• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Theo chân những thợ săn chuột người Chăm ở Khánh Hòa

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 11/06/2009
Ngày cập nhật: 15/6/2009

Chỉ trong 4 ngày, toán thợ săn chuột người Chăm gồm 4 người đã làm nên “kỳ tích” với chiến lợi phẩm thu về hơn 1.000 con chuột. Kết quả này vượt ngoài sự mong đợi của chính quyền, Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) và bà con nông dân xã Ninh Ích (Ninh Hòa) trước tình trạng lúa và hoa màu bị chuột tàn phá…

° Đêm trắng cùng những thợ săn chuột

Anh Thúc đưa tôi băng qua con đường bê tông liên thôn, đến Thủng ông Tân - nơi toán săn bắt chuột (SBC) người Chăm đặt “tổng hành dinh”. Thủng ông Tân là tục danh của vùng đất lúa - màu rộng hơn 5 ha thuộc thôn Phú Hữu. Bao bọc bởi 3 mặt là núi, sông, suối, quanh năm trồng nhiều loại lúa, hoa màu nên đây là vùng trú ẩn thích hợp của chuột. Sau cái bắt tay xã giao, anh Đổng Cầm, người lớn tuổi nhất và nhiều kinh nghiệm nhất cho biết chiều nay sẽ tổ chức “chiến dịch” truy quét chuột.

2 giờ chiều, khi cái nắng còn rát da, anh Cầm giục mọi người lên đường. Tiếng là mở chiến dịch nhưng “quân trang” cả toán chỉ có 4 cây đèn pin, mấy con dao nhỏ và 500 cái bẫy. Tôi và anh Thúc được ưu tiên đi theo anh Cầm. Mấy người chúng tôi chia nhau tản ra.

Với kinh nghiệm dày dạn hàng chục năm, anh Cầm băng đi trước, thỉnh thoảng dừng lại quan sát. Anh chỉ cho tôi thế nào là đường chuột đi, hang chuột đào, đường nào chuột đã bỏ, phân biệt vết gà bươi, vết rắn bò. Tôi quan sát thấy anh Cầm đặt bẫy ở vị trí thuận lợi nhất - nơi chuột sẽ đi vào “tròng” mà không sợ “tử thần” đang đợi mình.

Có chứng kiến sự phá hoại của chuột mới thấy nỗi xót xa của bà con nông dân và tin tưởng việc mời thợ săn chuột người Chăm hỗ trợ là có ý nghĩa. Ruộng lúa chưa đầy 20 ngày tuổi, chuột đã cắn phá, giày xéo tan nát. Anh Cầm chia sẻ kinh nghiệm: “Một con chuột chai (chuột choai), một đêm có thể cắn phá hơn 10m2! Chúng phá chứ không ăn. Chừng 10 ngày nữa, khi thân lúa ngọt hơn, chúng sẽ phá dữ hơn”.

Phải mất hơn 2,5 giờ, nhóm của tôi mới đặt hết 100 cái bẫy trên khu vực rộng vài ha, bạt ngàn lúa, bắp và đậu phụng. Nhưng đây mới chỉ là bước 1 - chọn vị trí đặt bẫy. Sau đó chúng tôi quay lại tiến hành bước 2 - gài bẫy. Anh Cầm hướng dẫn cho tôi cách gài. Kéo cần nhẹ nhàng, đưa cái cò bé tẹo đặt vào vị trí “tử huyệt”. Chỉ cần xê dịch nhẹ, 2 thanh tre trong khung chữ A khép lại nhanh như chớp, chuột sẽ bị nghiến chặt trong khung. Thật độc đáo, chuột dính bẫy mà không cần mồi nhử!

5 giờ chiều, công việc gài bẫy hoàn tất, cả nhóm tập trung về “tổng hành dinh” chuẩn bị cho bữa cơm chiều để lấy sức tối tiếp tục tập kích. Anh Cầm nói: “Thật tiếc là chưa có thịt chuột để lai rai”.

7 giờ tối, khi màn đêm đã bao phủ khắp vùng, tiếng ếch, nhái, côn trùng vang động, chúng tôi lại lên đường. Chiếc đèn pin bây giờ mới phát huy tác dụng. Và đây cũng là lúc chúng tôi phải thực hiện triệt để phương châm “đi không dấu, nói không tiếng”. Ra khỏi “doanh trại”, mới đi được 2 - 3 bờ ruộng, anh Cầm đã phát hiện con chuột dính bẫy đầu tiên. Một chú chuột to đang nằm kẹp chặt trong khung. Con chuột đã chết. Anh Cầm gỡ ra ném vào bao. Sau này anh mới “tiết lộ”, tùy tình hình có thể gài bẫy lại chỗ cũ hay di chuyển vị trí khác nhưng vào thời điểm từ 7 - 11 giờ tối, chuột dính bẫy nhiều nhất vì đây là lúc chuột tập trung chạy đi cắn phá. Số chuột bắt được có thể lên tới 60%…

9 giờ tối, chúng tôi hoàn tất việc thăm bẫy, quay trở lại doanh trại. Và “chiến lợi phẩm” lần đầu thu được quá bất ngờ: 32 trong tổng số hơn 90 con của cả toán! Thế là chúng tôi có một đêm thức trắng “lai rai” cùng thịt chuột…

11 giờ, rồi 3 giờ khuya chúng tôi tiếp tục thăm bẫy lần 2, lần 3 nhưng những lần này số chuột bắt được ít hơn. Đến sáng, khi thu bẫy về, số lượng chuột bị tiêu diệt, vừa lớn vừa bé cả thảy 152 con! Anh Thúc khen: “Nói thiệt, từ trước tới nay, ở đây chưa có ai bắt được số lượng chuột nhiều và nhanh như vậy. Đúng là không hổ danh những thợ săn chuột chuyên nghiệp đến từ xứ sở Chăm”.

° Đặc sản quê hương

Anh Cầm rít một hơi thuốc thật sâu, từ từ nhả khói rồi kể với giọng Việt còn cứng: “Quê tôi ở thôn Như Ngọc, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước. Đây là huyện có diện tích trồng lúa lớn nhất tỉnh Ninh Thuận. Trồng lúa thì chuột phát triển nên cái nghề săn bắt chuột cũng ra đời theo. Chúng tôi từ nhỏ đã biết đi bẫy chuột. Bẫy cũng được cải tiến dần. Xưa chỉ có một loại: bẫy dùng cần tre, nay thêm một loại nữa, dùng cao su thay tre cho đỡ tốn tre. Lớn lên, mỗi người mỗi nghề nhưng thỉnh thoảng thích vẫn rủ nhau đi bắt chuột về ăn, dư thì đem bán, coi đó như một thú vui…”.

Chuột đồng ở Ninh Thuận được xem như một thứ đặc sản, bán cả ở nhà hàng. Ở Ninh Phước có nhiều người biết bắt chuột và bắt có hiệu quả nên nạn chuột không hoành hành như ở Ninh Hòa. Có thể nói, thịt chuột đồng được xem như đặc sản, được chế biến thành nhiều món ngon như: nướng muối ớt, ram mặn, rô-ti… Nhóm của anh Cầm đang “sơ chế” 2 loại: tươi và khô. Mỗi lần đi săn chuột, nếu có người về ngay thì các anh sơ chế theo hướng tươi (nguyên con), hàng khô thì thêm muối ớt rồi phơi nhẹ. Hiện giá chuột tươi ở Ninh Thuận khoảng 30.000 đồng/kg; phơi khô: 5.000 đồng/con hay 100.000 đồng/kg.

Ngồi nhâm nhi miếng thịt chuột, quả thật hương vị chẳng kém gì thịt gà, có khi còn ngon hơn. Mềm, thơm, ngọt, thịt chuột thật không hổ với danh hiệu “gà đồng”. Anh Cầm cho biết, làm thịt chuột tuyệt đối không đụng tới nước, bởi có nước thịt sẽ tanh, khó ăn. Dùng rơm đốt, bỏ chuột lên trên, đợi đến khi da chuột cháy đen thì bóc da, móc hết nội tạng, chỉ lấy lại gan, tim, tinh hoàn và thịt, sau đó chế biến món tùy thích. Món này mà uống với rượu ngon, say lúc nào chẳng biết.

Đời săn chuột cũng nhiều kỷ niệm. Anh Cầm đăm chiêu: “Đáng nhớ nhất là lần đầu đi bẫy chuột ở Đức Linh (Bình Thuận). Mấy anh em đến ngã ba Ông Đồn đã 3 giờ chiều. Chờ xe Sài Gòn - Đức Linh không có, 5 giờ tụi tui đành đánh liều đi xe thồ cho kịp. Hết xe thồ lại qua đò. Từ nhỏ tới lớn có đi thuyền đâu? Đi thuyền cứ tròng trành sợ rớt xuống nước. Lần đó, cả bọn (12 người) ở lại một tuần lễ làm được cũng kha khá. Vừa có tiền bồi dưỡng, vừa có chuột đem về bán, không lỗ công…”.

Đây là lần thứ 3, toán săn chuột về Ninh Ích. Lần đầu, khi đi ngang đèo Rọ Tượng, các anh phát hiện vùng này xung quanh bao bọc toàn núi non, thung lũng ở giữa rất thích hợp với việc trú ẩn của chuột. Qua thời gian “trụ” lại ở đây, toán săn chuột rất cảm kích trước sự quan tâm của chính quyền nơi đây và tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu. Tuy nhiên, điều khiến các anh lo lắng là có một số người dân không hiểu công việc nên đã lấy bẫy của các anh về làm của riêng!

° Hơn cả mong đợi…

Nhìn đống chuột bắt được qua đêm, chị Kiều Thị Nương, Chủ nhiệm HTXNN Ninh Ích phấn khởi nói: “Những năm qua, nạn chuột phá hoại gây nhiều tổn thất cho HTX và bà con nông dân. Thiệt hại do chuột cắn phá lên đến 30% sản lượng. Tuy nhiên, việc diệt chuột phá hoại rất nan giải bởi hiệu quả còn thấp. Từ năm 2002 - 2004, HTX trích kinh phí mua 300 đồng/đuôi chuột; từ 2006 - 2007, mua 500 đồng/đuôi chuột nhưng sau mỗi vụ, số đuôi chuột thu được không quá 1.000. Hiệu quả không cao, chi phí nhiều nhưng thiệt hại vẫn lớn là nỗi lo của HTX và bà con. Tình cờ, xã phát hiện có nhóm săn bắt chuột người Chăm đến hoạt động trên địa bàn. Chúng tôi đã liên hệ và đề nghị hỗ trợ. Và kết quả thật tuyệt vời, hơn cả sự mong đợi…”.

Anh Thúc cũng không giấu được niềm vui: “Các cánh đồng của Ninh Ích bao bọc bởi núi non, gò bãi là nơi trú ẩn thích hợp của chuột. Hơn thế, vụ 12 và vụ 3 lại kế tiếp nhau nên rất khó đánh bắt chuột. Vụ Đông - Xuân vừa qua, sản lượng lúa Ninh Ích giảm gần 1/2 do chuột phá hoại. Xót xa cho bà con, chúng tôi đã mời toán thợ săn chuột người Chăm về hỗ trợ. Chỉ trong 4 ngày, toán thợ săn chuột này đã bắt được 1.000 con, bình quân nhóm tiêu diệt 100 - 200 con/ngày…”. Hiện xã đã mua 100 cái bẫy; chọn một số nông dân tập huấn sử dụng bẫy để thay thế nhóm trong thời gian tới, nếu chuột nhiều quá sẽ đề nghị nhóm hỗ trợ; xã phối hợp HTX bồi dưỡng cho nhóm 400.000 đồng… Trong thời gian tới, xã sẽ thành lập đội săn bắt chuột theo kiểu này.

Q.V

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang