bèn trốn viện, tìm cách bơi qua sông, tìm về túp lều và đàn bò trên mảnh đất cù lao vắng vẻ bóng người. Từ dạo đó tới nay, ông Bảy Lẫm càng co mình lại ở cù lao. Ông cho biết: "Mười mấy năm trước, tôi cũng vài ba xị đế mỗi ngày. Nhưng hiện nay, tuổi già sức yếu, tôi không uống rượu nữa. Nhằm khi hứng chí bất tử, cũng rót vài ly ngâm chuối hột, lai rai, xung quanh chỉ toàn chó, gà quấn quýt...".

Chia tay ông Bảy Lẫm - "gã chăn bò" ở cù lao Long Phước - lòng tôi bâng khuâng một nỗi niềm khó tả. Vẫn biết người ta gọi ông là "Robinson"; nhưng, ông không hẳn là Robinson, mà cũng không hoàn toàn đúng nghĩa với bất kỳ biệt danh nào, do mọi người ví tặng. Cuộc đời hơn 30 năm chăn bò ở cù lao Long Phước hoang hóa, với bao nhiêu biến cố cay đắng; dường như khiến cho ông lão chăn bò này thêm dạn dày, trơ cứng với thời gian...

Song, người ta cũng có lý, khi cho rằng "gã chăn bò" có thâm niên hơn 30 năm là một "đặc sản" hiếm hoi của vùng đất cù lao này. Cả một vùng ven sông của quận 9 - TPHCM đang từng ngày lột xác để trở thành một vùng du lịch sinh thái kéo dài từ phường Long Trường, cầu Trường Phước cho đến phường Long Thạnh Mỹ v.v... Vì vậy, việc đầu tư, biến 400 ha đất cù lao Long Phước trở thành điểm nhấn du lịch cho quận 9 cũng là việc nên làm. Một khi dự án này trở thành hiện thực, biết đâu "gã chăn bò" Bảy Lẫm, cùng đàn bò và túp lều lá mà ông Bảy Lẫm đã sống hàng chục năm, lại trở thành một điểm đến của du khách gần xa.

Cao Nguyễn Hoàng Hưng

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang