• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phá Tam Giang - "nguồn sữa" sắp cạn

Nguồn tin: Lao Động, 15/04/2009
Ngày cập nhật: 25/4/2009

Ở Huế có thời truyền khẩu một câu chuyện đầy tự hào: Một đôi vợ chồng người Úc, hàng năm cứ vào mùa hè là đến Huế, ghé vào nhà hàng Ông Táo, gọi duy nhất một con cá dìa hấp.

Điều lạ là đôi vợ chồng này không ăn thịt cá, mà chỉ ăn... bộ lòng cá! Ăn uống sành đến thế là cùng, bởi cá dìa đánh bắt ở phá Tam Giang, bộ lòng ngon có thể nói không có sách vở nào tả hết...

Hôm rồi, có dịp cùng nhóm bạn ngồi ở một nhà hàng ven phá, cũng bắt chước gọi một dĩa cá dìa hấp và không quên dặn chủ quán cá phải để nguyên lòng. Chủ quán phất cái nhìn ngạc nhiên, nhưng cũng làm theo. Cá bưng lên, ngay lập tức ba - bốn đôi đũa chĩa vào bộ lòng cá, nhưng cho vào chưa tới mồm đã đồng loạt nhổ ra vì không chịu được mùi hôi.

Hoá ra chuyện về đôi vợ chồng người Úc ở nhà hàng Ông Táo là chuyện của hơn 10 năm về trước. Ông chủ quán cười giải thích: "Bây giờ, bộ lòng cá dìa và nhiều loài cá khác đều là đồ bỏ, bởi cá dìa ở phá Tam Giang đã gần như tuyệt chủng. Cá mà các chú đang ăn là cá nuôi. Vả lại bây chừ, cá nuôi hay cá đánh bắt thì cũng...hôi như nhau vì nguồn nước ô nhiễm...".

Mỗi sáng đổ... 2 chỉ vàng

Trên chuyến đò ngang băng phá về vùng Ngũ Điền từ bến đò Cồn Tộc, ông Phan Linh - một lão ngư đã gần 60 tuổi ở thôn Minh Hương, xã Điền Hải, huyện Phong Điền - hồi nhớ về những năm tháng huy hoàng của nghề đánh bắt thuỷ sán trên phá: "Có nằm mơ tui cũng không ngờ được có ngày việc kiếm sống trên phá Tam Giang lại khó khăn như bây giờ".

Trong thâm tâm, ông Linh cũng như hàng chục ngàn người dân khác ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc...đều xem phá Tam Giang là một "mỏ vàng" không bao giờ cạn kiệt. Ông Linh bảo cách đây chục năm về trước, tôm cá nhiều đến mức mỗi sáng thức dậy, chỉ cần một vòng đổ nò quanh trộ sáo, về bán tiền thu được sau khi trừ chi phí còn đổ được ...2 chỉ vàng.

"Hồi nớ làm nghề sướng như tiên vì ra ngoài phá đụng bất kỳ chỗ mô trong cạn, ngoài sâu cũng có tôm cá" - ông nhớ lại. Mỗi sáng, tôm cá gia đình ông đánh bắt được không những phân phối cho hầu hết các chợ ở vùng Ngũ Điền, mà còn bán cho "con buôn" theo những chuyến đò dọc chở lên tận các chợ lớn ở thành phố Huế để bán lại. Có thể ông nói bốc lên, nhưng chuyện tôm cá đầy phá là chuyện có thiệt từ nhiều năm trước.

Ông Võ Lậm - người dân ở đội 9, xã Điền Hoà, huyện Phong Điền - rất tự hào kể lại chuyện xưa: "Hồi đó, trong lúc ở ngoài biển (dân sống dọc biển) ngày đêm đứng trước sự lựa chọn sinh tồn: Vượt biển hoặc ở nhà chờ chết đói; những người trên làng (sống bằng nghề nông) đang lay lắt với duy nhất những mảnh ruộng triền miên mất mùa, năng suất thấp; thì các cư dân vùng đầm phá tụi tui lại sống rất xênh xang và nhàn tản".

Thời đó, con gái "trên bờ" xuống lấy chồng "dưới sáo" (chỉ những cư dân đầm phá) là mốt, là niềm tự hào của cả gia đình, dù trước đó, suốt chiều dài hàng trăm năm, vì là dân ngụ cư, xuất thân từ sông nước nên cư dân đầm phá thường không được những người "trên bờ" tôn trọng và đánh giá cao.

Bầu sữa sắp cạn kiệt

Trên chiếc thuyền máy ra trộ sáo giữa phá để đổ nò lúc mờ sớm, ông Phan Kiến - lão ngư ở thôn 1, xã Điền Hải, huyện Phong Điền - than thở: "Bây giờ khó khăn lắm, tôm cá trên phá chỉ còn khoảng 2/10 so với trước. Ngày xưa kiếm tiền triệu, tiền trăm, bây giờ mỗi ngày chỉ kiếm dăm bảy chục ngàn đủ sống qua ngày". Lời than của ông Phan Kiến đã được kiểm chứng ngay sau đó với việc chạy đò đi quanh trộ sáo, đổ dốc ngược tất cả các nò, nhưng cũng chỉ thu về lèo tèo mấy con tôm đất và cá bộng.

Theo ông Kiến thì bây giờ việc làm nò sáo như thế này không thu được kết quả cao, nhưng không ai bỏ, thậm chí làm nhiều hơn là bởi truyền thống có từ đời cha ông, kiểu như ở trên cạn, dù làm ruộng thua lỗ, nhưng người dân không thể không bám ruộng. Bây giờ, ngư dân trên phá sống được là nhờ sử dụng, cập nhất tất cả những phương tiện đánh bắt hiện đại nhất như lừ khung sắt - một phương tiện đánh bắt có nguồn gốc từ Trung Quốc có tính sát thương rất cao vừa mới được đưa vào sử dụng.

Và chính việc phát triển công cụ đánh bắt, phương tiện đánh bắt tự phát quá nhanh, trong khi mức sản xuất tự nhiên của đầm phá lại có hạn, dẫn đến hiện tượng suy giảm trữ lượng nghiêm trọng. Hiện trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có 6 loại nghề khai thác cố định và 8 loại nghề khai thác lưu động với hơn 5.000 phương tiện khai thác. Sản lượng khai thác vùng đầm phá Tam Giang trước đây có số liệu từng ghi nhận đến 4.500 tấn/năm.

Tuy nhiên, theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh TT-Huế thì đến nay chỉ còn chưa đầy 2.000 tấn/ năm. Đặc biệt, theo ghi nhận của Viện Nghiên cứu bảo hộ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), trong chuyến khảo sát, tiếp xúc với ngư dân mới đây thì hiện trên phá Tam Giang, một số loài cá và tôm, cua đặc thù và cho giá trị kinh tế cao như cá que hương, cá me, cá sơn, cá móm, cá liệt, tôm bạc đã ngày một ít đi và có loài gần như không đánh bắt được.

Gần đây nhất, không hiểu sao cá rò (còn gọi là cá kình con), loài cá hiếm chỉ có ở vùng Tam Giang - Cầu Hai, giá bán ở thị trường khoảng 25.000 - 40.000đ/kg, đã không thấy xuất hiện. Một số ngư dân cho giả thiết là loài này đã tuyệt chủng.

Có quản lý được không?

Về phá Tam Giang những ngày này, đâu đâu cũng chuyện thời sự là quyết định giải toả, sắp xếp lại nò sáo trên phá của UBND tỉnh TT-Huế vừa mới ban hành, nhằm để phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, nguồn tài nguyên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, ổn định đời sống của nhân dân sống dựa vào đầm phá.

Theo đó, sẽ thực hiện quy hoạch phân vùng khai thác nghề nò sáo trong đầm phá và giảm 50% số lượng nò sáo đến năm 2010; giảm áp lực khai thác nghề nò sáo nhằm từng bước phục hồi môi trường sinh thái, nguồn lợi thuỷ sản; từng bước xây dựng hoàn thiện chính sách hợp lý về việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp tạo sinh kế cho cư dân sống phụ thuộc vào đầm phá ...

Trong hai năm 2008 -2009, kế hoạch này sẽ được triển khai ở huyện Phong Điền với các xã Điền Hải và Điền Hoà, với 65 trộ nò sáo sẽ bị giải toả và 48 trộ nò sáo nằm trong diện phải sắp xếp lại. Đây không phải là lần đầu tiên UBND tỉnh "can thiệp" vào việc đánh bắt trên phá.

Vấn đề đã được báo động và nhìn nhận từ nhiều năm nay, đã có rất nhiều cuộc hội thảo, nhiều chỉ thị, dự án...đã được triển khai nhằm cứu phá Tam Giang khỏi cạn kiệt, tuy nhiên, mọi chuyện vẫn đâu lại vào đấy theo thời gian.

Ngạc nhiên là phần lớn người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt trên phá đều không đồng tình với quyết định của tỉnh. Họ xem như việc đánh bắt ồ ạt, tràn lan, tận diệt...trong nhiều năm qua khiến môi trường nước bị ô nhiễm, nhiều loại hải sản bị tuyệt chủng, sản lượng ngày một ít đi...là việc của một ai đó rất mơ hồ chứ mình không có trách nhiệm.

"Việc đánh bắt theo kiểu tận diệt, tràn lan dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi như hiện nay là do dân ở các vùng bên Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, chứ dân ở đây làm ăn nghiêm túc, khai thác nhỏ giọt, có chi ảnh hưởng mô?" - ông Võ Lâm - một ngư dân ở xã Điền Hoà, huyện Phong Điền - nói.

Gần đây nhất, UBND tỉnh TT-Huế ra chỉ thị về việc cấm phát triển, gia tăng về số lượng "lừ" sử dụng khai thác thuỷ sản trên vùng nước đầm phá (nhất là lừ có mắt lưới dưới 18mm) và yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không để phát triển nghề lừ một cách tự do về số lượng và quy cách, tránh gây hại đến môi trường đầm phá và nguồn lợi thuỷ sản.

Đem việc này về hỏi các ngư dân ở đầm phá, đâu đâu cũng nhận được câu trả lời là "chúng tôi chỉ sử dụng lừ rất ít, vả lại việc sử dụng lừ mắt lưới dưới 18mm là ở mô đó, chớ vùng ni có ai làm mô mà cấm" (!). Nói vậy, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi thì hiện việc sử dụng lừ - đặc biệt là lừ có mắt lưới nhỏ để đánh bắt tôm đất, hiện gần như phổ biến trên phá.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích 21.594ha, dài 67km, rộng hơn 4km, gồm 1 phá và 4 đầm. Đây được đánh giá là hệ đầm phá rộng lớn và phong phú nhất khu vực Đông Nam AÁ về loài. Vùng phá Tam Giang - Cầu Hai đang lưu giữ một nguồn gene khá phong phú gồm hơn 600 loài. Trong đó có 43 loài có thể khai thác dùng cho công nghiệp, sản xuất phân bón; 12 loài tôm, 18 loài cua và nhiều loại thân mềm khác.

Đặc biệt, có đến 223 loài cá, với 20 -25 loài có giá trị kinh tế cao như: Cá hanh, sạo chấm, đìa, dầy, mòi chấm... Ngoài ra, còn có hơn 300 loài thực vật phù du, thực vật nhỏ bùn đáy, thực vật bậc cao, động vật phù du, động vật đáy...

Hoàng Văn Minh

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang